Thay đổi nhận thức về BHYT toàn dân

Thứ Sáu, 29 /03/2024 14:09

Trong khi mức tiền đóng BHYT không quá cao, nguyên nhân chính khiến 8% dân số chưa tham gia BHYT là do chưa nhận thức được tầm quan trọng của chính sách. Do đó, tuyên truyền, vận động giúp thay đổi nhận thức người dân, được coi là giải pháp căn cơ để mở rộng, tiến tới bao phủ BHYT toàn dân một cách bền vững.

Theo Dự thảo Luật BHYT (sửa đổi), Bộ Y tế đề xuất 3 phương án nhằm tăng tỷ lệ người tham gia BHYT, trong đó có phương án bổ sung nhóm đối tượng là thân nhân NLĐ. Cụ thể, nhóm thân nhân NLĐ sẽ được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, 70% còn lại do NLĐ và chủ SDLĐ đóng (NLĐ đóng 1/3, chủ SDLĐ đóng 2/3 của 70% mức đóng còn lại- tương tự trách nhiệm đóng đối với nhóm NLĐ).

Tuyên truyền chính sách BHYT đến các em học sinh trên địa bàn TP.HCM

Bộ Y tế cũng nêu rõ, phương án này cần tính toán đến khả năng thu nhập của NLĐ, phân loại thân nhân theo nhóm thu nhập để hỗ trợ mức đóng phù hợp và hiệu quả, chứ không hỗ trợ cào bằng. Đơn cử, theo quy định hiện hành, tiền đóng BHYT bằng 4,5% lương cơ sở, thì người tham gia phải đóng 972.000 đồng. Với mỗi thân nhân, Nhà nước hỗ trợ 30% tiền đóng (tức 291.600 đồng), còn lại 680.400 do NLĐ và chủ SDLĐ đóng.

Đại diện một DN may ở Hải Dương cho rằng, đề xuất này nhận được sự hưởng ứng và đồng thuận cao của NLĐ. Tuy nhiên, với DN sẽ thêm gánh nặng do hằng năm còn phải lo đóng BHXH, BHYT cho NLĐ. Do đó, nếu phải đóng BHYT cho thân nhân NLĐ, mỗi năm DN sẽ phải “cõng” thêm một khoản chi phí rất lớn. Nhìn ở góc độ những người làm luật, đề xuất này rất nhân văn, góp phần hướng đến hoàn thành mục tiêu bao phủ BHYT, còn đối với DN lại là vấn đề nan giải, nhất là trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.

Theo các chuyên gia, năm 2024, tình hình kinh tế-xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, do tác động bởi xung đột chính trị, thị trường thế giới đang phải tiết giảm chi tiêu. Trong bối cảnh đó, chúng ta nên khuyến khích những DN có điều kiện đóng BHYT cho những đối tượng khác ngoài NLĐ của DN. Trong thực tế, nhiều DN đã có những hình thức hỗ trợ NLĐ và thân nhân NLĐ như tặng sổ tiết kiệm, sổ BHXH, thẻ BHYT… song nếu “luật hóa” vấn đề này sẽ không ổn.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng nên có chính sách hỗ trợ NLĐ đóng BHYT cho thân nhân như hỗ trợ bằng tiền, cho phép DN hạch toán chi phí hỗ trợ đóng BHYT cho thân nhân NLĐ vào giá thành sản phẩm. Chỉ có quy định theo hướng này mới có thể động viên, khuyến khích DN tham gia tích cực vào lưới an sinh.

Nguyệt Hà