Tạp chí Bảo Hiểm Xã Hội BHXH tự nguyện với nông dân: Cơ hội và thách thức
ASXHPortalViewLongForm
Longform

BHXH tự nguyện với nông dân: Cơ hội và thách thức

Shared facebook

Trong cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp nông dân cùng với các giai cấp khác đấu tranh giành và bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ độc lập dân tộc. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hơn 80% lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu và hy sinh trên chiến trường cũng là nông dân.

Trong những năm 1980, nông nghiệp, nông thôn và nông dân là 3 nhân tố góp phần quan trọng đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế- xã hội. Từ đầu những năm 1990, sản phẩm nông nghiệp nước ta dần dần chiếm lĩnh và khẳng định được vị trí trên thị trường quốc tế. Xuất khẩu gạo, hạt điều, hạt tiêu, cà phê, thủy sản… từng bước vươn lên và nhiều năm liền đứng Top đầu trên thị trường thế giới. Trong những giai đoạn khó khăn, kinh tế nông nghiệp, nông thôn đã thể hiện rõ vai trò “trụ đỡ” cho nền kinh tế, góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước.

Hiện nông dân cũng là lực lượng đông đảo trong xã hội, chiếm khoảng 49% số hộ ở nông thôn và hơn 33% lực lượng lao động xã hội. Giai cấp nông dân vẫn là nguồn cung cấp lao động chủ yếu cho các ngành kinh tế khác. Địa bàn nông thôn vẫn là thị trường đầy tiềm năng để khai thác các nguồn lực và tiêu thụ sản phẩm, thu hút đầu tư. Trong giai đoạn 5 năm gần đây, các phong trào phát triển kinh tế đã và đang được nông dân Việt Nam triển khai hiệu quả, góp phần rất lớn vào thành tựu kinh tế- xã hội của đất nước. Tiêu biểu như các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đã giúp trên 815.000 lượt hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về cây, con giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm... trị giá trên 6.720 tỷ đồng; trên 108.000 hộ nông dân thoát nghèo và đang vươn lên làm giàu; đóng góp xây dựng hàng nghìn căn nhà tình thương, nhà tình nghĩa, mái ấm nông dân và giúp cho trên 1,2 triệu hộ nghèo có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất... Ngoài ra, đã có trên 5,3 triệu hộ sản xuất nông nghiệp được giúp tạo tài khoản trên sàn thương mại điện tử; 5,8 triệu hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số; hơn 78.000 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử; xây dựng và duy trì trên 200 cửa hàng "nông sản an toàn" để trưng bày, giới thiệu, quảng bá kết nối hỗ trợ tiêu thụ và cung cấp các sản phẩm nông sản an toàn cho người tiêu dùng.

Tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đảng đã tiếp tục khẳng định: Nông dân với nông nghiệp, nông thôn là 3 thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở, lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế- xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Đóng vai trò, vị thế quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế- xã hội của đất nước nên việc đảm bảo an sinh xã hội, nhất là thực hiện BHXH, BHYT cho nông dân cần phải được chú trọng.

Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới đã đặt mục tiêu: hằng năm phấn đấu đạt 100% hội viên nông dân tham gia BHYT, 50.000 hội viên nông dân trở lên tham gia BHXH tự nguyện.

Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam (nhiệm kỳ 2023-2028) cũng đề ra định hướng phối hợp thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững, y tế, chăm sóc sức khoẻ, GD-ĐT, văn hoá, TDTT, chính sách an sinh xã hội, nhất là BHYT, BHXH tự nguyện, BH nông nghiệp cho nông dân.

Trong 17 chỉ tiêu, 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá giai đoạn tới, Hội Nông dân Việt Nam đã xác định phấn đấu có 100% hội viên tham gia BHYT; vận động từ 250.000 hội viên trở lên tham gia BHXH tự nguyện.

Thực tế hiện nay chính sách BHXH, BHYT đã và đang phát triển, trong đó, nhóm nông dân được đảm bảo cơ hội tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ. Với chính sách BHYT, trong năm 2022, đã có trên 69 triệu lượt nông dân được KCB BHYT, với tổng số tiền đề nghị BHYT thanh toán là trên 43.000 tỷ đồng. Năm 2023 là trên 82 triệu lượt, với tổng số tiền đề nghị BHYT thanh toán là trên 49.000 tỷ đồng.

Về BHXH tự nguyện, số người tham gia liên tục tăng hằng năm, trong đó, số nông dân tham gia cũng tăng lên đáng kể. Chỉ tính trong 2 năm gần đây, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và BHXH Việt Nam đã phối hợp tổ chức được 43 hội nghị đối thoại và tư vấn về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình với nông dân ở 43 huyện, thị của 18 tỉnh, thành phố với sự tham gia của 9.460 cán bộ và hội viên nông dân; tổ chức 2 hội thi truyền thông chính sách BHXH, BHYT với chủ đề “Nông dân với chính sách BHXH, BHYT” với sự tham gia của gần 800 cán bộ, hội viên, nông dân.

Hiện đã có 63/63 Hội Nông dân tỉnh, thành phố ký quy chế phối hợp giai đoạn hoặc chương trình phối hợp hằng năm với cơ quan BHXH cùng cấp. Các tỉnh, thành Hội đã tổ chức được 3.563 lớp tập huấn với sự tham gia của 152.605 người; tổ chức 882 hội nghị đối thoại với 59.725 người tham dự; tổ chức 384 hội thảo với 24.017 người tham dự; tổ chức 39 hội thi với 5.698 người tham dự; truyền thông trên hệ thống thông tin của tỉnh với số lượng 71.160 tin, bài; phát hành 1.218 video, clip, phóng sự trên mạng xã hội. Lồng ghép 286.485 buổi truyền thông trong các cuộc sinh hoạt chi, tổ Hội...

Đặc biệt, đã vận động được 570.067 hội viên, nông dân tham gia BHXH tự nguyện. Vận động được 8.752.719 hội viên, nông dân tham gia BHYT. Ngoài ra, đã có 463.063 hội viên, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và 57.166 cán bộ chi, tổ Hội tham gia BHXH tự nguyện.

Các cấp Hội Nông dân cũng đã xây dựng và duy trì được 2.552 mô hình “BHXH, BHYT toàn dân” với  295.498 người tham gia. Có 1.556 BCĐ được tổ chức, kiện toàn để vận động, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT do Hội Nông dân quản lý. Đã có 5.689 lượt hội viên, nông dân chuyển sang làm nhân viên tổ chức dịch vụ thu. Các tỉnh, thành Hội Nông dân cũng đã vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ được 411.956 thẻ BHYT và sổ BHXH, góp phần vào đảm bảo an sinh cho hội viên, nông dân.

Đối tượng thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện chủ yếu là nông dân và lao động phi chính thức. Các số liệu thống kê về BHXH tự nguyện hiện chưa phân chia cụ thể giữa lao động nông nghiệp và nhóm lao động phi chính thức. Dù vậy, qua các số liệu thống kê đã nêu ở trên, có thể thấy, dư địa phát triển BHXH tự nguyện với nông dân còn rất lớn. Đơn cử như so sánh với 10,2 triệu hội viên thuộc Hội Nông dân Việt Nam, con số trên 1,9 triệu người tham gia BHXH tự nguyện (theo số liệu của BHXH Việt Nam ở thời điểm hết năm 2023) vẫn còn khá khiếm tốn.

Xuất phát từ đặc thù kinh tế- xã hội của nước ta, việc phân chia giữa lao động nông nghiệp và lao động phi chính thức cũng chỉ mang tính tương đối. Từ lao động nông nghiệp chuyển qua lao động phi chính thức (chẳng hạn như chạy xe ôm công nghệ; làm tiểu thương, buôn bán tự do hay làm các loại công việc dịch vụ như cắt tóc, gội đầu...) thường khá phổ biến. Các trường hợp ngược lại hay thậm chí là kết hợp cả 2, vừa làm nông nghiệp vừa làm các loại công việc có tính chất thời vụ, phi chính thức... cũng khá nhiều. Điều đó cho thấy dư địa phát triển BHXH tự nguyện trong nông dân vẫn còn khá lớn và mục tiêu phát triển BHXH, BHYT trong hội viên hội Nông dân là điều cần thiết, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam và Nghị quyết 28-NQ/TW của BCH Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH.

Hiện nay, thông qua các hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam, việc tuyên truyền chính sách, vận động tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cũng có nhiều thuận lợi. Hội Nông dân Việt Nam cũng đang chủ trì xây dựng Đề án “Phát huy vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong tuyên truyền, vận động nông dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT giai đoạn 2023- 2030” để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đề án này được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá gia tăng số tham gia BHXH, BHYT, góp phần quan trọng để đảm bảo an sinh cho nông dân.

Bài: Minh Đức

Đồ họa: Thanh An


Viết bình luận
Chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam: Hiện đại, chuyên nghiệp để phục vụ Nhân dân tốt hơn

Chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam: Hiện đại, chuyên nghiệp để phục vụ Nhân dân tốt hơn

Thời gian qua, ngành BHXH Việt Nam đã nắm bắt kịp thời xu thế chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, cũng như định hướng, chiến lược chuyển đổi số quốc gia.

Đảm bảo tốt an sinh xã hội là biểu hiện của một xã hội văn minh

Đảm bảo tốt an sinh xã hội là biểu hiện của một xã hội văn minh

Đảm bảo tốt an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân là biểu hiện của một xã hội văn minh.

Phát triển BHYT hộ gia đình: Biến thách thức thành cơ hội

Phát triển BHYT hộ gia đình: Biến thách thức thành cơ hội

Nhóm đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình luôn được xem là nhóm khó phát triển nhất do phải dày công tuyên truyền, vận động. Dù vậy, từ năm 2015 đến nay, số người thuộc nhóm này tham gia BHYT đã có sự gia tăng đáng kể.

“Lối mở” tiến tới BHXH toàn dân: BHXH bắt buộc hay BHXH tự nguyện

“Lối mở” tiến tới BHXH toàn dân: BHXH bắt buộc hay BHXH tự nguyện

Để đạt được mục tiêu BHXH toàn dân thì hình thức tham gia BHXH nào sẽ đóng vai trò chủ đạo? Cần phải tập trung đẩy mạnh việc phát triển người tham gia BHXH ở hình thức nào? Đây là những vấn đề cần được quan tâm, nghiên cứu và giải đáp.