Thứ Hai, 02 /09/2024 07:32

 

Tháng 8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn thể dân tộc Việt Nam đã vùng lên tiến hành Tổng khởi nghĩa, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân. Từ đó, mở ra bước ngoặt vĩ đại, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới- kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Và, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam).

Từ mùa Thu năm 1945, với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, dân tộc Việt Nam đã kiên cường, anh dũng vượt qua gian khổ, ác liệt đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Bước vào thời kỳ Đổi mới, với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, một lần nữa, nhân dân Việt Nam lại bước vào cuộc chiến đấu đầy gian khó để xóa đói, giảm nghèo, lạc hậu và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Cho đến nay, sau gần 40 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, “với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” (Văn kiện Đại hội XIII của Đảng). Theo đó, nền kinh tế bắt đầu phát triển và tăng trưởng với tốc độ cao (gần 7%/năm). Đến năm 2023, quy mô GDP đạt khoảng 430 tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trong ASEAN và thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. GDP bình quân đầu người tăng 58 lần, lên mức 4.300 USD năm 2023. Từ năm 2008, Việt Nam ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp và sẽ trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 (khoảng 7.500 USD)…

Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay, Việt Nam không những bảo đảm được an ninh lương thực, mà còn trở thành nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới. Cụ thể: Công nghiệp, dịch vụ phát triển khá nhanh (chiếm 88% GDP). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 700 tỷ USD; Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu. Dự trữ ngoại hối tăng mạnh (đạt 100 tỷ USD). Đầu tư nước ngoài đạt 23 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu ASEAN về thu hút FDI. Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) đứng thứ 46/132 nước được xếp hạng.

Liên Hợp Quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Năm 2022, chỉ số Phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,737, thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới. Chỉ số Hạnh phúc năm 2023 xếp thứ 65/137 quốc gia được xếp hạng. Việt Nam tập trung hoàn thành xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000 và phổ cập giáo dục THCS năm 2014; số SV tăng gần 20 lần trong gần 40 năm qua…

Xuyên suốt hành trình đấu tranh giải phóng dân tộc và quá trình Đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng chăm lo an sinh xã hội với mục tiêu “Làm cho dân Việt Nam được sung sướng, tự do”. Ngay từ thời điểm Cách mạng Tháng Tám thành công, với nền tài chính ban đầu hết sức eo hẹp, kinh tế nghèo nàn và lạc hậu, nhưng ngày 3/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ ký Sắc lệnh số 54-SL ấn định các điều kiện cho công chức về hưu trí, trong đó quy định: “Kể từ ngày 1/10/1945, những công chức thuộc tất cả các ngạch trong nước Việt Nam, tại chức hay đương nghỉ việc bất cứ ở vào trong trường hợp nào, đều phải về hưu mỗi khi có đủ 1 trong 2 điều kiện: hoặc đã làm việc được 30 năm, hoặc đã đến 55 tuổi”.

Tiếp đó là Sắc lệnh số 105-SL ngày 14/6/1946 quy định về việc cấp hưu bổng và đóng BHXH đối với công chức. Theo đó, bắt đầu từ ngày 1/10/1945, công chức các ngạch Việt Nam về hưu trí theo Sắc lệnh số 54 nếu đã làm được đủ 20 năm sẽ được hưởng lương hưu (nguyên văn trong Sắc lệnh là “có đồng hưu liễm”)- tức sẽ được cấp hưu bổng tính theo số hạng thâm niên.

Từ tiền đề ban đầu ấy, 79 năm qua, cùng với các thành tựu kinh tế, cuộc sống của người dân ngày càng đảm bảo tốt hơn- thể hiện qua những con số hết sức ấn tượng như: Đến hết năm 2023, cả nước có trên 18,41 triệu người tham gia BHXH; trên 14,79 người tham gia BH thất nghiệp; gần 3,4 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng. Đặc biệt, đã có 93,35% dân số tham gia BHYT (năm 1993 chỉ đạt 5,4%), trong đó người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và người cao tuổi được cấp BHYT miễn phí. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm gần 3 lần. Tuổi thọ trung bình của dân cư tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2023. Nhiều dịch bệnh vốn phổ biến trước đây đã được khống chế thành công…

Tháng 6 vừa qua, Quốc hội thông qua Luật BHXH 2024 với nhiều điểm mới tích cực; đồng thời đang khẩn trương sửa đổi Luật BHYT. Đây là cơ sở quan trọng để các chính sách an sinh xã hội, trong đó có chính sách BHXH, BHYT tiếp tục được phát triển bền vững, là cơ sở để đời sống của người dân được đảm bảo ấm no, hạnh phúc.

Mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh: Kiên định lập trường, quan điểm và thực hành “dân là gốc”, “nhân dân là chủ thể, trung tâm của công cuộc đổi mới”; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; bảo đảm mọi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của đổi mới, phát triển, được sống hạnh phúc trong môi trường an ninh, an toàn, không ai bị bỏ lại phía sau.

“Công cuộc đổi mới đất nước nhất định giành thắng lợi to lớn, Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, ấm no, đất nước ta ngày càng phát triển phồn vinh, hùng cường, vững bước đi lên CNXH, thực hiện thành công mục tiêu chiến lược mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra và di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại- cũng là ước vọng của toàn dân tộc “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định.

Bài: Minh Đức

Đồ hoạ: Thanh An