Văn hóa là một khái niệm rất rộng. Thuật ngữ này cũng được sử dụng trong nhiều bối cảnh khác nhau, từ cuộc sống thường nhật tới các nghiên cứu học thuật. Giáo sư Đào Duy Anh- nhà sử học, địa lý, từ điển, ngôn ngữ học, cũng là một nhà nghiên cứu văn hóa, tôn giáo, văn học dân gian nổi tiếng của Việt Nam đã nêu ra định nghĩa một cách ngắn gọn nhất: Văn hóa là sinh hoạt của con người.
Hiểu một cách chung nhất, mọi sinh hoạt của con người, nếu được duy trì thường xuyên liên tục, phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể, đều có thể là một yếu tố cấu thành văn hóa hoặc được gọi là văn hóa.
Theo cách diễn giải này, có thể hiểu một cách khái quát rằng: Văn hóa BHXH, BHYT là khi cả cộng đồng cùng nhận thức đầy đủ ý nghĩa, giá trị và đặc biệt là tham gia BHXH, BHYT thường xuyên liên tục, trở thành nếp quen, là điều đương nhiên với mọi cá thể trong từng gia đình và rộng hơn là toàn xã hội.
Để tạo thành một nếp quen với một con người quả thực không đơn giản. Thường đòi hỏi sự giáo dục cơ bản, ban đầu từ gia đình, nhà trường, cộng đồng sống (hàng xóm/làng xã) xung quanh. Từ đó tạo nền tảng để tự nhận thức và thực hiện thường xuyên một hành vi, trở thành thói quen. Quan trọng hơn là duy trì hành vi đó liên tục, trở thành nếp quen dù có chịu sự tác động, thay đổi từ ngoại cảnh. Chẳng hạn như khi được giáo dục tốt về việc không vứt rác bừa bãi, liên tục thực hiện hành vi này từ bé, chắc chắn thói quen tốt này sẽ theo một con người đến khi trưởng thành hay cả khi về già. Tạo nếp quen với cả một cộng đồng, với nhiều người, lẽ dĩ nhiên là phức tạp hơn và khó khăn hơn.
Tương tự như việc xây dựng các giá trị văn hóa khác, để hình thành nên văn hóa BHXH, BHYT cần qua cả một quá trình, trong khoảng thời gian nhất định. Từ góc nhìn đánh giá hành vi của một con người, có thể thấy, 2 yếu tố cơ bản, quan trọng để hình thành một nếp quen đó là nhận thức và ý thức về BHXH, BHYT và hành vi về BHXH, BHYT. Thay đổi nhận thức rồi có hành vi đúng đắn về BHXH, BHYT, từ đó sẽ hình thành nên văn hóa BHXH, BHYT, là động lực bền vững cho quá trình phát triển BHXH, BHYT.
Theo các quy định pháp lý hiện hành, với tính chất đặc thù, chính sách BHXH, BHYT được gắn với mỗi con người từ lúc sinh ra cho đến lúc về già rồi qua đời. Thẻ BHYT được cấp cho trẻ em ngay từ lúc chào đời; đi học có BHYT HSSV; trưởng thành, trở thành công dân lao động thì đủ điều kiện tham gia BHXH (bắt buộc hoặc tự nguyện) đồng thời vẫn tiếp tục tham gia BHYT (theo các diện đối tượng khác nhau). Cho đến khi về già, nếu đủ điều kiện sẽ được hưởng lương hưu hoặc hưởng trợ cấp hưu trí; bên cạnh đó là các chế độ ngắn hạn được hưởng từ cơ quan BHXH như: ốm đau, thai sản… Với tính chất quan trọng như vậy nên chính sách BHXH, BHYT đã được Đảng, Nhà nước ta xác định là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội quốc gia.
Từ chủ trương của Đảng, Nhà nước, đến nay, BHXH, BHYT ngày càng được hoàn thiện về mặt pháp lý. Kết quả thực hiện cũng rất tích cực với khoảng 18 triệu người tham gia BHXH, hơn 93% dân số tham gia BHYT; bên cạnh đó là khoảng 3,4 triệu người đang hưởng lương hưu thường xuyên, bình quân mỗi năm có khoảng 10 triệu lượt người hưởng các chế độ ngắn hạn (BH thất nghiệp, chế độ ốm đau…). Đặc biệt là có hàng trăm triệu lượt KCB được thanh toán BHYT hàng năm.
Việc hoàn thiện các quy định pháp lý với các chế tài xử phạt là một chuyện. Quan trọng không kém là phải xây dựng được văn hóa BHXH, BHYT, hình thành nên ý thức tự thân về việc tham gia BHXH, BHYT của từng cá nhân, rồi rộng hơn là từng gia đình cho đến đơn vị SDLĐ trong toàn xã hội.
Bàn về văn hóa nói chung, luôn cần đến những nghiên cứu chuyên sâu, bóc tách nhiều lớp, phân tích từ bối cảnh, điều kiện sống tự nhiên, các yếu tố vùng miền cho đến các sự kiện, các yếu tố vật chất (như tác phẩm nghệ thuật, văn học, âm nhạc, kiến trúc…) có tính chất lịch sử hoặc có giá trị lan tỏa mạnh mẽ. Với văn hóa BHXH, BHYT cũng vậy, cần những nghiên cứu chuyên sâu hơn, từ đó định hình cách hiểu về mặt lý luận cũng như tính thực tế, thực tiễn.
Chưa xét đến việc hiện nay đã có quốc gia nào hình thành văn hóa BHXH, BHYT hay chưa, nhưng có một điều chắc chắn rằng: ngay cả khi đã cơ bản hình thành, việc duy trì văn hóa BHXH, BHYT cũng rất cần đến vai trò quan trọng của thế hệ trẻ, cụ thể là nhóm HSSV- những đối tượng đang tham gia, thụ hưởng BHYT và khi gia nhập lực lượng lao động, sẽ trở thành đối tượng tham gia BHXH.
Thực tế này có thể nhìn từ những nét đẹp truyền thống của một cộng đồng, dân tộc. Từ khi khởi thủy hình thành cho đến việc duy trì phải luôn được tiếp nối một cách xuyên suốt qua các thế hệ. Thế hệ đi trước đặt nền móng rồi giáo dục, truyền thụ để thế hệ kế tiếp thừa hưởng, tiếp tục gìn giữ và có cả những cải tiến, thay đổi để phát huy. Với văn hóa BHXH, BHYT cũng vậy. Hai yếu tố cấu thành quan trọng để xây dựng và sau đó là duy trì, phát triển văn hóa BHXH, BHYT là: nhận thức và hành vi của mỗi con người trong cộng đồng về BHXH, BHYT. Điều quan trọng với hiện nay và cả sau này, là cần bảo đảm để thế hệ trẻ nhận thức một cách cơ bản đầy đủ, đúng đắn về chính sách BHXH, BHYT- với vai trò là trụ cột chính của an sinh xã hội, với bản chất là tính chia sẻ, nhân văn, số đông bù số ít, rất phù hợp với đạo lý, truyền thống tốt đẹp “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc. Từ nhận thức sẽ hình thành ý thức và thúc đẩy hành vi, ứng xử đúng đắn về BHXH, BHYT.
Cần nhấn mạnh rằng, nhận thức luôn cần bổ sung cập nhật tính mới mẻ vì tri thức luôn vận động phát triển. Với hành vi cũng luôn cần rèn luyện, thực hành, từ việc tự ý thức thực hiện cho đến thực hiện mang tính kỷ luật thường xuyên. Có như vậy qua thời gian mới thực sự hình thành được nếp quen mang tính văn hóa.
Cách đây đúng 30 năm, trong bối cảnh còn không ít khó khăn do điều kiện kinh tế- xã hội, công tác chăm sóc sức khỏe của người dân nói chung và HSSV nói riêng đứng trước nhiều thách thức. Thiếu nguồn lực đầu tư cho y tế trường học, các loại bệnh học đường có xu hướng gia tăng; nhiều trường hợp HSSV gặp tai nạn, mắc bệnh hiểm nghèo nhưng gia đình không đủ nguồn lực tài chính để chi trả chi phí điều trị… Nhận thức được trách nhiệm về bảo đảm sức khỏe với thế hệ trẻ cũng là tương lai của đất nước, liên bộ GD-ĐT và Y tế đã ban hành Thông tư số 14/TTLB ngày 19/9/1994 hướng dẫn thực hiện BHYT HSSV, đánh dấu sự ra đời và phát triển BHYT HSSV ở nước ta.
Đây là một bước đi cho thấy sự chuyển đổi rất lớn trong quan điểm nhận thức của đội ngũ những cán bộ lãnh đạo của ngành GD-ĐT và Y tế ở thời điểm đó. Lưu ý rằng, năm 1994, chính sách BHYT vẫn còn khá mới mẻ với đa số (được thực hiện theo Điều lệ BHYT ban hành theo Nghị định số 299-HĐBT ban hành ngày 15/8/1992). Đúng như câu nói “vạn sự khởi đầu nan”, thực hiện BHYT với HSSV vì vậy cũng gặp phải vô vàn trở ngại. Thực tế là HSSV không được nhắc đến một cách trực tiếp, thuộc diện “các đối tượng khác tham gia BHYT tự nguyện”- quy định tại Điều 3 của Điều lệ BHYT. Để triển khai BHYT tại các trường học không dễ dàng chút nào vì thuộc diện tự nguyện, không có tính chất bắt buộc, trong khi chính sách còn khá mới mẻ với hầu hết đội ngũ thầy, cô giáo tại các trường học. Nghị định số 299 cũng không nêu rõ trách nhiệm của Bộ GD-ĐT phải thực hiện, hay phối hợp thực hiện.
Vượt qua những khó khăn ban đầu, cho đến nay, qua 30 năm, BHYT HSSV từ “tự nguyện” chuyển sang “có trách nhiệm” tham gia và hiện nay mang tính “bắt buộc” tham gia theo quy định của pháp luật. Hiệu quả BHYT HSSV đã được minh chứng trong thực tiễn 30 năm qua. Đến nay, đã có 97,8%, tương ứng với 19,1 triệu HSSV có BHYT. Quan trọng hơn là mỗi năm đã có hàng triệu lượt KCB của HSSV được thanh toán BHYT; nhiều trường hợp được thanh toán lên tới hàng tỷ đồng. Đó là nền tảng rất thực tiễn của cuộc sống để hình thành nên nhận thức mang tính thực tế của HSSV cũng như người thân của các em về giá trị của BHXH, BHYT.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là “điều kiện cần” ban đầu. Phải nhấn mạnh đến vai trò của nhà trường, đội ngũ giáo viên. Ngoài những yêu cầu thực hiện BHYT HSSV đã được nêu trong các văn bản pháp lý hay trong các chỉ đạo của Chính phủ cũng như ngành GD-ĐT, rất cần đến trách nhiệm trong việc truyền thông hay nói đúng hơn là giáo dục kiến thức về BHXH, BHYT. Suy cho cùng, đây là môi trường có tính chất văn hóa, tiến bộ với những nhân cách tri thức có trách nhiệm truyền tải kiến thức góp phần cùng với gia đình từng bước hun đúc nên nhân sinh quan của từng em HSSV. “Điều kiện đủ” để hình thành nên nhận thức và có hành vi đúng đắn của các em HSSV về BHXH, BHYT là có sự giáo dục của nhà trường và thầy cô. Không chỉ dừng lại ở những lý thuyết mang tính chất đóng khung hay chỉ gói gọn ở những buổi sinh hoạt đầu năm; các thông điệp về BHXH, BHYT nên được hiện hữu, đan cài trong những tiết học sinh động; theo nguyên lý “lượng” nhiều để đổi “chất”, tạo sự định hướng trong quá trình hình thành và làm dày thêm nhận thức của các em HSSV về BHYT.
Bên cạnh đó, trách nhiệm của gia đình, các bậc phụ huynh cũng rất lớn và không kém phần quan trọng trong quá trình hun đúc nên các giá trị văn hóa nói chung và văn hóa BHXH, BHYT nói riêng trong các em.
Trong bối cảnh phát triển của xã hội ngày nay, ngoài những yếu tố trên, truyền thông, nhất là các phương tiện truyền thông hiện đại có sự tác động mạnh mẽ tới thế hệ trẻ. Ở một góc nhìn nào đó, các bậc phụ huynh, đội ngũ giáo viên cũng đã và đang chịu sự tác động và định hướng mạnh mẽ của truyền thông ở các mức độ khác nhau (ví dụ như từ thói quen tiêu dùng, sinh hoạt, nuôi dạy con…). Vấn đề đặt ra, trong chiến lược phát triển giáo dục toàn diện, công tác truyền thông BHXH, BHYT cần hướng đến chuyển tải những thông điệp mang tính xuyên suốt nhằm thúc đẩy xây dựng văn hóa BHXH, BHYT ngay từ khi các em HSSV còn ngồi trên ghế nhà trường.
Lợi ích của việc thực hiện BHYT HSSV hay quá trình giáo dục, truyền thông về BHXH, BHYT tới các em HSSV không chỉ dừng lại ở những con số thống kê qua từng năm, mà giá trị văn hóa BHXH, BHYT mang lại sẽ rất lớn. Khi ý thức tự thân tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT được hình thành trong từng con người, bắt đầu từ thế hệ trẻ hôm nay, chắc chắn giá trị nhân văn của BHXH, nguyên lý chia sẻ “lấy số đông bù số ít” của BHYT sẽ được lan tỏa qua các thế hệ tiếp nối, đảm bảo cho sự phát triển bền vững.
Bài: Minh Đức
Đồ họa: Thanh An
Thấm nhuần tư tưởng của Bác, thời gian qua, BHXH nhiều địa phương đã tích cực thực hiện công tác dân vận, đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua, xây dựng các mô hình hay… nhằm góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.
Mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện BHYT toàn dân, nhằm tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Có nhiều lý do và căn cứ để HSSV được lựa chọn là nhóm đối tượng cần sớm bao phủ 100% BHYT...
Từ năm 2023 đến nay, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) đã phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là nêu cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong tuyên truyền, vận động người thân, người dân tích cực tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Chính vì vậy, công tác BHXH, BHYT trên địa bàn huyện đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo- Không để ai bị bỏ lại phía sau”, trong 4 năm qua, BHXH tỉnh Phú Thọ đã huy động các nguồn lực xã hội tặng hàng trăm cuốn sổ BHXH tự nguyện và hàng chục nghìn tấm thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn.