Thứ Tư, 25 /09/2024 14:21

 

Năm 2024, huyện Châu Thành A được giao vận động 4.712 người tham gia BHXH tự nguyện và gần 92.000 người tham gia BHYT. Trong đó, thị trấn Rạch Gòi được giao vận động 408 người tham gia BHXH tự nguyện. Chỉ tiêu này đặt ra thách thức không nhỏ, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp phải có giải pháp cụ thể, nhất là đưa vào Nghị quyết của HĐND, giao chỉ tiêu tới từng ấp, phát động phong trào thi đua…

Được cán bộ tư vấn, vận động, bà Bùi Thị Bảnh (ấp Xáng Mới A, thị trấn Rạch Gòi) đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện cho bản thân và người thân. “Tôi thấy chính sách này rất hay, giúp lao động tự do có lương hưu hằng tháng. Vì vậy, tôi tham gia cho bản thân và con trai, con dâu”- bà Bảnh chia sẻ. Theo quy định của địa phương, những người như bà Bảnh có thể chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với hoàn cảnh của mình.

Để đạt chỉ tiêu năm 2024, xã Trường Long Tây (huyện Châu Thành A) cũng đề ra những giải pháp cụ thể. Theo ông Nguyễn Phát To- Bí thư Đảng ủy xã Trường Long Tây, địa phương đã đưa chỉ tiêu BHXH, BHYT vào Nghị quyết của HĐND; giao UBND xã xây dựng kế hoạch thực hiện theo từng chủ đề, chủ điểm. Đồng thời, phát động thi đua, bám sát các ấp và yêu cầu các chi bộ giao chỉ tiêu cho từng đảng viên. 

Thời gian qua, Ủy ban MTTQ huyện Vị Thủy cũng phối hợp với BHXH huyện và các tổ chức thành viên tập trung tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Ông Phạm Tiến Dũng- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Vị Thủy cho biết: “Trong quá trình thực hiện, một kênh tuyên truyền hết sức quan trọng mà địa phương quan tâm, đó là thông qua các tổ chức tôn giáo, dân tộc. Theo đó, các tổ chức tôn giáo, dân tộc đã đồng hành chung tay cùng địa phương vận động, kêu gọi tín đồ tham gia BHYT một cách tích cực, hiệu quả, góp phần gia tăng tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Minh Đang- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và BHXH tỉnh giai đoạn 2023-2027, hàng năm, hai đơn vị đã ký kết các kế hoạch phối hợp tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT đến hội viên các cấp và quần chúng nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, phối hợp kiểm tra, giám sát công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT.

Cụ thể, mô hình có 20-30 người tham gia, mỗi hội viên sẽ tiết kiệm ít nhất 10.000 đồng mỗi ngày bỏ vào ống heo để tham gia BHXH tự nguyện, với mức thấp nhất mỗi tháng là 297.000 đồng, hoặc có thể bỏ ống nhiều hơn tùy vào thu nhập và số lượng thành viên của các gia đình. Bằng cách thức đơn giản, mô hình nuôi heo đất không chỉ giúp các hội viên có ý thức tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện, mà còn yên tâm khi về già có lương hưu và được cấp thẻ BHYT miễn phí.

Cùng với mô hình của Hội Phụ nữ thị trấn Ngã Sáu, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn huyện Châu Thành còn thực hiện nhiều mô hình khác rất hiệu quả như: CLB “Phụ nữ tiết kiệm mua BHYT, BHXH tự nguyện”; Tổ “Phụ nữ gây quỹ tiết kiệm mua BHYT”; mô hình “Bảo hiểm xanh đổi rác thải nhựa lấy BHYT”; mô hình “Ấp có 100% người dân tham gia BHYT”...

Năm 2018, ấp 3A (thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A) đăng ký mô hình “Ấp có 100% người dân tham gia BHYT”. Chia sẻ về mô hình, bà Lê Thanh Hà- Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp 3A cho biết, công việc lúc đầu gặp không ít khó khăn, nhưng với sự kiên trì, nên mô hình đã đạt kết quả tích cực. “Có những hộ lúc chúng tôi đến vận động, họ nói rằng mình còn khỏe, nên số tiền để mua BHYT dùng để làm ăn hoặc để đầu tư vào vườn cây ao cá. Với những hộ đến một lần không được, chúng tôi đến lần hai, lần ba và nhiều lần nữa, quyết tâm vận động cho bằng được. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, đến cuối năm ấp đã đạt chỉ tiêu 100% người dân tham gia BHYT”- bà Hà thông tin.

Hồi tháng 3/2024, ấp 4 (xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp) cũng ra mắt mô hình “100% người dân ấp 4 tham gia BHYT tự nguyện”. Ông Nguyễn Văn Tuấn- Trưởng ấp 4 cho biết: “Để thực hiện, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể đã xây dựng kế hoạch cụ thể. Nhiệm vụ trước tiên là nắm lại toàn bộ người dân trên địa bàn; rà soát hộ nào đã tham gia, thời gian tham gia sắp hết hạn hay chưa, hộ nào chưa tham gia. Trên cơ sở đó, tích cực tuyên truyền, giải thích để mọi người hiểu và chủ động tham gia cho bản thân và người thân trong gia đình”.

Đáng chú ý, BHXH các địa phương trong tỉnh Hậu Giang còn chủ động tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai mô hình “Đảng viên là tuyên truyền viên chính sách BHXH, BHYT”. Kết quả, trong năm 2023, toàn bộ 8 huyện, thị, thành ủy ban hành các văn bản chỉ đạo công tác BHXH tự nguyện, BHYT trên địa bàn, trong đó đảng viên là lực lượng nòng cốt, là tuyên truyền viên chính sách BHXH, BHYT. Theo đó, các cấp ủy Đảng chỉ đạo cán bộ, đảng viên gương mẫu tham gia cho người thân và tuyên truyền, vận động người quen cùng tham gia.

Đánh giá cao các mô hình, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân- Giám đốc BHXH tỉnh Hậu Giang cho biết: “BHXH tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu, tích cực tham gia BHYT. Tăng cường tuyên truyền về Nghị quyết số 10/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ an sinh xã hội và hỗ trợ mức đóng BHYT cho một số đối tượng trên địa bàn giai đoạn 2022-2025; phát huy các mô hình tuyên truyền hiệu quả, để vận động người dân tham gia BHYT”.

Bài: Bích Châu

Đồ họa: Thanh An