Thứ Ba, 04 /02/2025 07:49

Cách đây 35 năm, thực hiện Đề án thí điểm được Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng thông qua ngày 29/8/1989, chính sách BHYT tự nguyện được triển khai tới nông dân tại huyện Thủy Nguyên, một huyện lớn của Hải Phòng có trên 30 vạn dân và thí điểm triển khai gần như bắt buộc cho 2.600 công nhân xí nghiệp đóng tàu Bạch Đằng và 5.000 công nhân cảng Hải Phòng, trên 3.000 người hưởng lương, trợ cấp BHXH.

Cũng chính từ những “mầm ươm” đầu tiên này, chính sách BHYT sau đó đã được triển khai trên quy mô toàn thành phố cảng. Từ năm 1989- 1992, Hải Phòng đã triển khai cả hai loại hình, BHYT tự nguyện và bắt buộc (tương tự như BHYT hộ gia đình và việc đóng BHYT tại các đơn vị SDLĐ như hiện nay) tại 9/12 quận huyện. Gần 2.000 công ty xí nghiệp, trường học đã mua gần 300.000 thẻ BHYT (có xã như Tam Đa, huyện Vĩnh Bảo đạt đến 90% dân số tham gia). Cơ quan BHYT thành phố đã ký hợp đồng với 21 bệnh viện, 23 phòng khám đa khoa để triển khai KCB cho người có thẻ BHYT.

Những con số thuần túy mang tính thống kê, nhưng thật khó để nói lên hết những tâm huyết, vất vả của những thế hệ cán bộ đầu tiên làm BHYT. Hàng loạt bài toán khó như: BHYT là gì? Vì sao phải mua BHYT từ khi còn khỏe trong khi đời sống người dân thời kỳ đó còn rất khó khăn, những tiêu cực còn phát sinh hằng ngày, hằng giờ tại các cơ sở KCB…? Những câu hỏi mang tính chất khai phá ấy, đã được những cán bộ BHYT đầu tiên của TP.Hải Phòng (và có lẽ cũng là đầu tiên trên cả nước) tự mày mò, tìm hiểu rồi tự trả lời cả về mặt lý luận và thực tiễn. Cũng chính những cán bộ đầu tiên này, còn phải lần lượt đi thuyết phục, dân vận hàng loạt cấp ủy, chính quyền địa phương và từng cơ sở KCB, từng người dân… để rồi từng bước tăng dần số người có thẻ BHYT.

Giá trị thực tiễn đem lại là rất lớn. Sau 3 năm, hơn 1.000 ngày thí điểm BHYT với bao khó khăn, thử thách ở Hải Phòng, ngày 24/9/1991, tại văn phòng Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), Bộ trưởng Bộ Y tế khi đó là GS.Phạm Song đã chính thức báo cáo xin ý kiến Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng về Tờ trình dự thảo Pháp lệnh BHYT. Sau khi nghe ý kiến trình bày của Bộ Y tế, của đại diện thành phố Hải Phòng và các đại biểu tham dự, đồng chí Phan Văn Khải đã thay mặt Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng đã cho ý kiến chỉ đạo: Bộ Y tế cần tổng kết kinh nghiệm của Hải Phòng và một số địa phương đã làm thí điểm BHYT, cùng kinh nghiệm của một số nước đã làm thành công Bảo hiểm khám chữa bệnh- xây dựng Pháp lệnh để Hội đồng Bộ trưởng trình lên Hội đồng Nhà nước ban hành Pháp lệnh BHYT làm ra toàn quốc, BHYT có thể là một cứu cánh để giải quyết khó khăn về kinh phí cho y tế hiện nay và tạo nên thói quen lâu dài cho xã hội.

3 năm thí điểm BHYT, bắt đầu từ huyện Thủy Nguyên và sau đó là toàn TP.Hải Phòng thực sự đã góp phần tích cực để hình thành một chính sách an sinh của quốc gia. Đây là cơ sở thực tiễn quan trọng để Bộ Y tế trình Chính phủ và ngày 15/8/1992 Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký Nghị định 299/NĐ-HĐBT triển khai BHYT trong phạm vi toàn quốc.

Là một đô thị trẻ, Thành phố Thuỷ Nguyên đang dần được khoác lên mình những gam màu tươi sáng, một diện mạo mới với vị thế của một trong những trung tâm đô thị hành chính của thành phố cảng trong tương lai không xa.

Chính sách BHYT, từ những “mầm ươm” đầu tiên năm xưa, đến nay cũng đã không ngừng phát triển mạnh mẽ. Ông Nguyễn Văn Nhiên- Giám đốc BHXH thành phố Thủy Nguyên phấn khởi cho hay: Tỷ lệ bao phủ BHYT trong toàn huyện đã tăng liên tục qua các giai đoạn.

Cũng theo Giám đốc BHXH thành phố Thủy Nguyên, càng ngày, chính sách BHYT đóng vai trò quan trong hơn với đời sống người dân. Điều này được thể hiện qua những con số về chi phí KCB BHYT không ngừng gia tăng. Cụ thể, năm 2009, tổng chi phí KCB BHYT trên địa bàn là 13,956 tỷ đồng; năm 2017 là 104,82 tỷ đồng và đến năm 2023 là trên 111,383 tỷ đồng.

Không chỉ dừng lại ở những con số BHXH thành phố Thuỷ Nguyên cũng đang xây dựng được các mô hình phát triển BHXH, BHYT từ cơ sở có tính bền vững cao. BHXH thành phố đang tham mưu UBND thành phố chỉ đạo kiện toàn Ban chỉ đạo phát triển thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đến năm 2030. Tham mưu UBND thành phố chỉ đạo 21/21 xã, phường xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu vận động nhân dân tham gia BHYT đến từng thôn, tổ dân phố; 21/21 xã, phường. Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT do đồng chí Chủ tịch UBND làm Trưởng ban và đồng chí Phó Chủ tịch UBND làm Phó Trưởng ban, các tổ chức chính trị- xã hội và một số ngành liên quan làm thành viên; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo để chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi các thôn, tổ dân phố triển khai thực hiện.

BHXH thành phố thực hiện ký quy chế phối hợp 3 bên (BHXH- UBND- tổ chức dịch vụ thu) của toàn thành phố, thường xuyên phối hợp với các cơ quan như Hội liên hiệp phụ Nữ, Hội Nông dân, Liên đoàn lao động thành phố, Phòng Văn hóa thông tin & thể thao thành phố… để tổ chức hội nghị tuyên truyền về luật BHYT, BHXH sửa đổi. Tuyên truyền phát triển đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện bằng các hình thức như: Tổ chức hội nghị truyền thông; tuyên truyền nhóm nhỏ; đối thoại trực quan, trực tiếp, phát hành tờ rơi, tờ gấp…

“Qua hơn 3 thập kỷ, từng ngày, nhận thức của nhân dân, người SDLĐ về BHYT cũng như về BHXH đã dần chuyển biến tích cực. Đây là yếu tố quan trọng để chính sách BHXH, BHYT tiếp tục phát triển mạnh mẽ tại Thuỷ Nguyên”, ông Nhiên nhấn mạnh.

Năm 2024, bên cạnh kết quả phát triển BHYT, các chỉ số phát triển khác của BHXH thành phố Thuỷ Nguyên cũng rất đáng ghi nhận. Nổi bật trong đó là số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là trên 1.741 triệu đồng, đạt 105% kế hoạch được giao. Số người tham gia BHXH bắt buộc là 58.482, người, đạt 100,34% so với kế hoạch giao, tăng 6.032 người so với cùng kỳ năm 2023; tỷ lệ chậm đóng BHXH, BHYT 0,45% trên số thu; số người tham gia BHXH tự nguyện là 4.696 người, đạt 100,17% so với kế hoạch giao, tăng 422 người so với cùng kỳ năm 2023.

Công tác truyền thông luôn được chú trọng đẩy mạnh. Tiêu biểu như trong năm vừa qua, cơ quan BHXH đã chủ động tổ chức 27 hội nghị truyền thông khách hàng; 120 hội nghị tuyên truyền nhóm nhỏ; tư vấn 1:1 tại các xã, thị trấn, các khu dân cư ; 2 Lễ ra quân diễu hành trên các tuyến đường trục chính của huyện tuyên truyền nhân Tháng vận động, triển khai BHXH toàn dân và nhân dịp 15 năm ngày BHYT (1/7/2009- 1/7/2024); đăng 99 tin, bài, trên các phương tiện truyền thông, trên mạng xã hội (Facebook, Zalo OA) của đơn vị; phối hợp với Liên đoàn Lao động tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên đề Đẩy mạnh truyền thông hoạt động công đoàn trên mạng xã hội và những chính sách về BHXH”.

Kết quả đã phát triển được 690 người tham gia BHXH tự nguyện, 3.300 người tham gia BHYT hộ gia đình ; trong đó có trên 300 người tham gia BHXH tự nguyện là lực lượng bảo vệ an ninh cơ sở theo Nghị Quyết số 10/2024/NQ-HĐND ngày 19/7/2024 của Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng).

Cũng nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền nên tỷ lệ người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng đạt rất cao, 99,83%. Ngoài ra, tỷ lệ xác thực dữ liệu người tham gia BHXH, BHYT với CSDL quốc gia về Dân cư đạt 99,6%; 142.000 cài đặt và sử dựng ứng dụng VssID; 169.896 lượt tra cứu, trong đó có 141.838 lượt tra cứu thành công phục vụ khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip...

“Số thu, số phát triển người tham gia BHXH, BHYT của Thuỷ Nguyên luôn chiếm một tỷ trọng khá lớn trong tổng số thu trên toàn địa bàn thành phố Hải Phòng, là 1 trong 3 đơn vị BHXH cấp quận/huyện có số thu lớn nhất. Vì vậy, những nỗ lực, cố gắng của BHXH thành phố trong năm qua là rất đáng ghi nhận”, ông Nhiên nói.

Cũng theo Giám đốc BHXH thành phố Thuỷ Nguyên, các bài học kinh nghiệm, truyền thống phát triển BHYT sẽ được phát huy mạnh mẽ trong năm 2025. Tiếp tục bám sát chỉ đạo của Ngành, của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Thủy Nguyên, cụ thể hóa thành mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch, giải pháp theo từng giai đoạn, từng tháng, từng quý. Chủ động nắm bắt những nội dung mới của luật BHXH, BHYT sửa đổi kịp thời tuyên truyền tới các đơn vị, tổ chức và nhân dân theo cách thức phù hợp.

Tiếp tục phối hợp kịp thời chặt chẽ với các phòng, ban, ngành, các tổ chức chính trị, xã hội trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Tập trung công tác thu phát triển người tham gia BHXH, BHYT, giảm số tiền chậm đóng, song song với việc giải quyết chi trả kịp thời đầy đủ quyền lợi của NLĐ và nhân dân.

Khai thác và phát huy tối đa hiệu quả hệ thống công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu của ngành trong quản lý và điều hành để đề phòng các dấu hiệu trục lợi quỹ BHXH, BHYT, BHTN; hỗ trợ công tác thanh tra, kiểm tra và quản trị hệ thống rủi ro, quản lý quỹ khám chữa bệnh BHYT an toàn, hiệu quả, bảo đảm cân đối nguồn kinh phí khám chữa bệnh BHYT được giao.

Sắp xếp, bố trí bộ máy theo chỉ đạo của Ngành, nâng cao chất lượng đội ngũ, phát huy vai trò trách nhiệm của toàn thể viên chức, người lao động gắn với vị trí việc làm của từng viên chức, NLĐ.

“BHXH thành phố Thuỷ Nguyên đã chủ động, sớm đề ra các giải pháp, phát huy những kết quả đạt được, nêu cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa tiếp tục đổi mới các tổ chức, hoạt động có hiệu quả, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân”, ông Nhiên nhấn mạnh.

Bài: Minh Đức

Đồ hoạ: Thanh An