Không chỉ trục lợi từ việc bán Giấy chứng nhận (GCN) nghỉ việc hưởng BHXH, một số PK và các đối tượng còn trục lợi bằng việc bán giấy khám sức khỏe, sổ BHXH; lập chứng từ, hồ sơ KCB BHYT khống để trục lợi quỹ BHYT. Đáng nói, có các đường dây bán giấy khống liên tỉnh, nên NLĐ từ địa phương này nhưng có GCN của PK từ địa phương khác.
Bình Dương là địa phương lân cận với tỉnh Đồng Nai, tập trung khá nhiều KCN và NLĐ. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có nhiều phòng khám (PK), cơ sở KCB có biểu hiện trục lợi quỹ BHXH, quỹ BHYT. Năm 2022, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã điểm mặt 9 cơ sở KCB có dấu hiệu vi phạm các quy định, cấp khống GCN. Trong đó, nhiều trường hợp cơ sở KCB có dấu hiệu cấp khống, thậm chí ở một số PK có bác sĩ không làm việc, không hưởng lương, nhưng vẫn có tên trên GCN; có trường hợp bác sĩ không đăng ký cấp giấy GCN nhưng vẫn ký cấp giấy…
Thời gian qua, nhiều KCN được tỉnh Bình Dương xây dựng, thu hút số lượng lớn công nhân từ các vùng miền khác kéo đến. Tình trạng xa quê hương đã khiến một bộ phận công nhân muốn nghỉ việc nhưng vẫn được hưởng lương và các chế độ mà không bị trừ phép năm, nên đã tìm cách mua GCN để hợp thức hóa. Nắm bắt nhu cầu này, các PK tư nhân ở Bình Dương cũng “trăm hoa đua nở” để không… thua kém các PK ở Đồng Nai. Thậm chí, có PK ở Bình Dương còn bán GCN cho công nhân ở các tỉnh lân cận.
Theo đại diện BHXH tỉnh Đồng Nai, tình trạng mua bán khống GCN không chỉ khu trú trong từng địa phương, mà có tình trạng công nhân ở tỉnh này sang tỉnh khác mua GCN. Đơn cử, cuối năm 2021, BHXH tỉnh Đồng Nai và BHXH TP.HCM đã phối hợp thu hồi hộ BHXH tỉnh Bình Dương số tiền hàng trăm triệu đồng do một cơ sở KCB trên địa bàn Bình Dương cấp khống GCN nghỉ việc hưởng BHXH. Theo đó, nhiều công nhân ở TP.HCM, Đồng Nai đã sử dụng GCN khống do Công ty CP BVĐK H.P Sài Gòn (đóng tại Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) cấp để hưởng chế độ.
Kết quả kiểm tra của BHXH tỉnh Bình Dương cho thấy, chỉ trong quý IV/2020, Công ty CP BVĐK H.P Sài Gòn cấp không đúng quy định 2.174 GCN, trong đó có 2.132 GCN mà không có người đến khám bệnh. Tại đơn vị này, qua kiểm tra cho thấy, có những ngày chỉ một bác sĩ cấp hơn 200 GCN. Ngoài việc cấp GCN cho công nhân trong địa bàn tỉnh Bình Dương, cơ sở KCB này còn cấp cho công nhân Công ty TNHH Freetrend Industrial Việt Nam ở TP.HCM. Đáng nói, theo quy định của Bộ Y tế, mỗi bác sĩ chỉ được khám tối đa 65 ca/ngày.
Đáng chú ý, một số PK có ký hợp đồng KCB BHYT còn lập khống hồ sơ bệnh nhân giả để trục lợi quỹ BHYT gồm: Chi phí khám, chi phí điều trị, chi phí tiền thuốc và vật tư y tế. Để lập và thanh toán trót lọt các hồ sơ khống này, các PK đã lấy thông tin từ những bệnh nhân đã từng đến khám hoặc thông tin từ những hồ sơ khám sức khỏe tại các cơ sở này.
Một nhân viên tại PKĐK Tam Đức khai nhận, hằng ngày có nhiệm vụ tiếp nhận, làm giấy khám sức khỏe cho người thi bằng lái xe và xin việc làm. Theo đó, mỗi ngày PK Tam Đức lập và bán ra khoảng 20 GCN nghỉ việc hưởng BHXH. Người mua giấy căn cứ theo mỗi ngày nghỉ bệnh hưởng BHXH thu 25 ngàn đồng, cứ thế bao nhiêu ngày thì nhân số tiền đó lên để thu.
Không chỉ riêng GCN nghỉ việc hưởng BHXH, trong quá trình điều tra chuyên án, cơ quan Công an còn xác định, 2 đối tượng là L.T.H và H.T.Đ đã cấu kết với một số đối tượng tại các PK trên địa bàn TP.Biên Hòa làm giả Giấy khám sức khỏe bán cho nhiều người. Các đối tượng này đã móc nối với nhân viên y tế tại các PK làm giả hồ sơ, giả chữ ký của người khám bệnh…
Qua điều tra cho thấy, một số PK được thành lập với mục đích chính là trục lợi quỹ BHXH, BHYT từ việc cấp các loại GCN cho NLĐ, lập hồ sơ bệnh án khống để trục lợi BHYT. Điều này cũng dễ nhận thấy, khi công việc chuyên môn chính là KCB ít được các cơ sở này quan tâm, thậm chí có nhiều vụ việc còn “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.
Đơn cử, cuối năm 2020, cơ quan chức năng ở Đồng Nai tiếp nhận phản ánh của một DN trên địa bàn tỉnh về việc một nam công nhân nộp GCN với chẩn đoán “viêm âm đạo cấp- viêm âm hộ cấp”. Khi công nhân này đem GCN nộp để làm thủ tục hưởng BHXH, thì DN mới phát hiện ra “lý do” nghỉ ốm oái ăm của nam công nhân này. Sự việc như giọt nước tràn ly khiến DN rất bức xúc, vì công nhân rõ ràng không biết, không cần quan tâm đến bệnh án họ đang có là gì mà chỉ cần có GCN là xem như hợp thức hóa được chuyện nghỉ việc và ung dung hưởng 75% ngày lương do quỹ BHXH chi trả.
Theo lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai, thời gian qua, Sở Y tế đã tổ chức nhiều cuộc họp, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo chấn chỉnh hoạt động của các PK tư nhân trên địa bàn, nhất là về vấn đề chỉ định thuốc, cận lâm sàng, cấp GCN nghỉ việc hưởng BHXH. Sở Y tế cũng yêu cầu các PK tuyệt đối không được trục lợi, gây lãng phí, thất thoát quỹ BHYT; tuy nhiên vì lợi nhuận làm mờ mắt, một số PK vẫn bất chấp và vi phạm kéo dài.
Mới đây, cuối tháng 4/2023, Sở Y tế Đồng Nai đã tổ chức cuộc họp với lãnh đạo, quản lý các cơ sở KCB tư nhân trên địa bàn nhằm chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý hoạt động KCB tại các cơ sở này. Trong số đó, có một số cơ sở vẫn thực hiện không đúng các quy định về KCB BHYT; không đẩy dữ liệu kịp thời lên Cổng tiếp nhận dữ liệu; có dấu hiệu lập khống GCN, thậm chí có bác sĩ đã nghỉ việc nhưng vẫn ký tên trên GCN.
Bài: Trà Giang
Đồ hoạ: Thanh An