Cần tháo gỡ được những vướng mắc hiện nay
Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang thu hút sự quan tâm của NLĐ, dư luận xã hội. Các nội dung đề xuất sửa đổi chỉ có thể “đứng vững” và đi vào cuộc sống khi xử lý được các vướng mắc, bất cập hiện nay.
Dự kiến tháng 10/2023, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) sẽ chính thức trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu. Với mục tiêu để BHXH trở thành trụ cột chính của hệ thống ASXH, từng bước mở rộng diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) được kết cấu thành 9 Chương, 133 Điều.
Sau gần 1 tháng lấy ý kiến, nội dung được dư luận quan tâm nhất của Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) là đề xuất giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm và đề xuất thay đổi quy định về BHXH một lần. Theo lý giải, việc giảm năm đóng BHXH sẽ tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục được hưởng lương hưu. Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng, do cách tính mức lương hưu dựa trên thời gian đóng góp và mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH nên việc giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH sẽ xuất hiện thêm nhiều trường hợp người nghỉ hưu ở mức lương thấp. Đặc biệt, những người tham gia BHXH tự nguyện với mức thu nhập thấp thì mức hưởng lương hưu khi đủ tuổi hưu sẽ càng thấp, không đảm bảo được nhu cầu sống tối thiểu. Và như vậy, việc sửa đổi sẽ không khuyến khích được người dân tham gia BHXH tự nguyện, ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu bao phủ BHXH.
Tuy nhiên, quan điểm, mục tiêu sửa đổi Luật BHXH là để mở rộng và gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn nhằm thu hút NLĐ tham gia BHXH, bảo đảm ASXH cho người dân dựa trên quyền con người theo quy định của Hiến pháp. Đồng thời, việc sửa đổi Luật BHXH cũng nhằm thể chế quan điểm mục tiêu của Đảng theo Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH theo hướng đa tầng, linh hoạt, hiện đại, hội nhập, tiến tới bao phủ toàn bộ lực lượng lao động, từng bước tiến tới BHXH toàn dân. Đồng thời, quan điểm của Đảng là bảo đảm cân bằng lợi ích của người dân và Nhà nước với vai trò Nhà nước bảo hộ quỹ BHXH và hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện cũng như có giải pháp bảo toàn, tăng trưởng quỹ. Đặc biệt, Đảng đã đưa rõ mục tiêu đến năm 2030, 60% lao động trong độ tuổi tham gia BHXH và đến năm 2045 toàn bộ người sau độ tuổi lao động được hưởng lương hưu, BHXH và trợ cấp hưu trí xã hội.
Chính vì vậy, để giải quyết căn cơ tình trạng này, quan trọng nhất là tạo được niềm tin và sự đồng thuận của NLĐ. Nhà nước cần phải nỗ lực hơn để NLĐ hiểu ý nghĩa, giá trị của BHXH và có chính sách hỗ trợ, giải quyết những khó khăn trước mắt để mọi người dân đều tham gia và ở lại lưới an sinh…
Nguyệt Hà