Print

Hóa giải nỗi lo cuối năm

Thứ Ba, 27 /12/2022 09:08

Tình trạng DN bị cắt giảm đơn hàng, NLĐ bị mất việc làm hoặc giảm việc làm để lại hệ lụy rất lớn, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán đến gần... Do đó, cải cách chính sách BHXH để tăng cường khả năng thích nghi, chống chịu cho NLĐ trước khủng hoảng thị trường là việc cần làm.

Dẫn số liệu NLĐ bị mất việc làm gần đây, ông Ngọ Duy Hiểu- Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: “Đối với NLĐ, giảm giờ làm là giảm tiền lương, thu nhập; mất việc làm là mất tiền lương, mất thu nhập. Trong bối cảnh sau 2 năm chống chọi với đại dịch, NLĐ đã không còn tích lũy, thì việc chịu thêm cú sốc về việc làm và thu nhập sẽ “đánh gục” không ít NLĐ, đặc biệt là nhóm yếu thế như lao động nữ, lao động nhiều tuổi, lao động là người khuyết tật…”.

Cũng theo ông Hiểu, trong bối cảnh bình thường, nhiều NLĐ đã phải sống tằn tiện, gửi con về quê, đời sống vật chất thiếu thốn, đời sống tinh thần gần như bỏ trống, không có hoặc có rất ít tích lũy, rất dễ bị tổn thương trước biến cố hoặc khủng hoảng. Vì vậy, trước tình hình trên, các cấp Công đoàn đã nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm bớt khó khăn cho NLĐ. Cụ thể như: Tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho NLĐ bị mất việc làm. Tham gia, đề xuất với DN xây dựng phương án nghỉ Tết, trả lương, trả thưởng và công bố trước khi nghỉ Tết ít nhất 20 ngày. Đề xuất tham gia, đối thoại, thương lượng với chủ SDLĐ về đào tạo, đào tạo lại để tiếp tục sử dụng NLĐ…

Đặc biệt, trong dịp Tết Quý Mão 2023, các cấp Công đoàn tiếp tục triển khai chăm lo cho đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, mất việc làm thông qua Chương trình “Tết sum vầy- Xuân gắn kết” như: Tổ chức phương tiện đưa, đón miễn phí hoặc hỗ trợ toàn bộ, một phần chi phí phương tiện để đoàn viên, NLĐ về quê đón Tết, trở lại làm việc; tổ chức các các hoạt động vui Xuân, thăm hỏi, động viên NLĐ không có điều kiện về quê đón Tết; tổ chức 22 Chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2023” với 40-120 gian hàng mỗi Chương trình, để cung cấp các mặt hàng thiết yếu với giá ưu đãi 15-70%, tổ chức gian hàng “0 đồng”…

Ngoài ra, ông Ngọ cũng cho rằng, cần nhiều giải pháp đồng bộ vừa hỗ trợ trong ngắn hạn, vừa hỗ trợ trong dài hạn nhằm tăng cường khả năng thích nghi, chống chịu cho NLĐ trước khủng hoảng, biến động của thị trường. Cụ thể như: Tăng cường cung cấp thông tin về thị trường lao động; tiếp tục thực hiện các chính sách đã ban hành hỗ trợ NLĐ; nghiên cứu ban hành chính sách mới hỗ trợ kịp thời, thỏa đáng, sát thực tế đối với NLĐ ở 3 mức độ (bị mất việc, tạm hoãn HĐLĐ, giảm giờ làm), nhất là khi Tết Nguyên đán cận kề… Đặc biệt, về lâu dài, ông Ngọ cho rằng, cần có chính sách thu hút đầu tư và tiền lương thỏa đáng; đồng thời phải mở rộng chính sách BHXH nhằm đủ sức hỗ trợ NLĐ trong lúc khó khăn.

Thái An