Giờ nghỉ, ngày nghỉ nhưng việc không nghỉ
Đêm và ngày nghỉ cuối tuần là thời điểm BHXH các huyện miền núi của Quảng Ngãi lại tranh thủ về các thôn để tổ chức tuyên truyền, vận động bà con tham gia BHXH, BHYT, bởi chỉ khi đó bà con mới có thể tới dự được. Tấm chân tình của bà con các dân tộc dường như tiếp thêm sức mạnh cho những người làm công tác dệt lưới an sinh.
Tỉnh Quảng Ngãi có 5 huyện miền núi (Trà Bồng, Sơn Tây, Sơn Hà, Minh Long, Ba Tơ). Trong 4 huyện mà chúng tôi vừa đi qua, huyện nào bà con DTTS cũng chiếm đa số, huyện ít nhất cũng hơn 60%, huyện nhiều nhất gần 90% dân số. Mỗi huyện, dù bà con dân tộc có tiếng nói khác nhau, nhưng phương thức sống gần như giống nhau: Sáng sớm rời nhà đi rẫy; đến chạng vạng tối mới về tới nhà rông. Thêm nữa, nếu người miền xuôi thích sống cạnh đường lớn, thì bà con lại thích sống sâu trong núi rừng hơn.
Bà con dân tộc Hrê ở huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) nghe tuyên truyền về BHXH, BHYT
Ở các huyện miền núi chúng tôi đi qua, huyện ít nhất có 5 xã, thị trấn với 31 thôn (Minh Long), nhiều nhất có đến 20 xã, thị trấn (Ba Tơ) với trên dưới 100 thôn. Điều đáng chú ý, thôn nào cũng có nhà văn hóa to, đẹp; còn trạm y tế các xã thì hầu như đạt chuẩn quốc gia. Vì thế, muốn truyền thông, vận động bà con tham gia BHXH, BHYT, thì BHXH các huyện phải nhờ trưởng thôn hô hào bà con đến nhà văn hóa, dĩ nhiên là sau khi bà con đi rẫy về và cơm nước xong xuôi. Còn về phía BHXH huyện, sau khi hết giờ hành chính lại cũng tranh thủ bỏ bụng ít cơm, rồi nhanh chóng xuống nhà văn hóa thôn chờ bà con tới nghe tuyên truyền.
Bởi vậy, hôm nào có hoạt động truyền thông, vận động ở cơ sở, hầu hết nhân sự BHXH huyện về tới nhà hoặc cơ quan cũng phải tầm 11-12 giờ khuya. Những ngày nghỉ cuối tuần cũng là thời điểm tốt BHXH các huyện phải tranh thủ bà con không lên rẫy để lo thực hiện vận động, tuyên truyền. “Lĩnh lương làm ngày, mà tháng nào cũng làm nhiều đêm”- một số cán bộ BHXH ở Quảng Ngãi chia sẻ. Hầu hết họ không than thở, mà chỉ chia sẻ, vì đã quen với kiểu làm việc chả “đụng hàng” với ai.
Hoạt động tuyên truyền, vận động bà con tham gia BHXH, BHYT ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi tập trung nhiều từ quý I đến quý III hằng năm. Sang quý IV do mưa nhiều, đường đèo núi hay sạt lở, lại đi đêm đi khuya không mấy an toàn, nên hạn chế tối đa việc đi lại. Cũng bởi vậy, BHXH các huyện đều phải tính toán cân đối thời gian, bằng cách vùng nào nhiều rủi ro do thời tiết thì tranh thủ đi trước, đi nhiều; còn vùng nào đường sá an toàn, dễ đi thì đi sau...
So với đồng bằng, đời sống ở miền núi lắm nhọc nhằn sẽ kéo theo hàng loạt khó khăn trong công tác dệt lưới an sinh. Dẫu vậy, anh chị em BHXH các huyện miền núi của Quảng Ngãi vẫn nhiệt tình, hăng hái băng rừng vượt suối giúp bà con các dân tộc tiếp cận chính sách BHXH, BHYT. Những đợt đi tuyên truyền, vận động ở cơ sở, họ phải làm việc trọn tuần, thậm chí làm hết ban ngày lại đến làm ban đêm.
Dù nhân sự BHXH các huyện miền núi của Quảng Ngãi đa số người phố, người miền xuôi, song núi rừng và tấm chân tình của bà con đồng bào HRê, CaDong... dường như tiếp thêm sức mạnh cho họ. Nhờ đó, hết lớp nhân sự này đến lớp nhân sự khác thay nhau tiếp nối sứ mệnh dệt lưới an sinh giữa núi rừng, mà họ chả mấy khi than vãn, kêu khó.
Thanh Giang