Trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Núi Thành, Quảng Nam) là một trong những trường có 100% HS tham gia BHYT trong nhiều năm liền. Kết quả này là sự nỗ lực của tập thể và sự minh bạch thông tin giữa nhà trường với phụ huynh. Thầy Lê Văn Trí- Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Từ đầu năm học, trường viết thông báo cho phụ huynh đọc khi nộp hồ sơ nhập học cho con. Với những phụ huynh chưa rõ, giáo viên chủ nhiệm sẽ giải thích. Nếu phụ huynh vẫn cần được giải thích thêm thì có thể gặp trực tiếp bộ phận kế toán hoặc Ban Giám hiệu nhà trường. Với những trường hợp khó khăn, phụ huynh có thể làm đơn, nhà trường sẽ xem xét để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Trường cũng đưa tỷ lệ HS tham gia BHYT HSSV vào chỉ tiêu xét thi đua nhằm nâng cao trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm. HS bậc THPT thường được cha mẹ nộp các khoản thu, đóng góp nên nhà trường chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc tham gia BHYT để được hưởng các quyền lợi liên quan. Vì thế, con số 100% HS tham gia BHYT là sự thành công của nhà trường trong thực hiện chính sách BHYT trong những năm học qua, cũng là sự phấn đấu trong năm học này”- thầy Trí cho biết.
Theo thầy Trí, để duy trì được tỷ lệ 100% HS tham gia BHYT là sự đồng thuận cao trong hội đồng sư phạm nhà trường. Các thầy, cô giáo chủ nhiệm lớp là những tuyên truyền viên về BHYT HSSV đến phụ huynh, HS. Ngoài ra, nhà trường có phòng y tế khang trang, có nhân viên y tế, tủ thuốc, dụng cụ sơ cấp cứu đầy đủ; kinh phí CSSKBĐ cho HS được cơ quan BHXH trích lại. Mỗi khi HS đau ốm tại trường được khám, chăm sóc, sơ cứu kịp thời, nên phụ huynh yên tâm. Những năm học vừa qua, nhiều dịch bệnh phức tạp xảy ra thì việc tham gia BHYT đã bảo đảm được sự an toàn cho HS tốt hơn.
Tại Trường Tiểu học Hùng Vương (TP.Tam Kỳ, Quảng Nam), cô Trịnh Thị Hồng- Hiệu trưởng nhà trường cho biết, duy trì tỷ lệ HS tham gia BHYT ở mức cao nhất đã trở thành truyền thống của trường. Tập thể giáo viên luôn xem đó là nhiệm vụ để góp phần nâng cao sức khỏe cho HS của mình. Ngay từ đầu năm học, nhà trường triển khai đến toàn bộ đảng viên, sau đó là giáo viên về mục tiêu phát triển BHYT HSSV. Ban Giám hiệu cũng chủ động tuyên truyền đến phụ huynh và HS. Giáo viên chủ nhiệm trực tiếp nhắc nhở, hướng dẫn HS tham gia BHYT trong các tiết sinh hoạt lớp. Nhờ vậy, phụ huynh HS luôn quan tâm đóng BHYT cho con em mình và kết quả cho thấy, nhiều năm qua, trường luôn có tỷ lệ HS tham gia BHYT đạt trên 99%.
Theo cô Hồng cứ mỗi đầu năm học, nhà trường đều giao cho Liên đội tổ chức buổi sinh hoạt ngoại khóa, trong đó có tuyên truyền chính sách BHYT. Tại các buổi họp phụ huynh đầu năm học, BHYT cũng là chính sách được tuyên truyền bên cạnh các nhiệm vụ dạy và học. Vì vậy BHYT thậm chí còn là khoản mà phụ huynh ưu tiên nộp trước, bởi đây là giải pháp chăm sóc sức khỏe cho HS hiệu quả. Đối với HS có điều kiện khó khăn, nhà trường kêu gọi các nhà tài trợ hỗ trợ mua tặng thẻ BHYT. Tuy nhiên, để kết quả này được duy trì, “tỉnh cũng cần có chính sách phù hợp hỗ trợ HS diện khó khăn, đảm bảo các em được chăm sóc sức khỏe tốt nhất từ chính sách BHYT”- cô Hồng kiến nghị.
Trên thực tế, ở nhiều trường, cùng với nhận thức của phụ huynh và sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, kết hợp với cách làm hay, sáng tạo của các thầy, cô giáo đã góp phần nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT HSSV. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp phụ huynh thờ ơ với việc tham gia BHYT HSSV cho con em mình. Đến Trường Tiểu học Trường Thạnh, (TP.Thủ Đức, TP.HCM), chưa năm học nào chúng tôi thấy cô Lê Thị Ngọc Hạnh hiệu trưởng nhà trường yên tâm với công tác BHYT HSSV nơi đây. Theo cô Hạnh, công tác tuyên truyền thì tất cả giáo viên nhà trường đã rất tâm huyết và nhận thức của các bậc phụ huynh về chính sách BHYT cũng hết sức thấu đáo. Nhưng nhà trường có đến 80% HS là con em công nhân, đời sống kinh tế nhiều khó khăn, đồng lương công nhân eo hẹp phải khéo chi tiêu mới đủ cho sinh hoạt hằng ngày. Vì thế, dù nhà trường nỗ lực bằng mọi cách, cũng chỉ đạt khoảng trên 90% HS tham gia BHYT.
Theo cô Hạnh, có nhiều em HS đến kỳ đóng phí BHYT, nhưng phụ huynh lại đến “xin” nhà trường hỗ trợ, mà nhà trường làm gì có khoản nào chi cho “hạng mục” này. “Những lúc như vậy, những người thầy như chúng tôi trăn trở lắm, lại phải xoay sở đủ hướng, kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ. Có năm, nhà trường cũng xoay sở hỗ trợ được cho trên 100 HS”- cô Hạnh chia sẻ. “Là lãnh đạo nhà trường, tôi thấu hiểu tầm quan trọng của chính sách BHYT, nên không nỡ để các em bệnh tật mà không có BHYT hỗ trợ. Có năm học, quỹ BHYT đã chi cả trăm triệu đồng cho các em không may mắc bệnh hiểm nghèo. Nghĩ đến những hoàn cảnh đáng thương này, tôi và giáo viên nhà trường lại trích lương đóng góp và vận động khắp nơi mua BHYT cho các em”- cô Hạnh ngậm ngùi.
Theo ghi nhận của chúng tôi, Phòng y tế của trường khá rộng rãi, trang bị đầy đủ những thiết bị cần thiết, tủ thuốc với nhiều loại thuốc thông dụng. Cán bộ y tế của trường luôn túc trực, sẵn sàng hỗ trợ, khám, sơ cứu cho HS khi cần thiết. Được biết, một phần phí BHYT HSSV được trích lại cho nhà trường rất kịp thời để phục vụ công tác y tế trường học, CSSKBĐ cho HS. Hằng năm, các em được khám tầm soát sức khỏe nhằm phát hiện sớm các vấn đề bất thường (nếu có). Đó là những lợi ích dễ nhìn thấy nhất khi tham gia BHYT HSSV tại trường.
Trường THCS Đồng Nơ (huyện Hớn Quản, Bình Phước), một trong những trường nhiều năm liền có tỷ lệ HS tham gia BHYT đạt 100%, được các cấp tuyên dương, khen thưởng. Chia sẻ về “bí quyết” vận động HS tham gia BHYT, cô Hiệu trưởng Phan Thị Kim Sa cho biết, trường thành lập các nhóm Zalo phụ huynh của các lớp có sự tham gia của Ban Giám hiệu, cán bộ BHXH huyện. Ngoài chia sẻ những văn bản liên quan đến BHYT, đây còn là địa chỉ để phụ huynh trao đổi những thắc mắc về quyền, lợi ích khi tham gia và được cán bộ BHXH giải đáp trực tiếp, từ đó yên tâm khi tham gia BHYT cho con em mình. Ngoài ra, khi họp giao ban các ngành với UBND xã, nhà trường luôn lồng ghép báo cáo cập nhật tình hình HS tham gia BHYT, qua đó tranh thủ được sự lãnh đạo, chỉ đạo của UBND xã, sự phối hợp của các hội, đoàn thể vận động người dân tham gia BHYT cho con em mình.
Cũng theo cô Sa, với những HS hoàn cảnh khó khăn, chưa đóng BHYT kịp thời thì nhà trường yêu cầu kế toán rà soát trích kinh phí mua thẻ BHYT trước để đảm bảo quyền lợi cho các em, sau đó sẽ vận động phụ huynh đóng góp trả lại cho trường. Đối với những trường hợp quá khó khăn không thể tham gia được thì vận động nhà hảo tâm hoặc hội phụ huynh quyên góp hỗ trợ.
“Để các em hiểu về tầm quan trọng của BHYT, chúng tôi thường tuyên truyền về tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ các bạn và sự hỗ trợ khi mình không may ốm đau, bệnh tật. Khi các em hiểu được mọi việc thì mỗi HS là một tuyên truyền viên vận động phụ huynh, người thân tham gia BHYT”- cô Sa chia sẻ.
Một kinh nghiệm cũng được Trường THCS Đồng Nơ gửi gắm, đó là công tác BHYT HSSV phải bắt đầu ngay từ HS. “Dù các em đang tuổi ăn, tuổi lớn chưa quan tâm đến chuyện tiền bạc, bệnh tật, nhưng trong nhiều trường hợp, chính các em lại là “cầu nối”, là tuyên truyền viên thuyết phục, vận động cha mẹ tham gia BHYT đầy đủ cho các thành viên trong gia đình”- cô Sa cho biết thêm.
Bài: Văn Phạm
Đồ họa: Thanh An