Thứ Bảy, 21 /01/2023 18:00

* PV: Năm 2022, cùng với cả nước, ngành BHXH Việt Nam bắt tay triển khai các nhiệm vụ được giao với phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đã được Chính phủ xác định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP. Việc “chuyển hướng chiến lược” này được xem là tiền đề quan trọng để các cấp, các ngành thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, nhưng trong từng lĩnh vực, những khó khăn khách quan chưa phải đã hết. Vậy, ngành BHXH Việt Nam đã vượt qua những thách thức này như thế nào, thưa Tổng Giám đốc?

- Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh: Như chúng ta đã biết, đại dịch COVID-19 đã gây ra những tác động chưa từng có trên toàn cầu. Ở trong nước, dựa trên những kết quả đạt được trong công tác phòng chống dịch, từ tháng 10/2021, Chính phủ đã có những chuyển hướng chiến lược để hướng tới 2 mục tiêu chính, đó là thực hiện phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả và đẩy mạnh phục hồi, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Là cơ quan thuộc Chính phủ, được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao trọng trách tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT- những trụ cột quan trọng của hệ thống an sinh xã hội quốc gia, BHXH Việt Nam luôn ý thức rất rõ những nhiệm vụ, mục tiêu, yêu cầu đối với Ngành trong việc góp phần đảm bảo an sinh, nhất là trong điều kiện có nhiều biến động, khó khăn, để từ đó có những giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn, nhất là phù hợp với định hướng chung của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Đây chính là cơ sở để toàn Ngành thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đề ra trong suốt thời gian qua, nhất là những năm 2020-2021 khi dịch COVID-19 có những diễn biến hết sức phức tạp.

Tuy nhiên, bước vào năm 2022, bên cạnh thuận lợi là dịch bệnh COVID-19 đã được khống chế hiệu quả, chúng ta lại phải đối mặt với nhiều khó khăn khách quan khác, như: Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột Nga- Ukraine kéo dài; lạm phát tăng cao, kinh tế toàn cầu suy giảm… Ở trong nước, áp lực lạm phát tăng cao; giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực… Điều đó đã tác động trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh của các DN cũng như thu nhập của NLĐ và tác động gián tiếp đến việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, trong đó có kết quả gia tăng số người tham gia BHXH, BHYT.

Năm 2022, việc điều chỉnh chuẩn nghèo đa chiều cũng khiến mức đóng BHXH tự nguyện tăng; ảnh hưởng của Quyết định số 861/QĐ-TTg từ năm 2021 vẫn còn “dư âm” không nhỏ tác động đến mục tiêu phát triển BHYT, nhất là tại các địa phương miền núi. Công tác thu cũng đối mặt áp lực rất lớn, do chỉ tiêu được giao năm 2022 tiếp tục tăng cao, trong khi quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh của DN cần thời gian, có độ “trễ” nhất định; việc thực hiện giảm đóng vào quỹ BH thất nghiệp của hầu hết DN tiếp tục được thực hiện cho đến tháng 10/2022…

Những khó khăn trên thấy rất rõ qua các số liệu thống kê từng tháng. Có thời điểm, số người tham gia BHXH, BHYT giảm đáng kể so với cuối năm 2021. Tuy nhiên, thông qua rất nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ và mạnh mẽ, Ban Cán sự Đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã có nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các giải pháp đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng BHXH, BHYT như: Công văn số 137-CV/BCSĐ ngày 24/9/2020, Công văn số 106-CV/BCSĐ ngày 21/7/2021, đặc biệt là Nghị quyết số 317-NQ/BCSĐ ngày 21/10/2022 của Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam gửi Tỉnh ủy, Thành ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT… Từ sự chỉ đạo mạnh mẽ này, cộng với sự nỗ lực và chỉ đạo quyết liệt của BHXH các cấp, số người tham gia BHXH, BHYT dần tăng trở lại, đạt mức bằng năm 2021 trở lên. Tính đến hết năm 2022, cả nước đã có khoảng 17,5 triệu người tham gia BHXH; BHYT đạt tỷ lệ bao phủ trên 92.04% dân số. Công tác thu tiếp tục gặt hái kết quả tích cực, khi toàn Ngành đạt kế hoạch được Chính phủ giao; tỷ lệ nợ giảm.

* Nhìn lại những kết quả trên, theo Tổng Giám đốc, đâu là bài học kinh nghiệm mà BHXH Việt Nam có thể rút ra?

- Năm vừa qua đã cho chúng tôi rất nhiều cung bậc cảm xúc. Có những thời điểm rất căng thẳng, lo lắng khi hầu hết các chỉ tiêu đều ở mức chưa đạt yêu cầu, trong khi thời gian còn lại của năm không còn nhiều. Đơn cử, thời điểm tháng 8/2022, BHXH Việt Nam phải tổ chức 4 Đoàn công tác do Tổng Giám đốc và các Phó Tổng Giám đốc trực tiếp dẫn đầu, đi nắm bắt tình hình và đôn đốc thực hiện nhiệm vụ tại 8 cụm tỉnh, thành phố. Tiếp đó là nhiều công văn chỉ đạo, đôn đốc; nhiều khó khăn, thách thức đã dần được tháo gỡ… Ngành cũng đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương và các ngành, đoàn thể liên quan (LĐ-TB&XH, KH-ĐT, Thuế, Công an…) triển khai nhiều giải pháp tổng hợp kết hợp với chuyên sâu để khắc phục, giải quyết từng vấn đề, qua đó từng bước lấy lại đà phát triển người tham gia cũng như đảm bảo công tác thu và giảm nợ đọng BHXH. BHYT.

Hay như với vấn đề rất “nóng” là thanh toán chi phí KCB BHYT, cung ứng thuốc, vật tư y tế cho người dân. Đây là vấn đề phức tạp, với những hạn chế, tồn tại xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Song, với tinh thần quyết liệt, BHXH Việt Nam liên tục có những chỉ đạo, yêu cầu BHXH các địa phương phải nhanh chóng giải quyết trên tinh thần bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người tham gia BHXH, BHYT. Quyết liệt hơn, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo thành lập Tổ giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thanh toán chi phí KCB BHYT, do trực tiếp một đồng chí Phó Tổng Giám đốc là Tổ trưởng. Với những vấn đề vượt thẩm quyền, BHXH Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Bộ Tài chính để bàn bạc, đề xuất giải pháp tháo gỡ với cấp có thẩm quyền.

Trong bất cứ công việc nào, BHXH Việt Nam cũng luôn quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc giải quyết theo tinh thần “4 Rõ”, đó là: “Rõ người- Rõ việc- Rõ trách nhiệm- Rõ kết quả”. Đây là bài học kinh nghiệm quan trọng nhất của năm 2022, cũng là tiền đề để tiếp tục chỉ đạo thực hiện cho các năm tiếp theo, để có thể đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ cao hơn.

* Ngoài thực hiện tốt chỉ tiêu thu và phát triển người tham gia, toàn Ngành còn chủ động bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT, qua đó thể hiện rõ vai trò “điểm tựa” của chính sách. Tổng Giám đốc có thể chia sẻ về điều này?

- Bên cạnh những nỗ lực, cố gắng trong công tác thu và phát triển người tham gia, ngành BHXH Việt Nam cũng luôn cố gắng, nỗ lực đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người dân, NLĐ. Cụ thể, đã giải quyết cho trên 10 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, DS-PHSK; gần 1 triệu lượt người hưởng chế độ BH thất nghiệp; đảm bảo chi trả đúng, đủ, kịp thời cho khoảng 3,2 triệu lượt người hưởng lương hưu hằng tháng và thanh quyết toán cho trên 150 triệu lượt KCB theo chế độ BHYT…

Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ NLĐ và đơn vị SDLĐ gặp khó khăn do dịch COVID-19 tiếp tục được toàn Ngành triển khai hiệu quả. Theo thống kê, tổng chi phí hỗ trợ từ các chính sách do BHXH Việt Nam thực hiện là trên 47.200 tỷ đồng, chiếm 54,3% tổng giá trị các gói hỗ trợ của Chính phủ. Tiêu biểu nhất là việc ngành BHXH Việt Nam chi hỗ trợ từ quỹ BH thất nghiệp cho trên 13,3 triệu lượt NLĐ với số tiền 31.836 tỷ đồng, trong đó trên 99% NLĐ nhận hỗ trợ qua tài khoản ATM; tiếp nhận hồ sơ và giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 2.501 lượt đơn vị SDLĐ với số tiền trên 2.015,9 tỷ đồng; điều chỉnh giảm mức đóng vào quỹ BH TNLĐ-BNN cho gần 390.000 đơn vị SDLĐ với số tiền 4.164,1 tỷ đồng; giảm đóng vào quỹ BH thất nghiệp cho 346.600 đơn vị SDLĐ với số tiền 9.209,3 tỷ đồng.

Những kết quả trên cho thấy, chính sách BHXH, BHYT, BH  thất nghiệp thực sự trở thành “điểm tựa” vững chắc cho hàng chục triệu NLĐ. Đây là cơ sở quan trọng để NLĐ và các DN vượt qua khó khăn, tạo tiền đề cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế hậu COVID-19.

* Bên cạnh những kết quả trên, theo Tổng Giám đốc, ngành BHXH Việt Nam còn đạt những dấu ấn nào quan trọng trong năm vừa qua?

- Hiện nay, BHXH Việt Nam đã và đang cố gắng kiến tạo nền tảng an sinh xã hội vững chắc. Điều này thể hiện rõ ở việc chủ động, tích cực phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, sửa đổi Luật BHXH, Luật BHYT; cố gắng nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện chính sách BHXH, BHYT để hướng đến sự hài lòng của người dân, NLĐ, đơn vị, DN; xây dựng kế hoạch chuyển đổi số toàn diện với các mục tiêu hết sức cụ thể…

* Tổng Giám đốc vừa đề cập đến nhiệm vụ chuyển đổi số của Ngành. Vậy, trong năm vừa qua, vấn đề này đã được thực hiện thế nào, thưa Tổng Giám đốc?

- Theo Bảng xếp hạng chỉ số tổng hợp về chuyển đổi số (gọi tắt là DTI), được Bộ TT-TT xây dựng và công bố hằng năm, điểm số của BHXH Việt Nam được ghi nhận khá tích cực. Theo đó, BHXH Việt Nam đạt 0,5747 điểm và xếp thứ 3 trong nhóm 17 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cung cấp DVC (năm trước đạt 0,4643 điểm). Đáng chú ý, trong 6 nhóm chỉ số thành phần, dấu ấn chuyển đổi số của BHXH Việt Nam cũng rất đáng ghi nhận, có thể kể đến như: Nhân lực số xếp vị trí thứ 1/17; Nhận thức số xếp vị trí thứ 3/17; Hoạt động chuyển đổi số xếp vị trí thứ 2/17… Đây là những đánh giá khách quan cho thấy quá trình chuyển đổi số của BHXH Việt Nam đã và đang được đẩy mạnh, đạt được những kết quả quan trọng.

Trên thực tế, hoạt động chuyển đổi số của BHXH Việt Nam liên tục được triển khai đa dạng, phong phú, như: Đã xây dựng, hoàn thiện kho CSDL của hơn 98,7 triệu người dân, tương ứng khoảng 28 triệu hộ gia đình; kết nối liên thông với gần 13.000 cơ sở KCB BHYT; có trên 620.000 tổ chức, DN sử dụng DVC trên toàn quốc…

Ngay khi CSDL quốc gia về dân cư được đưa vào vận hành và khai thác, BHXH Việt Nam là đơn vị đầu tiên được Bộ Công an triển khai kết nối, chia sẻ, đồng bộ thông tin công dân. Tính đến ngày 20/11/2022, Hệ thống của BHXH Việt Nam đã xác thực trên 71,2 triệu thông tin nhân khẩu có trong CSDL quốc gia về Bảo hiểm với CSDL quốc gia về Dân cư. Đồng thời, đã cung cấp, chia sẻ trên 62,3 triệu lượt bản ghi thông tin BHXH, BHYT cho CSDL quốc gia về Dân cư.

BHXH Việt Nam cũng đang tiếp tục đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành liên quan để “làm giàu” thêm CSDL quốc gia về Bảo hiểm, đảm bảo thuận lợi nhất cho người dân, NLĐ và các đơn vị, DN. Hiện tại, toàn Ngành đang có gần 30 hệ thống ứng dụng CNTT quản lý các quy trình nghiệp vụ, với hơn 20.000 tài khoản CCVC, NLĐ thường xuyên truy cập, khai thác để thực hiện các nghiệp vụ. Đặc biệt, các hoạt động của Ngành cũng như các giao dịch của người dân, đơn vị, DN đã được thực hiện trên môi trường số. Trong đó, đã hoàn thành cung cấp 100% DVC trực tuyến mức độ 4 cho tất cả các TTHC của Ngành; tích hợp, cung cấp 20 DVC thuộc 14 TTHC của BHXH Việt Nam trên Cổng DVC quốc gia; cung cấp 7 DVC trên ứng dụng VssID. Tiếp nhận và xử lý gần 300 triệu lượt hồ sơ trực tuyến mỗi năm (trong đó khoảng 170 triệu hồ sơ tiếp nhận và xử lý trên Hệ thống thông tin giám định BHYT). Ứng dụng VssID tiếp tục được hoàn thiện và bổ sung các tính năng hữu ích. Hiện, toàn quốc đã có 28 triệu tài khoản đăng ký và sử dụng ứng dụng VssID; gần 2 triệu lượt sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng này để làm thủ tục KCB BHYT...

Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 06), BHXH Việt Nam đã và đang triển khai nhiều nội dung công việc quan trọng. Theo đó, toàn quốc đã có trên 12.000 cơ sở KCB làm thủ tục KCB BHYT bằng CCCD gắn chip (đạt khoảng 95% tổng số cơ sở KCB trên toàn quốc) với trên 9 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD phục vụ làm thủ tục KCB. Kết quả này được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao, đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam còn phối hợp với Bộ Công an triển khai công nghệ xác thực sinh trắc dựa trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên CCCD gắn chip và trên CSDL quốc gia về dân cư, để hạn chế và ngăn chặn trục lợi BHXH, BHYT.

Mới đây, BHXH Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ngành thực hiện thí điểm việc giải quyết hưởng và chi trả trợ cấp mai táng phí theo TTHC liên thông “Đăng ký khai tử- Xóa đăng ký thường trú- Trợ cấp mai táng phí”, liên thông “Đăng ký khai sinh- Đăng ký thường trú- Cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi” trên cổng DVC quốc gia. Hoàn thiện, ban hành quy trình đăng ký, đóng cấp thẻ BHYT đối với người chỉ tham gia BHYT; đăng ký tham gia BHXH tự nguyện trên Cổng DVC quốc gia; quy trình hưởng BHXH một lần áp dụng thí điểm xác thực qua chữ ký số được tích hợp trong ứng dụng trên thiết bị di động.

* Theo dự báo, trong năm 2023, chúng ta còn phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Để thực hiện tốt hơn chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHXH Việt Nam sẽ có những giải pháp gì trong năm tới, thưa Tổng Giám đốc?

  • Lãnh đạo BHXH Việt Nam luôn xác định rõ những khó khăn, thách thức trong năm tới có thể lớn và phức tạp hơn. Tình trạng thu hẹp sản xuất kinh doanh, cắt giảm nhân sự của một số DN đã cho thấy thị trường lao động sẽ còn biến động mạnh, ảnh hưởng rất lớn đến công tác phát triển người tham gia và thu BHXH, BHYT.

Trong bối cảnh đó, những bài học kinh nghiệm và kết quả tích cực đạt được trong năm 2022 phải tiếp tục được toàn Ngành phát huy mạnh mẽ; đồng thời cần nỗ lực, cố gắng nhiều hơn. Trên tinh thần đó, cần tiếp tục chú trọng đẩy mạnh các giải pháp thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT; tăng cường thanh tra, kiểm tra, đôn đốc giảm nợ ngay từ đầu năm; quyết tâm bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT.

Ngoài ra, để hướng tới mục tiêu dài hạn và bền vững, các giải pháp theo định hướng “kiến tạo” phải được toàn Ngành triển khai với tinh thần chủ động, đồng bộ và toàn diện.

Thứ nhất, cần chủ động phối hợp với các bộ, ngành thực hiện tốt quá trình tổng kết, đánh giá và đề xuất sửa đổi Luật BHXH, Luật BHYT; đề xuất các giải pháp khắc phục những “điểm nghẽn”, xây dựng cơ chế để tạo đột phá về phát triển người tham gia; bảo đảm hài hòa quyền lợi BHXH, BHYT của người tham gia với việc cân đối và tăng trưởng quỹ BHXH, quỹ BHYT bền vững. Cần lưu ý, đây là nhiệm vụ của toàn Ngành, nên trong quá trình nghiên cứu, biên soạn, ngoài sự tham gia của các vụ, ban chuyên môn, thì BHXH các tỉnh, thành phố cũng phải chủ động vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Thứ hai, tiếp tục chú trọng triển khai hiệu quả các quy trình nghiệp vụ mới, không ngừng cải tiến để phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao, nhất là trong phát triển người tham gia và thu BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, nghiên cứu đề xuất các giải pháp bảo đảm khắc phục triệt để những hạn chế, tồn tại liên quan đến thanh toán chi phí KCB BHYT; thiết lập cơ chế, phương thức làm việc hài hòa, tích cực với các cơ sở KCB, cùng hướng tới mục tiêu chung là bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT.

Thứ ba, công tác chuyển đổi số phải tiếp tục được triển khai đồng bộ, toàn diện và cụ thể. Chuyển đổi số đồng thời phải gắn với CCHC, chú trọng cải tiến sâu ở các lĩnh vực nghiệp vụ, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, NLĐ và DN.

Thứ tư, tiếp tục chủ động đẩy mạnh truyền thông và tổ chức thực hiện tốt chính sách, pháp luật BHXH, BHYT theo hướng mở rộng về “diện” và tăng cường về “chất”. Vừa đảm bảo tích cực thông tin về BHXH, BHYT đến đông đảo người dân, vừa tăng cường truyền thông, luận giải, định hướng sâu các vấn đề được dư luận quan tâm, nhất là các nội dung mới đang được xem xét, sửa đổi trong Luật BHXH, Luật BHYT. Truyền thông phải phát huy hơn nữa vai trò tiên phong, đi trước, hướng tới đồng thuận trong quá trình xây dựng cũng như trong tổ chức thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT.

Nhân dịp Xuân Quý Mão 2023, tôi hy vọng toàn Ngành sẽ tiếp tục vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, góp phần đảm bảo an sinh, để đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn. Cũng nhân dịp này, tôi chúc toàn thể CCVC, NLĐ trong Ngành cùng gia đình một năm mới an khang, hạnh phúc, tràn đầy niềm tin vào tương lai đất nước và sự nghiệp an sinh mà ngành BHXH Việt Nam đang thực hiện.

* Trân trọng cảm ơn Tổng Giám đốc!

 Minh Đức (Thực hiện)

Đồ hoạ: Hiểu Thanh