Thứ Bảy, 15 /02/2025 06:25

Tháng 11/2024, Luật BHYT 2024 được Quốc hội thông qua với nhiều điểm mới mang lại nhiều thuận lợi và lợi ích cho người tham gia BHYT. Điểm nhấn là các quy định được thiết kế hướng đến việc "xóa địa giới hành chính” trong KCB. Luật quy định đồng bộ với Luật KCB về phân cấp chuyên môn thành 3 cấp gồm: Chuyên sâu, cơ bản và ban đầu. Trong đó, việc chuyển cơ sở KCB không phụ thuộc vào tuyến (xã, huyện, tỉnh, trung ương như trước); tạo điều kiện tối đa cho người bệnh, giảm TTHC khi chuyển cơ sở KCB.

Mới đây, Bộ Y tế ban hành Thông tư 22 quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ BHYT đi KCB. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: Trong 2 năm qua, Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ sửa, ban hành nhiều nghị định, thông tư tháo gỡ rất nhiều khó khăn trong mua sắm, đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế. Đây là một bài toán không dễ giải quyết trong ngày một ngày hai. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, Luật BHYT 2024 có quy định cho phép điều chuyển thuốc, VTYT giữa đơn vị này với đơn vị khác, được BHYT thanh toán. Đây là cơ chế tạo điều kiện cho các BV, cho ngành Y tế từ trung ương đến địa phương đáp ứng được ngay nhu cầu thuốc, VTYT cho người bệnh.

“Luật cũng đã có quy định thanh toán cho những trường hợp người dân phải mua thuốc hiếm bên ngoài. Tuy cơ chế có nhưng các BV vẫn cần đảm bảo thuốc, VTYT, tránh việc người dân phải ra ngoài mua thuốc, đảm bảo chất lượng điều trị"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay.

Để đồng bộ với Luật KCB năm 2023, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã bổ sung và làm rõ các hình thức KCB mới được thanh toán chi phí KCB BHYT như KCB từ xa, KCB y học gia đình, KCB tại nhà. Người tham gia BHYT được hưởng 100% mức hưởng khi KCB tại cơ sở KCB cấp cơ bản hoặc cấp chuyên sâu trong trường hợp chẩn đoán xác định, điều trị một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Như vậy, đối với một số trường hợp mắc các bệnh hiếm, hiểm nghèo, cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao... người bệnh không cần phải chuyển tuyến theo quy định mà vẫn được hưởng 100% mức hưởng. Đây là điều mà bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang rất mong mỏi.

Bà Vũ Nữ Anh- Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết: Luật BHYT vừa được thông qua quy định trong một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... bệnh nhân được lên thẳng cơ sở KCB cấp chuyên sâu mà không cần xin giấy chuyển viện và vẫn được hưởng 100% mức hưởng BHYT. Bà Nữ Anh giải thích: Với quy định này, người bệnh đã được chẩn đoán xác định mắc bệnh hiếm, hiểm nghèo, bệnh cần sử dụng kỹ thuật cao nằm trong danh mục của Bộ Y tế sẽ ban hành có thể đến thẳng trực tiếp cấp chuyên sâu, không cần xin giấy chuyển viện như hiện nay.

Thông tư số 01/2025/TT-BYT được Bộ Y tế ban hành ngày 1/1/2025 đã quy định chi tiết và hướng dẫn về 62 bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao không cần giấy chuyển viện, người bệnh vẫn được hưởng BHYT 100% như quy định. Theo Bộ Y tế, trong trường hợp người bệnh tự đi KCB tại cấp chuyên sâu và được chẩn đoán mắc 62 bệnh lý trên, người bệnh cũng được hưởng quyền lợi theo quy định ngay trong lần KCB đầu tiên.

Bộ Y tế giao cơ sở y tế tư vấn, hướng dẫn cho người tham gia BHYT về các bệnh được đến KCB tại cơ sở KCB cấp cơ bản, cấp chuyên sâu mà không phải thực hiện thủ tục chuyển viện. Được biết, Việt Nam có khoảng 100 căn bệnh hiếm với 6 triệu người đang mắc, trong đó có tới 58% bệnh hiếm ở trẻ em, 30% trẻ mắc bệnh hiếm tử vong trước 5 tuổi. Việc tiếp cận với liệu pháp điều trị bệnh hiếm còn chậm và gặp nhiều thách thức. Việc bỏ thủ tục chuyển tuyến với một số bệnh, nhóm bệnh sẽ giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi tiền túi cho người dân, tiết kiệm chi phí cho quỹ BHYT. 

Theo BHXH Việt Nam, đến hết năm 2024, cả nước có hơn 1,5 triệu giấy chuyển tuyến BHYT và khoảng 5 triệu giấy hẹn khám lại điện tử được gửi lên Cổng tiếp nhận dữ liệu của BHXH Việt Nam, trong đó, đã đồng bộ sang Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư gần 600.000 giấy chuyển tuyến BHYT và khoảng 2,1 triệu giấy hẹn khám lại để hiển thị lên ứng dụng VNeID.

Việc triển khai phiếu chuyển cơ sở KCB BHYT điện tử và Phiếu hẹn khám lại điện tử sẽ giúp công khai, minh bạch việc chuyển cơ sở KCB, đơn giản hoá TTHC, rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi cho người bệnh, cơ sở KCB khi tiếp nhận, làm thủ tục chuyển người bệnh, tái khám, hạn chế gian lận, giả mạo trong việc chuyển cơ sở KCB và tái khám.

Vụ trưởng Vụ BHYT cho biết, đây là lần đầu tiên Bộ Y tế có danh mục bệnh được thông tuyến. Trước đây, bệnh chưa được áp mã và việc chuyển tuyến phụ thuộc vào bác sĩ, nay Thông tư sẽ yêu cầu chính xác. Quy định này đặc biệt có ý nghĩa trong việc nâng cao chất lượng KCB, để người bệnh được điều trị kịp thời một số bệnh cần chuyên môn sâu mà tuyến dưới không làm được, giảm thủ tục chuyển tuyến để tiết kiệm chi phí, giảm chi tiền túi của người dân.

Có thể khẳng định rằng, những thay đổi trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và các quy định mới đi kèm thể hiện nỗ lực lớn của ngành Y tế trong việc cải thiện quyền lợi và trải nghiệm của người tham gia BHYT. Việc loại bỏ thủ tục chuyển tuyến trong một số trường hợp, áp dụng hình thức KCB linh hoạt, và đảm bảo thanh toán chi phí kịp thời không chỉ giúp giảm gánh nặng tài chính cho người dân mà còn tạo tiền đề để nâng cao chất lượng KCB. Đây là bước tiến quan trọng hướng tới một hệ thống BHYT hiện đại, đồng bộ, đáp ứng kỳ vọng của người dân và góp phần xây dựng nền y tế công bằng, bền vững, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân.

Bài: Quang Hùng

Đồ hoạ: Thanh An