Thứ Bảy, 22 /02/2025 05:58

Đối tượng tham gia BHXH, BHYT từng bước được mở rộng. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT đã có sự gia tăng nhanh chóng, cụ thể: (i) năm 2006 số người tham gia BHXH bao phủ 13,61% lực lượng lao động, đến năm 2023 nâng lên 35,78%; (ii) năm 2009 số người tham gia BHYT bao phủ 58% dân số, đến năm 2023 nâng lên 93,35%. Có được kết quả này, một phần là do việc nghiêm túc thực hiện, thể chế hóa quan điểm, chỉ đạo của Đảng về mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Theo đó, qua mỗi lần sửa đổi Luật BHXH, Luật BHYT thì việc bổ sung nhóm đối tượng thuộc diện tham gia BHXH, BHYT luôn được chú trọng.

Để đáp ứng nhu cầu của người dân, NLĐ, bên cạnh BHXH, BHYT bắt buộc thì chính sách BHXH, BHYT đã mở rộng thêm hình thức tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng. Đồng thời, Nhà nước cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ tiền đóng đối với người tham gia BHXH, BHYT tự nguyện để khuyến khích người dân, NLĐ tham gia.

a. Về chính sách BHXH

Chính sách BHXH được thực hiện với 2 hình thức tham gia là BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện.

Đối với BHXH bắt buộc, người tham gia được thụ hưởng 5 chế độ: ốm đau, thai sản, bảo hiểm TNLĐ-BNN, hưu trí, tử tuất. Từ năm 1995 cho đến nay cùng với những lần sửa đổi Luật BHXH thì quyền lợi thụ hưởng các chế độ BHXH bắt buộc của người tham gia BHXH bắt buộc cũng được xem xét điều chỉnh, cụ thể:

- Về chế độ ốm đau: Điều chỉnh tăng thêm số ngày được nghỉ ốm được hưởng chế độ ốm đau; cập nhật bổ sung danh mục các bệnh cần điều trị dài ngày. Luật BHXH số 41/2024/QH15 vừa được Quốc hội khóa XV thông qua có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 tiếp tục có điều chỉnh đối với quyền lợi hưởng chế độ ốm đau của NLĐ. Theo đó, đối với NLĐ phải nghỉ việc do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày thì sẽ không còn bị giới hạn thời gian hưởng chế độ ốm đau tối đa bằng thời gian đã đóng BHXH như tại Luật BHXH số 58/2014/QH13. Như vậy, quyền lợi hưởng chế độ ốm đau của NLĐ (bị bệnh phải điều trị dài ngày) được điều chỉnh tăng thêm.

- Về chế độ thai sản: Gia tăng thời gian hưởng chế độ thai sản khi sinh con của lao động nữ từ 4 tháng lên 6 tháng; bổ sung chế độ thai sản đối với lao động nam khi vợ sinh con, trường hợp người mẹ nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ. Giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH trước khi sinh con để được hưởng chế độ thai sản khi sinh con đối với lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở y tế có thẩm quyền. Tại Luật BHXH 2024 đã bổ sung quy định giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH trước khi sinh con để được hưởng chế độ thai sản khi sinh con đối với lao động nữ phải nghỉ việc để điều trị vô sinh.

- Về chế độ bảo hiểm TNLĐ-BNN: Sửa đổi cách tính trợ cấp TNLĐ-BNN theo từng phần trăm bị suy giảm khả năng lao động của NLĐ thay vì cách tính theo bậc, khoảng. Ngoài ra bổ sung, hoàn thiện danh mục bệnh nghề nghiệp. Bổ sung các chế độ hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho NLĐ bị TNLĐ-BNN khi trở lại làm việc, hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ-BNN.

- Về chế độ hưu trí: Luật BHXH 2024 đã quy định giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu (từ 20 năm xuống 15 năm). Điều này có nghĩa là NLĐ sẽ dễ dàng đạt được điều kiện để hưởng lương hưu hơn.

- Về chế độ tử tuất: Luật BHXH 2024 tiếp tục bổ sung quyền được lựa chọn hưởng trợ cấp tuất một lần hay hằng tháng đối với thân nhân của NLĐ là con dưới 6 tuổi, con hoặc vợ hoặc chồng bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

Còn đối với chính sách BHXH tự nguyện, quyền lợi của người tham gia BHXH tự nguyện ngày càng được mở rộng. Từ ngày 1/1/2025, người tham gia BHXH tự nguyện tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện. Còn từ ngày 1/7/2025, theo Luật BHXH 2024, người tham gia BHXH tự nguyện sinh con hoặc có vợ sinh con, đáp ứng đủ điều kiện về thời gian tham gia được hưởng trợ cấp thai sản là 2.000.000 đồng cho mỗi con được sinh ra (do NSNN đảm bảo). Người tham gia BHXH tự nguyện, bảo hiểm TNLĐ tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí tham gia. Phương thức đóng, mức đóng BHXH tự nguyện thì ngày càng linh hoạt với nhiều phương thức đóng, mức đóng để đáp ứng được mọi nhu cầu tham gia của người tham gia.

b. Về chính sách BHYT

Danh mục thuốc, VTYT và dịch vụ kỹ thuật được BHYT chi trả đã không ngừng được bổ sung, bao gồm các loại thuốc điều trị ung thư, bệnh hiếm gặp và các kỹ thuật tiên tiến trong điều trị. Do đó, Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới được đánh giá có danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng BHYT . Quỹ BHYT hiện nay đã đảm bảo chi trả hầu hết các bệnh lý và có nhiều thuốc mới, chi phí cao với số tiền chi trả lớn; nhiều trường hợp bệnh nhân đã được chi trả BHYT lên tới cả tỷ đồng.

Tăng cường việc thông tuyến đối với người KCB bằng thẻ BHYT. Ban hành nhiều chính sách hỗ trợ chi phí chữa bệnh cho bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn (thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình neo đơn đặc biệt khó khăn).

Trong xu thế phát triển chung thì việc liên kết giữa các chính sách là điều tất yếu để đảm bảo sự phát triển toàn diện của hệ thống ASXH, đặc biệt là giữa chính sách BHXH và chính sách BHYT. Theo quy định hiện hành, về cơ bản người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng đồng thời được cấp thẻ BHYT từ nguồn kinh phí do quỹ BHXH hoặc NSNN đảm bảo.

Trong đó, ngoài đối với người hưởng lương hưu đồng thời được cấp thẻ BHYT do quỹ BHXH hoặc NSNN đảm bảo như hiện nay thì những người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội cũng sẽ được cấp thẻ BHYT từ nguồn kinh phí do NSNN đảm bảo và những người hưởng trợ cấp hằng tháng (theo chính sách liên kết tầng giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội và BHXH) cũng sẽ được cấp thẻ BHYT từ nguồn kinh phí do NSNN đảm bảo. Như vậy, việc gia tăng số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng theo quy định mới của Luật BHXH 2024 cũng góp phần gia tăng số người tham gia BHYT. Ngoài ra, Luật BHXH 2024 tiếp tục bổ sung trường hợp NLĐ nghỉ việc hưởng chế độ BHXH (ốm đau, thai sản) từ 14 ngày trở lên trong tháng được hưởng BHYT. Điều này, cho thấy quyền lợi về BHXH, BHYT luôn được chú trọng và thực hiện song hành để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người dân, NLĐ.

Như vậy, có thể thấy rằng, trong giai đoạn vừa qua chính sách BHXH, BHYT đã có những bước phát triển đáng kể: (1) Thực hiện có lộ trình việc mở rộng diện bao phủ, hướng đến mục tiêu đảm bảo bao phủ toàn dân; (2) Luôn được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung kịp thời để nhằm gia tăng quyền lợi, đáp ứng tốt nhất nhu cầu xuất phát từ thực tiễn của người tham gia BHXH, BHYT; (3) Gia tăng khả năng tiếp cận chính sách BHXH, BHYT của người tham gia thông qua việc quy định nhiều hình thức tham gia đa dạng, linh hoạt, giảm điều kiện hưởng; (4) Tăng cường công bằng xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau (thông qua chính sách hỗ trợ đối với người tham gia, đặc biệt là đối với nhóm người yếu thế trong xã hội). Những điều này đã và đang làm cho chính sách BHXH và chính sách BHYT càng ngày càng khẳng định được vai trò là trụ cột chính của hệ thống ASXH.

Mặc dù chính sách BHXH, BHYT đã có được những bước phát triển đáng kể trong thời gian vừa qua, song vẫn còn nhiều thách thức. Đó là:

(1) Thách thức trong việc đảm bảo tính bền vững của quỹ BHXH, quỹ BHYT trong bối cảnh già hóa dân số khi Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới và chi phí KCB có xu hướng tăng nhanh do việc gia tăng các bệnh mãn tính và áp dụng các kỹ thuật y tế hiện đại có chi phí cao;

(2) Duy trì và đảm bảo quyền lợi về BHXH và chất lượng dịch vụ y tế. Việc đảm bảo và gia tăng các quyền lợi về BHXH, BHYT trong khi không điều chỉnh tỷ lệ đóng góp BHXH, BHYT và đảm bảo chất lượng dịch vụ y tế đồng đều ở các cấp là một thách thức lớn.

(3) Tình trạng lạm dụng, trục lợi từ quỹ BHXH, quỹ BHYT từ người tham gia, cơ sở KCB vẫn còn, gây thiệt hại cho quỹ.

(4) Thách thức trong việc đảm bảo đạt được các mục tiêu về mở rộng diện bao phủ chính sách BHXH, BHYT. Việc đảm bảo đạt được mục tiêu đến năm 2030 có 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH và việc mở rộng diện bao phủ BHYT đối với các nhóm yếu thế vốn phụ thuộc chính vào sự hỗ trợ từ NSNN, trong khi nguồn lực NSNN còn hạn chế là những thách thức rất lớn đối với cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

Việc phát triển hệ thống ASXH luôn là một trong những ưu tiên của Đảng và Nhà nước ta, điều này được khẳng định tại Khoản 2 Điều 59 Hiến pháp năm 2013: “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống ASXH” và quyền được bảo đảm ASXH của công dân là một trong những quyền được quy định tại Hiến pháp (Điều 34).

Ngày 24/11/2023, BCH Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới. Nghị quyết đã đưa ra những quan điểm, chỉ đạo về việc phát triển hệ thống ASXH toàn diện, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội, người dân và giữa các nhóm dân cư, bảo đảm bền vững và công bằng xã hội, cụ thể:

- Đối với chính sách BHXH: Chú trọng phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế, bao phủ được toàn bộ lực lượng lao động; tiếp tục cải cách, mở rộng hệ thống BHXH, tạo cơ hội tham gia và bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho NLĐ. Thực hiện BHXH bắt buộc đối với NLĐ và thành viên của các tổ chức kinh tế tập thể làm việc theo hợp đồng, hưởng tiền lương, tiền công theo quy định của pháp luật. Đổi mới chính sách BHXH tự nguyện, có chính sách hỗ trợ từ NSNN cho nông dân, người nghèo, người thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức tham gia.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách BHXH, BHYT; ban hành chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia; quản lý an toàn, hiệu quả quỹ BHXH, quỹ BHYT.

Như vậy, có thể nói rằng, chính sách BHXH, BHYT nói riêng và hệ thống ASXH của Việt Nam nói chung đã có những bước phát triển lớn mạnh. Hệ thống ASXH ở Việt Nam đã thoát khỏi giai đoạn “sơ khai”, được nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Hệ thống ASXH ở Việt Nam hiện nay về cơ bản đã đáp ứng được các nhu cầu đòi hỏi từ thực tiễn của người dân, NLĐ, theo kịp sự phát triển của kinh tế- xã hội. Tuy vậy, bên cạnh các kết quả đạt được thì các thách thức hiện tại trong việc phát triển chính sách BHXH, BHYT nói riêng và hệ thống ASXH nói chung vẫn còn. Do đó, vẫn cần tiếp tục nghiên cứu, thực hiện các giải pháp tổng thể, từ cải cách chính sách, tăng cường quản lý quỹ, đến nâng cao chất lượng dịch vụ và truyền thông chính sách đến người dân, NLĐ để đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của hệ thống ASXH nói chung và chính sách BHXH, BHYT nói riêng.

Bài: Th.S Trần Thanh Nam (Bộ LĐ-TB&XH)

Đồ hoạ: Thanh An