"Đà Bắc là huyện vùng cao, khó khăn nhất của tỉnh Hòa Bình. Do đó, để phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình không cách nào khác phải tích cực “bám làng, bám bản”, linh hoạt các hình thức tuyên truyền đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với phong tục, tập quán bản địa...”- đó là chia sẻ của ông Phạm Xuân Hạnh- Phó Giám đốc BHXH huyện Đà Bắc.
Hai năm qua- kể từ thời điểm Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, BHXH huyện Đà Bắc đối mặt với rất nhiều khó khăn trong phát triển người tham gia BHXH, BHYT, nhất là ở vùng DTTS- nơi bao đời nay bà con vẫn quen với việc không phải mua thẻ BHYT. Cùng với đó, đời sống kinh tế của huyện còn rất nhiều khó khăn, với 34,94% dân số là hộ nghèo. Vì thế, tuyên truyền để bà con hiểu và chủ động tham gia BHXH tự nguyện luôn là thách thức không nhỏ với cơ quan BHXH.
Theo ông Phạm Xuân Hạnh- Phó Giám đốc BHXH huyện Đà Bắc, do xác định được những thách thức, khó khăn, nên BHXH huyện phải tích cực “bám làng, bám bản”, linh hoạt các hình thức tuyên truyền theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ nghe, phù hợp với phong tục, tập quán bản địa mới có thể đưa chính sách BHXH, BHYT đến với từng người dân. Để thu hút người dân đến dự và hiểu rõ về chính sách, các cán bộ BHXH đã trở thành các “diễn viên” bất đắc dĩ, hóa trang thành người bản địa để nhập vai trong các vở kịch ngắn về chính sách BHXH, BHYT.
“Lúc diễn nhìn xuống thấy đông đảo bà con chăm chú theo dõi, một số người còn cảm động rơi nước mắt vì ý nghĩa nhân văn của vở kịch. Sau mỗi lần “kịch hóa chính sách” đó, đã có một số người dân trực tiếp đăng ký tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Còn những “diễn viên” như chúng tôi vô cùng mừng rỡ, vì đã từng bước góp phần thay đổi nhận thức của người dân, giúp họ tham gia BHXH, BHYT”- ông Hạnh chia sẻ.
Cũng theo ông Phạm Xuân Hạnh, tính đến tháng 7/2023, huyện Đà Bắc phát triển được 935 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 55,3% kế hoạch. Toàn huyện cũng có 55.234 người tham gia BHYT, tăng 56 người so với cùng kỳ năm trước, đạt 98,4% kế hoạch năm và đạt tỷ lệ bao phủ 98% dân số. Đây là nỗ lực lớn của BHXH huyện Đà Bắc, bởi theo Quyết định số 861/QĐ-TTg và Quyết định số 612/QĐ-UBDT, huyện Đà Bắc có 5.152 người bị giảm thẻ BHYT do sinh sống tại những địa bàn không còn thuộc diện xã, thôn đặc biệt khó khăn nên không còn được NSNN hỗ trợ tham gia BHYT. Qua công tác tuyên truyền, vận động, đến nay đã có 2.427 người tham gia BHYT trở lại, chiếm 47,1% số người bị giảm thẻ.
Bên cạnh đó, ở những địa bàn vùng cao, đa số là đồng bào DTTS, trình độ nhận thức còn hạn chế. Đặc biệt, vẫn còn hủ tục khi ốm đau lại nhờ đến thầy cúng, cúng ma, cúng gà…, chứ không đi KCB tại cơ sở y tế. Phần lớn người dân cũng chưa hiểu rõ lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, nên việc tuyên truyền rất khó khăn. Do đó, để lan tỏa chính sách BHXH, BHYT vào đời sống bà con, đòi hỏi cả quá trình dài kiên trì vận động, thuyết phục theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”.
Thực hiện nhiệm vụ này, BHXH huyện Đà Bắc thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền các xã, thị trấn, nhất là chú trọng dựa vào đội ngũ cán bộ ở cơ sở, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, già làng, trưởng bản. Bởi, những người này hiểu rõ hoàn cảnh, điều kiện của từng gia đình và được người dân tin tưởng; đồng thời những rào cản về ngôn ngữ, tập quán, nếp nghĩ, cách làm sẽ được xóa bỏ, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận tuyên truyền, khơi dậy nhận thức của đồng bào đối với chính sách BHXH, BHYT.
Điển hình như trường hợp anh Triệu Dương Mịch (dân tộc Dao, tiểu khu bờ, thị trấn Đà Bắc) bị đau bụng được đưa đến TTYT huyện điều trị hơn tuần nay. Sau thời gian điều trị mổ cấp cứu viêm ruột thừa cấp, sức khỏe của anh Mịch dần hồi phục. “Lúc bị đau cứ như có con ma trong bụng mình đang quấy rối. Gia đình liền đưa đến nhà thầy cúng để bắt ma, nhưng thầy cúng đuổi mãi mà cái bụng mình vẫn đau. Sau đó, được cán bộ BHXH Triệu Văn Thời ở gần nhà giải thích, thuyết phục gia đình đưa mình đến ngay TTYT huyện để khám kịp thời, nên mình đã hồi phục rồi. Mình xin chia sẻ câu chuyện này để mọi người hãy tin tưởng các thầy thuốc nếu bị ốm đau”- anh Mịch chia sẻ.
Thời gian qua, công tác tuyên truyền, vận động, nhất là với đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Đà Bắc luôn rất gian nan, vất vả, nhất là tại những thôn, bản vùng cao. Xác định rõ tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT cũng như để giúp hóa giải những thách thức trên, Huyện ủy Đà Bắc đã đưa chỉ tiêu thực hiện chính sách BHXH, BHYT vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV (nhiệm kỳ 2020-2025) và kế hoạch công tác hằng năm. Theo đó, toàn huyện phấn đấu đến năm 2025, đạt từ trên 99% dân số tham gia BHYT và 6% lực lượng lao động tham gia BHXH tự nguyện.
Tại cuộc họp chỉ đạo triển khai chính sách BHXH, BHYT năm 2023, bà Bàn Kim Quy- Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT huyện Đà Bắc đã yêu cầu các địa phương, đơn vị, thành viên BCĐ cần xây dựng kế hoạch, phối hợp với BHXH huyện tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, nhất là chú trọng tuyên truyền tại những xã không còn thuộc diện khó khăn và xã đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh đó, BCĐ cấp xã cũng phải đề ra những giải pháp quyết liệt hơn để triển khai thực hiện, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch được giao.
Bám sát nhiệm vụ được giao, BHXH huyện Đà Bắc cũng tích cực phối hợp với các phòng, ban và UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền theo hướng tiếp cận trực tiếp, nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân về quyền lợi cũng như những chính sách ưu tiên của Nhà nước dành cho loại hình BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, từ đó vận động người dân tham gia. Cùng với đó, phối hợp với UBND các xã, thị trấn rà soát, ban hành các quyết định công nhận hộ nông- lâm- ngư nghiệp có mức sống trung bình để nhận hỗ trợ kinh phí tham gia BHYT từ NSNN; tiếp tục kiện toàn, mở rộng hệ thống tổ chức dịch vụ thu, đảm bảo số điểm thu phải bao phủ được tất cả các tổ, bản, tiểu khu để bà con dễ tiếp cận tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
Thực hiện: Phan Thanh Quế
Trình bày: Hà Hùng