Với chiếc máy tính, ông Nguyễn Thanh Hiền- Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Tân Phú (thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, Hậu Giang) lưu toàn bộ thông tin của người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT trên địa bàn, cũng như danh sách những người cần tiếp cận vận động. Dựa vào những thông tin này, ông Hiền lọc ra danh sách những người có thẻ BHYT gần hết hạn, người chưa tham gia BHYT, sau đó cùng với các đoàn thể vận động. “Việc lưu thông tin như vậy thuận tiện là biết được thời gian sử dụng thẻ BHYT của người dân trong ấp để vận động họ; đồng thời phát triển thêm người tham gia mới”- ông Hiền chia sẻ.
Gia đình chị Trần Thị Kim Ngọc là một trong những hộ gia đình ở ấp Tân Phú đã tham gia BHYT từ mấy năm nay. Cứ mỗi lần thẻ BHYT gần hết hạn, ông Hiền lại chủ động đến nhắc chị tham gia tiếp. Theo ông Hiền, trong quá trình vận động, với những gia đình khó khăn, ông phải giải thích để mọi người hiểu càng khó khăn càng phải tham gia BHYT.
Riêng với những hộ khá giả, ông phân tích cho bà con hiểu “nếu không bệnh thì xem như may mắn, bởi đây cũng là cách chia sẻ với hộ nghèo bị bệnh”. Nhờ vậy, nhiều năm liền, ấp Tân Phú đều đạt và vượt chỉ tiêu phát triển BHXH, BHYT được giao.
Còn khu vực Xẻo Vông C (phường Hiệp Lợi, TP.Ngã Bảy) nhiều năm liền đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 100%. Để có được kết quả này, phải kể đến đóng góp của bà Phạm Ngọc Hương- Bí thư Chi bộ, Trưởng khu vực Xẻo Vông C. Theo bà Hương, khu vực của bà bây giờ ít ai nói đến từ “vận động”, vì 100% người dân đã tham gia BHYT (trừ số phát sinh mới).
“Điều quan trọng của việc tuyên truyền không chỉ để người dân thấy được lợi ích của việc tham gia BHYT, mà còn khơi dậy tấm lòng tương thân, tương ái giữa những người khỏe mạnh với những người bệnh tật”- bà Hương chia sẻ.
Được Chi bộ khu vực 4 (phường I, TP.Vị Thanh) trao tặng thẻ BHYT, bà Nguyễn Thị Mười- đảng viên sinh sống tại khu vực 4 rất vui mừng. Bà Mười vốn bị bệnh tiểu đường, huyết áp cao nên cần uống thuốc thường xuyên. Trong khi đó, cuộc sống gia đình phụ thuộc vào tiền lương công nhân của chồng, nên luôn trong cảnh “thiếu trước hụt sau”.
Trước đây, bà Mười làm ở BVĐK tỉnh. Năm 2013, BV di dời về khu vực 4 (phường III, TP.Vị Thanh), do không biết chạy xe máy, nên bà xin nghỉ việc và sinh hoạt Đảng tại Chi bộ khu vực 4. Cuộc sống khó khăn, nhưng gia đình luôn phải tiết kiệm chi tiêu để mua BHYT cho bà, bởi nếu không có BHYT thì chi phí điều trị sẽ rất tốn kém. Đến cuối tháng 6/2024, thẻ BHYT của bà Mười hết hạn, khiến bà lo lắng do chưa có tiền để tham gia tiếp. Niềm vui đến với gia đình, khi vào ngày 19/6, bà được hỗ trợ tấm thẻ BHYT với thời hạn một năm.
Còn anh Nguyễn Văn Hùng là con của bà Nguyễn Thị Nghề- đảng viên thuộc Chi bộ khu vực 4 (phường I) cũng cho biết: “Gia đình có 2 mẹ con, mẹ tôi là cán bộ hưu trí nên được cấp thẻ BHYT. Bản thân tôi hay bị bệnh, nhưng hiện nay cuộc sống khó khăn, việc làm không được thường xuyên, nên chưa tham gia. Nay được tặng thẻ BHYT nên tôi mừng lắm”. Đối với những thân nhân của đảng viên có hoàn cảnh khó khăn như anh Hùng, việc được tặng thẻ BHYT không chỉ là sự chia sẻ về vật chất, mà còn là tình cảm, nghĩa tình mà các đảng viên trong Chi bộ dành cho mình; từ đó giúp họ có thêm niềm tin, động lực để phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.
Để có những tấm thẻ BHYT trao tặng cho những đảng viên có hoàn cảnh khó khăn, Chi bộ khu vực 4 (phường I) đã thực hiện mô hình “Bảo hiểm nghĩa tình”. Đánh giá cao ý nghĩa của chính sách BHYT, bà Nguyễn Thị Hạnh- Bí thư Chi bộ, Trưởng khu vực 4 cho biết: “Nhờ tham gia BHYT, nhiều người bệnh có hoàn cảnh khó khăn đã được quỹ BHYT chi trả chi phí KCB, nên không rơi vào bẫy nghèo”.
Theo đó, mô hình “Bảo hiểm nghĩa tình” được thực hiện trong năm 2024. Cụ thể, 52 đảng viên trong Chi bộ đóng góp mỗi người 50.000 đồng/năm để hỗ trợ mua BHYT cho đảng viên và thân nhân đảng viên có hoàn cảnh khó khăn. Mô hình đã nhận được sự ủng hộ tích cực của đảng viên trong Chi bộ. “Đây là mô hình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Chính vì thế, khi Chi bộ họp xin ý kiến thực hiện mô hình, chúng tôi rất đồng tình ủng hộ”- bà Huỳnh Lệ Xuân- đảng viên Chi bộ khu vực 4 bày tỏ đánh giá cao về mô hình.
Kết quả, từ khi phát động đến nay, mô hình “Bảo hiểm nghĩa tình” đã hỗ trợ 3 thẻ BHYT cho đảng viên và thân nhân đảng viên có hoàn cảnh khó khăn. Bà Nguyễn Thị Hồng Như- Bí thư Đảng ủy phường I cho biết: “Mô hình “Bảo hiểm nghĩa tình” của Chi bộ khu vực 4 không chỉ giúp đảng viên và thân nhân đảng viên có hoàn cảnh khó khăn được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, mà còn góp phần nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn”. Đặc biệt, từ sự chủ động, tích cực của đảng viên, cùng những mô hình, cách làm hiệu quả, đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia, góp phần nâng cao tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Bài: Bích Châu
Đồ họa: Thanh An
Đã 3 ngày con sốt cao 39 độ, phát ban, kêu đau người, mỏi cơ. Vào BV 10 ngày qua 4 Khoa, chiếu chụp, làm nhiều xét nghiệm... rồi chuyển lên A9, BV Bạch Mai… Quãng thời gian khó quên đó giúp tôi thêm thấu hiểu ý nghĩa của chính sách BHYT.
Các sở, ban ngành, đoàn thể, địa phương trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã có nhiều mô hình, cách làm hiệu quả, sáng tạo trong vận động người dân tham gia BHXH, BHYT. Chính điều này góp phần lan tỏa chính sách BHXH, BHYT sâu rộng trong cộng đồng.
Là một trong những địa phương có nhiều trường ĐH, việc thực hiện BHYT với sinh viên (SV) luôn được BHXH tỉnh Thái Nguyên chú trọng và cũng nhận được sự phối hợp tích cực từ Ban giám hiệu các trường ĐH trên địa bàn.
Với quan điểm thực hiện tốt công tác BHYT HSSV là góp phần đẩy nhanh lộ trình tiến tới BHYT toàn dân, chăm sóc sức khoẻ cho các em ngay khi còn trên ghế nhà trường, BHXH tỉnh Hoà Bình đã có nhiều cố gắng triển khai BHYT HSSV.