Chủ nhật, 16 /02/2025 07:33

Thực hiện chủ trương, đường lối về đổi mới kinh tế theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986); Nghị quyết số 16/NQ-TW ngày 15/7/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới chính sách và cơ chế quản lý đối với các cơ sở sản xuất thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh; Chỉ thị số 234/CT ngày 18/8/1988 của Chủ tịch HĐBT (nay là Chính phủ) về triển khai thực hiện Nghị quyết 16/NQ-TW…, TP.Hà Nội cùng với Hải Phòng, Thái Bình, TP.HCM được chọn thí điểm thực hiện Dự thảo Điều lệ BHXH đối với lao động ngoài quốc doanh.

Ngày 9/1/1990, UBND TP.Hà Nội ký quyết định thành lập Công ty BHXH đối với lao động ngoài quốc doanh; ngày 31/10/1992, UBND Thành phố ký quyết định thành lập BHXH Hà Nội trên cơ sở Công ty BHXH ngoài quốc doanh với phần sự nghiệp BHXH trong khu vực Nhà nước từ Sở LĐ-TB&XH chuyển sang.

Có thể nói, một cách nhìn mới, một nhận thức mới về chính sách BHXH ra đời từ đây- phải bình đẳng quyền lợi BHXH với mọi NLĐ, không phân biệt thành phần kinh tế; bộ máy tổ chức thực hiện BHXH phải độc lập, tập trung, thống nhất trên phạm vi toàn quốc; quỹ BHXH phải có cơ chế hoạt động riêng và độc lập với NSNN để thực hiện sự nghiệp ASXH…

Thực hiện Quyết định số 20/2002/QĐ-TTg ngày 24/01/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển BHYT Việt Nam (trực thuộc Bộ Y tế) sang BHXH Việt Nam, BHXH TP.Hà Nội đã tiếp nhận toàn bộ chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy, CCVC của BHYT Hà Nội, BHYT ngành Dầu khí, ngành GTVT, ngành Than và thực hiện chính sách BHYT, quản lý quỹ BHYT trên địa bàn Thủ đô từ tháng 1/2003.

Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội khóa XII về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP.Hà Nội và một số tỉnh liên quan, ngày 24/7/2008, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã ban hành Quyết định số 3902/QĐ-BHXH về việc tổ chức lại BHXH TP.Hà Nội trên cơ sở sáp nhập, hợp nhất BHXH TP.Hà Nội, BHXH tỉnh Hà Tây, BHXH huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và nhiệm vụ quản lý quỹ, thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT thuộc 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung thuộc BHXH huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình), chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/8/2008.

Đó là những mốc thời gian khó quên đối với các thế hệ cán bộ BHXH Hà Nội.

Đề tài nghiên cứu sổ BHXH thiết lập các quy trình đóng vai trò cốt yếu của chính sách BHXH, bao gồm thu, chi và giải quyết chế độ. Cùng với đó là phương thức quản lý, xác lập mối liên quan 3 bên: NLĐ- chủ SDLĐ và cơ quan BHXH. Nội dung Đề tài sớm xác định cần phải thực hiện quản lý BHXH bằng máy tính thay vì quản lý bằng hệ thống biểu mẫu, giấy tờ thủ công, bởi dự báo số người tham gia và thụ hưởng chính sách an sinh sẽ ngày càng lớn mạnh.

Trong văn bản gửi Hội đồng thi đua khen thưởng TP.Hà Nội ngày 20/9/1996, bà Nguyễn Thị Hằng- Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH khi đó cũng ghi nhận: BHXH TP. Hà Nội  đã có nhiều đóng góp vào quá trình xây dựng Mô hình thí điểm đầu tiên trong công cuộc đổi mới BHXH. Đồng thời là địa phương triển khai thực hiện thí điểm thành công về đổi mới tổ chức và cơ chế hoạt động BHXH một cách toàn diện cả về mô hình tổ chức bộ máy lẫn cơ chế quản lý thu, chi BHXH. Từ chỗ tổ chức BHXH phân tán đã trở thành tổ chức tập trung một đầu mối, không phân biệt BHXH trong hay ngoài quốc doanh. Kết quả nghiên cứu thực hiện cấp sổ BHXH cho NLĐ và sử dụng máy vi tính trong quản lý thu, chi BHXH đã tạo thuận lợi khi tổ chức BHXH Việt Nam ra đời, hoạt động…

Trong 30 năm qua, với phương châm “lấy người dân và DN làm trung tâm phục vụ”, BHXH TP.Hà Nội đã không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn và đạt nhiều dấu ấn. Qua đó, góp phần phát triển hệ thống an sinh, nâng cao phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô.

Theo ông Phan Văn Mến- Giám đốc BHXH Hà Nội, trên chặng đường 30 năm hình thành và phát triển (15/6/1995-15/6/2024), BHXH TP.Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thành ủy, HĐND, UBND  TP.Hà Nội, BHXH Việt Nam cũng như sự phối hợp hiệu quả của các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các quận, huyện, thị xã. Cùng với việc phát huy nội lực, đoàn kết phấn đấu, chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp, nên dù mỗi năm các chỉ tiêu về BHXH, BHYT ngày càng tăng, nhưng BHXH TP.Hà Nội vẫn hoàn thành toàn diện. Trong đó, số tham gia BHYT tăng từ 552.308 người vào năm 1995 (bao phủ 13,9% dân số) lên 8,1 triệu người (95,25% dân số) vào năm 2024. Trong giai đoạn này, số tham gia BHXH bắt buộc cũng tăng từ 316.448 người lên 2.154 triệu người, chiếm 46,37% lực lượng lao động trong độ tuổi. Nếu như trong năm đầu triển khai chính sách BHXH tự nguyện (năm 2008), Hà Nội chỉ có 891 người tham gia, thì đến năm 2024 đã có 104.361 người tham gia, chiếm 2,93% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia BH thất nghiệp năm 2009 là 701.109 người, thì đến năm 2024 cũng đã tăng lên 2,1 triệu người, chiếm 44,9% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Dù số người tham gia và thụ hưởng và khối lượng công việc ngày càng tăng, nhưng mỗi cán bộ BHXH Hà Nội luôn cố gắng nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, “lấy người dân và DN làm trung tâm phục vụ” để đáp ứng kịp thời công tác giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, đảm bảo quyền lợi cũng như chăm sóc sức khỏe Nhân dân Thủ đô. Chỉ tính năm 2024, BHXH Hà Nội đã giải quyết khoảng trên 638.000 lượt người hưởng các chế độ BHXH, BH thất nghiệp; thanh toán chi phí KCB BHYT cho trên 13 triệu lượt người với hơn 25.000 tỷ đồng.

Với hầu hết những người hết tuổi lao động, lương hưu là “điểm tựa” quan trọng. Thấu hiểu điều đó, BHXH Hà Nội luôn chú trọng làm tốt công tác chi trả. Lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng luôn đến tay người hưởng an toàn, chính xác, đảm bảo trước ngày 10 của tháng với 2 hình thức: Chi trả bằng tiền mặt và chi qua tài khoản cá nhân. Năm 2024, BHXH Hà Nội đã chi 45.131 tỷ đồng cho 596.000 người hưởng với 99,04% người hưởng nhận qua tài khoản cá nhân. Đặc biệt, những năm gần đây, BHXH Hà Nội luôn là “vườn ươm” thí điểm cho những ứng dụng CNTT, cải cách TTHC, thực hiện chuyển đổi số để Nhân dân và DN ngày càng thuận lợi trong tham gia, thụ hưởng các chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp… “Những thành quả trên là niềm vinh dự và tự hào của mỗi CCVC hệ thống BHXH Hà Nội khi được cống hiến và đóng góp một phần vào sự nghiệp phát triển ASXH của ngành BHXH Việt Nam nói chung và sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô nói riêng”- Giám đốc BHXH Hà Nội nhấn mạnh.

Bà Vũ Thu Hà- Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, Trưởng BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT Thành phố, chia sẻ: Cùng với mục tiêu phát triển kinh tế, các cấp uỷ Đảng, chính quyền TP.Hà Nội luôn quan tâm đến mục tiêu phát triển hệ thống ASXH, nâng cao phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống Nhân dân. Trong những năm qua, chất lượng cuộc sống người dân Thủ đô được cải thiện rõ rệt, trong đó có đóng góp quan trọng của BHXH Hà Nội trong triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, bảo đảm, giữ vững an sinh.

Những thành tựu BHXH Hà Nội đạt được 30 năm qua đã góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc, tạo nên cuộc sống ấm no, tiến bộ trong mỗi gia đình và góp phần xây dựng một Thủ đô văn minh, giàu mạnh, đổi mới và hội nhập.

Bài: Châu Anh

Đồ hoạ: Thanh An