Chủ nhật, 01 /09/2024 02:11

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, với các đặc điểm, vị trí địa lý có tính chiến lược, huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) đã được chọn làm vùng ATK của Trung ương- thủ đô kháng chiến của cả nước. Ngày 20/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến ATK Định Hóa ở và làm việc tại đồi Khau Tý- nằm trên địa bàn xã Điềm Mặc.

Ngày 6/12/1953, tại đồi Tỉn Keo, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã họp thông qua kế hoạch tác chiến- tấn công chiến lược Ðông Xuân 1953-1954 để làm nên Chiến thắng Ðiện Biên Phủ lẫy lừng năm châyu, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của dân tộc. Cũng tại đây, nhiều sắc lệnh quan trọng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được ký ban hành, trong đó có luật về nghĩa vụ quân sự và sắc lệnh tổng động viên.

Thật khó để hình dung, vùng núi xa xôi này lại là “thủ đô gió ngàn” của cuộc kháng chiến, nơi đặt “đại bản doanh” của Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng. Tỉnh Thái Nguyên có 63 xã được công nhận xã ATK trong kháng chiến chống Pháp. Trong đó, riêng Định Hóa có 23 xã, thị trấn là xã ATK với 128 điểm di tích lịch sử cách mạng, ghi đậm dấu ấn một thời của chiến khu Việt Bắc anh hùng.

Có thể kể đến các di tích như: Tỉn Keo, Khuôn Tát, Nà Nom, đèo De, núi Hồng, nhà ông Cao Nhật- một trong những cơ sở cách mạng đầu tiên của Xứ ủy Bắc Kỳ thời kỳ 1939-1945; rừng Mấn- nơi đặt trạm liên lạc của Xứ ủy Bắc Kỳ và là nơi mở lớp huấn luyện chính trị, quân sự của Ðảng, đồng chí Trường Chinh- Tổng Bí thư của Ðảng khi đó và đồng chí Hoàng Quốc Việt từng qua lại hoạt động ở đây; chùa Mai Sơn- nơi Xứ ủy Bắc Kỳ đặt nhà in đặc biệt để in Báo Cờ giải phóng và nhiều tài liệu quan trọng; đình Kha Sơn- nơi thành lập chính quyền cách mạng đầu tiên của xã...

Tất cả những di tích lịch sử này là nơi ghi lại nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, gắn với dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cơ quan Trung ương, Chính phủ, cơ quan Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng... trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp hào hùng.

Là vùng đất anh hùng trong lịch sử, ngày nay, Định Hóa đang vươn lên mạnh mẽ cùng cả nước trong tiến trình phát triển kinh tế. Với 17 dân tộc cùng chung sống (trong đó đồng bào các DTTS chiếm hơn 73%), diện mạo và cơ cấu kinh tế của huyện từng bước chuyển dịch tích cực. Tính đến hết năm 2023, tỷ trọng thương mại-dịch vụ chiếm 47,8%; công nghiệp-xây dựng chiếm 31,2%; nông-lâm-thủy sản chiếm 21%; sản lượng lương thực có hạt hơn 51.400 tấn, giá trị sản phẩm trên 1ha đất nông nghiệp trồng trọt đạt trên 108 triệu đồng/ha; huyện có 15 sản phẩm được xếp hạng OCOP 3 sao.

Hạ tầng kinh tế-xã hội được đầu tư đồng bộ, với hơn 820km đường giao thông được cứng hoá, nhựa hoá (đạt hơn 90%), trong đó trên 134km đường trục xã, liên xã được nhựa hoá, bê tông hoá (đạt 100%). Đồng thời, 100% xã có nhà văn hoá xã, nhà văn hóa xóm, sân thể thao đạt chuẩn; hơn 96% xóm, tổ dân phố đạt khu dân cư văn hoá; hơn 90% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá”; trên 97% trường học đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 9,98%, thu nhập bình quân đầu người trên 45 triệu đồng/người/năm.

Đặc biệt, huyện Định Hoá đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới, trong đó có 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã đạt nông thôn mới nâng cao, thị trấn Chợ Chu đạt chuẩn đô thị văn minh. Sau 13 năm, tổng nguồn lực huy động để xây dựng huyện nông thôn mới lên tới hơn 7.900 tỷ đồng. Riêng năm 2022-2023, huyện đã huy động được trên 1.700 tỷ đồng để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao.

Theo Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 29/7/2024 do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký, huyện Định Hóa đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023. Đây là dấu ấn nổi bật của địa phương, cho thấy những nỗ lực phát triển kinh tế-xã hội, tiếp nối truyền thống anh hùng của vùng quê ATK những năm kháng chiến. Cùng với các kết quả phát triển kinh tế, Định Hóa cũng đang là một trong những địa phương thực hiện tốt các chỉ tiêu về an sinh xã hội, nhất là chỉ tiêu BHXH, BHYT.

Bà Mai Thị Huyền- Giám đốc BHXH huyện Định Hóa cho biết, hiện công tác BHXH, BHYT trên địa bàn đang đạt nhiều kết quả rất đáng ghi nhận. Tính đến hết tháng 7/2024, toàn huyện có trên 98.200 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 100% dân số. Đồng thời, huyện Định Hóa đã có trên 3.740 người tham gia BHXH bắt buộc (đạt trên 100,7% kế hoạch năm 2024); còn về BHXH tự nguyện cũng khá lạc quan, khi đã có hơn 3.340 người tham gia (đạt 70% kế hoạch năm 2024).

“Với đặc điểm của một huyện miền núi, nên việc phát triển BHXH tự nguyện rất khó. Tuy nhiên, chúng tôi đang thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả để tăng số người tham gia ở các địa bàn xã”- bà Huyền nhấn mạnh. Cụ thể, theo bà Huyền, qua việc tổ chức 3 lễ ra quân tuyên truyền, toàn huyện đã vận động, phát triển được 310 người tham gia BHXH tự nguyện, trong đó chỉ riêng tháng 7 đã vận động tăng mới được 486 người tham gia. Thời gian qua, BHXH huyện đã tập trung tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện tới nhóm thành viên Tổ bảo vệ ANTT ở cơ sở. Kết quả, đã vận động được 364/527 người tham gia, trong đó có 16/23 xã đạt tỷ lệ tham gia 100%. BHXH huyện cũng đề ra mục tiêu phấn đấu 100% thành viên nhóm này tham gia BHXH tự nguyện.

Còn về BHYT, BHXH huyện tập trung lập danh sách và cấp thẻ BHYT cho người dân tại các xã thuộc diện ATK theo Nghị định số 75/2023/NĐ-CP. Kết quả, chỉ trong khoảng 2 tháng cuối năm 2023, toàn huyện đã cấp thêm gần 20.000 thẻ BHYT cho nhóm này; đồng thời chuyển đổi mã, đảm bảo quyền lợi BHYT cho 57.103 người dân trên địa bàn theo Nghị định số 75/2023/NĐ-CP.

“Chính sách BHYT đã và đang phát huy hiệu quả, thiết thực đảm bảo quyền lợi KCB cho người dân. Chúng tôi cũng đang cố gắng phát triển, gia tăng số người tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện. Hy vọng rằng, trong tương lai không xa, sẽ ngày càng có nhiều người dân Định Hóa được hưởng lương hưu. Như vậy, chính sách BHXH, BHYT sẽ thực sự phát huy hiệu quả toàn diện với bà con vùng ATK”- bà Huyền- vốn cũng là một người sinh và lớn lên trên vùng quê hương cách mạng Định Hóa chia sẻ.

Thực hiện: Minh Đức

Trình bày: Hà Hùng