Bài viết chia sẻ kinh nghiệm của các nước thực hiện BHXH toàn dân nhằm bảo vệ tốt hơn và đầy đủ hơn cho mọi công dân của mình và định hướng cho việc mở rộng diện bao phủ BHXH ở Việt Nam.
Với mục tiêu xây dựng hệ thống BHXH toàn diện cho người dân thành thị và nông thôn, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra chương trình tiếp nhận BHXH toàn dân, tập trung vào BH hưu trí và BHYT.
Vào cuối năm 2017, việc đăng ký cho tất cả các nhóm dân cư trên khắp Trung Quốc về cơ bản đã hoàn tất thông qua một loạt các biện pháp đồng bộ như: tối ưu hóa các chính sách BHXH; truyền thông rộng rãi trong công chúng, thực thi nghiêm ngặt luật pháp; cải thiện chất lượng phục vụ và cho phép đăng ký tham gia trực tiếp. Trung Quốc cũng đã thiết lập hệ thống CSDL quốc gia về BHXH toàn dân và cung cấp kịp thời cho bước tiếp theo của quá trình thực hiện BHXH toàn dân.
BHXH ở Đức được thực hiện hàng trăm năm nay. Hiện Đức đã thiết lập một hệ thống pháp luật với đầy đủ các lĩnh vực BHXH theo thông lệ quốc tế, tạo cơ sở pháp lý cho mọi công dân đều tham gia BHXH. Đến nay, hình thức BHXH theo luật (nghĩa vụ BHXH) hoặc trên cơ sở BHXH tự nguyện hoặc tiếp tục BHXH tự nguyện (quyền BHXH) bao trùm lên toàn bộ người Đức (theo quy định) và tất cả các lĩnh vực BHXH (hưu trí; ốm đau; tai nạn; thất nghiệp, chăm sóc) theo các quy định riêng.
Đó là: (1) những người làm công hưởng lương hoặc học nghề có việc làm và thu nhập; (2) người khuyết tật làm việc trong các cơ sở được hỗ trợ; (3) nông dân. Nghĩa vụ và quyền BHXH cũng áp dụng cho tất cả những người không đủ điều kiện là người Đức nhưng được cư trú hoặc có nơi lưu trú thường xuyên tại Đức, có việc làm thuê hoặc tự hành nghề. Những thành viên trong gia đình có việc làm hoặc tự hành nghề có thời gian làm việc và thu nhập trong phạm vi kinh tế gia đình cũng phải tham gia BHXH nếu thời gian làm việc và thu nhập của họ vượt qua giới hạn quy định. Ngoài ra còn có các quy định BHXH cho các nhóm lao động khác trong các lĩnh vực BHXH đặc biệt như: BH thợ mỏ nhằm bảo vệ một nhóm NLĐ làm việc trong các DN khai thác mỏ, thợ mỏ và chế độ hưu trí được thiết kế riêng vì có nhiều quy định đặc biệt dành cho thợ mỏ. BH hưu trí nông dân được quy định riêng, là một phần của Đạo luật Cải cách Xã hội Nông nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/1/1995.
Riêng Luật BH hưu trí quy định đối tượng tham gia rất rộng, dành cho tất cả mọi người: NLĐ, người tự kinh doanh, SV và các bà nội trợ… với 2 hình thức: BH bắt buộc hoặc BH tự nguyện. Trong đó BH hưu trí bắt buộc cũng bao gồm cả những người khuyết tật làm việc trong các DN và một số nhóm đối tượng tự hành nghề, tự kinh doanh. Đội ngũ công chức nhà nước được hưởng lương hưu theo hệ thống ưu đãi xã hội do Nhà nước cung cấp. NLĐ khi không còn lưu trú ở Đức có thể nhận lại phần của riêng họ đã đóng góp cho chế độ hưu trí (NLĐ đóng 50%, người SDLĐ đóng 50%) hoặc chờ đủ tuổi để được hưởng lương hưu (chỉ cần ít nhất đủ 5 năm đã được xem xét để hưởng lương hưu).
Luật BHXH quy định tất cả những NLĐ phụ thuộc một hoặc nhiều người SDLĐ và được trả thù lao phù hợp cho công việc của họ đều phải đóng BHXH. Hệ thống BHXH của Pháp chủ yếu dựa trên các khoản đóng góp liên quan đến thu nhập, cộng với các khoản đóng góp xã hội chung (CSG) để giải quyết các khoản nợ BHXH (CRDS). Hệ thống BHXH chung bao gồm tất cả các chế độ cho NLĐ trong lĩnh vực kinh doanh và thương mại cũng như phúc lợi gia đình, trong đó cũng bao gồm cả BH thất nghiệp và BH hưu trí bổ sung bắt buộc.
Để đảm bảo việc tham gia BHXH đầy đủ cho mọi NLĐ, người SDLĐ phải đăng ký BHXH với cơ quan chịu trách nhiệm thu các khoản đóng góp BHXH (URSSAF) tại địa phương nơi DN hoạt động và khấu trừ các khoản đóng góp trực tiếp từ tiền lương ngay từ khi thuê một công nhân. Đây là cách duy nhất để NLĐ có thể đăng ký BHXH nên đã có chế tài xử phạt rất nặng đối với người SDLĐ không đăng ký kịp thời, đầy đủ số lao động làm việc tại DN…
Ở Pháp, chế độ lương hưu cơ bản trong khu vực tư nhân được bổ sung bởi chế độ lương hưu bổ sung bắt buộc Agirc-Arrco. Tất cả NLĐ thuộc đối tượng tham gia chế độ BH hưu trí của hệ thống BHXH chung đều phải tham gia BH hưu trí bổ sung. Việc thực hiện BHXH hưu trí bắt buộc và BHXH hưu trí bổ sung bắt buộc cho NLĐ sẽ giúp cho việc quản lý đối tượng và thu nhập của họ một cách chặt chẽ hơn.
BHXH ở Tây Ban Nha có 2 hệ thống dựa vào đóng góp: Thứ nhất là một hệ thống chung bao phủ tất cả những NLĐ không nằm trong các hệ thống đặc biệt và một số loại công chức nhất định; thứ hai là 3 hệ thống đặc biệt dành cho lao động tự do, thợ mỏ và người đi biển (bao gồm cả ngư dân). Ngoài ra còn có hệ thống BH riêng cho SV (Seguro Escolar) và một hệ thống BH dựa vào đóng góp cho công chức.
Tại Tây Ban Nha, khi bắt đầu vào làm việc, NLĐ phải đăng ký với hệ thống BHXH và trở thành thành viên của quỹ BHXH chuyên trách về nghề nghiệp hoặc công việc kinh doanh của họ. Việc tham gia BHXH là bắt buộc và được áp dụng trong suốt cuộc đời làm việc của NLĐ. Khi đăng ký, NLĐ sẽ được cấp chứng nhận (documento de afiliación) trên đó nhập dữ liệu cá nhân, số BH và thẻ này có giá trị trong toàn bộ cuộc đời nghề nghiệp của NLĐ và trong toàn bộ hệ thống BHXH. Người tham gia BHXH tự nguyện có thể ký kết một thỏa thuận đặc biệt (Convenio Especial) với hệ thống BHXH nhằm duy trì quyền được hưởng trợ cấp và đồng thời hình thành nghĩa vụ đóng góp theo nhóm nghề nghiệp thuộc cơ quan BHXH quản lý.
Bên cạnh quyền lợi dựa vào đóng góp, còn có những quyền lợi không phải đóng góp dành cho những người nghèo không đủ phương tiện để chăm lo bản thân, người chưa đóng góp hoặc đóng góp chưa đủ thời gian, bao gồm: Chăm sóc y tế; Trợ cấp tuổi già và người tàn tật; Hỗ trợ thất nghiệp (subsidio por desempleo); Trợ cấp gia đình; Trợ cấp thai sản không đóng góp (subsidio por maternidad de naturaleza no contribbutiva) và không kiểm tra điều kiện.
Với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, hầu hết các quốc gia ở châu Phi đã áp dụng các kế hoạch và chiến lược phát triển an sinh xã hội quốc gia toàn diện, bao gồm việc thực hiện hoặc mở rộng an sinh xã hội cơ bản như: chăm sóc sức khỏe cơ bản, trợ cấp cho trẻ em trong độ tuổi đi học và mức lương hưu tối thiểu, mở rộng phạm vi BH thông qua các chế độ hưu trí đóng góp.
Tuy nhiên, việc thu hẹp khoảng cách BH trong các chương trình đóng góp vẫn là một thách thức lớn về số lượng người tham gia, về quyền lợi và mức hưởng. Bên cạnh đó, các tổ chức châu Phi đã có những cải tiến đáng kể trong kỹ năng quản lý và cung cấp dịch vụ, nhưng họ phải đối mặt với nhiều thách thức chính trị và quản trị hành chính. Mặc dù vậy, Liên minh châu Phi vẫn quyết tâm thực hiện cam kết toàn cầu nhằm đạt được bảo trợ xã hội phổ quát cho tất cả mọi người, bao gồm cả mức sàn được đặt ra trong các mục tiêu phát triển bền vững.
Các quốc gia châu Phi đã thực hiện nhiều cách tiếp cận khác nhau để mở rộng diện bao phủ của chế độ hưu trí đóng góp. Ở Rwanda, cơ quan hưu trí quản lý khu vực chính thức cũng là cơ quan trung tâm của hệ thống lương hưu khu vực phi chính thức, trong đó chính phủ có đóng góp hợp lý.
Ở Kenya, Chính phủ có kế hoạch giới thiệu lại chương trình lương hưu Mbao và giải quyết các vấn đề về mở rộng đối tượng tham gia và cải cách hành chính. Trong đó, có việc triển khai hệ thống thanh toán di động đầu tiên trong khu vực.
Ở Uganda, việc mở rộng đối tượng tham gia dựa trên một hệ thống tài chính vi mô truyền thống hơn và đang tập trung để giải quyết tích cực vấn đề này.
Một số quốc gia khác, bao gồm An-giê-ri, Cabo Verde, Mauritius và Nam Phi, đã đạt được BH hưu trí toàn dân thông qua kết hợp các chương trình đóng góp và không đóng góp. Nhiều chính phủ, bao gồm cả chính phủ của Ghana, Kenya, Nigeria và Nam Phi, đã phát triển các hệ thống nhận dạng quốc gia để khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ kỹ thuật số vào việc tham gia BHXH. Một hệ thống an sinh xã hội toàn diện đã được tạo ra ở Ma-rốc, đem lại lợi ích cho hàng triệu người dân Ma-rốc.
Tại Tunisia, ngành nông nghiệp nước này có đặc trưng là việc làm phi chính thức chiếm khá cao. Phần lớn NLĐ là phụ nữ và hơn 35% trong số họ không được tiếp cận với bất kỳ hình thức an sinh xã hội nào. Do đó, vào tháng 9/2019, Quỹ An sinh xã hội Quốc gia Tunisia (CNSS), cùng với các Bộ Xã hội, Phụ nữ, Nông nghiệp và Công nghệ Truyền thông, đã khởi động một dự án thí điểm có tên Protège-moi (Bảo vệ tôi) để tăng diện bao phủ BHXH cho phụ nữ làm việc trong nông nghiệp. Dự án đăng ký những người tham gia BHXH, cấp cho họ số BHXH, cho phép thanh toán các khoản đóng góp từ xa thông qua một nhà cung cấp dịch vụ CNTT tư nhân và liên lạc thường xuyên để thúc đẩy văn hóa BHXH. Tính đến đầu năm 2020, đã có hàng nghìn phụ nữ được hưởng chế độ này và số lượng đối tượng mới không ngừng tăng lên.
Tại Kenya, lực lượng lao động làm việc trong nền kinh tế phi chính thức chiếm tới 80% đã có cơ hội tham gia chương trình hưu trí xã hội phổ cập. Còn chương trình Inua Jamii 70+ là một sự đổi mới khác: trợ cấp tuổi già chung cho những người từ 70 tuổi trở lên. Chương trình được triển khai vào năm 2018 như một phần của Kế hoạch đầu tư bảo trợ xã hội của Kenya, bao gồm các phúc lợi phổ quát cho trẻ em và người khuyết tật. Tất cả người Kenya trên 70 tuổi nhận được số tiền tương đương khoảng 20 USD mỗi tháng- một khoản thu nhập đáng tin cậy khi về già.
Việc áp dụng lương hưu xã hội theo xu hướng ngày càng tăng với các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trên thế giới đã góp phần mở rộng hệ thống an sinh xã hội của họ. Các quốc gia khác có chương trình hưu trí xã hội phổ cập là Botswana, Cabo Verde, Lesotho, Mauritius, Namibia, Seychelles, Nam Phi và Cộng hòa Thống nhất Tanzania. Năm 2016, Zanzibar của Tanzania đã thực hiện chế độ hưu trí xã hội toàn dân.
Một số quốc gia đang tìm cách mở rộng BHXH và kết hợp với trợ cấp xã hội, trong khi những quốc gia khác sẽ trợ cấp cho người nghèo tiếp cận BHXH (có thể ở cấp cộng đồng). Các chương trình chung được tài trợ bằng thuế cũng được thiết lập.
Để mở rộng độ bao phủ, tiến tới BHXH toàn dân, trước hết, ở Việt Nam cần cập nhật nguồn dữ liệu về hiện trạng tham gia BHXH trên phạm vi toàn quốc. Hiện nay, cả nước đang tích cực triển khai Đề án 06 “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến năm 2030” ban hành theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ . Trên cơ sở khai thác nguồn dữ liệu này, các ngành chức năng có thể so sánh, phân tích số người chưa tham gia BHXH theo tuổi, giới tính, ngành nghề, địa phương…Từ đó, xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển người tham gia BHXH một cách hợp lý và thiết thực.
Cùng với đó, cần thiết kế và ban hành một hệ thống pháp luật đồng bộ, bao trùm lên mọi đối tượng lao động theo hướng bất cứ ai có việc làm, có thu nhập, kể cả người nội trợ, học nghề, SV, người làm việc trong khu vực chính thức hoặc phi chính thức hoặc tự hành nghề… đều có trách nhiệm tham gia BHXH.
Hiện nay, số người nhận BHXH một lần gia tăng, đồng nghĩa với việc số người rời khỏi hệ thống gia tăng. Vì vậy, cần phát huy vai trò của chính sách thị trường lao động, chính sách việc làm, giúp cho NLĐ sớm có việc làm trở lại, sớm ổn định cuộc sống để giữ NLĐ ở lại hệ thống BHXH. Đây cần được coi là giải pháp trọng tâm trong việc giải quyết vấn đề BHXH một lần ở Việt Nam.
Bài: TS. Phạm Đình Thành
Đồ hoạ: Thanh An