Tạp chí Bảo Hiểm Xã Hội Tỉnh Lào Cai: Nỗ lực trên hành trình đảm bảo an sinh
ASXHPortalViewLongForm
Longform

Tỉnh Lào Cai: Nỗ lực trên hành trình đảm bảo an sinh

Shared facebook

Đầu năm 2024, bà Nguyễn Thị Phượng (47 tuổi, TP.Lào Cai) gặp một biến cố không thể nào quên. Trên đường từ nhà tới công trường làm việc, một tai nạn bất ngờ ập đến khiến chân bà bị chấn thương nghiêm trọng. Bà được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) để phẫu thuật gấp. Ca phẫu thuật khá phức tạp và chỉ tính riêng tiền chi phí điều trị đã lên đến 50 triệu đồng- một khoản tiền vượt xa khả năng chi trả của gia đình.

“Thực lòng, lúc đó tôi chưa biết gì về BHYT và những lợi ích của chính sách này,” bà Phượng nhớ lại, giọng nghẹn ngào. Khoản tiền điều trị rất lớn buộc bà và gia đình phải tự xoay sở bằng mọi cách; cuộc sống cũng vì vậy bỗng chốc rơi vào cảnh khó khăn. Cũng từ cú sốc đó, bà Phượng đã phải thay đổi khá nhiều trong nhận thức, biết rằng cần phải lo xa nhiều hơn cho cuộc sống, nhất là những rủi ro tai nạn có thể thể ập đến bất ngờ. Sau khi tìm hiểu, bà quyết định tham gia BHYT cho cả gia đình.

“Giờ đây, tôi không còn phải lo lắng mỗi khi nghĩ đến những tai nạn rủi ro bất ngờ như vừa rồi. Tôi thấy mình an tâm hơn rất nhiều”- bà Phượng chia sẻ.

Câu chuyện của bà Phượng không phải là trường hợp duy nhất. Bà Vũ Thị Vân (40 tuổi) là một lao động tự do, cũng từng trăn trở khá nhiều về sức khoẻ bản thân sau những ngày làm việc nặng nhọc.

“Khi tuổi già đến, sức khỏe suy giảm mà không có thu nhập ổn định, tôi sẽ sống thế nào?”, đó là câu hỏi ám ảnh bà Vân mỗi ngày. Sau nhiều suy nghĩ băn khoăn, bà Vân quyết tâm dành dụm để tham gia BHXH tự nguyện dù thu nhập hằng thàng cũng không thực ổn định nếu như không muốn nói là khá bấp bênh.

“Tôi muốn sau này có lương hưu để không phải phụ thuộc vào con cái. Được chủ động về tài chính giúp tôi tự tin hơn rất nhiều”- bà Vân nói, ánh lên niềm hy vọng về một cuộc sống ổn định hơn khi về già.

Những câu chuyện như của bà Phượng hay bà Vân là minh chứng rõ nét cho sự thay đổi nhận thức của từng người dân và rộng hơn là cả cộng đồng về tầm quan trọng của các chính sách an sinh xã hội. Để có được những thay đổi đó là sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong công tác tuyên truyền, vận động của đội ngũ cán bộ cơ quan BHXH tại Lào Cai.

Những “người mang màu áo an sinh” này không chỉ làm việc trong giờ hành chính mà còn tận dụng mọi lúc, mọi nơi có thể. Từ buổi tối, cuối tuần đến những cuộc gặp gỡ trực tiếp tại nhà… để tư vấn và vận động người dân tham gia BHXH và BHYT. Không chỉ dừng lại ở các buổi trò chuyện trực tiếp, những cán bộ BHXH còn chủ động khai thác lợi thế của mạng xã hội như Zalo, Facebook để tiếp cận và lan toả chính sách đến nhiều người dân hơn. Chính nhờ sự tận tâm ấy, nhiều người dân tại Lào Cai đã hiểu rõ hơn về giá trị của các chính sách an sinh. Hành trình của bà Phượng và bà Vân không chỉ là câu chuyện cá nhân mà còn là lời nhắc nhở về sự quan trọng của việc chủ động bảo vệ tương lai. Trước những thử thách từ muôn vàn biến động trong đời sống hiện đại, BHXH và BHYT chính là “bệ đỡ”, để mỗi người dân ở vùng cao có cuộc sống thêm phần ổn định, bền vững.

Năm 2024, BHXH tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu bứt phá trong các chỉ tiêu thu và phát triển người tham gia. Đến tháng 11/2024, BHXH tỉnh đã thu được hơn 2.113 tỷ đồng, đạt 96,1% kế hoạch. Kết quả này có được nhờ hàng loạt giải pháp đồng bộ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền.

Ngay từ đầu năm, BHXH tỉnh đã chủ động xây dựng kịch bản thu sát với thực tế từng địa phương, đồng thời, thường xuyên phân tích dữ liệu dân cư và lao động để xác định rõ các nhóm tiềm năng. Những chiến dịch như "30 ngày đêm ra quân cao điểm" ở huyện Si Ma Cai hay "22 ngày đêm bứt phá" tại huyện Văn Bàn đã tạo nên nhiều bước đột phá. Chỉ trong một tháng, huyện Si Ma Cai tăng thêm 985 người tham gia BHYT, nâng tỷ lệ bao phủ lên 95,6%. Huyện Văn Bàn cũng ghi nhận thêm 5.118 người tham gia, tăng 3,8% so với thời điểm trước ra quân…

Bên cạnh các chiến dịch truyền thông trực tiếp, các hình thức truyền thông mới như biểu diễn nghệ thuật lồng ghép tuyên truyền nội dung chính sách, pháp luật BHXH, BHYT hay livestream giải đáp thắc mắc đã thu hút sự quan tâm đông đảo của người dân. Các buổi tư vấn tại chợ phiên, hộ gia đình hay hội nghị khách hàng… cũng góp phần mang chính sách đến gần hơn với từng người dân tại các bản làng xa xôi. Đối với DN chưa tuân thủ đầy đủ quy định, BHXH tỉnh đã tổ chức các buổi đối thoại, gửi thông báo và phối hợp kiểm tra, giám sát.

Nhờ những nỗ lực toàn diện này, đến nay, toàn tỉnh Lào Cai có số người tham gia BHXH là 73.462 người (trong đó BHXH bắt buộc là 62.633 người, BHXH tự nguyện là 10.829 người). Số người tham gia BHYT là 704.279 người, tỷ lệ bao phủ đạt 92,3%.

Những dấu ấn phát triển BHXH, BHYT tại Lào Cai không chỉ là công sức của cơ quan BHXH mà còn là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT các cấp, dưới sự lãnh đạo của UBND tỉnh, đã không ngừng đưa chỉ tiêu phát triển an sinh vào kế hoạch kinh tế- xã hội hằng năm.

Từ những bản làng xa xôi vùng cao, câu chuyện như của bà Phượng, bà Vân là minh chứng cho những nỗ lực của cơ quan BHXH trong việc tổ chức thực hiện; cũng là sự khẳng định giá trị nhân văn từ chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước.

Thực hiện: Nguyễn Tuấn Anh

Trình bày: Hà Hùng


Viết bình luận
Cán mốc 2 triệu người tham gia BHXH tự nguyện

Cán mốc 2 triệu người tham gia BHXH tự nguyện

Con số này cho thấy những nỗ lực bền bỉ trong công tác tuyên truyền, vận động của ngành BHXH Việt Nam đã và đang phát huy hiệu quả.

Mong ai cũng có lương hưu

Mong ai cũng có lương hưu

Đó là mong muốn, là niềm tin mà chị Nguyễn Thị Mai- Phó chủ tịch HĐND phường Nguyễn Phúc (TP.Yên Bái, tỉnh Yên Bái) luôn lấy làm động lực để đưa chính sách BHXH, BHYT đến gần hơn với người dân trên địa bàn.

Hạnh phúc của người nhận lương hưu

Hạnh phúc của người nhận lương hưu

Trải qua nhiều năm nhận lương hưu, mỗi lần nhận dù ít dù nhiều, tôi đều có cảm giác rất vui, thậm chí có cảm giác như được nhận nhiều hơn là phần mình đóng góp.

Hồ sơ sức khỏe điện tử: Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân

Hồ sơ sức khỏe điện tử: Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân

Hồ sơ sức khỏe điện tử là xu thế phát triển của hệ thống y tế nhiều quốc gia, góp phần hiện đại hóa ngành Y tế, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới theo Nghị quyết 20-NQ/TW. Nếu triển khai thực hiện tốt hồ sơ sức khỏe điện tử thì người dân sẽ nhận được nhiều lợi ích…