Thứ Năm, 31 /10/2024 09:52

Em Trần Mạnh Tâm (xã Kỳ Văn, TX.Kỳ Anh) đang là SV năm thứ 2 của Trường CĐ Công nghệ Hà Tĩnh. Cách đây nửa năm, Tâm bị tai nạn xe máy làm gãy xương đòn, chảy máu dưới màng nhện, tổn thương nội sọ, tràn máu phổi do chấn thương. Thời điểm đó, Tâm suy sụp tinh thần khi nghĩ đến tương lai. Tuy nhiên, được người thân và bạn bè động viên, nên em đã dần hồi phục, tinh thần ổn định trở lại.

“Em điều trị theo phác đồ của bác sĩ. Nằm ở BV Việt Đức, em may mắn được quỹ BHYT chi trả phần lớn chi phí KCB. Bản thân em thấy rất là may mắn vì có BHYT chi trả cho phần lớn trong mỗi lần đi khám, đỡ gánh nặng chi phí cho gia đình”- Tâm xúc động chia sẻ. Theo thống kê của BHXH tỉnh Hà Tĩnh, quỹ BHYT đã chi trả chi phí điều trị cho Trần Mạnh Tâm với số tiền gần 80 triệu đồng, với khoảng chục lượt đi khám và điều trị tại các BV trên địa bàn và BV tuyến Trung ương.

Thực tế cho thấy, BHYT đã và đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, đảm bảo sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, nhất là giảm khó khăn cho các gia đình có thu nhập thấp khi không may đau ốm, tai nạn. Mặt khác, khi nguy cơ bệnh tật ngày càng nhiều và giá dịch vụ y tế ngày càng tăng, thì việc tham gia BHYT là rất cần thiết, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, mà còn chia sẻ gánh nặng tài chính cho nhiều gia đình.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn không ít HSSV và người dân chủ quan, nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa của chính sách. Một câu chuyện đáng buồn là trường hợp em Võ Kim Hùng (sinh năm 2005, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh). Với dáng vẻ mệt mỏi, chị Nguyễn Thị Loan (mẹ của Hùng) cho biết, vợ chồng chị làm công nhân trong miền Nam, Hùng là con trai đầu đang theo học tại Trường CĐ Nghề Việt Đức. Cuối tháng 8 vừa qua, Hùng cùng bạn đi xe máy và bị va chạm với xe container, phải phẫu thuật sọ não. Lúc này, vợ chồng chị Loan thực sự hoang mang, vì thẻ BHYT của con đã hết hạn từ một năm trước. “Viện phí mỗi ngày của Hùng là hơn 3 triệu đồng, tiền chi phí phẫu thuật lên đến hàng chục triệu. Số tiền này đối với một gia đình làm công nhân như chúng tôi quá lớn”- chị Loan chia sẻ.

Theo BHXH tỉnh Hà Tĩnh, trong năm học 2023-2024, toàn tỉnh còn 872 HSSV chưa tham gia BHYT, tập trung chủ yếu tại địa bàn huyện Hương Khê, Kỳ Anh và khối các trường chuyên nghiệp. Riêng khối trường chuyên nghiệp còn hơn 400 HSSV chưa tham gia, đáng chú ý như: Trường CĐ Nghề Việt Đức mới đạt 95,8%; Trường ĐH Hà Tĩnh 95,4%; Trường TC Nghề Hà Tĩnh 89,6%; Trường CĐ Công nghệ Hà Tĩnh 85%... Tại một số trường, việc chỉ đạo và thực hiện chính sách BHYT HSSV chưa thực sự sát sao như: Trường CĐ Công nghệ Hà Tĩnh không chủ động lập danh sách HSSV tham gia BHYT gửi cơ quan BHXH ngay từ đầu năm học, nên đã bỏ sót nhiều trường hợp HSSV đăng ký tham gia BHYT, dẫn đến quyền lợi của các em bị ảnh hưởng...

Nhằm triển khai thực hiện tốt chính sách BHYT HSSV, đặc biệt tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ông Mai Lê Thuộc- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh cho biết, ngay từ đầu năm học 2024-2025, Sở đã ban hành Văn bản số 2228/SLĐTBXH-GDNN- BĐG ngày 8/8/2024 về việc thực hiện BHYT HSSV năm học 2024-2025. Tuy nhiên, khối các trường giáo dục nghề nghiệp có đặc thù riêng. Theo đó, Sở đề nghị lãnh đạo các trường CĐ, TC nghề và Trung tâm GDNN-GDTX quan tâm chỉ đạo, triển khai công tác BHYT HSSV ngay từ đầu năm học mới.

Đồng thời, các trường cần phối hợp với BHXH tỉnh và BHXH các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tuyên truyền chính sách BHYT HSSV đến các phụ huynh và HSSV; phân công cán bộ, giáo viên phối hợp với cơ quan BHXH để xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; phối hợp rà soát, lập danh sách tham gia BHYT theo các nhóm được ngân sách hỗ trợ mức đóng, trên cơ sở đó xác định chính xác số tiền phải đóng của từng em.

Riêng đối với khối cơ sở GDNN, thông thường các em nhập học muộn hơn so với các khối khác và việc tham gia BHYT cũng không ổn định, thậm chí nhiều HSSV thường dừng học giữa chừng… nên công tác BHYT còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, các trường cần rà soát danh sách, phân loại HSSV để có giải pháp triển khai hiệu quả ngay từ đầu năm học. Đặc biệt, cần quan tâm đến những HSSV có hoàn cảnh khó khăn để có hình thực hỗ trợ và kêu gọi nguồn hỗ trợ đối với nhóm đối tượng này.

Kinh nghiệm trên địa bàn Hà Tĩnh cho thấy, ở những trường học nào có sự vào cuộc của Ban Giám hiệu, nhất là có sự phối hợp thường xuyên với phụ huynh, thì tỷ lệ bao phủ BHYT luôn đạt cao. Đáng nói, nếu không tham gia BHYT, đồng nghĩa với việc các em HSSV sẽ bị đánh mất cơ hội được hưởng quyền lợi chăm sóc sức khỏe từ chính sách BHYT, nhất là khi không may mắc bệnh hiểm nghèo, gia đình các em có thể sẽ phải đối mặt với gánh nặng chi phí điều trị rất lớn…

Hiểu rõ điều này, nên hầu hết các trường đều thể hiện quyết tâm tâm cùng vào cuộc thực hiện tốt chính sách BHYT HSSV. Ông Nguyễn Đình Đại- Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Hà Tĩnh cho biết, năm học 2024-2025, nhà trường phân công cán bộ phụ trách công tác BHXH thường xuyên bám sát tình hình để sàng lọc, phân loại HSSV. Trên cơ sở đó, tham mưu cho Ban giám hiệu chỉ đạo các phòng liên quan lập danh sách gửi về khoa, lớp để vận động các em tham gia đúng quy định.

“Nhà trường thực hiện BHYT HSSV quyết liệt ngay từ đầu năm học, để cấp thẻ BHYT kịp thời cho các em theo năm tài chính. Bên cạnh đó, trường cũng thường xuyên tuyên truyền, giáo dục và đôn đốc để các em hiểu rõ trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia BHYT, từ đó chủ động tham gia BHYT để bảo vệ cho sức khỏe của chính mình”- ông Đại chia sẻ.

Thực hiện: Nam Quốc-Như Hoa

Trình bày: Hà Hùng