Thứ Hai, 23 /09/2024 09:22

 

Thủ tục đầu tiên tôi trình ra với cán bộ tiếp nhận bệnh nhân ở Khoa Hồi sức cấp cứu A9 là Giấy chuyển tuyến, CCCD gắn chip tích hợp thông tin thẻ BHYT và Hồ sơ bệnh án. Con được tiếp nhận cấp cứu, rồi chuyển về Khoa Chống độc ngay trong đêm.

Tại Phòng Điều trị tích cực, Khoa Chống độc trên tầng 2, sau khi được bác sĩ thông báo tình trạng sức khoẻ của con; giải thích quy trình, quy định của BV…, tôi bình tĩnh trở lại.

Trong suốt chuỗi ngày con chống chọi, điều trị bệnh, nhiều cuộc hội chẩn toàn BV Bạch Mai được tiến hành. Với mỗi phác đồ điều trị, bác sĩ đều gặp gỡ trao đổi, giải thích với gia đình, đặc biệt, với những loại thuốc biệt dược đắt tiền, gia đình đều được thông báo loại nào được quỹ BHYT thanh toán, còn loại nào thì không. Trong cơn hoạn nạn, vì sức khoẻ và tính mạng của con, nên gia đình, họ hàng, bè bạn đều cố gắng thu xếp tài chính, góp công, góp sức, mong con vượt qua bạo bệnh.

Với gia đình tôi, thẻ BHYT thực sự là “tấm bùa hộ mệnh” giúp vượt qua hoạn nạn. Nay con đã trở lại trường lớp học tập cùng thầy cô, bạn bè, tiếp tục những bài học trên giảng đường ĐH, tiếp tục những tháng năm đầy ý nghĩa của đời SV. Biết ơn cuộc đời, con đang cố gắng từng ngày, nỗ lực vươn lên viết tiếp những ước mơ, hoài bão…

Trong những ngày con điều trị, tôi được biết nhiều tình huống bệnh nhân phải cấp cứu tại phòng Điều trị tích cực, Khoa Chống độc (BV Bạch Mai). Như em Lò Văn H. (25 tuổi, dân tộc Tày, tỉnh Cao Bằng) một đêm đi vào rừng hái lá thuốc bị rắn độc cắn. Em được đưa vào BVĐK tỉnh rồi chuyển thẳng lên đây. Gửi 3 con nhỏ ở nhà nhờ họ hàng, làng xóm, vợ H. đi theo lên chăm sóc chồng. Không nói sõi tiếng Kinh, chỉ có một ít tiền mang theo, nhưng rất may là nhờ có thẻ BHYT hộ nghèo, nên H. đã được quỹ BHYT chi trả hầu hết tiền chữa bệnh. Số tiền còn thiếu, mọi người trong phòng kẻ ít, người nhiều, không ai bảo ai chung tay giúp đỡ.

Hay như bác Nguyễn Thị V. (70 tuổi, tỉnh Bắc Kạn) đang ngồi trông cháu ở hiên nhà, bỗng nhiên bị đàn ong bất ngờ kéo đến tấn công. Khi được đưa đến cấp cứu tại phòng Điều trị tích cực, trên cơ thể bác chi chít trăm nốt ong đốt. Qua nhiều lần truyền huyết thanh, lọc máu…, bác dần hồi phục. Ngày ra viện, bác ngân ngấn nước mắt: “Nếu không có BHYT, không có sự sẻ chia, đóng góp của những người tham gia BHYT, chắc tôi đành chịu chết!”.

Một năm trước, em Lý Như H. (17 tuổi, Hà Nội) bị tê liệt tế bào não. Mẹ của em rưng rưng kể: “H. mải chơi, bỏ học, nên không tham gia BHYT HSSV nữa. Dù biết đến BHYT hộ gia đình, song chưa kịp mua thì xảy ra tai hoạ này”. Người mẹ ở BV chăm con đã căng thẳng lo tình trạng sức khoẻ của con mãi chưa tiến triển lại thêm áp lực tiền bạc, phải tất tả ngược xuôi, xoay sở khắp nơi để vay tiền nộp viện phí...

 

Ý thức được tính nhân văn của chính sách BHYT cũng như giá trị của những tấm thẻ BHYT, nhiều năm qua, số người tham gia BHYT ngày càng tăng. Tính đến cuối năm 2023, cả nước đã có 93,3 triệu người tham gia BHYT, bao phủ 93,35% dân số.

Riêng Hà Nội, tỷ lệ bao phủ BHYT chiếm 94,33% dân số. Trong đó, HSSV là nhóm đối tượng trẻ, khoẻ, tần suất KCB thấp, nhưng với ý thức chia sẻ rủi ro, các em và gia đình đã rất tích cực tham gia BHYT.

Trên địa bàn các quận, huyện cũng có những trường học đã đạt 100% HSSV tham gia BHYT. Chỉ tính số tham gia BHYT tại trường, ĐH Thủ đô Hà Nội (quận Cầu Giấy) đã có 5.997 SV, Học viện múa Việt Nam (quận Cầu Giấy) với 259 SV, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (quận Cầu Giấy) với 5.947 SV, trường THPT Hoàng Cầu (quận Đống Đa) với 1.580 HS, trường THPT Kim Liên (quận Đống Đa) với 1.891 HS, trường PTTH Lê Quý Đôn (quận Đống Đa) với 1.932 HS, Học viện Ngân hàng Đống Đa với 10631 SV, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (Thanh Xuân) với 5.834 SV, Trường ĐH Kiến Trúc (Thanh Xuân) với 11.166 SV, Học viện Tài chính (Bắc Từ Liêm) với 15.291 SV…

Tuy nhiên, Hà Nội vẫn còn một số trường đạt tỷ lệ HSSV tham gia BHYT rất thấp như: Trường CĐ nghề Công nghệ và Kinh tế Hà Nội (Bắc Từ Liêm) với 52 HS tham gia BHYT, đạt 12,91%; Trường CĐ Dược Hà Nội (Hoài Đức) với 55 HS tham gia, đạt 38,67%; Trường ĐH TDTT (Chương Mỹ) với 414 HS tham gia, đạt 52,6%; Trường CĐ Cộng đồng Hà Tây (Chương Mỹ) với 977 HS tham gia, đạt 69,6%; ĐH Mỹ thuật Công nghiệp (Đống Đa) với 1.826 SV tham gia, đạt 85,83%; Trung tâm GDNN- GD thường xuyên huyện Thanh Oai với 581 HS tham gia, đạt 86,11%... Tính chung toàn Thành phố vẫn còn 20.152 HSSV chưa có thẻ BHYT.

Để lấp đầy “khoảng trống” BHYT trong HSSV trước thềm năm học mới 2024- 2025, BHXH TP.Hà Nội đang tích cực phối hợp với Sở GD-ĐT; Sở LĐ-TB&XH; Đảng ủy khối các trường ĐH, CĐ; BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT, UBND, Phòng GD quận, huyện, thị xã triển khai BHYT HSSV. Đồng thời, chỉ đạo BHXH các quận, huyện, thị xã cử cán bộ đến các trường học đôn đốc, nắm bắt tình hình, hỗ trợ trong công tác BHYT HSSV, hướng dẫn kê khai, lập danh sách; kịp thời trích chuyển kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các trường.

Cùng với đó, BHXH Thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự đồng thuận để phụ huynh cùng HSSV đều hiểu rõ tính nhân văn, nhân đạo của chính sách BHYT. Thông qua việc tham gia BHYT, vừa đề phòng rủi ro ốm đau bệnh tật cho bản thân con em mình, vừa giáo dục các em tinh thần tương thân, tương ái, biết sống có trách nhiệm với cộng đồng, biết tuân thủ pháp luật ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường…

Bài: Châu Anh

Đồ họa: Thanh An