Print

Nỗ lực tạo dựng “hệ giá trị” về an sinh

Thứ Ba, 24 /01/2023 17:51

Trao đổi với phóng viên Tạp chí BHXH, ông Lâm Văn Đoan cho biết: Từ khi đổi mới đến nay, chính sách BHXH, BHYT dần được hoàn thiện, góp phần bảo đảm ổn định xã hội, tạo điều kiện cho sự tăng trưởng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, hệ thống chính sách an sinh xã hội của Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, rào cản, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, trong đó có ngành BHXH Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ được giao, nhằm nâng cao tỷ lệ bao phủ và chất lượng an sinh xã hội cho người dân.

* PV: Những thành quả ngành BHXH Việt Nam đạt được đã được các cấp, các ngành ghi nhận và đánh giá rất cao, nhất là trong việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ. Vậy, ông nhận định thế nào về vai trò của ngành BHXH Việt Nam trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội?

- Ông Lâm Văn Đoan: Trong nhiều năm qua, ngành BHXH Việt Nam cùng với Bộ LĐ-TB&XH luôn nỗ lực thực hiện tốt vai trò bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Nhiều Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban TVQH và Chính phủ, nhất là trong giai đoạn đại dịch COVID-19 đã được tham mưu xây dựng, ban hành, triển khai đạt hiệu quả rõ nét.

Nhìn lại qua 8 năm (tính từ năm 2014), Quốc hội lần đầu tiên giao cho ngành BHXH Việt Nam thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT và mang lại hiệu quả thiết thực. Trong giai đoạn hiện nay, với việc đẩy mạnh chuyển đổi số, tôi tin rằng, ngoài đạt những kết quả tích cực trong cải cách TTHC lĩnh vực thanh tra, chúng ta có thể tiến tới thiết kế nhiều giải pháp “số hóa” với các phần mềm chuyên dụng để tự động thống kê, rà soát, phát hiện những vấn đề bất cập phát sinh và cả những vi phạm để phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn kịp thời.

* Hằng năm, Ủy ban Xã hội có nhiệm vụ theo dõi, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. Với vị trí của mình, ông đánh giá thế nào và có kiến nghị gì về việc chuyển đổi tác phong phục vụ của ngành BHXH Việt Nam?

- Ngành BHXH Việt Nam có chức năng phục vụ người dân, gắn bó trực tiếp với cuộc sống của người dân, NLĐ. Do đó, mọi hoạt động của Ngành về cơ bản đều hướng tới mục đích cuối cùng là phục vụ nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân ngày càng tốt hơn. Nhiều năm qua, Ngành đã có nhiều nỗ lực trong việc cải tiến chất lượng phục vụ. Đặc biệt, cùng với nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số, toàn Ngành còn công khai, minh bạch trong thu, chi, giải quyết các chế độ BHXH, BHYT.

Theo đó, đã cung cấp 100% DVC trực tuyến mức độ 4 cho tất cả các TTHC của Ngành; tích hợp, cung cấp 20 DVC thuộc 14 TTHC của BHXH Việt Nam trên Cổng DVC quốc gia; hiện đã triển khai 7 DVC trên ứng dụng VssID; hằng năm tiến hành khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức và DN đối với sự phục vụ của Ngành…

Tuy nhiên, tôi cho rằng, những việc đã làm được rất nhiều nhưng vẫn chưa đủ. Do đó, ngành BHXH Việt Nam cần thực hiện một số đột phát quan trọng trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN. Cụ thể:

Một là, đẩy mạnh chuyển đổi số không chỉ ở dữ liệu, quy trình TTHC, mà cần tiến tới chuyển đổi số toàn diện. Quá trình này kéo theo sự thay đổi về mọi mặt trong hoạt động của Ngành, từ quy trình làm việc, con người, hạ tầng, chính sách, thói quen, các mối quan hệ, cho đến văn hóa tổ chức… Thủ tướng Chính phủ- Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số có thông điệp nhân Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022, trong đó nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt là lấy người dân, DN là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải để người dân, DN hưởng lợi từ DVC, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn. Như vậy, ngành BHXH Việt Nam cần sớm có kế hoạch, lộ trình cụ thể để tiến tới chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực của Ngành.

Hai là, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện bộ công cụ khảo sát đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức và DN đối với sự phục vụ của ngành BHXH Việt Nam, tiến tới triển khai đánh giá trực tiếp ý kiến của người dân về mức độ hài lòng đối với CCVC và ngành BHXH Việt Nam trong quá trình xử lý, giải quyết chính sách, chế độ. Đây là thách thức lớn đối với toàn Ngành trong việc chuyển đổi tác phong phục vụ người dân, tổ chức, DN.

Ba là, xây dựng đội ngũ CCVC, NLĐ ngành BHXH Việt Nam giỏi chuyên môn nghiệp vụ, yêu nghề, gắn bó với nghề; đi đôi với bảo đảm đời sống CCVC toàn Ngành ngày càng tốt hơn để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin tưởng giao phó.

* Một trong những thành tựu đáng ghi nhận của ngành BHXH Việt Nam là xây dựng nền tảng số và có những bước chuyển đổi cả về chất và lượng để thực hiện chuyển đổi số. Theo ông, các ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong hoạt động của ngành BHXH Việt Nam đã thực sự giúp gia tăng trách nhiệm, tinh thần phục vụ?

- Ngành BHXH Việt Nam là một trong những cơ quan tiên phong và đạt được thành tựu vượt bậc trong thực hiện chuyển đối số quốc gia, góp phần bảo đảm quyền an sinh của người dân; sự công khai, minh bạch trong việc thực hiện các chính sách; kiểm soát, ngăn ngừa tình trạng lạm dụng, trục lợi chính sách và tăng cường sự giám sát của nhân dân, tổ chức, DN đối với việc thực thi chính sách an sinh xã hội.

Công tác chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam được triển khai từ rất sớm, tốc độ nhanh, là do có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ để Ngành có thể tập trung đầu tư phát triển hạ tầng CNTT, từng bước tiến tới thực hiện mục tiêu chuyển đổi số toàn diện, bao trùm, tích hợp, tập trung cấp quốc gia, hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế. Với quy trình nghiệp vụ tự động hóa, lại được vận hành bởi nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao, ngành BHXH Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội quốc gia, phục vụ người dân và DN ngày toàn diện hơn.

Hiện nay, về cơ bản, tất cả các TTHC của ngành BHXH Việt Nam đều được thực hiện trên không gian số. Điều này không chỉ tạo sự thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí cho các cá nhân, tổ chức khi tham gia và hưởng các chế độ, mà quan trọng là giúp cho DN, NLĐ dễ dàng tự theo dõi, tự kiểm tra, giám sát tiến độ xử lý hồ sơ, kiểm tra đối chiếu dữ liệu thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT và giải quyết các chế độ liên quan.

Đặc biệt, đã giúp nâng cao tính minh bạch của thông tin, góp phần ngăn chặn, giảm thiểu tiêu cực, trục lợi trong lĩnh vực này. Đồng thời, gia tăng trách nhiệm, tinh thần phục vụ của mỗi CCVC, NLĐ trong thực hiện nhiệm vụ. Có thể thấy rằng, kết quả này đã tác động trực tiếp, xuyên suốt, hướng tới mục tiêu chung của Ngành là phục vụ ngày càng tốt hơn DN, người dân và các chủ thể tham gia BHXH, BHYT.

* Theo ông, để đạt mục tiêu BHXH toàn dân theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, các cấp, các ngành cần phải vào cuộc như thế nào để vừa xây dựng được “văn hóa BHXH”, vừa góp phần thực hiện hiệu quả chính sách BHXH, BHYT?

- Các nhà nghiên cứu đã nói rằng, văn hoá là hệ giá trị chính thống của một xã hội. Vì vậy, trong quá trình hình thành và phát triển của mỗi quốc gia, ở mỗi vùng miền, từng tộc người, từng cơ quan, tổ chức đều hình thành nên những giá trị văn hóa để tạo ra sự thống nhất về nhận thức và định hướng hành vi cho mỗi cá nhân và cộng đồng. Trong lĩnh vực an sinh xã hội, mục tiêu lâu dài là phổ cập an sinh xã hội toàn dân, mà trụ cột là BHXH, BHYT toàn dân.

BHXH là một thiết chế an sinh, một giá trị phổ quát của nhân loại đã xác lập được trên con đường công nghiệp hoá và sự phát triển của kinh tế thị trường, để bảo vệ người dân, NLĐ phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục những rủi ro trong cuộc sống. Trong truyền thống, chúng ta cũng có giá trị về tự an sinh của người dân, an sinh của làng xã, của nhà nước, song nó không và chưa đủ bao trùm, toàn diện đáp ứng những nhu cầu an sinh, bảo vệ con người trước các cú sốc, rủi ro gặp phải.

Do đó, một mặt chúng ta vẫn cần kế thừa và phát huy truyển thống an sinh trong lịch sử dân tộc, nhưng để hình thành “văn hoá BHXH” hiện đại, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế là một quá trình lâu dài, liên tục hoàn thiện, phù hợp với từng giai đoạn lịch sử và sự tham gia của cả hệ thống chính trị cũng như từng người dân. Văn hóa BHXH- hay nói cách khác là hệ giá trị về an sinh xã hội trong lĩnh vực BHXH, BHYT sẽ có vai trò định hướng cho các mục tiêu, phương thức và sự lựa chọn trong hành động của con người, tổ chức, cộng đồng xã hội. Các giá trị về an sinh của từng cá nhân, nhóm xã hội, cơ quan, tổ chức, tộc người, cộng đồng trong xã hội sẽ tạo thành một hệ giá trị về an sinh xã hội và BHXH. Nhà nước đóng vai trò trung tâm trong việc thiết kế, vận hành các thiết chế BHXH trong từng giai đoạn lịch sử.

Trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang tiến tới thực hiện mục tiêu “phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân với các chính sách phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro cho người dân, bảo đảm trợ giúp cho các nhóm đối tượng yếu thế. Cải cách hệ thống BHXH đa tầng dựa trên nguyên tắc đóng-hưởng, chia sẻ, bền vững”.

Để thực hiện được mục tiêu tổng quát này, “văn hóa tổ chức” của Ngành cũng cần được xây dựng, hoàn thiện gắn với mục tiêu phục vụ nhân dân, bảo đảm ngày càng tốt hơn nhu cầu an sinh xã hội của người dân, tổ chức, DN và nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước giao. Tiếp đến là sự tham gia của Mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội, các hội quần chúng với tính chất là các tổ chức đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người tham gia BHXH; vận động người dân, NLĐ tham gia đóng BHXH, nhất là BHXH tự nguyện; thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội đối với chính sách, pháp luật BHXH.

Cuối cùng là vai trò trung tâm của từng người dân, NLĐ- cần phải có hiểu biết, kiến thức về việc “tự an sinh” cho bản thân để phòng ngừa, giảm thiểu, hạn chế các rủi ro trong cuộc sống thông qua vào việc tham gia, thụ hưởng các chính sách BHXH, BHYT. Đồng thời, thể hiện vai trò tuân thủ pháp luật, trách nhiệm xã hội của DN trong việc đóng-hưởng BHXH, BHYT cho NLĐ để bảo đảm an sinh lâu dài.

Chúng ta tin tưởng rằng, văn hóa an sinh nói chung và văn hóa BHXH nói riêng sẽ là một hệ giá trị ngày càng đóng vai trò quan trọng, mang tính phổ quát, chuẩn mực hành động để người dân, NLĐ và DN lựa chọn thực hiện trong quá trình tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững đất nước.

* Trân trọng cám ơn ông!

Vũ Thu (Thực hiện)

Đồ hoạ: Thanh An