Thứ Tư, 30 /10/2024 07:51

Ngày 31/12/2020, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01 về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đặc biệt, sau buổi làm việc kiểm tra tiến độ triển khai Đề án 06 tại Thái Nguyên ngày 7/7/2022 của Phó Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của UBND tỉnh Thái Nguyên đã chủ động mời Trung tâm Dữ liệu quốc gia về Dân cư, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06- Bộ Công an) khảo sát các điều kiện và hỗ trợ triển khai các nội dung của Đề án.

Bộ Công an và UBND tỉnh Thái Nguyên sau đó đã thống nhất ban hành Kế hoạch số 827 về phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong năm 2022. Cùng với đó, BHXH Việt Nam là đơn vị đầu tiên đã thực hiện việc kết nối với Bộ Công an để chia sẻ, xác thực thông tin giữa CSDL quốc gia về Bảo hiểm với CSDL quốc gia về Dân cư và CSDL CCCD.

Đó là những điều kiện thuận lợi, nhưng cũng là thách thức, áp lực cho BHXH tỉnh Thái Nguyên trong thực hiện chuyển đổi số nói chung và Đề án 06 nói riêng.

Sau khi được BHXH Việt Nam, UBND tỉnh chỉ đạo và hướng dẫn, BHXH tỉnh Thái Nguyên đã thành lập và kiện toàn Tổ công tác thực hiện Đề án 06 của BHXH tỉnh, phân công rõ trách nhiệm đến từng thành viên, theo từng giai đoạn; phổ biến, quán triệt Đề án 06 đến toàn bộ CCVC, NLĐ của đơn vị; gắn nhiệm vụ chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 với những nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

Xác định công tác tuyên truyền luôn phải đi trước một bước mới tạo được sự đồng thuận, sức mạnh tập thể trong quá trình triển khai khai mọi nhiệm vụ đi đến thành công, BHXH tỉnh Thái Nguyên đã chủ động đẩy mạnh thông tin, truyền thông bằng nhiều cách: Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, sử dụng các kênh mạng xã hội facebook, zalo… để tuyên truyền chủ trương của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số; thông qua hệ thống đài phát thanh từ tỉnh đến huyện, xã, phường, thị trấn, thôn, khu dân cư để tuyên truyền những tiện ích thiết thực khi thực hiện chuyển đổi số để người dân biết và hợp tác cung cấp thông tin, đồng bộ dữ liệu thẻ BHYT vào CSDL quốc gia về Dân cư.

BHXH tỉnh cũng phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn tỉnh hướng dẫn người bệnh làm thủ tục KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp và qua ứng dụng “VssID-BHXH số”, VNeID; khuyến khích người dân, đơn vị, DN tăng cường nộp hồ sơ điện tử, sử dụng các DVC trên Cổng DVC BHXH và Cổng DVC quốc gia…

Cùng với việc tuyên truyền các phương thức làm thủ tục KCB mới bằng hình ảnh thẻ BHYT trên VssID hoặc bằng CCCD gắn chip hoặc ứng dụng VNeID rất nhanh gọn, chính xác, ít phải chờ đợi, các cơ sở KCB đã chủ động đầu tư đầy đủ trang thiết bị đầu đọc. Nhờ vậy, tại Thái Nguyên, 100% cơ sở KCB BHYT đã có thể tiếp nhận KCB bằng CCCD gắn chíp. Số người làm thủ tục KCB bằng CCCD đã tăng từ 73.000 lượt (năm 2023) lên 895.000 lượt (trong 7 tháng đầu năm 2024). Người dân cũng qua đó đánh giá cao, thêm hài lòng và càng tin tưởng, ủng hộ những đổi mới, cải tiến của ngành BHXH và ngành Y tế.

Để đảm bảo 100% cơ sở KCB tiếp nhận được CCCD/ĐDCN hoặc VNeID khi người dân thực hiện KCB BHYT tại các cơ sở y tế, BHXH tỉnh chủ động phối hợp với Công an tỉnh Thái Nguyên tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, UBND huyện, thành phố và các cơ quan có liên quan rà soát “làm sạch” thông tin cá nhân của người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn.

Thực hiện chủ trương phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH trên nền CSDL quốc gia về Dân cư, Công an tỉnh và BHXH tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng, ban hành Kế hoạch liên ngành để triển khai cụ thể, chi tiết tới các đơn vị trực thuộc và UBND các xã, phường, tổ chức dịch vụ thu. Đồng thời, thành lập các tổ công tác cấp xã bao gồm cán bộ công an xã, cán bộ cơ quan BHXH, bưu điện, cán bộ văn hóa xã, do cán bộ công an xã làm tổ trưởng triển khai hướng dẫn thực hiện tra cứu trên CSDL quốc gia về Dân cư và xác minh những thông tin sai khác của người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên CSDL quốc gia về Bảo hiểm.

Với những cách làm trên, đến nay, BHXH tỉnh đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Văn phòng UBND tỉnh, Sở TT-TT, Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan triển khai 2 DVC trực tuyến (Liên thông đăng ký khai sinh- đăng ký thường trú- cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; Liên thông đăng ký khai tử- xóa đăng ký thường trú- trợ cấp mai táng phí). 

Cùng với đó, công tác rà soát, cập nhật thông tin, hoàn thiện CSDL nhóm thông tin về hộ gia đình; về mã đơn vị quản lý người tham gia, loại đối tượng, mức hưởng quá trình đóng của người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cũng được thực hiện thường xuyên liên tục trên các phần mềm nghiệp vụ của Ngành.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Thái Nguyên, đạt được những kết quả trên là do BHXH tỉnh đã chủ động, phối hợp chặt chẽ với Văn phòng UBND tỉnh, Công an tỉnh, Sở LĐ-TB&XH, Sở Y tế, Sở Tư pháp và các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả chuyển đổi số, Đề án 06. Những kết quả đó cũng góp phần vào việc thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội và đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh. Các chỉ đạo, điều hành của BHXH tỉnh/huyện trong giải quyết TTHC và cung cấp DVC trực tuyến phục vụ người dân, DN ngày càng đáp ứng tốt hơn.

Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, BHXH tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Tổ công tác Đề án 06 của BHXH Việt Nam và UBND tỉnh Thái Nguyên triển khai thực chất, hiệu quả, đẩy mạnh cải cách TTHC, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân và DN tham gia, thụ hưởng đúng quy định các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Bài: Lò Thị Hoán- Giám đốc BHXH tỉnh Thái Nguyên

Đồ họa: Thanh An