Thời gian qua, BHXH TP.Cần Thơ luôn xác định công tác truyền thông là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là “chìa khóa” để thực hiện hiệu quả chính sách BHXH, BHYT. Ông Trần Văn Khải- Phó Giám đốc BHXH TP.Cần Thơ chia sẻ với PV Tạp chí BHXH về việc này.
* PV: Ông có thể đánh giá tổng quát việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn TP.Cần Thơ trong thời gian qua như thế nào?
- Ông Trần Văn Khải:
Từ đầu năm 2024 đến nay, việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn TP.Cần Thơ đạt được một số kết quả khả quan. Tính đến cuối tháng 7/2024, trên địa bàn có 145.929 người tham gia BHXH bắt buộc, đạt 94,5% kế hoạch; về BHYT có 1.074.002 người tham gia, đạt 90,91% kế hoạch; về BHXH tự nguyện có 21.386 người tham gia, đạt 57,15% kế hoạch.
Công tác truyền thông đã góp phần quan trọng trong việc vận động người dân tham gia BHXH, BHYT. Trên địa bàn, đội ngũ tuyên truyền viên được trang bị về kỹ năng, kiến thức nghiệp vụ, tạo điều kiện tổ chức tốt hoạt động tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT. Công tác tuyên truyền cũng được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nên đã góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, giúp cho các đơn vị và người dân hiểu đúng về chính sách.
Đặc biệt, việc thực hiện chính sách trên địa bàn gặp thuận lợi nhất định. Đơn cử, thời gian qua, BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT TP.Cần Thơ đã tham mưu cho Thành ủy, HĐND, UBND đưa chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đồng thời, đã ban hành văn bản chỉ đạo BHXH Thành phố và BHXH các quận, huyện khẩn trương tham mưu kiện toàn BCĐ các cấp, nên đã tạo chuyển biến tích cực trong công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT.
* Các hình thức truyền thông chính sách BHXH, BHYT được triển khai bằng những giải pháp, cách thức hoạt động như thế nào, thưa ông?
- Trong thời gian qua, công tác truyền thông chính sách trên địa bàn Cần Thơ được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Trong 7 tháng đầu năm 2024, BHXH TP.Cần Thơ đã tổ chức 844 cuộc tuyên truyền nhóm nhỏ với gần 9.200 lượt người được tư vấn, tuyên truyền; tổ chức 69 hội nghị tuyên truyền với trên 4.500 người tham dự. Qua các hội nghị tuyên truyền và tuyên truyền nhóm nhỏ, đã vận động được 2.298 người tham gia BHXH tự nguyện và 8.125 người tham gia BHYT hộ gia đình.
Đồng thời, truyền thông qua Cổng Thông tin điện tử và trang mạng của BHXH Thành phố (Fanpage Facebook, Zalo OA, YouTube) với hơn 190.000 người theo dõi, truy cập qua Cổng Thông tin điện tử. Qua đó, người dân, NLĐ đã quan tâm và chủ động liên hệ hỏi về thông tin thủ tục, nơi đăng ký tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, cũng như quyền lợi, trách nhiệm khi tham gia BHXH, BHYT. Hay như truyền thông qua các đợt truyền thông cao điểm theo chủ đề, chuyên đề, chiến dịch như: Hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân; tham mưu cho BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT tổ chức Lễ ra quân trên toàn thành phố…
Đến nay, trên địa bàn TP.Cần Thơ đã triển khai mô hình tập huấn chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cho BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT cấp xã. Đặc biệt, các Trưởng ấp, Trưởng khu vực là cánh tay nối dài của ngành BHXH tại cơ sở, đã giúp truyền tải, đưa thông tin chính sách BHXH, BHYT đến với mọi người dân. Các quận, huyện cũng chủ động, sáng tạo với nhiều mô hình truyền thông, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT.
Đơn cử như: Mô hình “Cà phê sáng trao đổi với nhân dân gắn với tuyên truyền BHXH, BHYT” do UBND phường Xuân Khánh phối hợp với BHXH quận Ninh Kiều và Bảo hiểm PVI tổ chức vào sáng thứ Bảy hằng tuần. Đây là một giải pháp sáng tạo của địa phương trong việc thực hiện kế hoạch phối hợp “3 bên”. Theo đó, tại “Cà phê sáng”, khách mời được chia sẻ, trao đổi về quyền và lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, cũng như những quy định mới của Luật BHXH… “Cà phê sáng” dù mới triển khai từ đầu tháng 7/2024, song đến nay đã phát huy hiệu quả rõ rệt, khi mỗi đợt có trên 10 người tham gia BHXH tự nguyện và hơn 20 người tham gia BHYT hộ gia đình.
Các địa phương khác cũng có nhiều mô hình hiệu quả, phù hợp đặc thù như mô hình tuyên truyền nhóm nhỏ, tuyên truyền tại các buổi sinh hoạt chi hội, tổ hội. Đáng chú ý như: Mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện” tại huyện Phong Điền và huyện Cờ Đỏ; mô hình “Tuyên truyền BHXH, BHYT cho các tín đồ phật giáo Hòa Hảo” tại quận Thốt Nốt; mô hình tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở “Mỗi tuần xây dựng câu chuyện truyền thanh” tại huyện Vĩnh Thạnh; mô hình “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” tại quận Ô Môn; mô hình “Tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT thông qua Tủ sách pháp luật” tại quận Cái Răng…
Mỗi mô hình, giải pháp sẽ được tổng kết, đánh giá; xem xét đề xuất khen thưởng để động viên và triển khai nhân rộng. Tuy nhiên, việc nhân rộng phải phù hợp theo đặc điểm, điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị để mô hình, giải pháp đó đạt hiệu quả cao nhất.
* Để thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, thời gian tới, BHXH TP.Cần Thơ sẽ tập trung vào những giải pháp truyền thông nào, thưa ông?
- Trong năm 2024, BHXH TP.Cần Thơ phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch được giao. Trong đó, tập trung phát triển người tham gia BHXH bắt buộc tại các DN mới thành lập; vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; thực hiện BHYT đối với 100% HSSV; phấn đấu tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 93,69% dân số- đây là những chỉ tiêu, nhiệm vụ hết sức khó khăn, đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực cao nhất.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, BHXH TP.Cần Thơ tiếp tục chủ động tham mưu cho Thành ủy, HĐND, UBND và BCĐ TP.Cần Thơ lãnh đạo, chỉ đạo công tác truyền thông; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành và các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các cơ quan báo chí phổ biến, tuyên truyền, nhân rộng các mô hình hiệu quả, cách làm hay trong tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH , BHYT.
Chúng tôi xác định, công tác truyền thông là “chìa khóa” để thực hiện hiệu quả chính sách BHXH, BHYT. Vì vậy, sẽ tăng cường truyền thông với tần số cao, phạm vi rộng, hướng đến cơ sở và người dân. Bên cạnh đó, biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu, các mô hình, cách làm hay nhằm tạo sự lan tỏa tích cực trong cộng đồng. Ngoài ra, bám sát kế hoạch, kịch bản truyền thông; đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông theo hướng hiện đại, đa dạng, linh hoạt phù hợp với đặc điểm địa phương và đối tượng được truyền thông. Từ đó, giúp người dân hiểu đúng, hiểu sâu và tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT.
* Trân trọng cám ơn ông!
Thực hiện: Trà Giang
Trình bày: Hà Hùng
Chính sách “thông tuyến” KCB BHYT được thực hiện từ năm 2016. Đây là điểm “đột phá” của Luật BHYT 2014, mang lại thuận lợi cho người dân, trong đó có HSSV trong tiếp cận dịch vụ y tế. Tuy nhiên, tác động của chính sách này đến hiệu suất hệ thống y tế và hiệu quả chi phí KCB cũng là những vấn đề cần được xem xét…
Mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện BHYT toàn dân, nhằm tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Có nhiều lý do và căn cứ để HSSV được lựa chọn là nhóm đối tượng cần sớm bao phủ 100% BHYT...
Từ năm 2023 đến nay, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) đã phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là nêu cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong tuyên truyền, vận động người thân, người dân tích cực tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Chính vì vậy, công tác BHXH, BHYT trên địa bàn huyện đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo- Không để ai bị bỏ lại phía sau”, trong 4 năm qua, BHXH tỉnh Phú Thọ đã huy động các nguồn lực xã hội tặng hàng trăm cuốn sổ BHXH tự nguyện và hàng chục nghìn tấm thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn.