Khuôn mặt tươi vui, tác phong nhanh nhẹn, thái độ hòa nhã và giọng nói nhẹ nhàng là những cử chỉ thường ngày của chị Đỗ Thị Phê mỗi khi tiếp xúc với người dân. “Thời bây giờ khác trước rất nhiều rồi, mọi việc đều cần phải tự lập, tự chủ. Đối với kinh tế, tài chính cũng vậy, cô chú không thể thụ động trông chờ vào con cháu, mà cần phải tính kế ngay từ khi còn khỏe, đó là lo cho mình có được lương hưu sau này. Về già mới biết là điều này quan trọng, cần thiết vô cùng. Vậy thì, ngay từ bây giờ cần phải tham gia BHXH tự nguyện, phải có sự chuẩn bị từ sớm”- đó là những chia sẻ thường thấy của chị Phê mỗi khi tiếp xúc với người dân.
Cũng qua những lần tiếp cận người dân, chị Phê còn nhắc nhủ bà con rằng: “Ai cũng có lúc bệnh đau, hoạn nạn. Nếu không có thẻ BHYT mà bỗng chốc chi vài chục triệu, thậm chí vài trăm triệu cho việc khám bệnh, điều trị thì nhà giàu cũng khó khăn, còn với gia đình nghèo thì chắc chắn sẽ vô cùng gian nan, tài sản tiêu tán”. Những chia sẻ của chị Đỗ Thị Phê như thấm ruột gan mỗi người, khiến ai nấy đều phải suy nghĩ, rút ra bài học cho mình từ những dẫn chứng mà chị Phê đưa ra.
Trước đây, chị Đỗ Thị từng tham gia làm nhân viên đại lý thu BHXH, BHYT xã, phường ở thành phố biển Nha Trang. Trong quá trình làm đại lý cộng với nghiên cứu kỹ chính , giúp chị hiểu rõ tính nhân văn chính sách BHXH, BHYT của Đảng và Nhà nước ta dành cho người dân, đặc biệt đảm bảo mọi người dân được bảo vệ trước rủi ro, biến động của cuộc sống. Vì lẽ đó, chị đã dành toàn tâm, toàn lực cho công việc vận động người dân tham gia BHXH, BHYT.
Cũng qua quá trình tiếp xúc với người dân, chị Phê càng rõ hơn về ước mơ, khát vọng của bà con mong muốn có lương hưu để lo cuộc sống an nhiên lúc tuổi già, mà không phải dựa dẫm vào con cháu cũng như trở thành gánh nặng cho xã hội. Như lời chị Phê, có nhiều người chỉ cần nghĩ đến viễn cảnh trên đã rơm rớm nước mắt lo lắng. “Tôi mang theo những tình cảm ấy của bà con mà lòng trĩu nặng, tự nhủ với chính mình phải làm sao vận động được nhiều người tham gia BHXH tự nguyện, để thỏa ước mơ lương hưu khi tuổi về già. Tôi càng quyết tâm nghiên cứu thật kỹ chế độ BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia; đồng thời tự nghiên cứu tài liệu để tư vấn cho người dân hiệu quả nhất”- chị Phê trải lòng.
Lòng yêu nghề, sự cố gắng không biết mệt mỏi này đã đem đến những “trái ngọt”. Kết quả, chỉ trong khoảng một năm rưỡi gần đây, chị đã vận động được gần 10.000 người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Trong đó, khoảng thời gian 6 tháng đầu năm 2023, chị vận động được 324 lượt người tham gia BHXH tự nguyện và 3.299 người tham gia BHYT hộ gia đình. Còn năm 2022, chị vận động được 524 người tham gia BHXH tự nguyện và 5.571 người tham gia BHYT hộ gia đình.
Chia sẻ “bí quyết” để có được kết quả vượt trội như vậy, chị Phê không giấu diếm cho biết, bản thân chị luôn chăm chỉ học hỏi, nghiên cứu về CNTT để thao tác các phần mềm quản lý do cơ quan BHXH cung cấp, qua đó giúp quản lý công việc được tốt nhất. Đặc biệt, chị còn tích cực thu thập danh sách, dữ liệu những người dân chưa tham gia BHYT, đã tham gia BHYT nhưng ngừng đóng, chưa tham gia BHXH, đã tham gia BHXH nhưng ngừng đóng… Từ đó, bố trí thời gian đến từng nhà, ra tận chợ nơi bà con buôn bán hoặc vào buổi trưa nghỉ ngơi gặp từng người để tuyên truyền, vận động. Thậm chí, nhiều buổi tối hoặc bất kể trời mưa gió, chị không ngần ngại tìm đến theo đúng lịch hẹn với bà con.
Bên cạnh đó, khi có những quy định và hướng dẫn mới của BHXH tỉnh như cài đặt ứng dụng VssID; kích hoạt, sử dụng CCCD, ứng dụng tiện ích VNeID thay thế thẻ BHYT giấy… chị cũng đều chủ động nghiên cứu, hướng dẫn bà con cách cài đặt và sử dụng. “Tôi tranh thủ tận dụng đa dạng đủ các “kênh” để tuyên truyền, duy trì kết nối với khách hàng như: Zalo, Facebook, điện thoại để nhắn tin, phát tờ rơi… Đồng thời, thường xuyên cập nhật, theo dõi để xác định người đến hạn đóng để nhắc bà con đáo hạn BHXH, BHYT kịp thời. Nhờ vậy, bất cứ người dân thuộc diện nào, công việc, trình độ ra sao đều cũng sẽ tiếp cận được”- chị Phê thông tin thêm.
Sau nhiều năm gắn bó với công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT, chị Phê đã rút ra cho mình bài học sâu sắc, đó là phải luôn kiên trì, lắng nghe người dân, giải thích để người dân rõ tính nhân văn, nhân đạo của chính sách BHXH, BHYT do Nhà nước thiết lập và bảo hộ. Đồng thời, nắm bắt thông tin về người dân thật kỹ, thật rõ, từ đó vận dụng linh hoạt cách tiếp cận phù hợp với từng hoàn cảnh, luôn chia sẻ và thấu hiểu. Dữ liệu tiềm năng; dữ liệu người tham gia cũng phải luôn được cập nhật thường xuyên… “Để có thể tăng nhanh số người tham gia BHXH tự nguyện, trong thời gian tới, mong rằng Nhà nước cần hỗ trợ thêm mức đóng để lan tỏa chính sách, bởi hiện nay còn nhiều người có hoàn cảnh khó khăn”- chị Phê kiến nghị.
Nhận xét về nữ nhân viên thu Đỗ Thị Phê, ông Lê Văn Điệp- Phó Trưởng phòng Truyền thông (BHXH tỉnh Khánh Hòa) cho biết: “Trong bối cảnh tình hình kinh tế còn khó khăn, trở ngại, nhưng chỉ một thời gian ngắn, chị Phê đã vận động được gần 10.000 người tham gia BHXH, BHYT. Đây là một sự cố gắng lớn và là kết quả đáng khích lệ. Cơ quan BHXH rất biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực này”. Cũng theo ông Điệp, để gia tăng số người tham gia BHXH, BHYT, BHXH tỉnh Khánh Hòa luôn khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi nhất để các tổ chức dịch vụ thu cũng như đội ngũ nhân viên thu hoạt động hiệu quả.
Thực hiện: Phạm Thọ
Trình bày: Hà Hùng