Công ty CP Thủy sản Tắc Cậu (Kicoimex) trước đây vốn là DNNN. Sau khi cổ phần hóa, DN này trực thuộc nhà đầu tư Đông Cường- thương hiệu nổi tiếng ở tỉnh Kiên Giang vì tạo nên các khu đô thị lấn biển. Toàn bộ sản phẩm của Kicoimex đều phục vụ xuất khẩu, vì vậy dây chuyền sản xuất gần như khép kín và tự động, trừ khâu sơ chế là thủ công. Ở Kicoimex, mỗi ngày có gần 100 lao động người Khmer đảm đương công việc sơ chế. “Đây là nhóm lao động mùa vụ làm ngày nào tính thù lao ngày ấy. Mỗi ngày một lao động nhận thù lao cỡ 200.000 đồng tới 300.000 đồng. Có gia đình đi làm tới 3-4 người, chịu làm thì tính ra thu nhập hộ gia đình cũng đỡ lắm”- bà Trần Thị Sợi- Trưởng phòng Tổ chức hành chính của Kicoimex cho biết.
Toàn bộ lao động sơ chế ở Kicoimex đều là người Khmer. Theo bà Sợi, do là công việc đơn giản không đòi hỏi tay nghề, kinh nghiệm, nên bà con người này rủ người kia kéo tới Kicoimex làm việc. Thậm chí, có người không nói rành tiếng Việt, nhưng nhờ người đi trước chỉ bảo, nên việc sơ chế cá luôn nhuần nhuyễn. “Có điều, quản lao động sơ chế nhọc lắm nhà báo ơi, vì bà con nay làm mai nghỉ, ra vào như đi chợ ấy”- bà Sợi chia sẻ thêm với chúng tôi.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, bà con Khmer luôn tìm kiếm sự cân bằng trong cuộc sống, nhất là sự cân bằng giữa cơm áo gạo tiền với niềm vui tinh thần, tâm linh. Chính vì vậy, cứ tới ngày kỷ niệm văn hóa hay tín ngưỡng của dân tộc Khmer, tại khu sơ chế của Kicoimex hầu như chẳng còn người nào làm việc. Không chỉ những ngày kỷ niệm lớn, mà làng xã, thôn xóm có chuyện vui buồn gì, thì lập tức nhà này kéo nhà kia nghỉ cả, có khi nghỉ cả tuần mới làm lại. “Ban lãnh đạo Công ty phải nhào xuống chặt đầu cá phụ vì hụt người sơ chế là chuyện cơm bữa”- ông Danh Huy Bình- Giám đốc nhân sự Kicoimex thông tin thêm.
Ở khu cảng cá Tắc Cậu không chỉ có Kicoimex, mà còn có nhiều DN thủy sản khác đặt trụ sở và nhà máy chế biến. Sơ chế là khâu đầu tiên, nên DN thủy sản nào cũng cần nhân sự. Do đó, khu cảng cá Tắc Cậu dần hình thành “đầu nậu” cung ứng lao động sơ chế, song nếu thông qua đầu nậu thì thu nhập của NLĐ chả còn được bao nhiêu. Vì thế, bấy lâu nay, bộ phận nhân sự cố gắng tự tuyển dụng nhân sự nhóm này, mà không thông qua đầu nậu, để NLĐ có được thu nhập ổn định cuộc sống.
“Lúc có cá mà không có người thì cũng khổ, mà lúc có người đầy ra đó lại không có cá thì cũng mệt. Mà bà con Khmer làm sơ chế thì vào ra như chợ, nhưng Kicoimex vẫn ráng làm trực tiếp với từng NLĐ. Cuối ngày, nhìn bà con lãnh tiền tròn đầy, mặt ai cũng vui thì mình cũng vui lây. Có điều, hôm nào không điều tiết được, hụt nhiều quá thì từ giám đốc tới trưởng phòng, rồi nhân viên hành chánh Kicoimex phải ráng chịu cảnh cầm dao chặt đầu cá thôi...”- bà Sợi chia sẻ thêm. Mặc dù lao động mùa vụ và thù lao tính theo ngày, theo sản phẩm, song tới cuối năm Kicoimex vẫn khích lệ NLĐ ở khâu sơ chế bằng tháng lương 13, với bình quân lương trên dưới chục triệu đồng mỗi người.
Chế biến thủy sản là ngành nghề dễ bị “ép tim” hay “tăng xông” do nguyên liệu phụ thuộc hoàn toàn vào biển cả, đặc biệt là DN thủy sản phục vụ xuất khẩu. Ký được hợp đồng với đối tác nước ngoài trong thời buổi hiện nay là chuyện “trần ai khoai củ”, vì cạnh tranh, vì tiêu chuẩn đối tác khắt khe... Nhưng có hợp đồng trong tay rồi mà hụt nguyên liệu là dễ bị “tăng xông” ngay.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh- Phó Giám đốc phụ trách thu mua của Kicoimex, nghề chế biến thủy sản phải đối mặt với 4 tháng hụt nguyên liệu trong năm (từ tháng 2 tới tháng 5), dù thời gian này biển rất êm ả. Do đó, DN thủy sản nào mà ứng xử không khéo, không hết lòng chăm chút đời sống của NLĐ, nhất là trong những tháng ít việc, thì có thể hụt lao động có tay nghề khi mùa thu mua nhộn nhịp trở lại. “Ở Kicoimex, bộ phận thu mua cứ làm hết sức mình mà không phải lo lắng gì về nhân lực có tay nghề đủ hay không. Anh chị em công nhân chắc tay nghề đã gắn bó với Kicoimex ít thời gian thì cũng 6 tới 7 năm, còn dài thời gian thì tới 15, 16 năm rồi”- bà Ánh thông tin.
Chia sẻ thêm về đãi ngộ của Kicoimex với NLĐ, bà Sợi nói những ai có thâm niên 6-7 năm có thu nhập bình quân 10,7 triệu đồng/tháng, còn nếu có thâm niên 16-17 năm thì thu nhập bình quân 14,5 triệu đồng/tháng. “Lương tháng 13, Kicoimex lo đầy đủ; BHXH, BHYT đóng đúng ngày, đúng giờ không thiếu đồng nào; tổ chức khám sức khỏe định kỳ hàng năm theo quy định; riêng NLĐ làm ở những vị trí dễ tổn thương thì được khám bệnh nghề nghiệp 6 tháng/lần... Kicoimex vừa nỗ lực tuân thủ các quy định hiện hành về sử dụng lao động, vừa gắng sức chăm chút phúc lợi cho NLĐ nhiều nhất có thể. Gắn với nhau vì công việc là một chuyện, nhưng ở lâu với nhau thì phải thể hiện qua sự chăm chút đời sống của nhau…”- lãnh đạo Phòng Tổ chức hành chính của Kicoimex nói thêm.
Nhờ chăm chút cho NLĐ đầy đủ, nên sau đại dịch COVID-19, Kicoimex đã nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh. Tới nay, theo ông Bình, Kicoimex không chỉ “lấy lại phong độ” như hồi trước dịch COVID-19, mà còn đang chuẩn bị mở rộng quy mô sản xuất. “Chúng tôi xây thêm xưởng và đã chạy thử. Sắp tới, sẽ tách xưởng để thuận lợi cho việc chuyên môn hóa sản xuất hơn nữa. Chúng tôi hy vọng những tháng cuối năm và sang năm, nguồn nguyên liệu phong phú, dồi dào để kế hoạch mở rộng sản xuất được hanh thông. Qua đó, vừa giúp địa phương giải quyết thêm công ăn việc làm, vừa đóng góp thêm nguồn thu cho địa phương...”- ông Bình thông tin thêm.
Thực hiện: Thanh Giang
Trình bày: Hà Hùng
- TP.Ngã Bảy (Hậu Giang): “Cà phê sáng”- Cầu nối an sinh xã hội
- Giải pháp phát triển người tham gia BHXH tự nguyện ở tỉnh Lâm Đồng
- TP.Hồ Chí Minh: Kinh nghiệm đồng bộ CSDL quốc gia về Bảo hiểm và CSDL quốc gia về Dân cư
- Lan tỏa “văn hóa an sinh” từ Thư ngỏ của Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La
- Tiếp sức cho những tuổi thơ không may mắn