Chủ nhật, 02 /02/2025 07:06

Sinh thời, Hồ Chí Minh không trực tiếp sử dụng khái niệm “an sinh xã hội”, song nội dung tư tưởng về các vấn đề an sinh xã hội lại được thể hiện từ rất sớm và dần hoàn thiện, trở thành một hệ thống hoàn chỉnh. Quan điểm đó thể hiện xuyên suốt qua các tác phẩm như Đường Kách mệnh (1927), Chương trình Việt Minh (1944) đến Tuyên ngôn độc lập (1945), đặc biệt là trong bản Di chúc (1969) thiêng liêng Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân trước khi rời cõi tạm. Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân[1], trong đó có những đối tượng “yếu thế”.

Điều đặc biệt là, ngay từ rất sớm và nhất quán trong suốt cuộc đời, Hồ Chí Minh luôn quan niệm an sinh xã hội là quyền con người. Cách tiếp cận quyền con người đối với an sinh xã hội là cách tiếp cận hiện đại, độc đáo, đặc sắc và có giá trị vượt trước thời đại của Hồ Chí Minh. Quan điểm Hồ Chí Minh về an sinh xã hội bao gồm các nội dung chủ yếu như sau:

Một là, chăm lo cho tự do, hạnh phúc của con người.

Hồ Chí Minh tâm niệm, ở đời và làm người phải yêu nước, thương dân, làm cho nhân dân được tự do, hạnh phúc và đó cũng là mong muốn cháy bỏng, là mục tiêu xuyên suốt mà suốt cuộc đời Người theo đuổi. Vì vậy, mục đích của an sinh xã hội theo quan điểm Hồ Chí Minh, không có gì khác là vì con người, vì cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của con người. Hồ Chí Minh khẳng định: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo- là vì mục đích đó”[2].

Dưới ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh, sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam, trong mọi giai đoạn giành, giữ và sử dụng chính quyền- cũng đều vì con người, vì sự phát triển toàn diện của con người, vì cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của con người. Người nhiều lần nhắc nhở, nước được độc lập mà dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập không có ý nghĩa gì, dân chủ hiểu rõ giá trị của độc lập, tự do khi được ăn no, mặc đủ, được học hành. Hồ Chí Minh yêu cầu: “Chúng ta phải thực hiện ngay: 1- Làm cho dân có ăn. 2- Làm cho dân có mặc. 3- Làm cho dân có chỗ ở. 4- Làm cho dân có học hành”[3]. Chính mục đích tốt đẹp, thấm đẫm tinh thần nhân đạo đó, đã làm nên bản chất, tính ưu việt của chế độ ta.

Hai là, quan tâm toàn diện và bao trùm

Với mục đích vì con người, trong xây dựng và thực hiện chính sách, Hồ Chí Minh quan tâm đến mọi đối tượng trong xã hội để có chính sách phù hợp. Đối tượng của an sinh xã hội cũng như vậy. Với chính sách an sinh xã hội, Hồ Chí Minh chủ trương quan tâm toàn diện, không quên, sót đối tượng, càng không thể có sự phân biệt đối xử. Quan điểm nói trên được thể hiện rõ trong bản Di chúc thiêng liêng mà Người để lại cho muôn đời sau. Hồ Chí Minh căn dặn: Đảng và Nhà nước cần quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện để những người có công với cách mạng có công ăn, việc làm thích hợp, quyết không để họ đói rét. “Đối với những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong, Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất cho đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo họ thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc”[4]. Đối với phụ nữ, “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo”[5]. Đối với các đối tượng trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu… mà Người gọi là “những nạn nhân của chế độ xã hội cũ”, thì “Nhà nước vừa phải giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”[6]. Đối với nông dân, Đảng và Chính phủ “miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”[7]… Có thể thấy, ở Hồ Chí Minh có sự thống nhất giữa mục đích và đối tượng an sinh xã hội. Chính sách an sinh xã hội phải hướng đến mọi đối tượng của an sinh xã hội, không bỏ sót bất kỳ đối tượng nào.

Bên cạnh xác định rõ đối tượng, nội dung xây dựng, thực hiện chính sách an sinh xã hội trong tư tưởng Hồ Chí Minh cũng rất toàn diện, bao gồm: Chính sách lao động và việc làm, chính sách xoá đói giảm nghèo, chính sách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, chính sách đối với người có công với cách mạng. Trong đó, Hồ Chí Minh xác định nhân dân vừa là đối tượng, vừa là chủ thể trong xây dựng và thực hiện chính sách. Triết lý của Hồ Chí Minh là: “Đem sức ta giải phóng cho ta”. Theo đó, nhân dân trước hết phải có ý thức là chủ và năng lực làm chủ đối với sự nghiệp cách mạng nói chung, đối với xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội nói riêng. Từ đó, trong xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội, Người chủ trương: “Đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân”. Chính phủ chỉ giúp kế hoạch cổ động”[8].

Đối với nhà nước, hay rộng hơn là cả hệ thống chính trị, ngoài vai trò trực tiếp là chủ thể chính sách, còn phải chú trọng “giác ngộ” và “tổ chức”, phải chú trọng nâng cao ý thức và năng lực là chủ và làm chủ của nhân dân, để biến quá trình chính sách an sinh xã hội trở thành sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đối với nhân dân, Hồ Chí Minh lưu ý: “Chúng ta là những người lao động làm chủ nước nhà. Muốn làm chủ được tốt, phải có năng lực làm chủ. Chúng ta học tập chính là để có đủ năng lực làm chủ, có đủ năng lực tổ chức cuộc sống mới- trước hết là tổ chức nền sản xuất mới. Bởi vậy, ý thức làm chủ không phải chỉ tỏ rõ ở tinh thần hăng hái lao động mà còn phải tỏ rõ ở tinh thần say mê học tập để không ngừng nâng cao năng lực làm chủ của mình”[9], trên cơ sở đó không chỉ là đối tượng thụ hưởng, mà còn hoàn thành tốt vai trò là chủ thể của quá trình chính sách an sinh xã hội.

Thấu triệt quan điểm của Hồ Chí Minh, ngay từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định và kiên định thực hiện mục tiêu đấu tranh cho độc lập dân tộc và tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Đảng không có lợi ích nào khác ngoài mục tiêu cao cả đó. Vì vậy, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhất là trong thời kỳ đổi mới, an sinh xã hội đã được Đảng xác định là trụ cột chính trong hệ thống chính sách xã hội và được đặt ngang bằng với chính sách phát triển kinh tế-xã hội.

Trong đó, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) ghi rõ: “Khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xóa nghèo bền vững; giảm dần tình trạng chênh lệch giàu-nghèo giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư. Hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội. Thực hiện tốt chính sách đối với người và gia đình có công với nước. Chú trọng cải thiện điều kiện sống, lao động và học tập của thanh niên, thiếu niên, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Chăm lo đời sống những người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật, mất sức lao động và trẻ mồ côi”[10]. Đó không chỉ là xây dựng các chính sách về xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập, ưu đãi người có công, hoàn thiện hệ thống BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, trợ giúp và cứu trợ xã hội đa dạng, linh hoạt “có khả năng bảo vệ, giúp đỡ mọi thành viên trong xã hội, nhất là các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương, vượt qua khó khăn hoặc các rủi ro trong đời sống”[11], mà còn là triển khai các chương trình xóa đói, giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn đi liền cùng với việc huy động mọi nguồn lực để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với các gia đình chính sách… góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của con người; để con người có điều kiện phát triển toàn diện.

10 năm sau đó, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng (2021) tiếp tục nhấn mạnh: “Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân với các chính sách phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro cho người dân, bảo đảm trợ giúp cho các nhóm đối tượng yếu thế. Cải cách hệ thống BHXH đa tầng dựa trên nguyên tắc đóng-hưởng, chia sẻ, bền vững. Triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bền vững, đảm bảo mức sống tối thiểu và các dịch vụ cơ bản”[12] và “Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội…; quan tâm đến mọi người dân, bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thu nhập, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội. Không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”[13].

Đồng thời, Chính phủ cũng đã đưa nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống bằng các nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch…, trong đó có hệ thống BHXH đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương; hỗ trợ giải quyết việc làm, đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; trợ giúp xã hội để giúp người dân khắc phục rủi ro, biến cố; ưu đãi người có công, các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, chịu nhiều thiệt thòi, đặc biệt là nhóm dân cư vùng sâu, vùng xa, địa bàn đặc biệt khó khăn…

Kết quả là, 63/63 tỉnh, thành phố đã kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT tới cấp xã (tương ứng với 10.595 xã đã thành lập Ban Chỉ đạo); 46/63 tỉnh, thành phố đưa chỉ tiêu về tỷ lệ bao phủ BHXH; 60/63 tỉnh, thành phố đưa chỉ tiêu bao phủ BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương; 22/63 tỉnh, thành phố trích ngân sách hỗ trợ thêm cho người tham gia BHXH tự nguyện; 62/63 tỉnh, thành phố trích ngân sách hỗ trợ người tham gia BHYT. Việt Nam đã thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách an sinh xã hội, bảo trợ xã hội; mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn mới giảm từ 4,03% năm 2022 xuống 2,93% năm 2023. Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc. Chất lượng giáo dục, đào tạo tiếp tục được nâng cao. Tập trung xử lý các vướng mắc để thực hiện tốt hơn công tác phòng chống dịch bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tăng cường kết nối cung cầu, phát triển thị trường lao động; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị thấp hơn mục tiêu đề ra[14].

Về độ bao phủ, tỷ lệ người tham gia BHXH của cả nước đạt khoảng 39,25% so với lực lượng lao động trong độ tuổi với 18,26 triệu người (đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ). Trong đó, khoảng 3,92% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH tự nguyện (với gần 1,83 triệu người)- vượt 1,42% so với mục tiêu giai đoạn đến năm 2025 tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH. Tỷ lệ người tham gia BH thất nghiệp đạt gần 31,6% lực lượng lao động trong độ tuổi với 14,7 triệu người. Đặc biệt, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 93,35% dân số- vượt 0,15% so với chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, với trên 93,3 triệu người tham gia- vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 68/2022/QH15 ngày 10/11/2022 của Quốc hội, tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân. Số tiền thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đạt 472.381 tỷ đồng, tăng 8,55% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 101,41% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.

Việc coi trọng an sinh xã hội, mở rộng đối tượng và nâng cao hiệu quả của từng chính sách an sinh xã hội thực chất là chính sách bồi dưỡng sức dân của Đảng và Nhà nước, đã giúp cho đa số người lao động được bảo đảm có việc làm, có thu nhập ổn định và phần lớn người lao động được tham gia các loại hình bảo hiểm, được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội, được giáo dục nghề nghiệp, được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, hỗ trợ vay vốn, giới thiệu việc làm để cải thiện, nâng cao điều kiện sống, mức sống, chất lượng cuộc sống.

Đó cũng chính là quyết tâm chuyển từ các chương trình hỗ trợ nhân đạo sang thực thi, bảo đảm quyền an sinh xã hội cho người dân cả nước trên tinh thần đổi mới chính sách giảm nghèo theo hướng tập trung, hiệu quả; tiếp cận phương pháp đo lường nghèo đa chiều, tiếp cận các dịch vụ cơ bản cũng như cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu để đảm bảo đời sống và tạo ra sự an toàn cho mọi thành viên trong xã hội. Qua đó, góp phần giảm thiểu bất bình đẳng, thực hiện chức năng tái phân phối thu nhập, đảm bảo ổn định chính trị và tạo sự đồng thuận xã hội để cùng xây dựng và phát triển; đồng thời cũng làm cho tỷ lệ nghèo trên địa bàn cả nước giảm nhanh, đối tượng tham gia và thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội ngày càng mở rộng; năng lực của người dân về phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục những rủi ro để ổn định cuộc sống, hoà nhập cộng đồng được nâng lên.

Thực tế cho thấy, cả hệ thống chính trị không chỉ đã nhận thức đúng, hiểu đúng, hiểu đầy đủ về vị trí, vai trò, ý nghĩa chính sách an sinh xã hội, cũng như việc cần thiết phải bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động, mà còn triển khai thực hiện tốt các chính sách như: Chăm sóc sức khỏe người dân, hỗ trợ người dân tham gia thị trường lao động, có việc làm, đảm bảo thu nhập; hỗ trợ tín dụng để người dân có thể tiếp cận nguồn vốn và tạo việc làm cho mình; hỗ trợ người dân tham gia các loại hình bảo hiểm (BHXH, BHYT, BH thất nghiệp) theo nguyên tắc tự nguyện; trợ cấp xã hội (thường xuyên và không thường xuyên) theo hướng luôn điều chỉnh, bổ sung phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội và khả năng huy động ngân sách, các nguồn lực tài chính khác của đất nước. Từ đó, không chỉ vừa góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, đảm bảo sự gắn kết xã hội, đồng thuận xã hội, cũng như xử lý tốt các mâu thuẫn xã hội nảy sinh, mà còn làm cho truyền thống nhân ái, sẵn sàng chia sẻ “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều” để không ai bị bỏ lại phía sau của dân tộc được thể hiện phong phú, sinh động trong thực tiễn những năm qua.

Đồ hoạ: Thanh An

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.627; [2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Sđd, tr.272; [3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Sđd, tr.175; [4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Sđd, tr.616-617; [5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Sđd, tr.617; [6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Sđd, tr.617; [7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Sđd, tr.617; [8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Sđd, tr.81; [9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Sđd, tr.527; [10] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.79-80; [11] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.228; [12] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr. 150; [13] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr. 116; [14]  Báo cáo số 580/BC-CP, của Chính phủ, ngày 20-10-2023 “Về đánh giá giữa nhiệm kỳ tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2021- 2025, Nghị quyết số 31/2021/QH15 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021- 2025”