Trong một xã hội văn minh, hệ thống an sinh xã hội (trụ cột là chính sách BHXH, BHYT) trở thành công cụ gắn kết mọi người dân, gắn kết người dân với chính phủ, với nhà nước. Đảm bảo tốt an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân là biểu hiện của một xã hội văn minh.
Hiện nay, trong chính sách an sinh xã hội (ASXH), người ta phân ra 3 loại: (i) Những chính sách, chương trình phòng ngừa rủi ro; (ii) Những chính sách, chương trình giảm thiểu rủi ro và (iii) những chính sách, chương trình khắc phục rủi ro.
Còn khi bàn về các trụ cột của hệ thống ASXH, người ta thường phân ra 3 trụ cột cơ bản là: (i) BHXH (bao gồm cả BHYT); (ii) Trợ giúp xã hội (bao gồm cả cứu trợ xã hội) và (iii) Cơ chế tùy nghi/tùy biến (bao gồm các dịch vụ ASXH, trợ cấp từ quỹ công cộng; các chế độ bảo vệ của chủ SDLĐ…).
Ở Việt Nam, phát triển ASXH được thực hiện theo các nội dung:
- Phát triển mạnh các dịch vụ ASXH. Hiện nay, trên thế giới, ASXH ngày càng phát triển đa dạng và phong phú và trở thành một ngành dịch vụ rất phát triển. Có thể nêu các loại dịch vụ có liên quan, như dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật tại cộng đồng hoặc tại các trung tâm công cộng… BHXH (một bộ phận cấu thành và quan trọng của hệ thống ASXH) cũng trở thành một DVC do nhà nước thực hiện. Phát triển các dịch vụ ASXH sẽ tạo điều kiện và tạo cơ hội cho các nhóm dân cư, các nhóm lao động, nhất là các nhóm yếu thế được tiếp cận, được thụ hưởng các “ phúc lợi công cộng”, tạo ra một xã hội “an sinh” hơn.
- Mở rộng và phát triển mạnh mẽ các loại hình, các hoạt động ASXH: Phát triển hệ thống ASXH đa dạng, ngày càng mở rộng và hiệu quả. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để NLĐ tiếp cận và tham gia các loại hình bảo hiểm. Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi và không ngừng nâng cao mức sống đối với người có công. Mở rộng các hình thức trợ giúp và cứu trợ xã hội, nhất là đối với các đối tượng khó khăn.
Với tiếp cận này, đảm bảo ASXH cho mọi người dân chính là xây dựng một xã hội văn minh.
Ngay từ Đại hội X (2006), Đảng ta đã đề ra mục tiêu xây dựng đất nước, đồng thời cũng là mục tiêu hướng tới của dân tộc ta, đó là xây dựng nước Việt Nam “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” (Đại hội Đảng lần thứ XI đã điều chỉnh lại là “dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”). Mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đó là giải phóng và không ngừng phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo; tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ công bằng xã hội. Thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng chính sách phát triển, tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, y tế, GD-ĐT, đảm bảo ASXH cho mọi người dân.
Như đã nêu, đảm bảo ASXH cho mọi người dân nghĩa là phải đảm bảo cho mọi người dân có quyền được tiếp cận tới các dịch vụ ASXH; có quyền bình đẳng thụ hưởng ASXH, không phân biệt tuổi tác, giới tính, sắc tộc, tôn giáo, địa vị xã hội. Như vậy, để thực hiện được điều này, theo chúng tôi, cần giải quyết những vấn đề sau:
- Thứ nhất, về thể chế chính sách, cần hoàn thiện, bổ sung các cơ chế chính sách đã ban hành có liên quan để xây dựng hệ thống ASXH quốc gia vững mạnh với nhiều cơ chế, hình thức và phương thức khác nhau, áp dụng cho các nhóm đối tượng dân cư khác nhau, trên cơ sở tiếp cận quyền của người dân. Hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực ASXH một mặt phải đảm bảo tính ổn định, đồng thời phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế- xã hội của đất nước và xu hướng hội nhập; mặt khác phải được rà soát để đồng bộ hóa, nhằm đảm bảo các quyền lợi và trách nhiệm của mỗi tổ chức, công dân trong xã hội, hướng tới sự tổng hòa các lợi ích về ASXH của cộng đồng, xã hội và nhà nước. Định hướng chung là xây dựng chính sách ASXH đa dạng, đa tầng, toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững; tạo cơ hội cho nhân dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người sống ở vùng có điều kiện kinh tế- xã hội ĐBKK tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là về y tế, GD-ĐT, nhà ở, thông tin…
Xây dựng và thực hiện chính sách xã hội phải đặt trong tổng thể quản lý phát triển xã hội bền vững; giải quyết hài hoà các quan hệ xã hội, kiểm soát phân hoá xã hội, bảo đảm an sinh cho nhân dân trong quá trình phát triển, thay đổi nhanh của thị trường lao động và công nghệ, nhất là dưới tác động của CMCN 4.0.
- Thứ hai, cần hoàn thiện các cơ chế chính sách BHXH hiện hành, trước hết là mở rộng đối tượng tham gia BHXH, hướng tới nhóm đối tượng là NLĐ nông thôn, lao động làm việc trong khu vực phi chính thức. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế, bao phủ được toàn bộ lực lượng lao động; tiếp tục cải cách, mở rộng hệ thống BHXH, tạo cơ hội tham gia và bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho NLĐ. Thực hiện BHXH bắt buộc đối với NLĐ và thành viên của các tổ chức kinh tế tập thể làm việc theo hợp đồng, hưởng tiền lương, tiền công theo quy định của pháp luật. Đổi mới chính sách BHXH tự nguyện theo hướng mở rộng đối tượng tham gia.
Để thực hiện chính sách BHXH có hiệu quả, một mặt phải nâng cao năng lực quản lý nhà nước về BHXH, nâng cao năng lực của các chủ thể thực hiện chính sách BHXH; mặt khác đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thực hiện chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả quản lý, quản trị hệ thống BHXH. Tạo cơ chế để chuyển giao cho khối tư nhân thực hiện những DVC mà nhà nước không cần thiết nắm giữ; đồng thời tăng cường hợp tác công- tư trong lĩnh vực này.
- Thứ ba, phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, hội nhập, hiệu quả, đồng bộ với nền kinh tế; hoàn thiện chính sách, pháp luật về tiêu chuẩn lao động, quan hệ lao động. Nâng cao năng lực dự báo, nhất là dự báo ngắn hạn và trung hạn về cung- cầu lao động trên thị trường; nâng cao năng lực quản lý, quản trị hệ thống CSDL, thông tin thị trường lao động, trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ CNTT. Vận hành sàn giao dịch việc làm công khai, minh bạch, linh hoạt, bảo đảm hài hòa lợi ích của NLĐ và DN, xây dựng hệ thống dịch vụ việc làm hiệu quả.
- Thứ tư, bảo đảm quyền, lợi ích của cá nhân và bình đẳng, công bằng xã hội trong tham gia và thụ hưởng các dịch vụ ASXH. Để đảm bảo hệ thống ASXH phát triển bền vững, ngoài việc đa dạng hóa các nguồn lực, nâng cao năng lực quản lý, quản trị, thì thực hiện bình đẳng và công bằng xã hội có ý nghĩa rất quan trọng trong một xã hội văn minh. Cần thực hiện công bằng xã hội cả theo chiều dọc và theo chiều ngang.
Thực hiện công bằng xã hội trong ASXH theo chiều ngang được nhiều nước phát triển thực hiện, có thể được sử dụng như là phương thức phân bổ lợi ích. Thực hiện công bằng theo chiều dọc trong ASXH là sự ứng xử với những thế hệ khác nhau của dân cư nhóm người trẻ, nhóm người trung tuổi, nhóm người già theo quy luật phát triển sinh học của con người và sự phát trển năng lực xã hội của họ.
Điều này có nghĩa là, đối với một con người, lúc còn trẻ, còn làm việc thì có trách nhiệm, nghĩa vụ đóng góp cho tương lai của mình và cho xã hội. Khi về già hoặc không làm việc được (tai nạn, thương tật, ốm đau, bệnh tật…) thì được xã hội phân phối, hỗ trợ thông qua các biện pháp công cộng, nhằm đảm bảo cuộc sống của họ, phù hợp với sự phát triển của đất nước.
- Thứ năm, tôn trọng nguyên tắc “quyền lựa chọn” của người dân. Kinh nghiệm các nước cho thấy rằng có 2 yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện ASXH, đó là: Tạo điều kiện cho người dân được quyền lựa chọn cơ quan, tổ chức dịch vụ trong lĩnh vực ASXH, kể cả công và tư; tạo điều kiện cho người dân có tiếng nói về chất lượng dịch vụ, nhằm cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ ASXH của cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ ASXH.
Như vậy, trong một xã hội văn minh, ASXH mà cụ thể là chính sách BHXH, BHYT là một công cụ để gắn kết mọi người dân, gắn kết người dân với chính phủ, với nhà nước. Thực hiện tốt ASXH, cuộc sống của người dân được đảm bảo, là một minh chứng, là một biểu hiện tính nhân văn của một xã hội văn minh.
Bài: PGS.TS. Mạc Văn Tiến
Đồ họa: Thanh An
- Chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam: Hiện đại, chuyên nghiệp để phục vụ Nhân dân tốt hơn
- Phát triển BHYT hộ gia đình: Biến thách thức thành cơ hội
- BHXH tự nguyện với nông dân: Cơ hội và thách thức
- “Lối mở” tiến tới BHXH toàn dân: BHXH bắt buộc hay BHXH tự nguyện
- Giám định BHYT: Bảo vệ Hay kiểm soát quyền lợi?