Được cán bộ Hội LHPN phường thông báo có cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu quyền lợi của lao động nữ khi tham gia BHXH” do BHXH tỉnh An Giang tổ chức, rất gần gũi với chị em lại có giải thưởng cao, chị Ngô Thị Tố Quyên, nhà ở phường Mỹ Long, TP.Long Xuyên hào hứng đăng ký tham gia ngay.
Chị Quyên hiện đang làm việc tại Công ty TNHH Trường Thắng, chuyên về xây dựng, giao thông. Ngoài vốn kiến thức về chính sách BHXH, BHYT liên quan đến công việc, chị còn sử dụng thành thạo internet. Vì vậy, chị còn nhiệt tình chỉ cho các chị em trong khu phố và ở công ty cùng tham dự.
Chị chia sẻ: “Cách dự thi đơn giản, chỉ cần chiếc điện thoại có kết nối internet là có thể làm bài. Đây lại đều là những kiến thức mình đã biết, vì trước đó nhiều lần “va chạm” khi làm thủ tục ốm đau, thai sản. Cho nên, tiếng là dự thi mà như rèn luyện, giải trí vậy”.
Bẵng đi hơn 1 tháng, chị Quyên bất ngờ nhận được điện thoại thông báo mời đến trụ sở BHXH An Giang nhận giải Khuyến khích. Nhận giải xong, về công ty ai nấy đều trầm trồ thán phục vì chắc chắn phải có kiến thức vững vàng về BHXH, chị mới được cơ quan BHXH công nhận. Câu chuyện chị Quyên được trao giải trở thành đề tài truyền cảm hứng cho nhiều đồng nghiệp trong công ty...
Chẳng phải công nhân hay làm môi trường nhà nước, ông Võ Duy Khang, nhà ở huyện Phú Tân là nông dân “cha truyền con nối”. Nông dân, nhưng nói về khả năng sử dụng công nghệ và kiến thức chung, Đông Tây kim cổ của ông thì bà con lối xóm ai nấy đều kiêng nể. Mới đây mọi người lại được một phen thán phục khi ông từ huyện Phú Tân lên tỉnh “rinh” giải thưởng của BHXH An Giang về.
Chuyện là, ngay trước cuộc thi về chủ đề chị em phụ nữ mà chúng tôi đã nêu, BHXH tỉnh An Giang đã tổ chức một cuộc thi khác với chủ đề “Tìm hiểu chính sách, pháp luật BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình”. Đối tượng hướng tới là đông đảo CBCCVC, người dân trên địa bàn, trong đó lực lượng nông dân, NLĐ tự do.
Chia sẻ về câu chuyện của mình, ông Võ Duy Khang cho biết, trước đây ông thường xuyên tham gia BHYT. Đầu năm 2022, ông cũng đã đăng ký tham gia BHXH tự nguyện. Chính vì vậy, rất nhiều kiến thức về các chính sách này ông đã được trao đổi và hỏi cặn kẽ từ cán bộ BHXH. Từ thời gian tham gia, mức đóng, chế độ hưởng… ông gần như đã nắm và thuộc lòng. “Chính vì vậy, khi xã thông báo có cuộc thi này của BHXH An Giang, tôi liền lên mạng đọc thể lệ và đăng ký “thử sức” ngay. Thi cho vui, xem kiến thức đang có và khả năng sử dụng, cập nhật công nghệ của mình đến đâu. Ai dè đạt được giải Ba. Nhiều người đọc tin tức trên mạng gọi điện chúc mừng thấy cũng vui. Tôi đùa, canh xem còn cuộc thi nào của BHXH thì vào tham gia”- ông Khang hóm hỉnh kể.
Chị Lê Thị Kiều Nga- Phó phòng Truyền thông (BHXH An Giang) cho biết, chị Quyên, cả 2 cuộc thi đều được BHXH An Giang tổ chức trực tuyến bằng phần mềm MyAloha. Trong đó, cuộc thi về BHXH cho lao động nữ được BHXH tỉnh phối hợp Hội LHPN tỉnh An Giang tổ chức diễn ra trong vòng 2 tháng, từ ngày 1/6 đến ngày 31/7/2024. “Sau 2 tháng phát động, cuộc thi về lao động nữ đã thu hút đông đảo người dân, NLĐ trên địa bàn hướng ứng với gần 4.000 lượt người tham gia, trong đó phần đông là lao động nữ. Còn cuộc thi về BHXH tự nguyện, BHYT cũng thu hút gần 1.000 người tham dự. BTC trao giấy Chứng nhận và quà lưu niệm cho 16 thí sinh đạt thành tích xuất sắc nhất của cả 2 cuộc thi. Điều đọng lại sau mỗi hoạt động chính là hiệu ứng lan tỏa rộng rãi”- chị Kiều Nga chia sẻ.
Ông Đặng Hồng Tuấn- Giám đốc BHXH tỉnh An Giang cho rằng, hình thức thi trực tuyến là xu hướng chung của thế giới. Đơn cử như năm vừa qua có rất nhiều kỳ thi Olympic quốc tế theo hình thức trực tuyến, và ban giám khảo đều có cơ chế giám sát chặt chẽ. Trong thời đại 4.0 như hiện nay, học và thi trực tuyến đang ngày càng khẳng định nhiều ưu điểm vượt trội. Đó chính là tiết kiệm thời gian, chi phí, nội dung hình ảnh trực quan sinh động, mang tính tương tác cao… Người tham dự có thể dễ dàng làm bài kiểm tra trên máy tính, điện thoại thông minh tại bất kỳ nơi đâu, từ quán cà phê, siêu thị hay tại nhà chỉ cần có kết nối internet. Chính vì vậy, trong thời gian qua, BHXH An Giang tăng cường các hoạt động theo phương thức này nhằm đưa chính sách tiếp cận một cách nhanh chóng, dễ dàng và hiệu quả đối với người dân, DN trên địa bàn.
Thực tế trong những năm qua cho thấy, việc ứng dụng CNTT để tổ chức các cuộc thi trực tuyến, những buổi livestream tuyên truyền, phổ biến chính sách mới về BHXH, BHYT, các chính sách BHYT cho HSSV trong năm học đã được lan tỏa rộng ra nhiều huyện, thị xã tại An Giang. Đơn cử như BHXH huyện Chợ Mới vừa tổ chức livestream với chủ đề “Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) và những thay đổi trong chính sách BHXH” qua trang Fanpage của huyện đã thu hút 1.021 lượt người tiếp cận, 200 lượt bình luận và chia sẻ. Trước đó là các cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về cải cách TTHC, chuyển đổi số” đã thu hút được hơn 8.500 lượt thí sinh tham dự. Đối với nhóm HSSV thì có cuộc thi “Tìm hiểu về chính sách BHYT HSSV” trực tuyến bằng phần mềm MyAloha thu hút hơn 5.000 HS tham gia. Hay livestream truyền thông với chủ đề "Những thay đổi về mức hưởng BHXH, BHYT từ ngày 1/7 đến người dân, NLĐ trên địa bàn" cũng thu hút gần 6.000 người tiếp cận…
Ngay những ngày tháng 9 này, ở An Giang cũng đang diễn ra cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu chính sách BHXH, BHYT” (tổ chức từ 15/6 đến 15/9). Chương trình nhằm giúp CCVC-NLĐ; hội viên, thành viên, nông dân sản xuất giỏi của Hội Nông Dân và Liên minh HTX hiểu biết sâu sắc hơn về chính sách BHXH, BHYT; đồng thời nâng cao trách nhiệm truyền thông về chính sách này. Theo BHXH tỉnh, hiện số lượng thành viên của Hội Nông Dân và Liên minh HTX tại An Giang lên đến khoảng 200.000 người. Chính vì vậy, việc tuyên truyền, phát triển chính sách BHXH, BHYT trong nhóm đối tượng này là rất cần thiết.
Trao đổi với chúng tôi anh Nguyễn Văn Bình, nhân viên văn phòng ở TP.Long Xuyên chia sẻ: “Những năm gần đây có nhiều chương trình trực tuyến về các vấn đề liên quan đến chính sách do BHXH An Giang tổ chức, và hầu hết tôi đều tham gia. Riết rồi ghiền luôn, nhiều khi tôi hay vào trang TTĐT của BHXH tỉnh đọc tin tức xem có cuộc thi nào không. Chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp thì liên quan đến hầu hết mọi người. Vì vậy, ai cũng cần có kiến thức, sự hiểu biết để giúp ích cho bản thân và mọi người. Chỉ là đưa chính sách đến người dân bằng cách nào, để họ tiếp cận tốt nhất”.
Ông Đặng Hồng Tuấn cho hay, trong thời gian qua, các cuộc thi trực tuyến do BHXH tỉnh tổ chức nói chung đều với mục đích nâng cao nhận thức của NLĐ, người SDLĐ và nhân dân trong việc chấp hành chính, sách pháp luật về lĩnh vực BHXH, BHYT. Qua đó, góp phần lan tỏa tính ưu việt của chính sách BHXH, BHYT, giúp người tham gia tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ, kịp thời quyền lợi BHXH, BHYT theo quy định... Thông qua phương thức tiếp cận là các cuộc thi, những chương trình tư vấn trực tuyến, livestream truyền thông như vậy, việc “phủ sóng” chính sách BHXH, BHYT ngày càng hiệu quả. Đặc biệt, hoạt động này tiết giảm được nhân sự, chi phí và không tốn nhiều thời gian.
Bài: Phạm Thọ
Đồ họa: Hiểu Thanh
Với sự hỗ trợ, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, BHXH tỉnh Hà Tĩnh đặt quyết tâm sẽ đạt 100% HSSV tham gia BHYT trong năm học 2024-2025. Và, để đạt mục tiêu này, BHXH tỉnh Hà Tĩnh đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của các em HSSV, nhất là nhóm HS trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn.
Là đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ sinh trắc đón tiếp người bệnh đăng ký KCB BHYT, đến nay BHXH tỉnh Quảng Bình tiếp tục là đơn vị đầu tiên trên toàn quốc triển khai “Mô hình thí điểm ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc tiếp đón người dân đăng ký vào giải quyết TTHC” tại BHXH huyện Quảng Ninh...
BHXH tỉnh Thái Nguyên tiếp tục triển khai thực chất, hiệu quả công tác cải cách TTHC, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và DN tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT.
Công ty CP Thủy sản Tắc Cậu (Kicoimex) có địa chỉ tại xã Bình An (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang). Những năm qua, DN thủy sản này là một trong những đơn vị luôn tuân thủ nghiêm chính sách, pháp luật BHXH, BHYT.