Thứ Sáu, 28 /06/2024 21:05

Ngày 7/9/2009, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 38-CT/TW về đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới. Sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức và hành động trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách BHYT từ Trung ương đến địa phương và lan tỏa đến toàn thể người dân. Với ngành BHXH Việt Nam, việc triển khai Chỉ thị số 38-CT/TW đã được thực hiện nghiêm túc, đồng bộ; 100% cấp ủy Đảng, đơn vị trực thuộc, BHXH cấp tỉnh và cấp huyện đã phổ biến quán triệt tới từng đảng viên, CCVC và NLĐ.

Với vai trò là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách BHYT, cơ quan BHXH đã tổng hợp, đánh giá tác động những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn; trên cơ sở đó kiến nghị, đề xuất các cơ quan thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật BHYT cho phù hợp. Cụ thể như xây dựng Luật BHYT, các Nghị định, Thông tư, các văn bản pháp luật, chính sách liên quan đến BHYT…

Cùng với đó, ngành BHXH Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các ban của Đảng; các bộ, ban, ngành; tổ chức chính trị- xã hội, đoàn thể; cơ quan thông tấn báo chí từ Trung ương đến địa phương để tuyên truyền phổ biến Chỉ thị và chính sách BHYT, tạo sự ủng hộ, đồng thuận của toàn xã hội trong suốt quá trình xây dựng, hoàn thiện và thực thi chính sách. Đặc biệt, với vai trò là cơ quan chủ trì trong công tác truyền thông chính sách BHYT, ngành BHXH Việt Nam đã có những đổi mới theo hướng chuyên nghiệp cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông ngày càng đa dạng, phong phú, phù hợp với đặc thù từng nhóm chủ đề, đặc điểm văn hóa vùng miền.

Trên cơ sở công tác truyền thông quyết liệt, hiệu quả, độ bao phủ BHYT đã tăng nhanh và phát triển bền vững. Thời điểm năm 2008 (trước khi Ban Bí thư có Chỉ thị 38), toàn quốc mới chỉ có 39,7 triệu người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ đạt 46,1% dân số; đến năm 2023 đã có 93,6 triệu người tham gia, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2008, tỷ lệ bao phủ đạt 93,35% dân số, trong khi mục tiêu đặt ra năm 2024 là BHYT sẽ bao phủ trên 94% và đến 2025 sẽ bao phủ trên 95% dân số. Thống kê trong 3 năm gần đây cho thấy tỷ lệ dân số tham gia BHYT đều đạt trên 90%, thể hiện sự bền vững của chính sách này.

Bên cạnh đó, công tác quản lý và sử dụng quỹ BHYT vừa đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT, vừa đảm bảo tối ưu hóa nguồn quỹ. Hằng năm, bình quân có trên 150 triệu lượt người KCB, quỹ BHYT chi trả trên 100.000 tỷ đồng. Năm 2023 có trên 174 triệu lượt KCB BHYT. Hệ thống KCB BHYT được tổ chức tốt từ trung ương đến địa phương, bao gồm các cơ sở KCB công lập và tư nhân, đã tạo thuận lợi cho việc tiếp cận dịch vụ KCB của người có thẻ BHYT.

Đến nay, các ứng dụng CNTT, hoạt động cải cách TTHC, chuyển đổi số trong toàn bộ hệ thống ngành BHXH Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo quyền lợi BHYT cho người tham gia BHYT; đảm bảo người dân được bảo vệ, chăm sóc, KCB, nâng cao sức khỏe. Hiện, BHXH Việt Nam đang duy trì hoạt động Trung tâm dữ liệu tập trung và đảm bảo an toàn thông tin cho 28 hệ thống ứng dụng phục vụ nghiệp vụ, đảm bảo 100% nghiệp vụ của Ngành thực hiện trên phần mềm ứng dụng. Đồng thời, với việc triển khai Hệ thống thông tin giám định BHYT, Cổng tiếp nhận dữ liệu của Hệ thống đã kết nối trực tuyến với các cơ sở KCB từ tuyến xã đến trung ương; BHXH Việt Nam cũng đang phối hợp các cấp, các ngành xây dựng sổ sức khỏe điện tử cho người dân.

Đến nay 100% cơ sở KCB BHYT (12.851 cơ sở) trên toàn quốc triển khai làm thủ tục KCB BHYT bằng CCCD gắn chip, với hơn 55 triệu lượt người sử dụng CCCD thay thẻ BHYT, góp phần rút ngắn thời gian, thủ tục KCB, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT.

Có thể nói, những kết quả nêu trên về công tác BHYT không phải của riêng ngành BHXH Việt Nam mà là kết quả của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc quyết liệt của cả cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị- xã hội từ trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đó, trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn một số khó khăn, bất cập và hạn chế. Đó là  một số BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT các cấp của một số tỉnh, thành phố chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ triển khai chính sách pháp luật BHXH, BHYT nói chung và công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT nói riêng, dẫn tới một số nơi độ bao phủ BHYT còn chưa đạt được kết quả mong muốn; công tác KCB tại một số nơi chưa đáp ứng được đầy đủ quyền lợi của người tham gia BHYT.

Việc sửa đổi chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực BHYT ngoài yếu tố đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể thì hiện nay còn thiếu tính linh hoạt, chưa phù hợp với từng nhóm đối tượng, chưa phù hợp với từng điều kiện kinh tế- xã hội của mỗi giai đoạn. Ví dụ như một số địa phương chạy theo chỉ tiêu nông thôn mới mà không có giải pháp hỗ trợ cho người dân còn khó khăn tham gia BHYT... Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa cơ quan BHXH, Sở Y tế, các cơ sở KCB BHYT trong quản lý sử dụng quỹ BHYT còn hạn chế; kinh phí KCB BHYT tại một số cơ sở KCB chưa được sử dụng hiệu quả, tiết kiệm...

Thực tế trong những năm gần đây sự phối hợp giữa BHXH Việt Nam và Bộ Y tế là rất tích cực và hiệu quả. Sự thống nhất này rất cần được lan tỏa rộng khắp đến cả các cấp địa phương, làm sao để các cấp, các ngành đạt được chung nhận thức về trách nhiệm và chủ động hành động, cùng hướng tới mục tiêu của chính sách BHYT là chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân...

Lương Minh (lược ghi)

Đồ hoạ: Thanh An