* Giai đoạn trước khi có Điều lệ tạm thời về các chế độ BHXH (trước năm 1961)
Năm 1947, tại Sắc lệnh số 29/SL ngày 12/3/1947, chính sách BHXH một lần lần đầu tiên được quy định ở nước ta với tên gọi “phụ cấp thâm niên”. Theo đó, chủ SDLĐ phải trả phụ cấp thâm niên cho công nhân khi bị thải hồi không phải vì tự ý xin thôi việc để ra làm việc ở một sở khác hay để ra làm ăn kinh doanh riêng. Phụ cấp thâm niên được tính theo số năm đã làm việc, người làm dưới một năm (12 tháng) không được hưởng phụ cấp này.
Sắc lệnh số 76/SL ngày 20/5/1950 ban hành Quy chế công chức, BHXH một lần chính là “số tiền đã góp vào quỹ hưu bổng” mà công chức nhận được khi họ thôi việc vì thiếu sức khỏe hoặc thiếu năng lực, từ chức bắt buộc, cách chức (trừ trường hợp bị cách chức do biển thủ công quỹ, hối lộ). Số tiền trợ cấp được tính theo số năm làm việc, mỗi năm được một tháng lương và phụ cấp gia đình, tối đa bằng 6 tháng lương kể cả phụ cấp gia đình (theo Điều 83-87, Sắc lệnh số 76/SL).
Tại Sắc lệnh số 77/SL ngày 22/5/1950, quy định các chế độ đối với công nhân giúp việc Chính phủ trong thời kỳ kháng chiến, BHXH một lần được áp dụng đối với công nhân thôi việc vì thiếu sức khỏe (mỗi năm làm việc tính bằng một tháng lương gồm cả phụ cấp gia đình), hoặc đã làm việc trên một năm mà bị thải hồi vì thiếu năng lực (mức hưởng bằng 2 tháng lương và phụ cấp gia đình).
* Giai đoạn thực hiện Điều lệ tạm thời về các chế độ BHXH (1962-1994)
Tại Điều lệ tạm thời về các chế độ BHXH đối với công nhân, viên chức nhà nước được ban hành kèm theo Nghị định số 218/CP ngày 27/12/1961, BHXH một lần được quy định thực hiện đối với công nhân, viên chức nhà nước đã công tác liên tục dưới 5 năm mà bị mất sức lao động phải thôi việc.
Theo đó, tại Điều 40 quy định: “Công nhân, viên chức nhà nước mất sức lao động phải thôi việc, mà đã công tác liên tục dưới 5 năm, được trợ cấp một lần, cứ mỗi năm bằng một tháng lương; nhưng thấp nhất cũng bằng 2 tháng lương, kể cả phụ cấp và trợ cấp con (nếu có)”. Điều kiện hưởng BHXH một lần lúc này đã bị thu hẹp, chỉ áp dụng cho những công nhân, viên chức thôi việc vì mất sức lao động, mà không áp dụng cho công nhân, viên chức thôi việc do bị thải hồi, cách chức, thiếu năng lực.
Ngày 1/10/1964, Thủ tướng Chính phủ ban hành Thông tư số 88/TTg-CN quy định trợ cấp thôi việc áp dụng chung của các trường hợp do cơ quan, xí nghiệp kiện toàn tổ chức, giảm nhẹ biên chế hoặc giải thể, cả trường hợp do công nhân, viên chức nhà nước tự xin thôi việc vì hoàn cảnh gia đình khó khăn đặc biệt, vì hưởng ứng các cuộc vận động lớn của Nhà nước đi khai hoang, đi xây dựng kinh tế miền núi…, hoặc vì có nguyện vọng riêng nhưng phù hợp với nhu cầu giảm nhẹ biên chế của cơ quan, xí nghiệp.
Mức trợ cấp được quy định phân biệt đối với người làm việc trước và sau ngày 20/7/1954. Đối với người làm việc trước 20/7/1954, cứ mỗi năm làm việc được trợ cấp bằng nửa tháng lương, kể cả trợ cấp thường xuyên và trợ cấp con. Đối với người làm sau ngày 20/7/1954, mức trợ cấp được tính như trên, nhưng có khống chế mức tối đa và tối thiểu: Tối đa bằng 5 tháng lương và tối thiểu bằng nửa tháng lương (và phụ cấp). Ngoài ra, người được trợ cấp thôi việc còn được trợ cấp thêm một lần bằng từ nửa tháng lương đến 3 tháng lương (kể cả phụ cấp), nhưng không vượt quá số tiền đã làm việc, được trợ cấp thêm tiền tàu xe, cước phí hành lý, tiền ăn dọc đường cho bản thân và gia đình về đến nơi trú quán, được tiếp tục cấp phiếu gạo như khi đang làm việc…
Ngày 14/11/1987, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 217/HĐBT về đổi mới kế hoạch và hạch toán kinh doanh đối với các xí nghiệp quốc doanh và Thông tư số 1/LĐTBXH-TT ngày 9/1/1988 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 217/HĐBT quy định NLĐ (trong biên chế hoặc làm việc theo HĐLĐ) bị nghỉ việc do thu hẹp sản xuất, giải thể xí nghiệp được trợ cấp một tháng lương kể cả phụ cấp và bù giá. Còn đối với NLĐ thôi việc do vi phạm kỷ luật nhưng chưa đến mức bị thi hành kỷ luật buộc thôi việc, hoặc đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì cứ mỗi năm công tác được trợ cấp 1/2 tháng lương, kể cả phụ cấp và bù giá.
Ngày 29/12/1987, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 227/HĐBT về sắp xếp lại tổ chức, tinh giản biên chế các khu vực hành chính sự nghiệp. Trong đó, quy định những cán bộ, công nhân, viên chức tự nguyện xin thôi việc để về sản xuất ở gia đình hoặc tự kiếm việc làm thì được trợ cấp cứ mỗi năm công tác trong cơ quan nhà nước bằng một tháng lương và các khoản trợ cấp, phụ cấp (nếu có).
Ngày 9/10/1989, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 176/HĐBT về sắp xếp lại lao động trong các đơn vị kinh tế quốc doanh. Trong đó, quy định trợ cấp thôi việc trả cho những lao động ra làm việc ở khu vực ngoài quốc doanh cứ mỗi năm công tác liên tục được trợ cấp một tháng lương cơ bản cộng với phụ cấp nếu có và tối thiểu là 3 tháng do đơn vị trả. Nhà nước chỉ hỗ trợ đối với những đơn vị khó khăn nhưng tối đa chỉ 1/2 khoản trợ cấp. Đây là khoản trợ cấp một lần và trả trực tiếp cho NLĐ, nhưng nếu nguồn chi trả và tiền mặt khó khăn thì có thể thỏa thuận trả rải ra một số lần.
Ngày 30/8/1990, Hội đồng Nhà nước ban hành Pháp lệnh HĐLĐ để điều chỉnh mối quan hệ lao động giữa NLĐ làm công ăn lương và người SDLĐ. Trong đó có quy định về trợ cấp thôi việc cho NLĐ khi chấm dứt HĐLĐ, Nghị định số 165/HĐBT ngày 12/5/1992 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh trên đã ấn định mức trợ cấp thôi việc bằng 1/2 tháng tiền công hoặc tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) cho mỗi năm làm việc đối với trường hợp đương nhiên chấm dứt HĐLĐ, hoặc một trong hai bên đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái với quy định của Pháp lệnh HĐLĐ.
Còn trong trường hợp chấm dứt HĐLĐ do NLĐ ốm đau, thương tật đã điều trị 6 tháng liền không khỏi hoặc người SDLĐ chấm dứt HĐLĐ đối với NLĐ là phụ nữ có thai đang nghỉ đẻ theo chế độ, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, NLĐ đang ốm đau, bị TNLĐ-BNN, NLĐ đang nghỉ chế độ hàng năm, nghỉ phép thì NLĐ được hưởng mức trợ cấp gấp rưỡi mức trên (tức 3/4 tháng lương). Nếu NLĐ từ 45 tuổi trở lên đối với nam, 40 tuổi đối với nữ đã làm liên tục 5 năm liên tục với người SDLĐ thì NLĐ còn được trợ cấp thêm ít nhất 2 tháng tiền công hoặc tiền lương, phụ cấp lương. Đối với việc chấm dứt HĐLĐ theo một công việc nhất định, theo mùa vụ có hạn từ 3 tháng đến dưới một năm thì được trợ cấp một tháng tiền công hoặc tiền lương và phụ cấp lương (nếu có). Trợ cấp thôi việc được trả trực tiếp cho NLĐ một lần. Ngoài khoản trợ cấp nói trên, NLĐ làm việc trên một năm còn được cấp tiền tàu xe, cước phí hành lý, tiền ăn dọc đường cho bản thân về đến nơi cư trú theo chế độ hiện hành.
Ngày 12/4/1991, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 111/HĐBT về một số chính sách trong việc sắp xếp lại biên chế trong các cơ quan hành chính sự nghiệp. Trong đó, quy định những người thôi việc chuyển hẳn ra ngoài biên chế nhà nước thì mỗi năm công tác được trả một tháng lương và phụ cấp, tối thiểu là 3 tháng.
* Giai đoạn thực hiện Điều lệ BHXH (1995-2006)
Bộ luật Lao động, trong đó có Chương XII quy định về BHXH đã được Quốc hội khoá IX thông qua tại Kỳ họp thứ năm ngày 23/6/1994, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/1995. Ngày 26/1/1995, Chính phủ ban hành Điều lệ BHXH kèm theo Nghị định số 12/CP áp dụng đối với công chức, công nhân, viên chức nhà nước và NLĐ làm việc trong các DN thuộc nhiều thành phần kinh tế khác nhau có sử dụng từ 10 lao động trở lên (đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân và công an nhân dân thực hiện theo Nghị định số 45/CP ngày 15/7/1995 của Chính phủ). Quỹ BHXH được hình thành chủ yếu từ sự đóng góp của người SDLĐ (15% tổng quỹ lương) và NLĐ (5% tiền lương tháng). Theo đó, quy định “NLĐ nghỉ việc nhưng chưa đủ tuổi đời để hưởng chế độ hưu trí hằng tháng thì được hưởng trợ cấp một lần, cứ mỗi năm đóng BHXH được tính bằng một tháng mức bình quân của tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH hoặc có thể chờ đến khi đủ tuổi đời thì được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng”.
Đây có thể nói là giai đoạn điều kiện hưởng BHXH một lần (lúc này gọi là trợ cấp một lần) thông thoáng nhất trong lịch sử chính sách BHXH của nước ta, cho phép mọi NLĐ khi nghỉ việc mà chưa đủ tuổi nghỉ hưu có thể hưởng BHXH một lần hoặc chờ đến tuổi nghỉ hưu để hưởng lương hưu (nếu đã đủ 20 năm đóng BHXH).
Nhằm hạn chế tình trạng hưởng BHXH một lần, ngày 9/1/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2003/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung Điều 28 của Điều lệ BHXH ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP. Theo đó, NLĐ nghỉ việc nhưng chưa đủ tuổi nghỉ hưu và chưa đủ thời gian đóng BHXH thì được cấp sổ BHXH và bảo lưu thời gian đóng BHXH để đến khi có điều kiện thì tiếp tục đóng BHXH, chỉ những người khi nghỉ việc đã đủ tuổi nghỉ hưu hoặc suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí hàng tháng hoặc định cư hợp pháp ở nước ngoài mới thuộc đối tượng chi trả BHXH một lần.
Tuy nhiên, ngày 12/3/2003, Bộ LĐ-TB&XH ban hành Thông tư số 07/2003/TT-BLĐTBXH, trong đó các chế độ tại Thông tư này được áp dụng từ ngày 1/1/2003 cho phép NLĐ làm việc theo hợp đồng có thời hạn đã giao kết trước ngày 1/1/2003 mà chấm dứt HĐLĐ sau ngày 1/1/2003, nếu có đơn tự nguyện thì được trợ cấp BHXH một lần. Có nghĩa là, điều kiện hưởng BHXH một lần cơ bản vẫn được tiếp tục thực hiện như quy định tại Điều 28 Điều lệ BHXH với những người có giao kết hợp đồng trước ngày 1/1/2003 mà chấm dứt HĐLĐ sau ngày này. Trường hợp NLĐ có hợp đồng giao kết sau ngày 1/1/2003 thì phải có thời gian nghỉ việc từ đủ 6 tháng như quy định tại Điểm a, Khoản 7, Mục II Thông tư số 07/2003/TT-BLĐTBXH quy định “sau 6 tháng không tiếp tục làm việc thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc mà NLĐ có đơn tự nguyện, thì cơ quan BHXH nơi NLĐ cư trú giải quyết trợ cấp BHXH một lần”. Mặc dù có thêm quy định này, nhưng điều kiện hưởng BHXH giai đoạn 1995-2006 so với các giai đoạn khác vẫn dễ dàng, thông thoáng nhất.
* Giai đoạn thực hiện Luật BHXH số 71/2006/QH11 (2007-2015)
Căn cứ quy định tại Điều 55 Luật BHXH số 71/2006/QH11, NLĐ được hưởng BHXH một lần khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
(a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH;
(b) Suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH;
(c) Sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng BHXH và có yêu cầu nhận BHXH một lần mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH;
(d) Ra nước ngoài để định cư.
Mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH (Điều 56 Luật BHXH năm 2006).
Như vậy, so với giai đoạn thực hiện Điều lệ BHXH, điều kiện hưởng BHXH một lần đã thắt chặt hơn: NLĐ đã có đủ 20 năm đóng BHXH mà không ra nước ngoài định cư thì không được hưởng BHXH một lần; NLĐ chưa đủ 20 năm đóng BHXH mà chưa đủ tuổi nghỉ hưu và không bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, chỉ được hưởng BHXH một lần nếu sau một năm nghỉ việc mà không tiếp tục đóng BHXH và có yêu cầu. Tuy nhiên, mức hưởng BHXH một lần được điều chỉnh tăng cho mỗi năm đóng BHXH (từ một tháng lương lên 1,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH).
* Giai đoạn thực hiện Luật BHXH số 58/2014/QH13 (từ năm 2016 đến nay)
Trước thực trạng NLĐ hưởng BHXH một lần ngày càng tăng, để đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo quyền lợi và cuộc sống cho NLĐ khi hết tuổi nghỉ hưu, đồng thời duy trì việc tham gia BHXH của NLĐ, Luật BHXH 2014 ra đời đã bỏ quy định cho phép hưởng BHXH một lần trong trường hợp: “Sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng BHXH và có yêu cầu nhận BHXH một lần mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH”. Theo đó, Khoản 1, Điều 60 Luật này quy định, NLĐ có yêu cầu được hưởng BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
(a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện;
(b) Ra nước ngoài để định cư;
(c) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.
Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện, một bộ phận NLĐ, chủ yếu là công nhân tại một số nhà máy, khu công nghiệp trên địa bàn TP.HCM, tỉnh Đồng Nai, Bình Dương đã không đồng tình và đề nghị tiếp tục duy trì quy định về điều kiện hưởng BHXH một lần như trước đây.
Ngày 22/6/2015, sau khi xem xét Báo cáo số 226/BC-CP ngày 19/5/2015 của Chính phủ, Báo cáo số 3894/BC-UBVĐXH13 ngày 20/5/2015 của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội) và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về vấn đề này, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 93/2015/QH13 về việc hưởng chính sách hưởng BHXH một lần đối với NLĐ đã quy định: “Trường hợp NLĐ tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH khi có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần”. Điều kiện hưởng BHXH một lần lúc này về cơ bản lại trở lại giai đoạn thực hiện Luật BHXH 2006 và được thực hiện cho cả nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện.
Trong khi điều kiện hưởng BHXH một lần trở lại dễ dàng, thì mức hưởng BHXH một lần lại được điều chỉnh tăng từ 1,5 tháng lên 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc/mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện cho những năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi (Khoản 2, Điều 60 Luật BHXH 2014). Mức hưởng BHXH một lần không bao gồm số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện.
Như vậy, quy định về BHXH một lần đã có ở nước ta ngay từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp và đã trải qua nhiều lần được điều chỉnh. Trong đó, giai đoạn thực hiện Điều lệ BHXH (1995-2006), điều kiện hưởng BHXH một lần dễ dàng nhất (mọi NLĐ nghỉ việc nhưng chưa đủ tuổi đời để hưởng chế độ hưu trí hằng tháng đều có thể yêu cầu nhận BHXH một lần, NLĐ kết giao HĐLĐ từ ngày 1/1/2003 cần thêm điều kiện về thời gian nghỉ việc là từ 6 tháng.
Mặc dù chính sách BHXH đã nhiều lần được sửa đổi; tuy nhiên do những hoàn cảnh cụ thể, điều kiện hưởng BHXH một lần ở nước ta cho đến nay rất dễ dàng khi NLĐ chưa đủ 20 năm đóng BHXH, sau một năm nghỉ việc/dừng đóng BHXH tự nguyện, nếu không tiếp tục đóng BHXH và có yêu cầu thì được giải quyết hưởng BHXH một lần.
Khuyến nghị: Ngày 23/5/2018, Ban chấp hành T.Ư khóa XII ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, trong đó có nội dung: “Có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần". Để đảm bảo an sinh xã hội lâu dài, việc sửa Luật BHXH năm 2014 cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần.
Bài: Đức Minh (Tổng hợp)
Đồ họa: Thanh An