Tỉnh Lâm Đồng có 47 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, đồng bào DTTS chiếm 25,72% dân số, cùng sự nhập cư của nhiều người dân từ các vùng miền khác nhau; lực lượng lao động chủ yếu tập trung vào khu vực nông nghiệp và dịch vụ du lịch đã tạo nên những đặc thù riêng. Ngoài những yếu tố về chính sách, quá trình tổ chức thực hiện chính sách,... thì nhận thức, cách suy nghĩ, tập quán của người dân là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho số người tham gia BHXH tại Lâm Đồng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.
Vì vậy, cần nghiên cứu xây dựng các giải pháp đặc thù phát triển người tham gia BHXH tự nguyện phù hợp với tỉnh Lâm Đồng nói riêng, các tỉnh Nam Tây Nguyên nói chung.
- Giai đoạn 2017-2021: Tốc độ phát triển người tham gia BHXH tự nguyện hằng năm tại tỉnh Lâm Đồng đều đạt cao (năm 2018 gấp 1,92 lần so với năm 2017; năm 2019 gấp 3,52 lần so với năm 2018; năm 2020 gấp 1,99 so với năm 2019; năm 2021 gấp 1,21 lần so với năm 2020). Có được kết quả đó chủ yếu là do cơ quan BHXH đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tăng cường tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương. Đồng thời, giai đoạn này Bưu điện tham gia làm đại lý thu cho cơ quan BHXH, vừa đưa số nhân viên (không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc) tham gia BHXH tự nguyện, vừa giúp người dân tiếp cận được các thông tin về BHXH tự nguyện.
- Đến năm 2022, nhiều người ngừng đóng BHXH tự nguyện để rút một lần do lo ngại sửa Luật BHXH sẽ không được rút BHXH một lần hoặc do thu nhập giảm sút (bị ảnh hưởng từ những khó khăn của nền kinh tế hậu đại dịch COVID-19 và cuộc chiến Nga- Ucraina). Ngoài ra, các tổ chức dịch vụ thu hoạt động không hiệu quả so với mô hình đại lý thu xã, phường trước đây. Vì vậy, số người tham gia BHXH tự nguyện năm 2022 đã giảm 2,83% so với năm 2021.
- Số người tham gia BHXH tự nguyện khu vực nông thôn và thành thị có sự thay đổi mạnh. Năm 2017, số người tham gia BHXH tự nguyện tại khu vực nông thôn (363 người) chỉ gần bằng 1⁄2 so với thành thị (647 người). Đến năm 2021, số người tham gia tại khu vực nông thôn (12.057 người) đã gấp gần 3 lần so với khu vực thành thị (4.434 người), chiếm 1,5% dân số nông thôn, trong khi tỷ lệ này ở khu vực thành thị chỉ là 0,85%. Năm 2022, xu hướng này vẫn tiếp tục được duy trì, số người tham gia BHXH tự nguyện ở nông thôn cao gấp 2,69 lần so với khu vực thành thị.
- Tỷ trọng người tham gia BHXH tự nguyện là nữ giới nhiều hơn nam giới, đặc biệt là trong năm 2021 có tới 58% số người tham gia BHXH tự nguyện là nữ và năm 2022 tỷ lệ này là 59%. Điều này do nhiều nguyên nhân như: Phụ nữ ngày càng có khả năng độc lập tài chính; phụ nữ thường đảm nhiệm việc chi tiêu “tay hòm chìa khóa” trong gia đình, thường có tinh thần chăm lo cho tương lai gia đình, nhạy bén hơn trong việc nhận thức về các rủi ro tài chính; điều kiện tuổi để đủ điều kiện hưởng lương hưu của nữ thấp hơn nam, trong khi tuổi thọ bình quân của nữ giới tại Lâm Đồng là 76 tuổi, cao hơn nam giới (70,7 tuổi).
Số lượng người tham gia BHXH tự nguyện ở tỉnh Lâm Đồng mặc dù tăng qua từng năm nhưng chưa thực sự bền vững và chưa tương xứng với tiềm năng, chưa tương xứng với nhu cầu và yêu cầu phát triển BHXH tự nguyện, nhất là tại các khu vực đông người DTTS, vùng sâu, xa.
- Về tổ chức thực hiện: Thủ tục hồ sơ để giải quyết hưởng chế độ mai táng phí và tử tuất cho người tham gia BHXH tự nguyện còn khó khăn trong việc ủy quyền nhận thay; địa phương chưa có hỗ trợ thêm mức đóng BHXH tự nguyện cho người dân ngoài phần hỗ trợ của Nhà nước trong khi đời sống của người dân còn khó khăn; hoạt động của hệ thống tổ chức dịch vụ thu BHXH tự nguyện chưa hiệu quả, công tác chăm sóc khách hàng chưa được quan tâm thường xuyên, mạng lưới nhân viên thu BHXH tự nguyện còn ít, đa số đang kiêm nhiệm nhiều việc, chưa bám sát địa bàn để vận động tuyên truyền, tư vấn trực tiếp...
- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền địa phương và công tác phối hợp với các cấp, các ngành: Chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến chính sách BHXH tự nguyện, sự phối hợp trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH tự nguyện của các cấp, các ngành ở địa phương với cơ quan BHXH chưa thường xuyên, đồng bộ.
- Về công tác truyền thông: Chưa đa dạng về nội dung và hình thức; tài liệu tuyên truyền bằng tiếng DTTS còn thiếu; chưa có cơ chế hỗ trợ tài chính cho các chức sắc tôn giáo, những người có uy tín khi vận động phát triển BHXH tự nguyện.
- Về trình độ dân trí: Còn nhiều người dân chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách BHXH tự nguyện, nhất là những người sống ở vùng kinh tế- xã hội khó khăn, người DTTS, có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
- Về thu nhập: Điều kiện kinh tế của đa số lao động tự do còn thấp, không ổn định, thời gian đóng kéo dài, sản phẩm nông nghiệp đặc thù ở địa phương làm ra có giá cả thấp, không tiêu thụ được...
- Tăng cường, đổi mới công tác truyền thông:
+ Tuyên truyền dựa trên yếu tố dân tộc: Thiết kế các ấn phẩm tuyên truyền với nội dung ngắn gọn, có trọng tâm, dễ hiểu, sử dụng ngôn ngữ bằng tiếng dân tộc; tranh thủ sự ủng hộ của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, phát huy vai trò của các dòng họ; lồng ghép các cuộc thi tìm hiểu về BHXH tự nguyện vào các dịp lễ hội của người dân một cách phù hợp.
+ Tuyên truyền dựa trên yếu tố tôn giáo: Phối hợp với MTTQ Việt Nam các cấp tổ chức hội nghị tuyên truyền trực tiếp đối với những người có uy tín trong đồng bào tôn giáo, đó là các chức sắc, chức việc, linh mục, mục sư... Từ đó, họ truyền thông “nền” chính sách BHXH tự nguyện đến với các tín đồ.
+ Tuyên truyền dựa trên yếu tố vùng miền: Đối với những vùng có nhiều người miền Trung nhập cư, hình thức phù hợp để tuyên truyền là theo nhóm nhỏ đến từng hộ gia đình kết hợp với tổ chức hội nghị tuyên truyền trực tiếp tại các thôn, tổ dân phố; đối với vùng có nhiều người miền Bắc nhập cư áp dụng hình thức tổ chức hội nghị tuyên truyền trực tiếp tại các thôn, tổ dân phố; Đối với vùng có nhiều người DTTS sinh sống, hình thức phù hợp là theo nhóm nhỏ đến từng hộ gia đình.
+ Phương pháp tuyên truyền thông qua người thân: Quan tâm đến việc tuyên truyền, vận động, tác động đến những người có ảnh hưởng đối với đối tượng vận động.
- Hỗ trợ thu nhập, việc làm cho người dân:
+ BHXH tỉnh cần phối hợp với Ngân hàng CSXH và một số ngân hàng thương mại trên địa bàn có chính sách ưu tiên vay; phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, Trung tâm Dịch vụ Việc làm, các cơ sở đào tạo nghề, các DN trên địa bàn tỉnh nghiên cứu hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người tham gia BHXH tự nguyện; phối hợp với các BQL rừng, công ty lâm nghiệp, UBND các xã vận động người dân khi nhận tiền hỗ trợ khoán bảo vệ rừng thì trích một phần tiền hỗ trợ để tham gia BHXH tự nguyện.
- Hỗ trợ thêm mức đóng cho người dân khi tham gia BHXH tự nguyện từ nguồn ngân sách của tỉnh:
BHXH tỉnh xây dựng mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện phù hợp với điều kiện của tỉnh, phối hợp với các sở, ngành có liên quan để đề xuất HĐND, UBND tỉnh hỗ trợ mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện.
- Đề xuất BHXH Việt Nam điều chỉnh các mức chi thù lao cho tổ chức dịch vụ thu theo hệ số khu vực được Chính phủ quy định cho tỉnh để động viên, khích lệ các nhân viên thu tăng cường vận động, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện.
Bài: PV
Đồ hoạ: Thanh An