Khi mặt trời dần ngả bóng sau những ngọn cây cũng là lúc chị Nguyễn Thị Mai bắt đầu công việc thường ngày mà chị đã gắn bó suốt 16 năm qua, đó là tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT tới từng hộ gia đình. Với cương vị là đại biểu HĐND, chị Nguyễn Thị Mai luôn lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri tại địa phương để nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng. Chính vì lẽ đó, chị có cơ hội tìm hiểu về đời sống của họ và biết được “nút thắt” ở đâu để tìm cách “gỡ”.
Theo chị Mai, đã không ít lần chị chứng kiến các cụ già vẫn phải chật vật mưu sinh, hay như những ông bố, bà mẹ đã khóc cạn nước mắt nhưng không thể đủ tiền chữa bệnh cho con. “Khi chứng kiến những hoàn cảnh đó, tôi chỉ mong làm sao để ai cũng được hưởng an sinh. Đó cũng là lúc tôi bén duyên với công tác BHXH, BHYT- 2 chính sách an sinh xã hội quan trọng của Đảng, Nhà nước ta”- chị Mai bộc bạch.
Để có cái nhìn thực tế, vào một buổi chiều muộn ngày cuối tuần, chúng tôi theo chân chị đi tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT tại một tiệm cơm bình dân. Vì là cán bộ HĐND phường nên phần lớn thời gian chị Mai dành cho công việc chính; chỉ có thể tranh thủ đến với người dân lúc ngoài giờ hành chính.
Gặp chúng tôi, chị Nguyễn Thị Huyền- chủ tiệm cơm tại phường Nguyễn Phúc niềm nở chào đón rồi nhanh chóng rút trong túi ra hơn 2 triệu đồng đóng BHXH tự nguyện. “Em đóng hết tháng này, sang tháng sau em đóng gộp từng quý nhé, chị Mai”- chị Huyền hào hứng nói. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi cứ rôm rả thế cho tới khi có khách đến. Sau quá trình tư vấn, chị Mai đã vận động được thêm được 2 người là lao động tự do tham gia mới… Cứ thế, hành trình của chúng tôi tiếp tục đến tận tối muộn.
Nhiều năm qua, người cán bộ HĐND phường vẫn “đến từng ngõ, gõ từng nhà”, lan tỏa thông điệp “BHXH tự nguyện- chính sách an sinh vì hạnh phúc mọi gia đình”; “BHYT- tấm thẻ vàng hỗ trợ bạn khi không may gặp tai nạn rủi ro, bệnh hiểm nghèo”... Cũng nhờ sự nhiệt tình, chân thành của chị Mai mà không ít người dân trên địa bàn phường đã được hái “trái ngọt” từ chính sách BHXH tự nguyện.
Theo chị Mai, trước đây, khi tiếp xúc với bà con, chị nhận thấy rằng đa số họ còn rất mơ hồ với chính sách an sinh xã hội. Lương hưu dường như chỉ dành cho những cán bộ nhà nước, hoặc NLĐ làm việc ở DN. Nhiều người còn hoài nghi liệu có được lĩnh lương hưu sau hàng chục năm đóng BHXH tự nguyện hay không? Tuy nhiên, sau khi được tiếp cận chính sách, người dân mới vỡ lẽ rằng, BHXH hoạt động theo nguyên tắc có đóng- có hưởng, mọi người đều bình đẳng như nhau, ai cũng có thể hưởng lương hưu khi về già. “Nhiều người đã được thụ hưởng chính sách và hạnh phúc vì những lợi ích mà nó mang lại. Đó chính là động lực để tôi thêm cố gắng mỗi ngày”- chị Mai chia sẻ.
Những gì chị Mai đã làm được càng ấn tượng hơn khi chị khéo léo lồng ghép vai trò của một đại biểu HĐND với công tác phát triển an sinh xã hội trên địa bàn. Chị kể, khi đến từng nhà, chị đã hiểu được tâm tư, nguyện vọng và mong muốn của người dân một cách chân thật và gần gũi nhất. Rồi chị khéo léo lồng ghép tuyền truyền chính sách, để từ đó có thể vừa hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn và phát triển thêm người tham gia BHXH, BHYT.
Với kinh nghiệm của mình, chị cho biết, để đạt hiệu quả công tác tuyên truyền cần vận dụng linh hoạt, đa dạng các phương pháp truyền tải thông tin. Điều quan trọng nhất là phải có thái độ chân thành, cởi mở để tạo sự gần gũi, sau đó vận dụng kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ để giải thích, tháo gỡ những băn khoăn của người dân về chính sách BHXH, BHYT. Tiếp đó, chị sẽ phân chia đối tượng của mình thành từng nhóm đặc thù theo độ tuổi, tiềm năng tài chính hoặc theo công việc.
“Đối với nhóm người cao tuổi, tôi sẽ động viên họ tham gia BHYT để giảm bớt chi phí KCB khi không may ốm đau, bệnh tật. Còn những người đang trong độ tuổi lao động, nhất là những người làm kinh doanh hoặc có việc làm và thu nhập ổn định, tôi luôn khuyên họ nên tham gia cả BHYT và BHXH tự nguyện. Bởi một mặt vừa giảm bớt nỗi lo viện phí khi ốm đau, mặt khác lại có lương hưu và thẻ BHYT miễn phí khi về già- vẹn cả đôi đường”- chị Mai nói.
Tâm sự về những khó khăn trên hành trình “ươm mầm an sinh”, người cán bộ HĐND trải lòng, trở ngại lớn nhất trong việc vận động bà con tham gia BHXH tự nguyện chính là những thay đổi về chính sách. Đặc biệt, khi nghe đến việc tăng tuổi nghỉ hưu và tăng mức đóng, một bộ phận lớn NLĐ rất e ngại, băn khoăn. Trước tình huống đó, chị Mai lại khéo léo thuyết phục người dân bằng những ưu điểm vượt trội khác của chính sách BHXH tự nguyện. Đó là giảm số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu. Đồng thời, lương hưu sẽ luôn được điều chỉnh dựa trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, phù hợp với khả năng của NSNN và quỹ BHXH.
Bên cạnh đó, đời sống kinh tế khó khăn cũng là một thách thức lớn. Có rất nhiều người muốn tham gia BHXH tự nguyện sau khi đã thấm nhuần chính sách, nhưng họ vẫn chưa quyết định tham gia bởi không đủ điều kiện kinh tế. “Mỗi lần như vậy tôi lại càng quyết tâm để không ai bị bỏ lại phía sau”. Nói rồi, chị lấy trong cặp ra một cuốn sổ tay nhỏ ghi chi chít tên những người mà chị dùng tiền túi của mình tạm ứng nhằm giúp họ kiên trì theo đuổi mục tiêu. “Lúc khó khăn qua đi, ai có thì trả, còn khó khăn quá mình tặng luôn!”- chị Mai vui vẻ nói.
Với sự tin tưởng tuyệt đối vào chính sách, lòng quyết tâm và những nỗ lực không ngừng nghỉ, chị Mai hiện đang quản lý khoảng 600 người tham gia BHXH tự nguyện và trên 1.100 người tham gia BHYT hộ gia đình, góp phần nâng tỷ lệ người tham gia BHYT trên địa bàn phường Nguyễn Phúc lên 95% dân số...
Chia tay người cán bộ HĐND phường đầy nhiệt huyết ấy, trong lòng chúng tôi vẫn lưu luyến bóng dáng người “bạn đồng hành” của nhân dân, của chính sách an sinh xã hội. Người mà chúng tôi tin rằng, nếu bất cứ nơi đâu, khi có họ thì chính sách BHXH, BHYT nhất định sẽ càng được lan tỏa…
Bài: Thanh Hằng
Đồ hoạ: Hiểu Thanh