Thứ Tư, 19 /06/2024 09:46

 

a. Đối tượng tham gia BHXH bắt buộc

BHXH bắt buộc là hình thức tham gia đã được thực hiện từ rất sớm. Ban đầu chính sách BHXH (bắt buộc) chỉ được thực hiện đối với CBCCVC quân nhân, NLĐ làm việc trong khu vực Nhà nước. Từ ngày 1/1/1995, BHXH bắt buộc mới được áp dụng đối với NLĐ làm việc tại các DN, cơ sở, đơn vị sản xuất kinh doanh ngoài Nhà nước và dần dần được mở rộng ra đối với 8 nhóm đối tượng như hiện nay . Nhìn chung, hình thức tham gia BHXH bắt buộc được áp dụng chủ yếu đối với NLĐ có quan hệ lao động, có hưởng tiền lương (hay còn được gọi là lao động làm việc trong khu vực chính thức).

b. Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện

Chính sách BHXH tự nguyện được thực hiện từ năm 2008 cho đến nay, hình thức tham gia BHXH tự nguyện được áp dụng chủ yếu đối với NLĐ không có quan hệ lao động, không hưởng tiền lương (hay còn gọi là lao động làm việc trong khu vực phi chính thức). Do đó, có thể thấy rằng, BHXH tự nguyện giống như là một hình thức tham gia BHXH, được thực hiện để tạo cơ hội cho những NLĐ làm việc trong khu vực phi chính thức, không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc được tham gia BHXH.

Như vậy có thể thấy, theo quy định của pháp luật về BHXH, thì khác biệt cơ bản giữa đối tượng thuộc diện tham gia giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện hiện nay là việc NLĐ có “quan hệ lao động” hay không có “quan hệ lao động”. Theo quy định của pháp luật về lao động hiện hành, việc xác định NLĐ có “quan hệ lao động” hay không phụ thuộc vào việc NLĐ có làm việc trên cơ sở thuê mướn bằng HĐLĐ hay không. Đây là một trong những hạn chế trong việc phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc so với BHXH tự nguyện, vì NLĐ không được tham gia BHXH bắt buộc nếu không có quan hệ lao động, trong khi vẫn có HĐLĐ, vẫn có tiền lương.

c. Dư địa mở rộng BHXH

Theo báo cáo về tình hình thị trường lao động Việt Nam năm 2023 của Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT) thì số lao động có việc làm là 51,3 triệu người, trong đó số lao động có việc làm phi chính thức là 33,3 triệu người. Còn theo số liệu thực hiện chính sách BHXH, tính đến hết năm 2023, số người tham gia BHXH bắt buộc là khoảng 16,4 triệu người, số người tham gia BHXH tự nguyện là 1,83 triệu người. Như vậy, số NLĐ tham gia BHXH bắt buộc so với số lao động có việc làm chính thức chiếm 91%, số NLĐ tham gia BHXH tự nguyện so với số lao động có việc làm phi chính thức chiếm 5,4%.

Các số liệu thống kê nêu trên cho thấy, nếu xét về tiềm năng, dư địa phát triển người tham gia BHXH thì hiện nay dư địa để phát triển người tham gia BHXH chủ yếu nằm trong các đối tượng thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện. Hay nói cách khác, mục tiêu BHXH toàn dân có đạt được hay không phụ thuộc vào việc phát triển người tham gia BHXH trong số NLĐ thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện.

a. Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc

Như đã nêu ở trên, việc xác định NLĐ thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc hay tự nguyện chủ yếu căn cứ trên “quan hệ lao động” của NLĐ. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế- xã hội, thì khái niệm về “quan hệ lao động” cũng ngày càng được mở rộng hơn, không chỉ còn dựa trên yếu tố xác định quan hệ lao động truyền thống như: HĐLĐ, có hưởng tiền lương,... Đồng thời, qua tổng kết thi hành Luật BHXH cho thấy, cần phải bổ sung quy định về việc tham gia BHXH bắt buộc đối với một số nhóm đối tượng có khả năng tham gia. Chính vì vậy, tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc cũng đã đặt ra yêu cầu: “Rà soát, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý DN, người quản lý, điều hành HTX không hưởng tiền lương, NLĐ làm việc theo chế độ linh hoạt” và “hướng tới chính sách BHXH bắt buộc đối với toàn bộ NLĐ có việc làm, có thu nhập và tiền lương khi có đủ điều kiện cần thiết”.

Hiện nay, thể chế hóa định hướng này, tại Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XV vừa qua, Chính phủ đã đề xuất bổ sung 5 nhóm đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, gồm: (1) chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh; (2) người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; (3) người quản lý DN, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn Nhà nước, người đại diện phần vốn của DN tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành HTX, liên hiệp HTX không hưởng tiền lương; (4) NLĐ làm việc theo HĐLĐ từ đủ 1 tháng trở lên nhưng làm việc không trọn thời gian, có mức tiền lương tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất. (5) trường hợp NLĐ và người SDLĐ không giao kết HĐLĐ hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên, trừ hợp đồng thử việc theo quy định của pháp luật lao động.

b. Bổ sung chế độ trong chính sách BHXH tự nguyện

Một trong những điểm hạn chế của BHXH tự nguyện so với BHXH bắt buộc, dẫn đến việc chưa thu hút được nhiều người tham gia đó là các chế độ BHXH tự nguyện được thực hiện ít hơn so với BHXH bắt buộc. Theo định hướng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW: “BHXH tự nguyện (với các chế độ hưu trí, tử tuất hiện nay, từng bước mở rộng sang các chế độ khác) dựa trên đóng góp của NLĐ không có quan hệ lao động”.

Hiện nay, thể chế hóa định hướng này, tại Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XV vừa qua, Chính phủ đã đề xuất bổ sung trợ cấp thai sản (một lần) đối với người tham gia BHXH (không phân biệt nam, nữ).

c. Hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện

Tổng quan kinh nghiệm ở các quốc gia trên thế giới và ý kiến của các tổ chức, các chuyên gia, học giả quốc tế thì việc đạt được tỷ lệ bao phủ cao đối với hình thức BHXH tự nguyện là rất khó, hầu như không có quốc gia nào đạt được, nếu không có chính sách hỗ trợ của Nhà nước đủ mạnh để khuyến khích và thu hút NLĐ thuộc khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện.

Ở Việt Nam, chính sách hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện được triển khai thực hiện từ năm 2018 với 3 nhóm đối tượng được hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện: (1) người tham gia thuộc hộ nghèo; (2) người tham gia thuộc hộ cận nghèo; (3) người tham gia khác. Qua tổng kết việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện, cho thấy chính sách hỗ trợ cũng đã phát huy được hiệu quả. Điều này được thể hiện qua kết quả phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trong những năm qua. Nghị quyết số 28-NQ/TW, cũng tiếp tục định hướng sửa đổi chính sách hỗ trợ đối với người tham gia BHXH tự nguyện “có sự hỗ trợ phù hợp từ NSNN cho nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp, lao động phi chính thức để mở rộng diện bao phủ BHXH; nâng cao ý thức, trách nhiệm của NLĐ đối với việc tự đảm bảo an sinh cho bản thân”.

Có thể thấy rằng, ngay tại Nghị quyết số 28-NQ/TW thì việc hướng tới “BHXH toàn dân” đã được xác định là một mục tiêu lâu dài, nhiều khó khăn và cần thực hiện theo lộ trình. Mục tiêu này chỉ có thể đạt được khi chính sách BHXH được thực hiện bắt buộc đối với toàn bộ NLĐ có việc làm, có thu nhập và tiền lương. Tuy nhiên, cũng tại Nghị quyết, Trung ương đã khẳng định việc hướng đến toàn bộ NLĐ có việc làm, có thu nhập và tiền lương thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc chỉ có thể thực hiện được khi có “đủ điều kiện cần thiết”. Do việc mở rộng đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc không thể thực hiện được ngay mà cần phải có thời gian nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng và phải được thực hiện theo lộ trình từng bước, theo từng nhóm đối tượng dựa trên khả năng tham gia và năng lực quản lý của cơ quan tổ chức thực hiện.

Để việc tham gia BHXH không tạo ra tác động lớn đối với người tham gia và thực sự mang lại quyền lợi, lợi ích thiết thực, không tạo ra “gánh nặng tài chính” cho người tham gia, thì về lâu dài cần nghiên cứu chuyển đổi dần một số nhóm NLĐ có khả năng tham gia BHXH đang thuộc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện sang đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý của cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan tổ chức thực hiện chính sách. Đây cũng là những giải pháp cốt lõi để đạt mục tiêu “BHXH toàn dân”.

Tuy nhiên, để tạo tiền đề cho việc thực hiện BHXH bắt buộc đối với toàn bộ NLĐ có việc làm, có thu nhập và tiền lương, thì việc đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cũng là một nhiệm vụ then chốt, trọng tâm.

Việc gia tăng số người tham gia BHXH tự nguyện ngoài giúp tăng độ bao phủ đối tượng tham gia BHXH, còn giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước có được cơ sở đánh giá, nghiên cứu và đề xuất việc chuyển đổi dần, theo lộ trình phù hợp đối với một số nhóm đối tượng có khả năng tham gia BHXH đang thuộc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện sang thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Đồng thời, điều này cũng góp phần dần dần nâng cao ý thức, trách nhiệm của NLĐ đối với việc tự bảo đảm an sinh cho bản thân theo tinh thần tại Nghị quyết số 28-NQ/TW tạo sự lan tỏa trong xã hội. Từ đó, tạo sự đồng thuận trong xã hội khi từng bước tiến tới quy định việc thực hiện BHXH bắt buộc đối với toàn bộ NLĐ có việc làm, có thu nhập và tiền lương. Chính vì vậy, trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), bên cạnh việc bổ sung một số đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc thì cũng có nhiều đề xuất gia tăng quyền lợi cho người tham gia BHXH tự nguyện nhằm khuyến khích NLĐ tham gia BHXH tự nguyện.

Như vậy, để đạt mục tiêu BHXH toàn dân theo tinh thần tại Nghị quyết số 28-NQ/TW còn cả một chặng đường rất dài ở phía trước. Trong đó, không chỉ tập trung vào việc phát triển đối tượng tham gia đối với một trong 2 hình thức tham gia BHXH, mà cần phải thực hiện phát triển song hành của cả 2 hình thức tham gia. Đây là tiền đề tiến tới việc đồng nhất chỉ còn duy nhất một hình thức tham gia BHXH là bắt buộc. Cùng với đó, cần phải nâng cao năng lực của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan tổ chức thực hiện trong việc xác định NLĐ có việc làm, có thu nhập và tiền lương để làm căn cứ xác định đối tượng tham gia BHXH. Chỉ khi thực sự quản lý được đối tượng tham gia là NLĐ có việc làm, có thu nhập và tiền lương thì mục tiêu BHXH toàn dân mới đạt được.

Bài: Thanh Nam

Đồ họa: Thanh An

1- Được thực hiện ngay sau khi thành lập nước.

2- Các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội.

3- Theo Bộ luật Lao động, quan hệ lao động là quan hệ xã hội phát sinh trong việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa NLĐ, người sử dụng lao động, các tổ chức đại diện của các bên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4- Quan hệ lao động bao gồm quan hệ lao động cá nhân và quan hệ lao động tập thể.

5- Khoản 5, Điều 3 Bộ luật Lao động.