BHYT- Khơi lên tinh thần sẻ chia
"Ốm đau phải vào viện nhiều lần, nếu không có BHYT thì những người làm nông, gia đình diện cận nghèo như nhà cô chú chắc không có điều kiện để đến BV nữa”- cô Nông Thị Điệp (thôn Còn Toòng, xã Thụy Hùng, Cao Lộc, Lạng Sơn) chia sẻ.
Cô Nông Thị Điệp điều trị tại Khoa Nội-Hồi sức cấp cứu (TTYT huyện Cao Lộc). Những lời thăm hỏi của chúng tôi trong chiều Hè nóng nực liên tục bị ngắt quãng bởi những cơn ho kéo dài của cô Điệp. Thế nhưng, khi nghe tôi nhắc đến tấm thẻ BHYT, cô Điệp phấn chấn hẳn lên và cho biết mình may mắn có tấm thẻ này đồng hành, nên có niềm tin và động lực chiến đấu với bệnh tật.
Khám cho bệnh nhân BHYT tại Lạng Sơn
Thực tế cho thấy, thời gian qua, chính sách BHYT luôn được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với sự phát triển của đất nước, nên tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng dần qua các năm. Đáng chú ý, quỹ BHYT đã từng bước khẳng định vai trò của mình, khi trở thành nguồn tài chính y tế chủ yếu để thực hiện công tác KCB cho người dân. Nếu năm 2009, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 57% dân số, thì đến hết năm 2021 đã tăng lên khoảng 91% dân số- qua đó khẳng định tính đúng đắn, ưu việt, nhất là tính sẻ chia cộng đồng sâu sắc của chính sách này.
Đơn cử: Chỉ với mức đóng 804.000 đồng/năm, người tham gia BHYT không bị giới hạn về số lần KCB và số tiền hưởng. Từ sự sẻ chia cộng đồng qua chính sách BHYT, người tham gia có thể được quỹ BHYT chi trả số tiền cao gấp nhiều lần số tiền bỏ ra. Tại BVĐK tỉnh Lạng Sơn, trong 6 tháng đầu năm 2022 có rất nhiều trường hợp được quỹ BHYT chi trả chi phí dịch vụ kỹ thuật cao như: Ông Chu Văn Hanh được quỹ BHYT chi trả 308 triệu đồng; ông Hoàng Văn Minh được chi trả 262 triệu đồng; bà Nguyễn Thị Hiều được chi trả 246 triệu đồng… Đến thời điểm hiện tại, người được quỹ BHYT chi trả cao nhất tại Lạng Sơn là hơn 2,8 tỷ đồng.
Từ những trường hợp trên cho thấy, tham gia BHYT được xem là một hình thức tiết kiệm “đóng góp khi lành để dành khi ốm”, giúp người dân giảm bớt gánh nặng về kinh tế khi không may ốm đau, bệnh tật, đặc biệt là trong trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, chi phí điều trị y tế lớn. Bên cạnh đó, nó còn mang ý nghĩa xã hội to lớn- đó là sự đóng góp, thể hiện nghĩa tình, sự đùm bọc, chia sẻ cộng đồng, thể hiện truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam là “lá lành đùm lá rách”, “tương thân tương ái”.
Steve Jobs- một người nổi tiếng, đã ở trên đỉnh cao danh vọng của đời người. Vào những ngày cuối cùng chiến đấu với căn bệnh ung thư, Steve Jobs đã nói: “Chiếc giường đắt nhất thế giới là chiếc giường bệnh”. Bởi vậy, sự chủ động trong rèn luyện, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe đối với mỗi người dân là việc vô cùng cần thiết và quan trọng. Bên cạnh đó, khi nguy cơ bệnh tật ngày càng có chiều hướng gia tăng, dịch vụ kỹ thuật y tế ngày càng trở nên hiện đại- đồng nghĩa với chi phí KCB cũng ngày càng tăng cao hơn, thì việc tham gia BHYT là một trong những việc cần làm ngay của mỗi người. Qua đó, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, mà còn chia sẻ gánh nặng tài chính, chi phí KCB đối với bản thân, gia đình và cộng đồng.
Hoàng Thùy