Là huyện nghèo miền núi biên giới phía Tây của thành phố Huế, A Lưới nổi tiếng là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, với nhiều di tích lịch sử văn hóa và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú như: Dãy rừng nguyên sinh, thác A Nôr, suối Đăq Pling, suối Pâr le… A Lưới còn lưu giữ những phong tục tập quán, với các làn điệu dân ca, văn hóa ẩm thực và lễ hội truyền thống mang đậm nét văn hóa của các DTTS…
Song, A Lưới ngày nay đã có những bước chuyển biến tích cực về phát triển kinh tế-xã hội, là cái nôi của việc thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội và cũng là hình mẫu “vượt khó đi lên” đưa chính sách BHXH, BHYT đến với mọi người dân, nhất là đồng bào các DTTS.
Minh chứng là, trước năm 2017, A Lưới là huyện nghèo, luôn đứng trong top cuối về phát triển BHXH, người dân phải dựa vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để giảm nghèo, trong đó có chính sách BHYT. Thế nhưng, khi Nghị quyết số 28-NQ/TW đi vào thực tiễn, A Lưới được cấp ủy, chính quyền thành phố Huế đánh giá là một điểm sáng trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, khi đã vượt lên dẫn đầu về thực hiện chính sách BHXH, BHYT, nhất là luôn vượt chỉ tiêu phát triển BHXH tự nguyện.
Có được điều này là do sự chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm của lãnh đạo Huyện ủy, sự tâm huyết của anh em cán bộ BHXH huyện. “Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc gặp khó khăn trong điều kiện các đơn vị hành chính sự nghiệp tinh giản 10% (từ 20 xã, 1 thị trấn xuống còn 17) và doanh nghiệp trên địa bàn huyện rất ít, chủ yếu quy mô sản xuất nhỏ và siêu nhỏ, sức cạnh tranh thấp, hoạt động cầm chừng, không có hiệu quả. Do vậy, thay vì phát triển BHXH bắt buộc, A Lưới lựa chọn BHXH tự nguyện là “mũi nhọn” và đã đạt nhiều kết quả tốt”- ông Võ Đại Quang- Giám đốc BHXH huyện A Lưới chia sẻ.
Cũng theo ông Võ Đại Quang, cùng với việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tăng cường tuyên truyền, phân công địa bàn và giao chỉ tiêu cụ thể cho từng cán bộ, viên chức, BHXH huyện A Lưới còn kịp thời biểu dương, khen thưởng những đơn vị, tổ chức dịch vụ thu làm tốt công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT. “Chỉ làm tốt công tác BHXH, BHYT, thì kinh tế địa phương mới phát triển, đảm bảo an sinh cho người dân”- ông Quang nhấn mạnh.
Chính vì thế, trong phát triển BHXH tự nguyện, A Lưới đã giao các thành viên BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT huyện phụ trách theo địa bàn xã. Huyện ủy A Lưới cũng đưa chỉ tiêu tham gia BHXH tự nguyện vào chỉ tiêu hoàn thành nhiệm vụ của mỗi đảng ủy, tổ chức, đoàn thể. Đồng thời, các tổ chức dịch vụ thu luôn nhiệt tình và am hiểu về chính sách, gần gũi với bà con, có khả năng thuyết trình tốt khi vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. Đặc biệt, tổ chức dịch vụ thu vừa trực tiếp tuyên truyền, gặp gỡ, giải thích, vận động cho từng người dân, vừa phải tổ chức các hội nghị khách hàng; đồng thời thường xuyên theo dõi, nhắc người dân tham gia tiếp BHXH tự nguyện…
“Trong cái khó ló cái khôn, A Lưới đã đi đúng quan điểm định hướng của Nghị quyết số 28 về hướng tới bao phủ BHXH toàn dân, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Nhờ đó, không chỉ tăng về số lượng, mà đối tượng tham gia BHXH của huyện cũng rất bền vững. Điều này cho thấy sự quan tâm, vào cuộc sát sao của cấp ủy, chính quyền huyện A Lưới…”- ông Võ Đại Quang chia sẻ.
Còn theo bà Hồ Thị Mai- Phó Chủ tịch UBND xã A Ngo, với đặc thù có đông đồng bào DTTS sinh sống, điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, nên việc khai thác, phát triển BHXH tự nguyện trên địa bàn xã A Ngo gặp rất nhiều thách thức. Vì thế, chính quyền địa phương cùng với BHXH huyện đã nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp, tổ chức các buổi đối thoại, bám làng, bám bản để đẩy mạnh phát triển đối tượng, trong đó chú trọng tuyên truyền bằng tiếng dân tộc nhằm đưa chính sách an sinh của Đảng đến với đồng bào.
Hiện nay, dân số của huyện A Lưới có khoảng 52.000 người, trong đó 80% là người dân tộc Pa Kô, Tà Ôi, Ka Tu, Pa Hy. Trình độ dân trí không đồng đều, người dân sống rải rác trên các sườn núi, giao thông đi lại hiểm trở, khó khăn; trong khi nguồn thu nhập chính là nghề trồng rừng, làm nương, làm rẫy… nên việc bà con tiếp cận với chính sách BHXH còn nhiều hạn chế.
Nắm rõ thực tế này, BHXH huyện A Lưới đã tích cực đổi mới phương pháp tiếp cận người dân, thay đổi hình thức tuyên truyền; đồng thời tiếp tục phát huy vai trò, uy tín của UBND xã trong công tác vận động đến từng gia đình, từng đối tượng. Đặc biệt, việc tuyên truyền phải vừa đảm bảo giữ gìn bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của từng dân tộc, vừa đảm bảo tinh thần “đi tận ngõ, gõ cửa tận nhà, rà từng đối tượng”, để chính sách BHXH tự nguyện vượt qua khoảng cách về địa lý đến được với đồng bào các dân tộc.
Đến xã A Roàng, chúng tôi rất ấn tượng khi gặp chị Hồ Thị Hoa- nhân viên đại lý thu BHXH, BHYT của xã, người đã trực tiếp vận động được hàng trăm người dân tham gia BHXH tự nguyện. Là cô gái dân tộc thiểu số, nhưng chị Hoa luôn tạo được thiện cảm với khách, bởi sự năng động, niềm nở và thật lòng. Không “vòng vo tam quốc”, những câu chuyện chị Hoa kể liên quan đến việc vận động bà con trong xã tham gia BHXH tự nguyện thực sự cuốn hút chúng tôi.
Chia sẻ bí quyết vận động được nhiều người tham gia BHXH tự nguyện, chị Hoa bảo: “Có chi mô, đó là nhờ có sự chỉ đạo, tạo điều kiện và phối hợp của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể”. Theo chị Hoa, muốn vận động được nhiều người tham gia BHXH tự nguyện, trước hết phải biết chọn đối tượng là những người có thu nhập, công việc ổn định. Tiếp nữa, bản thân mình phải có hiểu biết về chính sách để dễ giải thích cho bà con hiểu. Ngoài ra, chị Hoa còn tranh thủ vận động mọi lúc, mọi nơi; hễ có dịp là chị lại tiếp cận đối tượng ngay, thỏ thẻ giải thích, vận động hoặc phát tờ rơi để họ mang về đọc và tìm hiểu thêm.
Chị Hoa là người dân tộc Pa Kô, vốn sinh ra và lớn lên tại xã A Ngo, sau này trở thành cán bộ của xã A Roàng. Chứng kiến cuộc sống còn nhiều khó khăn của bà con, nên khi biết có chính sách BHXH tự nguyện, chị đã nhiệt tình vận động bà con tham gia. Ngặt nỗi, bà con trên địa bàn thường đi làm rẫy xa, có khi cả tháng mới về nhà, nên để vận động được một người tham gia không hề đơn giản. Thậm chí, có nhiều lần, chị phải đi bộ mấy cây số đường rừng mới gặp được bà con. “Những ngày đầu mới làm nản lắm, cũng may cán bộ BHXH động viên, cùng đi hướng dẫn với mình giai đoạn đầu, nên mình cố gắng vượt qua. Đến nay, xã A Roàng đã có gần 100 người dân tộc Pa Kô tham gia BHXH tự nguyện”- chị Hoa trải lòng.
Chia sẻ bài học về việc phát triển BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện A Lưới, ông Võ Đại Quang cho biết: “Phải hiểu được địa bàn, nắm chắc đặc điểm của mỗi nhóm đối tượng để tuyên truyền thì mới hiệu quả. BHXH huyện không tuyên truyền dàn trải, mà chỉ “ngắm” đến từng nhóm trên cơ sở rà soát, phân loại và nguyên tắc “dễ trước, khó sau”, từ những đối tượng đã tham gia tiếp tục tạo hiệu ứng, lan tỏa dần trong xã hội. Đồng thời, luôn tranh thủ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo của BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT huyện và sự phối hợp, đồng lòng của mỗi người dân…”.
Với những nỗ lực trên, đến nay, toàn huyện A Lưới đã có hơn 1.851 người tham gia BHXH tự nguyện và hơn 49.231 người tham gia BHYT (đạt tỷ lệ bao phủ 98,02% dân số). Trong thời gian tới, BHXH huyện A Lưới sẽ tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền; thu hút sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành trong công tác vận động người dân tham gia BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các đợt ra quân tuyên truyền lưu động, nhằm giúp người dân hiểu rõ quyền, lợi ích của việc tham gia BHXH, BHYT, từ đó tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội.
“Trong các đợt ra quân, chúng tôi tập trung vào nhóm chủ thể tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình như: Hộ gia đình nông dân, người kinh doanh cá thể, tiểu thương, người buôn bán nhỏ tại các khu chợ, người bán hàng online chưa tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; NLĐ đang tạm hoãn HĐLĐ. Đặc biệt, chú trọng đến nhóm hộ gia đình thoát nghèo, thoát khỏi cận nghèo năm 2024 theo Nghị quyết 20 của HĐND tỉnh; đối tượng người DTTS thoát khỏi vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn theo Nghị định 75 của Chính phủ…”- ông Quang khẳng định.
Cũng theo ông Võ Đại Quang, bên cạnh huy động các nguồn lực khác để tăng mức hỗ trợ đóng, mua tặng BHXH tự nguyện cho người dân, BHXH huyện A Lưới còn tiếp tục tham mưu cho UBND huyện kịp thời ban hành nhiều văn bản nhằm tổ chức thực hiện tốt chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. Cùng với đó, tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho lãnh đạo huyện triển khai tổ chức thực hiện các kế hoạch, chương trình hành động, nhằm hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về BHXH, BHYT gắn với mục tiêu phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương.
Thực hiện: Vũ Thu
Trình bày: Hà Hùng