Phải xử lý triệt để chậm đóng, trốn đóng BHXH
Đóng BHXH là nghĩa vụ của DN đối với NLĐ theo luật định. Thông qua DN, bản thân NLĐ cũng thực hiện nghĩa vụ này để lo cho tương lai và đảm bảo an sinh đất nước. Do vậy, chậm đóng và trốn đóng BHXH là chuyện các nhà làm luật cần khẩn trương tính đến, để có giải pháp xử lý triệt để.
Theo Luật BHXH hiện hành, DN ngoài nghĩa vụ đóng BHXH cho từng NLĐ theo tỷ lệ 18%, còn phải trích trừ từ tiền lương của NLĐ theo tỷ lệ (8%) để đóng giúp NLĐ và phải đóng hằng tháng vào quỹ BHXH theo luật định. Đây là căn cứ để cơ quan BHXH giải quyết chính sách ngắn hạn (ốm đau, thai sản, TNLĐ-BNN) và dài hạn (hưu trí, tử tuất) đối với NLĐ cũng theo luật định. Như vậy, về mặt thời gian, quá một tháng mà DN chưa đóng BHXH sẽ được xác định là chậm đóng.
Kiểm tra DN chậm đóng BHXH
Song, thực tế cho thấy, có DN chậm đóng vài ba tháng, có DN chậm đóng đến 9 tháng, thậm chí có DN chậm đóng nhiều hơn 9 tháng. Đáng nói, trong thời gian chậm đóng BHXH, DN vẫn trích trừ 8% tiền tự đóng từ lương của NLĐ nhưng lại không chuyển đóng vào quỹ BHXH. Thế nhưng, do DN chậm đóng, nên khi NLĐ phát sinh nhu cầu giải quyết các chế độ, thì cơ quan BHXH không đủ căn cứ để giải quyết, dẫn đến bức xúc trong NLĐ.
Theo các chuyên gia, xét khía cạnh pháp lý, việc DN không đóng khoản 8% trích trừ từ lương của NLĐ chính là đã chiếm dụng tiền của NLĐ. Do đó, thời gian chậm đóng càng dài thì số tiền DN chiếm dụng càng lớn. Thực tế cho thấy, trong 9 tháng chậm đóng, có DN chiếm dụng khoản tiền NLĐ tự đóng lên tới hơn 6 tỷ đồng, thậm chí có DN gần 10 tỷ đồng (tùy số lượng và mức đóng của từng NLĐ). Vì vậy, có ý kiến cho rằng, Luật BHXH (sửa đổi) sắp tới nên quy định rõ chậm đóng trong thời gian bao nhiêu tháng sẽ xác định là hành vi trốn đóng…
Thực tế cũng cho thấy, DN gặp khó khăn là chuyện không tránh khỏi theo quy luật kinh tế. Do đó, ở góc độ kinh tế vĩ mô, gia cố sức chịu đựng của DN trong lúc khó khăn là chuyện mà Chính phủ- thông qua NHNN và các bộ, ngành liên quan, đã làm, đang làm và sẽ tiếp tục làm. DN đã thụ hưởng nhiều chính sách chung, đã được gia cố sức chịu đựng, nên chu toàn nghĩa vụ tham gia lưới an sinh cho NLĐ là chuyện phải làm. Vì thế, chậm đóng BHXH- nghĩa là DN vừa trực tiếp chiếm dụng tiền của NLĐ, vừa trực tiếp gây tổn thương cho NLĐ khi muốn giải quyết các chế độ.
DN chậm đóng BHXH vài ba tháng, NLĐ có thể chịu đựng như một cách cùng DN vượt qua khó khăn. Song, chậm đóng đến 9 tháng hoặc hơn, thì một lao động nữ đã đủ thời gian sinh con nếu mang thai. Khi đó, cuộc vượt cạn sẽ vắng bóng cái “ô an sinh”, cả mẹ và bé đều bị ảnh hưởng. Do vậy, chậm đóng và trốn đóng BHXH là chuyện các nhà làm luật cần khẩn trương tính đến, để có giải pháp xử lý triệt để.
Thanh Giang