Ngày 7/8 vừa qua, tại xã Tân Quới Trung, BHXH huyện Vũng Liêm phối hợp với Hội LHPN huyện tổ chức Hội nghị truyền thông chính sách BHXH. Hội nghị đã thu hút đông đảo bà con, cô bác là hội viên phụ nữ và các đoàn thể khác trên địa bàn xã Tân Quới Trung tham dự. Đặc biệt, các thành viên Tổ bảo vệ ANTT cơ sở tại các ấp cũng tới dự để tìm hiểu về chính sách, trong đó có quy định hỗ trợ mức đóng BHXH tự nguyện từ nguồn ngân sách địa phương.
Đáng chú ý, tại sự kiện này, BHXH huyện Vũng Liêm phối hợp với Hội LHPN huyện và UBND xã Tân Quới Trung ra mắt mô hình Tổ Phụ nữ tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện. Đây là mô hình đầu tiên về BHXH tự nguyện của xã, với 7 chị em tham gia, với quy chế hoạt động và quyết định thành lập đầy đủ. Hiện nay, xã Tân Quới Trung có 9 ấp, do đó đại diện BHXH huyện hy vọng, trong những ngày tới, mô hình Tổ Phụ nữ tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện sẽ lan tỏa đến từng ấp. Đây cũng là mong muốn của Hội LHPN huyện và Hội LHPN xã Tân Quới Trung khi bắt tay phối hợp với BHXH huyện thiết lập mô hình này.
Chị Nguyễn Vũ Thanh Thảo- cư dân ấp Một (xã Tân Quới Trung) là một trong 7 phụ nữ tham gia mô hình này. “Chị của em là thành viên Hội LHPN xã. Chị giới thiệu em tham gia mô hình để có BHXH tự nguyện, để tiện tiết kiệm lo tương lai sau này”- chị Thảo chia sẻ. Với suy nghĩ tiết kiệm trong sinh hoạt thường nhật để có kinh phí tham gia BHXH tự nguyện, chị Thảo cho biết, cá nhân chị cảm thấy thoải mái, chứ không áp lực gì nhiều, bởi mức đóng chỉ khoảng 300.000 mỗi tháng. Suy nghĩ của chị Thảo cũng là suy nghĩ của những chị em trong tổ, bởi họ luôn tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Tại buổi ra mắt mô hình Tổ Phụ nữ tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện ở xã Tân Quới Trung, chị Đoàn Thị Liên- Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Vũng Liêm đã nêu thực trạng nhiều người dân chơi hụi và bị giật hụi với số tiền lớn. “Bà con hãy bớt chơi hụi, thay vào đó dành tiền để tham gia BHXH tự nguyện, để không còn phải lo bị giật hụi; đồng thời mang lại lợi ích thiết thực về lâu dài có lương hưu để có cuộc sống an nhàn…”- chị Liên đề xuất.
Chị Đoàn Thị Liên cho biết thêm, mô hình Tổ Phụ nữ tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện cũng đã được triển khai tại một số xã. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Hội LHPN huyện đã phối hợp BHXH huyện tổ chức được 22 cuộc tuyên truyền, thu hút 1.345 chị em phụ nữ tham dự; qua đó thành lập được 22 Tổ Phụ nữ tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện với 157 thành viên tham gia. Trong những tháng còn lại của năm 2024, Hội sẽ tập trung triển khai tại xã Tân Quới Trung và một số xã, thị trấn còn lại; đồng thời rút kinh nghiệm để kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho chị em tham gia.
Ngoài ra, Hội LHPN huyện còn lồng ghép sinh hoạt hội, tổ nhóm, CLB, sinh hoạt chuyên đề trong hệ thống Hội để lan tỏa chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, nhất là chú trọng đến gia đình, người thân, con em của cán bộ hội trên địa bàn huyện. Từ khi phát động đến nay, toàn huyện đã triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động chị em tham gia BHXH tự nguyện, góp phần cùng địa phương thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu được giao.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí BHXH, ông Ngô Tuấn Anh- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Vĩnh Long cho biết, việc phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long được đẩy mạnh từ cấp tỉnh xuống đến cấp huyện, xã, ấp. Theo đó, cơ quan BHXH đã chủ động phối hợp với UBND cấp xã và các tổ chức, đoàn thể tổ chức các hội nghị truyền thông nhằm tư vấn, giải đáp cho người dân về các quy định của chính sách, nhất là về quyền lợi khi tham gia BHXH, BHYT.
Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã tổ chức được 135 cuộc truyền thông với 8.877 người tham dự, trong đó ra mắt được 26 chi/tổ hội tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện và 3 CLB tham gia BHXH tự nguyện, với 292 người tham gia BHXH tự nguyện mới. Cụ thể, BHXH tỉnh phối hợp với Hội Nông dân tổ chức 3 cuộc tập huấn chính sách, pháp luật BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cho 180 cán bộ, hội viên Hội Nông dân tại TX.Bình Minh, huyện Vũng Liêm và huyện Trà Ôn; tổ chức đối thoại trực tiếp tại 8 huyện, thị xã cho 600 cán bộ hội viên và ra mắt 7 nhóm Nông dân tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện ới 71 người tham gia BHXH tự nguyện mới.
BHXH tỉnh cũng phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức 8 cuộc tập huấn chính sách, pháp luật BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cho 480 cán bộ, hội viên phụ nữ tại 8 huyện, thị xã, thành phố; đồng thời ra mắt 19 Tổ Phụ nữ tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện, với 201 người tham gia BHXH tự nguyện mới. Ngoài ra, phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức 8 cuộc tập huấn chính sách, pháp luật BHXH tự nguyện và hướng dẫn xây dựng mô hình CLB Chữ thập đỏ tham gia BHXH tự nguyện tại 8 huyện, thị xã, thành phố với 400 người tham dự, ra mắt 3 CLB Chữ thập đỏ tham gia BHXH tự nguyện, với 20 người tham gia mới…
Cũng theo ông Ngô Tuấn Anh, mỗi ngành, đoàn thể có thế mạnh riêng. Do đó, BHXH tỉnh sẽ chú trọng đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp, để phát huy lợi thế, gia tăng người tham gia BHXH tự nguyện qua các mô hình. Trong công tác phối hợp, đề nghị các ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về mục đích, ý nghĩa và tính nhân đạo, nhân văn của chính sách BHXH tự nguyện. “Cán bộ Hội sẽ là những người gương mẫu đi đầu trong công tác tham gia BHXH tự nguyện cho người thân trong gia đình; tiếp đó vận động rộng rãi đến hội viên và nhân dân tham gia BHXH tự nguyện, để tiến đến mục tiêu BHXH toàn dân”- ông Ngô Tuấn Anh chia sẻ.
Thực hiện: Song Giang
Trình bày: Hà Hùng
Về Trà Vinh, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi được nghe giới thiệu về thành quả phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT của Hội LHPN tỉnh. Đáng chú ý, từ tháng 11/2022 đến tháng 6/2024, các cấp Hội LHPN tỉnh Trà Vinh đã phát triển được 4.005 người tham gia BHXH tự nguyện và 30.127 người tham gia BHYT hộ gia đình.
Trong nửa đầu năm 2024, chi phí thuốc và VTYT trong cơ cấu chi phí KCB BHYT vẫn gia tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, giá thuốc, VTYT cùng loại có sự chênh lệch lớn giữa các KCB và giữa các địa phương... Những “nghịch lý” này đặt ra không ít thách thức cho mục tiêu quản lý hiệu quả chi phí KCB BHYT...
Với mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), cán bộ BHXH tại các huyện vùng cao hằng ngày vẫn phải băng đèo, lội suối, tìm hiểu phong tục tập quán để tuyên truyền, thuyết phục bà con tham gia BHXH, BHYT.
Hiện nay, lái xe công nghệ không còn là công việc kiếm thêm lúc nhàn rỗi, mà đã trở thành một nghề với những rủi ro luôn tiềm ẩn. Tuy nhiên, lực lượng này lại gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách an sinh xã hội, trong đó có chính sách BHXH, BHYT. Do đó, đảm bảo an sinh cho nhóm lao động này là việc mà các cơ quan chức năng cần làm ngay!