* PV: Khi thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), nhiều ĐB cho rằng, những điểm mới của Luật sẽ tạo cơ hội cho nhiều người được tham gia và hưởng BHXH. Vậy, quan điểm của bà về vấn đề này thế nào?
- Bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân:
Phải khẳng định, Dự thảo Luật BHXH lần này đã bổ sung rất nhiều nội dung. Cụ thể: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng theo hướng mở rộng nhóm tham gia BHXH bắt buộc; vấn đề hưởng BHXH một lần; bổ sung quy định xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH… Cử tri cũng quan tâm đến quy định giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, nhằm gia tăng số người được hưởng lương hưu- phù hợp với chủ trương của Đảng trong Nghị quyết số 28-NQ/TW, tạo điều kiện cho lao động cao tuổi và có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.
Qua nghiên cứu, tôi cho rằng, Điều 64 “sửa đổi theo hướng quy định NLĐ khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hằng tháng” nhằm tạo cơ hội cho một số nhóm đối tượng bắt đầu tham gia BHXH muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc tham gia không liên tục… Đồng thời, cũng góp phần giảm số người hưởng BHXH một lần do đủ điều kiện hưởng lương hưu. Đặc biệt, đối với NLĐ có thời gian đóng BHXH dài hơn thì vẫn được hưởng lương hưu với tỷ lệ hưởng cao hơn.
Tuy nhiên, với cách tính mức lương hưu dựa trên thời gian đóng góp và mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH, nên việc giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH cũng làm xuất hiện thêm nhiều NLĐ nghỉ hưu với mức lương hưu rất thấp. Đây là điều mà nhiều ĐB và cử tri còn băn khoăn. Vì vậy, Chính phủ có thể xem xét thiết kế mức đóng BHXH dựa trên tổng thu nhập của NLĐ và cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp.
* Hiện tỷ lệ chậm đóng, trốn đóng BHXH tại các DN ở Bình Dương vẫn rất cao. Theo bà, cách nào để xử lý hiệu quả tình trạng này?
- Đây là vấn đề tồn tại, bức xúc kéo dài trong nhiều năm, gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi NLĐ. Để giải quyết vấn đề này, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ hoàn thiện thể chế, làm tốt công tác tuyên truyền, cho đến kiểm tra, giám sát. Cá nhân tôi cho rằng, chúng ta phải quyết liệt thực hiện các giải pháp như:
Một là, tăng cường sự quản lý nhà nước về BHXH; phát huy trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan BHXH trong quản lý đóng BHXH, thu hồi nợ. Chuẩn hóa, số hóa dữ liệu đồng bộ, liên thông với quản lý DN, lao động, thuế… Căn cứ CSDL đã có để nắm tình hình DN, tình hình lao động, phân loại nợ BHXH theo tuổi nợ, đối tượng nợ để quản lý; kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện bằng nhiều cách như văn bản, email, kể cả công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, công khai qua kênh trực tuyến đến từng NLĐ.
Hai là, cần tăng cường chỉ đạo, trao đổi thông tin liên ngành để xác định những DN có khả năng chi trả; từ đó tập trung ưu tiên kiểm tra, nhất là những DN có số nợ lớn. Cần có quy chế và biện pháp phối hợp chặt chẽ với ngành Thuế, Công an và UBND địa phương trong quản lý, thu hồi nợ.
Ba là, hoàn thiện pháp luật để xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH. Điều 216 Bộ luật Hình sự quy định tội danh này, nhưng vì các dấu hiệu, yếu tố cấu thành tội chưa đủ, khó làm rõ thế nào là trốn đóng. Đây chính là “điểm nghẽn” khiến chúng ta chưa xử lý hình sự được vụ nào, dù cơ quan BHXH đã kiến nghị khởi tố 328 vụ (từ năm 2018 đến năm 2022).
Do đó, các cơ quan chuyên môn cần làm rõ thế nào là hành vi chậm đóng, trốn đóng, cố tình trốn đóng, cũng như trách nhiệm pháp nhân, chế tài mạnh để xử lý dứt điểm tình trạng này. Đặc biệt, cử tri Bình Dương kiến nghị pháp luật cần phân biệt rõ hành vi, số tiền chậm đóng, trốn đóng BHXH của DN chỉ dựa trên số tiền mà DN phải đóng cho NLĐ theo quy định của pháp luật; riêng số tiền của NLĐ mà DN thu hộ nhưng không đóng phải cho đó là hành vi chiếm dụng BHXH của NLĐ. Đồng thời, cần quy định rõ thời gian, dấu hiệu nhận biết và chế tài đối với từng hành vi.
* Mục tiêu Nghị quyết 28-NQ/TW đề ra đến năm 2025 đạt 45% và đến năm 2030 đạt 60% người trong độ tuổi lao động tham gia BHXH. Để thực hiện mục tiêu này, chúng ta cần thêm những giải pháp gì, thưa bà?
Hiện nay, lực lượng lao động khu vực phi chính thức còn chiếm số lượng lớn, với trên 33 triệu người, chiếm 64,6% trong tổng số việc làm của nền kinh tế. Đây là những khó khăn, thách thức lớn cho việc bao phủ BHXH, tiến tới BHXH toàn dân. Kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng, nếu chỉ phát triển BHXH tự nguyện khó có thể bao phủ được an sinh xã hội, nên BHXH bắt buộc vẫn là giải pháp căn cơ nhất để “không có ai bị bỏ lại phía sau”.
Để nắm chắc lao động ở khu vực phi chính thức, chúng ta cần rà soát, hoàn thiện các quy định về quản lý lao động, chế tài và thẩm quyền xử phạt vi phạm chặt chẽ, đồng bộ; đồng thời cần cập nhật, đồng bộ, số hóa dữ liệu dân cư, lao động, việc làm và BHXH. Bên cạnh đó, hoàn thiện chính sách BHXH bắt buộc theo hướng tăng các chế độ được hưởng bằng cách tăng mức đóng BHXH. Có thể tính toán cách đóng dựa trên tổng thu nhập của NLĐ, thay vì chỉ căn cứ vào mức lương cơ sở, tăng tỷ lệ đóng, các mức hưởng và điều kiện được hưởng khi tham gia BHXH; tuyên truyền mạnh mẽ, sâu rộng về quyền lợi khi tham gia BHXH.
Ngoài ra, cũng cần số hóa, công khai, minh bạch việc thu, chi, quản lý quỹ BHXH đến từng DN và NLĐ. Quỹ BHXH là quỹ tài chính độc lập ngoài NSNN, do người SDLĐ và NLĐ đóng góp, có sự hỗ trợ của Nhà nước. Vì vậy, hằng tháng, NLĐ phải biết được cơ quan, đơn vị có đóng BHXH cho mình hay chưa, các khoản đóng góp từ trước đển nay sử dụng như thế nào, các quyền lợi mình đang được hưởng ra sao?... Đồng thời, theo tôi, cần có những chính sách ưu đãi hơn cho NLĐ khi tham gia BHXH như vay vốn để học tập, chi tiêu sinh hoạt… trong những lúc khó khăn để NLĐ không rút BHXH một lần, mà xác định ở lại lâu dài với BHXH.
* Trân trọng cảm ơn bà!
Thực hiện: Vũ Thu
Trình bày: Hà Hùng