Nhớ lại những ngày đầu tiên đầy gian nan và những kỷ niệm đáng nhớ ngày triển khai BHXH nông dân, ông Nguyễn Trọng Thư- vị Giám đốc đầu tiên của BHXH nông dân tỉnh Nghệ An, cũng là người lên ý tưởng về loại hình BHXH đặc biệt này, vẫn ăm ắp cảm xúc... “BHXH là một chính sách an sinh xã hội quan trọng của Nhà nước và Chính phủ Việt Nam, vô cùng ý nghĩa với đời sống người dân, đảm bảo sự an toàn tài chính cho họ lúc tuổi già, ốm đau bệnh tật, tai nạn lao động… Nhưng vào thời điểm trước năm 2008, chính sách BHXH mới chỉ dành cho người lao động làm việc tại các đơn vị sử dụng lao động và vẫn chỉ là ước mơ của người nông dân, người lao động tự tạo việc làm. Trong khi đó, Nghệ An là tỉnh nghèo, đại đa số người dân sinh sống tại khu vực nông thôn, nghề nghiệp chính là làm ruộng…”- ông Thư chia sẻ về những điều mình đã từng trăn trở.
Ở vị trí Trưởng phòng BHXH của BHXH tỉnh Nghệ An khi đó, người cán bộ có thâm niên làm công tác BHXH càng cảm nhận rõ hơn sự cần thiết của chính sách này để củng cố thêm quyết tâm tạo nên một sự thay đổi lớn... Hành trình trở thành Giám đốc BHXH nông dân đầu tiên của Nghệ An, với ông Thư là một cuộc “cách mạng” trong chặng đường gắn với sự nghiệp an sinh xã hội. Đó là khi ý tưởng về một loại hình BHXH dành riêng cho nông dân và những lao động tự do, mà trước hết sẽ ở trên địa bàn tỉnh Nghệ An được Trưởng phòng BHXH của BHXH tỉnh Nghệ An chuyển thành một đề án hoàn chỉnh. Sau một năm bắt tay vào viết đề án, ông Thư bắt đầu mang đề án này đến trình bày, thuyết phục lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An ủng hộ triển khai thí điểm…
Nhắc lại những ngày đầu tiên đó, bà Bùi Thị Xuân- người bạn đời cũng là người đồng hành luôn ủng hộ ông Thư trong hành trình hiện thực hóa “ước mơ an sinh” cũng chung cảm xúc bồi hồi. “Mất cả năm trời viết đề án, không thể đếm được bao nhiêu đêm ông ấy thức đến khuya lắc khuya lơ để viết, rồi lại xóa, lại sửa để đưa ra các phương án vận hành tối ưu, mức tính phí và mức hưởng… mong có được một đề án hoàn chỉnh và giàu sức thuyết phục nhất”- bà Xuân kể. Không thể phủ nhận, sự ủng hộ của cả gia đình cũng là động lực để ông Thư kiên trì theo đuổi và hiện thực hóa lý tưởng của mình. “Ước muốn của ông Thư xuất phát từ chính sự quan tâm, đồng cảm với những người lao động đang vất vả hơn ngoài kia, nên cả gia đình không ai cảm thấy bị thiệt thòi dù có phải vất vả thêm một chút về kinh tế, về thời gian ông ấy dành cho gia đình ít đi. Cả nhà cũng chấp nhận một cách thoải mái khi sự ổn định trong công việc hay thu nhập đều sẽ bị ảnh hưởng...”- bà Xuân tâm sự.
Từ cảm phục về ý nghĩa nhân văn được gửi gắm trong đó, nhưng vẫn nghi ngờ tính khả thi của đề án này, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khi đó là ông Hồ Xuân Hùng đã dần bị thuyết phục bởi sự kiên trì, sự đầu tư kỹ lưỡng cho đề án, cũng như lý tưởng tốt đẹp của loại hình BHXH nông dân mà ông Thư trình bày. Chính vì vậy, ngày 25/1/1998, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ký Quyết định số 113/1998-UBND thành lập BHXH nông dân Nghệ An, thuộc Hội Nông dân tỉnh Nghệ An. Trước hết thực hiện thí điểm tại huyện Quỳnh Lưu và xã Hòa Sơn (Đô Lương), xã Diễn Thọ (Diễn Châu), xã Đông Vĩnh (TP.Vinh).
Chỉ dám đặt ra mục tiêu nhỏ bé ban đầu là giúp cho người nông dân có thêm một phần thu nhập khi đến tuổi hết sức lao động, phí đóng BHXH nông dân ban đầu chỉ đề xuất đóng ở mức tối thiểu 10.000 đồng, tương đương 5kg gạo/tháng. Từ “dè dặt” tham gia ban đầu vài chục, rồi cộng hưởng đến hàng trăm người tham gia… sức hút của BHXH nông dân cũng chứng minh nhu cầu thực sự của những người lao động vốn có nguồn thu nhập không ổn định vào một chính sách đảm bảo an toàn tài chính trong tương lai do cơ quan nhà nước thực hiện…
Từ những kết quả thí điểm thành công ban đầu này, hệ thống văn bản về hoạt động của BHXH nông dân tỉnh Nghệ An cũng dần được UBND tỉnh hoàn thiện. Ngày 3/12/1998, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 1271/1998/QĐ-UB quy định về hệ thống tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và cơ chế quản lý BHXH nông dân tỉnh Nghệ An. Và đến năm 2001, UBND tỉnh Nghệ An công bố Quyết định số 32/2001/QĐ-UB về việc ban hành Điều lệ BHXH nông dân trong tỉnh. Bản điều lệ gồm 7 chương, 27 điều, trong đó quy định cụ thể các chế độ BHXH nông dân gồm: Chế độ hưu, chế độ trợ cấp 1 lần, chế độ tuất. Mức đóng tối thiểu là 10.000 đồng/tháng, không hạn chế mức đóng tối đa…
Bước ngoặt trong thực hiện chính sách BHXH là từ năm 2008, BHXH tự nguyện chính thức được triển khai trên toàn quốc theo quy định tại Luật BHXH 2006, nhằm tạo cơ hội cho mọi người lao động ở khu vực phi chính thức được tham gia BHXH. Đây cũng là mục tiêu mà BHXH nông dân Nghệ An hướng tới trong gần 10 triển khai thực hiện. Mong muốn tối ưu hóa quyền lợi cho những người đang tham gia chính sách này, tỉnh Nghệ An đã có kiến nghị, đề xuất lên Chính phủ được chuyển BHXH nông dân sang BHXH tự nguyện. Đến ngày 10/4/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 41/2009/QĐ-TTg, tạo cơ sở pháp lý để UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định chấm dứt hoạt động của BHXH nông dân, bàn giao quỹ BHXH nông dân theo quy định và chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện việc chuyển BHXH nông dân Nghệ An sang BHXH tự nguyện theo Luật BHXH. Vào thời điểm này, đã có 86.769 người trên 11 huyện, thành, thị ở Nghệ An tham gia BHXH nông dân…
“Không thể diễn tả hết cảm xúc tự hào cũng như mãn nguyện của những người từng tham gia xây dựng và vận hành BHXH nông dân Nghệ An như chúng tôi trước sự kiện trọng đại này…”- ông Thư chia sẻ. Bởi, BHXH tự nguyện ra đời, cũng như sự kết nối giữa BHXH nông dân Nghệ An với BHXH tự nguyện đã một lần nữa minh chứng cho ý tưởng ban đầu thành lập BHXH nông dân Nghệ An đã phản ánh đúng nhu cầu thực sự của người dân, khẳng định ý nghĩa đúng đắn và giá trị lịch sử mà nó mang lại…
Tại cuộc hội ngộ của những người đầu tiên tham gia BHXH nông dân tại huyện Thanh Chương và hiện đang hưởng lương hưu nối tiếp từ BHXH nông dân sang BHXH tự nguyện vào thời điểm Tết đến Xuân về, những câu chuyện xưa cũ được nhắc lại vẫn lấp lánh niềm vui… “Tham gia BHXH nông dân từ năm 1998, bắt đầu hưởng lương hưu từ năm 2019 với mức lương hưu là 2 triệu, hiện lương của tôi đã được điều chỉnh lên mức 3 triệu đồng/tháng. Số tiền chưa nhiều, nhưng niềm vui thì quá lớn, vì cuối cùng mình cũng được hưởng lương hưu…”- cô Nguyễn Thị Hồng (sinh năm 1964 ở thôn Đông Thượng, xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương) chia sẻ.
Cô Hồng bảo, bản thân cô đã bị thuyết phục ngay từ lần đầu tiên được giới thiệu về BHXH nông dân, trước hết vì rõ ràng đây là chính sách do chính quyền cho phép và “người nhà nước” thực hiện. Từ mức đóng 20.000/tháng tăng lên 50.000/tháng là khi niềm tin về tương lai của BHXH nông dân càng ngày càng được củng cố. Và, niềm tin càng kiên định hơn, khi cô Hồng được chuyển sang BHXH tự nguyện, dù mức đóng hằng tháng đã tăng lên gấp đôi, rồi đóng thêm một lần để đạt mức hưởng tối đa… Không ngại chia sẻ niềm vui, cũng như động viên người thân, hàng xóm xung quanh tham gia BHXH tự nguyện, cô Hồng vẫn bày tỏ niềm tiếc nuối “biết thế ngày xưa tham gia mức đóng cao hơn”, bởi đến khi cầm tháng lương hưu đầu tiên trên tay, mới thực sự thấm thía ý nghĩa của chính sách “vừa có lợi cho mình, an tâm có thu nhập, vừa có lợi cho cộng đồng…”.
Có mức lương hưu hiện chưa tới 1 triệu đồng/tháng, với xuất phát mức đóng BHXH nông dân từ 10.000 đồng/tháng, nhưng cô Phan Thị Đường (sinh năm 1967, xã Thanh Thịnh) vẫn rất hào hứng. “Số tiền không nhiều, nhưng với tôi là không ít so với kỳ vọng ban đầu. Ban đầu đi lĩnh lương hưu, thấy người ta mấy triệu, mình chỉ có mấy trăm nghìn nhưng tôi không giấu diếm, cũng không thấy ngại ngần mà còn vô cùng tự hào! Mình đóng thấp thì hưởng thấp, nhưng tiền lương này là do chính tay mình làm lụng, đóng góp từng đồng, kiên trì tin tưởng vào chính sách của Nhà nước để có được được thành quả hôm nay…”- cô Đường vui vẻ chia sẻ.
Cũng rất thoải mái với mức lương hưu hơn 1,5 triệu/tháng của mình, cô Đinh Thị Minh (sinh năm 1967, thôn Đồng Thượng, xã Thanh Lĩnh) bảo, dù không phải là toàn bộ thu nhập đảm bảo cuộc sống của mình, nhưng kể cả mức lương này vẫn đang khiến nhiều chị em trong thôn- những người từng cùng tham gia BHXH nông dân ban đầu tiếc nuối. Vào thời điểm chuyển đổi sang BHXH tự nguyện, thôn Đồng Thượng đang có 35-40 người tham gia BHXH nông dân, nhưng chỉ còn 7 người tiếp tục kiên trì đến cùng. Vì thế, hiện tại cô Minh vẫn là một tuyên truyền viên tích cực cho BHXH tự nguyện, thuyết phục những người xung quanh “tham gia chính sách của Nhà nước, mình sau này cũng có lương hưu…”.
Góp vui vào hồi ức này, cô Trần Thị Ngải (sinh năm 1966, thôn Tiên Quách, xã Đồng Văn) nói rằng: “Ban đầu tham gia BHXH nông dân một phần vì nghe nói có lương hưu như những người đi làm cơ quan nhà nước, phần nữa là mình lúc đó đang là Hội trưởng Hội Phụ nữ thôn, đang thực hiện tuyên truyền chính sách nên cũng làm gương cho mọi người tin tưởng. Kinh tế gia đình không mấy dư dả, ngay vào giai đoạn chuyển đổi sang BHXH tự nguyện, rất nhiều người xung quanh đang tham gia BHXH nông dân đã rút tiền nhưng nghĩ đến mình sau này có lương hưu, tự chủ được cuộc sống, giảm bớt khó khăn cho con cháu, bản thân tôi quyết tâm sẽ theo đến cùng…”.
Là một trong những gia đình cùng “đồng cam cộng khổ” tham gia BHXH nông dân ngay từ khi thông tin tuyên truyền về loại hình này về đến Thanh Chương, cô Nguyễn Thị Xuân (sinh năm 1967) và chồng là chú Nguyễn Đình Hoan (sinh năm 1963) nằm trong số không nhiều cặp vợ chồng cùng hưởng lương hưu xuất phát từ BHXH nông dân. Bắt đầu với mức đóng 10.000 đồng/tháng, tăng lên 20.000 đồng vào giai đoạn BHXH nông dân, đối với gia đình cô Xuân thực sự là nỗ lực không nhỏ, khi đang nuôi 4 đứa con ăn học, mà nguồn thu chỉ “thuần” từ sản xuất nông nghiệp và nghề thợ xây của chồng…
“Nhiều người tham gia BHXH nông dân 1-2 năm lại muốn rút về vì bản thân họ cũng không chắc chắn về tương lai của loại bảo hiểm này, nhưng gia đình tôi thì quyết tâm theo đến cùng. Càng khó khăn thì càng cần có niềm tin về một nguồn tiền bảo hiểm làm điểm tựa sau này, hơn nữa đây rõ ràng là chính sách được Nhà nước cho phép thực hiện…”- cô Xuân kể. Kể cả vào giai đoạn sau này khi chuyển đổi sang BHXH tự nguyện, dù chỉ có thể gom tiền đóng theo quý, phục thuộc vào chu kỳ bán các lứa gà, lứa lợn được gia đình chăn nuôi để đóng phí BHXH, cả hai vợ chồng cô vẫn không nản lòng. Cứ mỗi 6 tháng lại đạp xe 7km lên BHXH huyện nộp phí… Thật khó diễn tả thành lời niềm vui và hạnh phúc khi đến năm 2023-2024, vợ chồng cô Xuân lần lượt có những tháng lương hưu đầu tiên…
Ngoài những người hưởng lương hưu có quá trình chuyển đổi từ BHXH nông dân sang BHXH tự nguyện, theo thống kê của BHXH tỉnh Nghệ An, hiện Nghệ An vẫn đang có hơn 600 người hưởng lương hưu theo BHXH nông dân đã được BHXH nông dân Nghệ An giải quyết, chuyển sang BHXH tỉnh Nghệ An tiếp tục chi trả. Với những điều chỉnh trong hệ thống pháp luật, cùng nỗ lực của cơ quan BHXH và cả hệ thống chính trị tại địa phương, chính sách BHXH, BHYT đang không ngừng tăng độ bao phủ đến mọi tầng lớp người dân…
Đánh giá ý nghĩa mà BHXH nông dân mang lại cho Nghệ An, ông Bùi Đình Long- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chỉ rõ: “Khi tỉnh Nghệ An ban hành một chính sách BHXH riêng dành cho nông dân trên địa bàn, trong đó quy định rõ mức đóng phù hợp với mức thu nhập của người nông dân, quy định các chế độ được hưởng, hướng tới người nông dân ai cũng có lương hưu. Chính sách này đã quan tâm thiết thực đến an sinh lâu dài của người nông dân, đã hướng tới đảm bảo đảm sự bình đẳng về vị thế xã hội của người lao động trong các thành phần kinh tế khác nhau”.
Quan điểm nhất quán này đã được tiếp nối tại Nghệ An trong nhiều năm qua, như nhận định của ông Long: “Việc bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có chính sách BHXH là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của cấp ủy, chính quyền các cấp trong suốt thời gian qua. Chúng tôi đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với quyết tâm chính trị cao nhất nhằm đảm bảo quyền lợi cho mọi người dân khi tham gia, thụ hưởng chính sách...”.
Hiện, BHXH tỉnh Nghệ An được đánh giá là một trong số những địa phương dẫn đầu cả nước trong phát triển người tham gia BHXH tự nguyện. Số liệu thống kê cho thấy, tại Nghệ An, số người tham gia BHXH tự nguyện có sự tăng trưởng mạnh mẽ, nếu năm 2010 mới chỉ có 12.600 người tham gia, thì đến năm 2024 tăng lên 135.918 người, tăng 22.887 người so với cuối năm 2023 (tăng 20,3%) và tăng 113.318 người so với năm 2010 (tăng 899,34%)…
Tính đến thời điểm hiện nay, tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều chính sách, tạo hành lang pháp lý để người dân trên địa bàn tỉnh có điều kiện tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT. Chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT đã thành tiêu chí để xem xét khen thưởng, đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp. HĐND tỉnh cũng ban hành các nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ kinh phí đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng về tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT trên địa bàn… Ngoài ra, Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT từ tỉnh đến 21 huyện, thành, thị và 460 xã, phường, thị trấn cũng đã được kiện toàn, do đồng chí Chủ tịch UBND làm Trưởng ban...
Khẳng định vai trò và trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp cơ sở trong thực hiện chính sách này, ông Nguyễn Văn Viên- Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Chương cho biết: “Tôi cho rằng, việc thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT tại địa phương trước hết cần sự chuyển biến từ nhận thức sang hành động. Điều đó được thể hiện qua sự chủ động của chính quyền huyện Thanh Chương, từ phối hợp với cơ quan BHXH thực hiện công tác tuyên truyền, chỉ đạo, cho đến phân công nhiệm vụ đến từng cơ quan, đơn vị để thực hiện nhiệm vụ chung này”...
Những chuyển biến mạnh mẽ này cũng được thể hiện rõ qua sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể trong hoạt động tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT. Như chia sẻ từ lãnh đạo Hội Nông dân huyện Thanh Chương, công tác thông tin, truyền thông được lồng ghép trong các hoạt động của Hội Nông dân và sự lan tỏa cộng hưởng đã thu hút được sự quan tâm của nhiều tầng lớp xã hội, làm cho người dân nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, mục đích, ý nghĩa của chính sách BHXH, BHYT, từ đó chủ động, tự giác tham gia BHXH, BHYT...
Theo ông Nguyễn Xuân Cường- Giám đốc BHXH huyện Thanh Chương, để phát huy hiệu quả cao nhất sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, yêu cầu quan trọng là sự chủ động của cơ quan BHXH. Với BHXH huyện Thanh Chương, sự chủ động đó thể hiện từ chủ động trong việc đánh giá, nhận định tình hình thực tế người tham gia, xác định những nhóm tiềm năng cần tham gia BHXH, BHYT; chủ động đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phù hợp với thực tế... Cụ thể như, với năm 2024, để hoàn thành mục tiêu đặt ra, BHXH huyện đã tham mưu cho UBND huyện thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT; giao chỉ tiêu cụ thể cho các địa phương, phối hợp tốt với các ngành, đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân về các chế độ BHXH, BHYT, nhất là chia thành các nhóm nhỏ để tuyên truyền hiệu quả.
“Chính quyền từ huyện đến cơ sở đã thực hiện đánh giá các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn, trong đó chú trọng đến việc giám sát, đánh giá tiến độ thực hiện các chỉ tiêu về tỷ lệ tham gia BHXH, BHYT; đánh giá thực hiện công tác tuyên truyền, quản lý nhà nước về BHXH, BHYT... Năm 2024, Thanh Chương có số người tham gia BHXH bắt buộc là 9.027 người, đạt 111,4% chỉ tiêu được giao, tăng 958 người so với cuối năm 2023 (tăng 11,8%), số người tham gia BHXH tự nguyện cũng đạt 8.669 người, tăng 918 người so với cuối năm 2023 (tăng 11,8%)...”- ông Cường thông tin thêm.
Từ địa phương đầu tiên và duy nhất trên toàn quốc có BHXH nông dân, đến đơn vị thuộc nhóm dẫn đầu toàn quốc về số người tham gia BHXH tự nguyện hiện nay là một hành trình dài, trong đó BHXH tỉnh Nghệ An đã kế thừa và phát huy vô cùng hiệu quả các “dư âm” lịch sử đầy ý nghĩa. Khi mong muốn được gia nhập chính thức vào mạng lưới an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước tiếp tục được cơ quan BHXH cùng hệ thống chính trị nuôi dưỡng trong các nhóm nông dân, lao động tự do, tạo điều kiện thuận lợi nhất, tiếp cận công bằng đến tất cả mọi người…
Ông Hoàng Văn Minh- Giám đốc BHXH tỉnh Nghệ An cũng cho biết, với sự quyết tâm triển khai, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, linh hoạt trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, năm 2024, BHXH tỉnh Nghệ An tiếp tục được BHXH Việt Nam xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có thành tích nổi trội. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao năm 2025, BHXH tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy các bài học kinh nghiệm, đồng thời linh hoạt, sáng tạo, sẵn sàng ứng phó kịp thời trước các thách thức, đảm bảo thực hiện tốt các chính sách, chế độ BHXH, BHYT… để từng bước mở rộng bền vững diện bao phủ BHXH, BHYT, hướng tới mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân theo đúng quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Thực hiện: Thái An
Trình bày: Hà Hùng