Thứ Tư, 18 /09/2024 13:50

Năm học 2023-2024, chính sách BHYT tại Thừa Thiên Huế đã bao phủ đến 96% HSSV với khoảng 230.000 em. Trong đó, nhiều huyện đạt tỷ lệ 100% HSSV tham gia BHYT như: Hương Thủy, Phong Điền, A Lưới... HSSV tham gia BHYT đồng nghĩa với việc các em được đảm bảo và thụ hưởng đầy đủ các quyền lợi BHYT theo quy định; nếu không may ốm đau, bệnh tật, các em sẽ được quỹ BHYT thanh toán số tiền KCB không giới hạn theo phạm vi, mức hưởng, có thể lên tới hàng tỷ đồng/năm. Cụ thể, khi tham gia BHYT, nếu HSSV đi KCB đúng tuyến sẽ được quỹ BHYT chi trả 80% chi phí KCB trong phạm vi, quyền lợi được hưởng. Đặc biệt, HSSV khi tham gia còn được CSSKBĐ ngay tại trường học; được KCB BHYT với các thủ tục thuận tiện, thông thoáng; được tiếp cận các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, chi phí lớn;… Quỹ BHYT đã chi trả cho rất nhiều bệnh nhân là HSSV mắc các bệnh nan y, mạn tính phải điều trị dài ngày, nhiều đợt (như: chạy thận nhân tạo, điều trị ung thư, phẫu thuật tim mạch,…) với chi phí từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Nhờ có thẻ BHYT, nhiều HSSV và gia đình chủ động về chi phí KCB, vơi đi gánh nặng tài chính giữa lúc khó khăn khi không may bị ốm đau, bệnh tật, để HSSV yên tâm chữa bệnh, điều trị sớm quay lại môi trường cuộc sống và học tập bình thường.

Để phát triển BHYT HSSV, ngoài việc phối hợp với ngành GD-ĐT và các trường học tuyên truyền vận động HSSV tham gia BHYT, BHXH tỉnh còn tiến hành triển khai các đợt cao điểm tuyên truyền về BHYT HSSV. Đồng thời, liên ngành ĐH Huế, Sở GD-ĐT, Sở Y tế, Sở Tài chính và BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ động, phối hợp chặt chẽ trong tổ chức thực hiện, kịp thời hướng dẫn, xử lý những vướng mắc nếu có. Công tác thanh quyết toán kinh phí NSNN hỗ trợ đóng BHYT kịp thời, đúng quy định.

Đáng chú ý, trong khi Luật BHYT chưa có quy định chi tiết cho y tế dự phòng nhưng nhóm HSSV đã được hưởng các quyền lợi này thông qua việc CSSKBĐ tại nhà trường. Công tác CSSKBĐ tại các trường học hiện đang vận hành chủ yếu từ nguồn kinh phí trích lại từ quỹ KCB BHYT cho hoạt động y tế trường học (trong đó có nội dung chi hỗ trợ khám sức khỏe định kỳ và phân loại sức khỏe cho HS đầu năm học; tổ chức các hoạt động tư vấn giáo dục, sức khỏe và phòng bệnh…).

Công tác CSSKBĐ tại trường học không chỉ giúp HSSV và gia đình phát hiện bệnh kịp thời, chăm sóc và tạo điều kiện điều trị các căn bệnh học đường mà còn dự phòng nhiều căn bệnh, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường có thể dẫn tới những căn bệnh mạn tính, nan y…

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh vẫn còn khoảng 4% HSSV chưa tham gia BHYT, tập trung ở nhóm SV các trường ĐH và HS các trường CĐ, trung cấp, đào tạo nghề. Một số HSSV và phụ huynh vẫn còn hiểu chưa thấu đáo về chính sách BHYT và cho rằng chỉ cần tham gia BHYT những lúc ốm đau.

Thừa Thiên Huế chưa đạt 100% HSSV tham gia BHYT có nhiều nguyên nhân như: Chính quyền địa phương chưa có phương án hỗ trợ thêm kinh phí tham gia BHYT cho HSSV; sự lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền có lúc còn thiếu quyết liệt; một bộ phận phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa của chính sách BHYT; công tác KCB dù có nhiều tiến bộ song vẫn chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của HSSV và phụ huynh, nhất là tuyến y tế cơ sở. Đặc biệt, dù Luật BHYT quy định BHYT là bắt buộc, nhưng lại chưa có chế tài đối với những trường hợp không tham gia…

Khảo sát của BHXH tỉnh cho thấy một số trường học chưa triển khai hoặc triển khai chưa tốt BHYT HSSV, chưa đưa khoản thu BHYT vào đầu năm học, làm sai họ tên hoặc bỏ sót HSSV, chưa nắm chính xác số HSSV có thẻ BHYT thuộc các nhóm đối tượng khác hoặc số HSSV có biến động... Việc thu BHYT 2 kỳ trong năm học và việc đào tạo theo tín chỉ khó tập trung SV; công tác CSSKBĐ cho HSSV của nhiều trường học chưa tốt bởi thiếu cán bộ y tế, thiếu cơ sở vật chất; công tác tuyên truyền về BHYT, đặc biệt là BHYT HSSV tuy có nhiều cố gắng nhưng hiệu quả chưa cao.

Năm học mới 2024- 2025, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho HSSV và các bậc phụ huynh, nhất là về lợi ích và trách nhiệm khi tham gia BHYT. Phối hợp với các cơ sở GD lập danh sách HSSV và tổ chức thu BHYT kịp thời, để các em được hưởng quyền lợi liên tục. Phối hợp với các nhà trường kiện toàn, củng cố, bồi dưỡng năng lực đội ngũ cán bộ y tế trường học, đầu tư cơ sở vật chất cho các phòng y tế tại các cơ sở GD…, đảm bảo 100% trường học được sử dụng nguồn kinh phí trích lại từ quỹ BHYT dành cho công tác y tế trường học.

BHXH tỉnh cũng sẽ tăng cường chỉ đạo, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHYT, việc sử dụng nguồn kinh phí trích lại từ quỹ BHYT dành cho công tác y tế trường học. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT quy định về công tác y tế trường học và Thông tư số 10/2016/TT-BGDĐT ban hành Quy chế công tác SV đối với chương trình đào tạo ĐH hệ chính quy, trong đó có quy định về trách nhiệm đóng học phí, BHYT của HSSV. Đồng thời, cùng ngành Tài chính đề xuất nâng mức cho vay đối với SV, đặc biệt là những SV có hoàn cảnh khó khăn không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, tạo điều kiện để các em có nguồn tài chính trang trải học tập, tham gia BHYT. Phối hợp với Sở GD-ĐT tham mưu đề xuất với UBND các cấp hỗ trợ mức đóng BHYT đối với HSSV ngoài mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương. Khen thưởng, biểu dương kịp thời những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác BHYT HSSV…

Bài: Vũ Thu

Đồ họa: Hiểu Thanh