Thứ Sáu, 10 /01/2025 15:09

 

Thời gian qua, BHXH tỉnh Phú Thọ đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức dịch vụ thu tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Các buổi tuyên truyền đều được người dân hưởng ứng tham gia, đặt nhiều câu hỏi, thảo luận sôi nổi. Nhiều người sau khi tham dự Hội nghị, hiểu rõ chế độ chính sách đã quyết định tham gia.

Chị Đỗ Bảo Ngọc (xã Trưng Vương, TP.Việt Trì) cho biết, 2 vợ chồng chị là lao động tự do, suốt ngày chỉ lo chuyện buôn bán, kinh doanh, chưa có điều kiện tìm hiểu ngọn ngành về chính sách BHXH, BHYT. Nhưng, sau nhiều lần được cán bộ tư vấn, chị đã hiểu rõ về ý nghĩa, quyền lợi và đăng ký tham gia BHXH tự nguyện.

Sau vài buổi được tuyên truyền, phổ biến chính sách, cùng với nhiều người lao động tự do khác, gia đình chị Trần Thị Thau (xã Phượng Lâu, TP.Việt Trì) đã tiết kiệm một phần thu nhập hàng tháng để tham gia BHXH tự nguyện cho cả 2 vợ chồng. Chị Thau tâm sự: “Tôi tham gia để sau này không có sức khoẻ để lao động nữa thì vẫn có lương hưu, 2 vợ chồng bớt phụ thuộc vào con cái”.

Tương tự, chị Hoàng Thị Ánh (phường Thanh Miếu, TP.Việt Trì) có thời gian đóng BHXH được 11 năm 2 tháng sau đó chuyển về làm nghề tự do. Lúc đầu, chị cũng có ý định thanh toán BHXH một lần lấy tiền để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, sau khi được nghe tư vấn, tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện, chị quyết định không nhận BHXH một lần mà đóng tiếp với mức thu nhập 3.000.000 đồng, số tiền đóng hàng tháng là 627.000 đồng.

Nhiều năm nay, bà Nguyễn Thị Lan (xã Đào Ninh Dân, huyện Thanh Ba) luôn duy trì thói quen mua thẻ BHYT. Bà Lan chia sẻ, trước đây bà thuộc hộ cận nghèo nên được hỗ trợ 80% kinh phí mua thẻ BHYT. Đã 2 năm nay, gia đình bà không còn thuộc hộ nghèo nhưng bà vẫn duy trì mua thẻ BHYT dự phòng cho bản thân khi không may bị ốm đau, bệnh tật.

Theo ông Trần Xuân Long- Giám đốc BHXH tỉnh Phú Thọ, dù việc phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình rất đa dạng, đòi hỏi phải bền bỉ, kiên nhẫn, nhưng với nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt từ cơ sở, đến nay, Phú Thọ đã có trên 53.200 người tham gia BHXH tự nguyện; trên 1,34 triệu người tham gia BHYT (bao phủ 90,15% dân số).

Bên cạnh đó, phát triển người tham gia BHXH, BHYT bắt buộc cũng không dễ hơn. Thời gian qua, BHXH Phú Thọ đã cố gắng khai thác triệt để dữ liệu do ngành Thuế và KH-ĐT cung cấp. Từ đó, rà soát, đối chiếu để tiếp cận DN tuyên truyền, vận động, khai thác phát triển NLĐ tham gia BHXH, BHYT, BH bắt buộc đúng theo luật định.

Từ thực tiễn, ông Trần Xuân Long chia sẻ: muốn mở rộng bao phủ BHXH, BHYT một cách bền vững phải đi đều “bằng cả 2 chân”- quan tâm chú trọng phát triển người tham gia BHXH, BHYT cả bắt buộc và tự nguyện.

Cũng quan điểm đó, ông Nguyễn Duy Phương- Giám đốc BHXH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Để phát triển được BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, tỉnh Vĩnh Phúc đã chú trọng tham mưu, đẩy mạnh hoạt động của BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT các cấp; phối hợp chặt chẽ giữa BHXH tỉnh, BHXH các huyện, thị xã với các tổ chức dịch vụ và UBND xã, phường, thị trấn; tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Năm 2024, BHXH tỉnh đã đổi mới công tác truyền thông, truyền thông bằng nhiều hình thức như tuyên truyền trực tiếp, tăng cường ra quân…, góp phần đưa chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT đến với những NLĐ tự do; giúp họ hiểu BHXH, BHYT là “giá đỡ” an sinh giúp an tâm cuộc sống lúc về già.

Công tác truyền thông, phổ biến chính sách pháp luật BHXH, BHYT được đẩy mạnh với nội dung được đổi mới toàn diện, phương pháp tuyên truyền đa dạng, linh hoạt. BHXH tỉnh đã phối hợp với các đơn vị và các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương thực hiện các tin bài, phóng sự tuyên truyền về chế độ chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; đẩy mạnh truyền thông trên Cổng TTĐT của BHXH tỉnh, trên các trang mạng xã hội: Fanpage facebook, Zalo OA, Tiktok của BHXH tỉnh.

Cũng theo ông Nguyễn Duy Phương, Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp trọng điểm vùng kinh tế Bắc bộ, nên việc các DN thực hiện tốt các chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp càng quan trọng. BHXH tỉnh rất chú trọng công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT bắt buộc trong các đơn vị DN.

Ông Trần Quang Vinh- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Giầy Phúc Yên cho biết, trong những năm qua, Công ty CP Giầy Phúc Yên luôn thực hiện việc khai báo và đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đầy đủ, không có tình trạng nộp chậm, muộn và nợ với số tiền trích nộp BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trung bình hằng năm khoảng 24,5 tỷ đồng.

Không chỉ tham gia đầy đủ chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ, mà Công ty luôn lập hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng chế độ BHXH đối với NLĐ đúng thời hạn quy định; không gian lận, giả mạo hồ sơ để trục lợi quỹ BHXH, BH thất nghiệp; phối hợp tốt với BHXH tỉnh đảm bảo việc chi trả chế độ BHXH cho NLĐ luôn đầy đủ, đúng thời hạn quy định. Trung bình số NLĐ tại đơn vị được giải quyết hưởng các chế độ khoảng 715 lượt người/năm.

Còn Công ty CP Việt Pháp (Cụm KT-XH Tân Tiến, huyện Vĩnh Tường) là đơn vị sử dụng nhiều lao động, nhưng nhiều năm liền không chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Lãnh đạo Công ty này khẳng định: Thực hiện tốt chính sách pháp luật về BHXH không chỉ thể hiện tính thượng tôn pháp luật mà còn là nét đẹp văn hóa DN, tạo niềm tin cho NLĐ, tạo uy tín cho DN trên thị trường. Đối với NLĐ đang làm việc ở các DN, việc được đơn vị SDLĐ đóng đầy đủ chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, đảm bảo đầy đủ quyền lợi sẽ càng tạo động lực để họ cống hiến và gắn bó lâu dài với DN.

Để góp phần giữ vững an sinh trên địa bàn tỉnh, ngay từ đầu năm 2024, BHXH tỉnh Vĩnh Phúc đã tham mưu HĐND, UBND tỉnh đưa chỉ tiêu, kế hoạch thực hiện lộ trình BHXH, BHYT, BH thất nghiệp vào Nghị quyết, Chương trình phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan để thực hiện rà soát dữ liệu phát triển người tham gia BHXH bắt buộc. Tăng cường phối hợp Sở LĐ-TB&XH thanh tra, kiểm tra các đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT; phối hợp tuyên truyền phổ biến chính sách.

Cùng với đó, BHXH tỉnh đã chỉ đạo BHXH huyện, thành phố chủ động tham mưu UBND cùng cấp ban hành văn bản chỉ đạo về công tác BHXH, BHYT, tập trung vào đôn đốc thu hồi số tiền chậm đóng BHXH, phát triển người tham gia BHXH, BHYT và thanh tra, kiểm tra các đơn vị, DN chậm đóng BHXH, bảo vệ quyền lợi của NLĐ trên địa bàn.

Đặc biệt, BHXH tỉnh đã quan tâm, chú trọng đẩy mạnh truyền thông chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đến mọi tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức, coi đây là giải pháp “then chốt” thay đổi nhận thức của NLĐ, người SDLĐ và nhân dân về chính sách này.

Đáng nói, tại Vĩnh Phúc, BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT hoạt động rất hiệu quả, trách nhiệm trong thực hiện các mục tiêu. BCĐ đã chỉ đạo BHXH tỉnh thành lập Đoàn thu nợ liên ngành; xây dựng kế hoạch, tổ chức đôn đốc, làm việc trực tiếp với các đơn vị SDLĐ chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp từ 3 tháng trở lên; đề xuất các giải pháp thực hiện và báo cáo BCĐ về tình trạng chậm đóng BHXH của các đơn vị trên địa bàn để tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh có các giải pháp tháo gỡ, giảm số tiền chậm đóng xuống mức thấp nhất.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra về lao động, việc làm, ATVSLĐ, BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại các DN, nhất là đơn vị chậm đóng, cơ sở y tế có chi phí gia tăng bất thường; kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp trốn đóng, nợ đóng, vi phạm chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Nhờ nỗ lực bám sát địa bàn, DN, năm 2024, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có hơn 7.300 đơn vị DN với trên 237.900 NLĐ tham gia BHXH bắt buộc, chiếm gần 40% lực lượng lao động; 25.570 người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm 4,22% lực lượng lao động…

Nói về phương hướng nhiệm vụ năm 2025, ông Nguyễn Duy Phương- Giám đốc BHXH tỉnh Vĩnh Phúc và ông Trần Xuân Long- Giám đốc BHXH tỉnh Phú Thọ đều chung quan điểm sẽ nỗ lực mở rộng lưới an sinh, bảo đảm quyền lợi cho NLĐ, tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan trên địa bàn để tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về BHXH, BHYT cho người SDLĐ và NLĐ. Nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT; tích cực tham gia BHXH, BHYT, hạn chế tình trạng hưởng BHXH một lần để bảo đảm an sinh xã hội lâu dài; Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình sử dụng lao động, việc làm, thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại các đơn vị SDLĐ, nhất là đơn vị sử dụng nhiều lao động để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, phát hiện, ngăn chặn gian lận, trục lợi, chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT…

Kinh nghiệm thực tiễn từ Phú Thọ và Vĩnh Phúc cho thấy: Đi đều “bằng cả 2 chân”- quan tâm chú trọng phát triển người tham gia BHXH, BHYT cả bắt buộc và tự nguyện là hướng đi đúng để mở rộng bao phủ BHXH, BHYT một cách bền vững.

Thực hiện: Hà Thủy

Trình bày: Hà Hùng