Thứ Hai, 30 /09/2024 12:52

 

Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM là môi trường đào tạo lớn ở phía Nam, quy tụ SV đến từ nhiều tỉnh miền Trung, miền Tây và Tây Nguyên theo học. Vì vậy, công tác BHYT SV ở nơi đây cũng mang nhiều đặc thù.

ThS. Đặng Kiên Cường- Trưởng Phòng Công tác SV (Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) cho biết, trường hiện có hơn 17.000 SV chính quy. Để 100% SV được tham gia BHYT, trên cơ sở xác định cần phải huy động tổng thể các nguồn lực cùng vào cuộc, Đảng ủy nhà trường đã sớm chỉ đạo các phòng, đơn vị, các tổ chức chính trị- xã hội trong trường phối hợp đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, vận động SV tham gia BHYT. Đặc biệt, Phòng Công tác SV, Đoàn Thanh niên, Hội SV trường tập trung nghiên cứu, đẩy mạnh tuyên truyền Nghị quyết 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới. “Sự quyết tâm, bằng chỉ đạo cụ thể đó của Đảng ủy đã tạo ra một sự định hình mang tính “khung” để cả hệ thống bắt tay nhịp nhàng vào triển khai nhiệm vụ”- ThS. Đặng Kiên Cường khẳng định.

Đảng ủy trường cũng nhấn mạnh yêu cầu thường xuyên chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện BHYT tại trường. Kịp thời đưa ra giải pháp xử lý vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đặc biệt là chỉ đạo xây dựng quy định việc tham gia BHYT là một trong những tiêu chí đánh giá kết quả rèn luyện SV (phần đánh giá về ý thức công dân trong quan hệ cộng đồng) để đảm bảo việc tuân thủ thực hiện.

Chính từ sự quyết tâm vào cuộc, những chỉ đạo, định hướng của Đảng ủy trường mà tỷ lệ SV tham gia BHYT Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM đã có những chuyển biến tích cực.

“Quan điểm của Đảng ủy Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM trong việc chỉ đạo thực hiện pháp luật về BHYT là “Thực hiện công tác BHYT không chỉ là tuân thủ pháp luật về BHYT mà còn là sự quan tâm của nhà trường đối với sức khỏe và tương lai của SV”. Từ đó, căn cứ chỉ đạo của Đảng ủy, các phòng, khoa, đơn vị chức năng của trường đã chủ động đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác thực hiện pháp luật về BHYT trong tương lai. Mục tiêu luôn là phấn đấu 100% SV được tham gia BHYT…”- đại diện Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM đúc kết.

Gửi tiền cho con trai là SV năm nhất đóng học phí, mua thẻ BHYT ngay từ khi mới nhập học vào Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), nhưng gần 3 tháng sau bà Hoa, quê ở Bình Định bỗng nhận được thông báo về việc con chưa tham gia BHYT. Biết tin, bà tức tốc gọi điện trao đổi cùng với đại diện nhà trường và con trai.

“BHYT thì tui quá rành, vì cả 2 ông bà ở nhà đây cũng đang mua và sử dụng thẻ BHYT để KCB hằng tháng. Gia đình khi gửi tiền cũng đã dặn con rất kỹ việc tham gia BHYT. Vậy mà…!”- bà Hoa phân trần.

Hỏi kỹ ra thì mới hay chàng trai đã trót tiêu “lạm” mất khoản này. Đồng thời, do chủ quan cho rằng sức khỏe tốt, cùng lắm chỉ bệnh vặt nên SV này lơ luôn việc mua thẻ BHYT, cũng không nói với gia đình.

Nhưng, những chuyện như vậy đều đã được nhà trường tiên liệu. Cô Võ Thị Diễm Trang- Phụ trách công tác BHYT SV của trường chia sẻ: “Gửi thông báo đến phụ huynh nhằm phối hợp với gia đình trong việc cho SV tham gia BHYT kèm theo những nội dung quyền lợi của SV khi tham gia BHYT và hậu quả khi không tham gia BHYT là một trong những giải pháp của trường. Với mong muốn tạo sự tương tác, gắn kết giữa nhà trường và gia đình liên quan đến thực hiện BHYT cho SV được chặt chẽ và hiệu quả nhất”.

Thông tin cho phụ huynh được coi là cách làm mới, có hiệu quả của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng nhằm “khắc chế” những trường hợp như em SV quê ở Bình Định nói trên. Bên cạnh đó, theo đại diện Ban Giám hiệu, vào đầu năm học, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng đều rà soát tình hình tham gia BHYT để phân loại ra nhóm SV chưa tham gia BHYT. Từ đó, định kỳ hàng tháng thông báo nhắc nhở đến từng SV chưa tham gia BHYT. Đặc biệt, phối hợp cùng với Ban cán sự và Cố vấn học tập của lớp nhắc nhở SV vào các buổi sinh hoạt lớp. Gửi nội dung cảnh báo chưa tham gia BHYT trên cổng thông tin SV và gửi tin nhắn SMS trực tiếp đến số điện thoại, email SV để nhắc nhở, vận động các em tham gia BHYT. 

Còn tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), theo ThS.Nguyễn Ngọc Hà- Trưởng phòng Công tác SV, lãnh đạo trường đặt trọng tâm chú ý công tác truyền thông, vận động tham gia BHYT đến SV ngay đầu các năm học. Trong đó, khẳng định về lợi ích của việc tham gia BHYT SV, quyền lợi được Nhà nước bảo hộ, cơ quan BHXH hỗ trợ chi trả khi SV KCB. Đặc biệt, lưu ý về vấn đề trẻ hóa các bệnh mạn tính không lây trong giai đoạn hiện nay cũng như những vấn đề sức khỏe thường gặp trong độ tuổi học đường (tật khúc xạ, thừa cân, tăng huyết áp, đái tháo đường, các vấn đề về tai mũi họng, răng hàm mặt, tai nạn thương tích...). Những vấn đề này sẽ tạo ra gánh nặng về tài chính cho gia đình, xã hội nếu diễn ra ở SV chưa tham gia BHYT.

Phát huy vai trò của Đảng ủy Nhà trường trong chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT trong SV; hay thông tin cho gia đình; phối hợp cùng với Ban cán sự và Cố vấn học tập của lớp nhắc nhở; gửi tin nhắn…, theo bà Nguyễn Thị Mỹ Dung- Phó Giám đốc BHXH TP.HCM, là những cách làm mới của các trường ĐH, CĐ trên địa bàn, rất hiệu quả để 100% SV tham gia BHYT.

Bài: Phạm Thọ

Đồ họa: Thanh An