Thêm “gia tài” lúc nghỉ hưu
Hòa chung niềm vui của 3,3 triệu người vừa được tăng lương hưu, tôi muốn chia sẻ câu chuyện của những người đã sáng suốt chọn BHXH làm bạn đồng hành.
Tôi hiện đang hưởng lương hưu và sinh sống cùng gia đình tại TP.Thủ Đức (TP.HCM). Vừa qua, tôi thuộc diện được tăng lương ở mức 20,5%, đồng nghĩa lương hưu của tôi giờ đây lên đến gần 10 triệu đồng/tháng. Cháu nội của tôi vừa tốt nghiệp đại học, đã đi làm, nhưng cũng chỉ nhận mức lương bằng tôi. Dài dòng một chút để thấy thành quả rất lớn sau 30 năm kiên trì “bỏ ống” tiết kiệm, bằng cách đóng BHXH hằng tháng, một người 87 tuổi như tôi yên tâm an hưởng tuổi già, không trở thành gánh nặng cho con cháu.
Chi trả lương hưu tại TP.Thủ Đức (TP.HCM)
Lương hưu của vợ chồng tôi cộng lại được gần 20 triệu đồng/tháng, khâu chăm sóc sức khỏe đã có BHYT “lo”. Vậy nên, chúng tôi không phải bận tâm với các “nhu cầu thiết yếu”. Định kỳ 6 tháng/lần, tôi đến BV khám tổng quát, nên những “trục trặc” liên quan đến cơ thể (nếu có) đều được phát hiện và xử lý kịp thời, không để diễn biến nặng hơn. Tất nhiên, tôi được miễn phí gần hết vì có “nhà tài trợ” là BHYT.
Trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại TP.HCM, vợ chồng tôi được nhận đủ những chính sách hỗ trợ từ cơ quan BHXH đối với người đang hưởng lương hưu. Dù chưa đóng góp được nhiều, song chúng tôi cũng san sẻ lại với những phận đời kém may mắn, chung tay cùng cộng đồng vượt qua đại dịch. Tính đến nay, tôi đã có 32 năm nghỉ hưu, tương đương với quãng thời gian công tác của nhiều người. Rất dễ nhận thấy khoản lương hưu tôi đã nhận có thể nhiều hơn những gì tôi “góp vốn” vào niềm tin “chọn mặt BHXH để gửi tiền”.
Vợ chồng tôi có lương hưu, nên con cháu hoàn toàn yên tâm làm việc, tích lũy dự phòng cho tương lai. Cũng từ tấm gương của chúng tôi, các thế hệ sau trong gia đình đều tham gia BHXH, BHYT đầy đủ. Nhớ lại trước khi gia nhập đội ngũ “khách hàng” của BHXH, tôi cũng có tâm trạng băn khoăn vì lúc ấy còn trẻ, chờ đến tuổi được hưởng chế độ hưu trí là cả một chặng đường dài. Vậy nhưng, chỉ cần hình dung đời sống sau khi hết tuổi lao động không có “của để dành” sẽ vô cùng vất vả, trở thành gánh nặng cho con cháu và xã hội, nên tôi đã kiên trì làm việc để rồi có thành quả như bây giờ.
Từng có dịp đến BHXH TP.Thủ Đức, tôi được gặp những người dân đang chờ làm thủ tục nhận trợ cấp BHXH một lần. Tâm sự với họ tôi biết mỗi người đều lý do riêng cho quyết định rút BHXH một lần của mình. Người thì cần vốn làm ăn, người thì có người thân mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng cũng có không ít trường hợp rút “một cục” vì chạy theo phong trào, tâm lý đám đông, thậm chí “cứ rút hết cái đã rồi… tính sau”.
Từ câu chuyện của cuộc đời mình, tôi đã khuyên những người định rút BHXH một lần khi chưa thật sự cần thiết hãy nên bảo lưu và tiếp tục “tái tham gia” khi tìm được việc làm mới. Bởi lẽ, nhận xong một khoản tiền có vẻ hơi nhiều, nhưng số tiền này sẽ “bốc hơi” rất nhanh nếu không có kế hoạch sử dụng khoa học, hợp lý. Đến khi thấy nuối tiếc, ân hận thì quá muộn. Đối với những người đã “lỡ” rút hết một lần cũng nên cố gắng tham gia trở lại thông qua chính sách BHXH tự nguyện, bởi khi Luật BHXH (sửa đổi) được thông qua, họ có thể chỉ cần đóng BHXH 15 năm sẽ được hưởng lương hưu, nhằm tạo ra chiếc “phao cứu sinh” cho chính mình.
Tôi cũng vui mừng khi thấy đã có người “đổi ý”- thay vì xin rút BHXH một lần, họ đã xin rút lại đơn, đồng thời tạm bảo lưu kết quả trong thời gian tìm việc làm mới. Tôi cũng đã có những lời chia sẻ với những lao động tự do khác như người thu mua phế liệu, bán vé số dạo, thợ xây… cố gắng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình để dự phòng cho tương lai, đảm bảo cuộc sống bản thân lúc không còn khả năng làm việc.
Nguyễn Hữu Chơn (TP.Thủ Đức, TP.HCM)