Cũng như bao người dân Thuỷ Nguyên khác, ông Nguyễn Xuân Phiến (sinh năm 1942) không khỏi bồi hồi trước thời khắc đặc biệt đánh dấu bước chuyển mình của mảnh đất quê hương. Ở độ tuổi hơn 80, lại có tới hơn 20 năm giữ cương vụ Phó Chủ tịch huyện, phụ trách kinh tế, rồi cả văn hoá- xã hội, niềm vui của ông Phiến còn xen lẫn nhiều sự tự hào. Trong những thành tựu của Thuỷ Nguyên hôm nay, có không ít những đóng góp của ông và những cán bộ lãnh đạo cùng thế hệ.
Đặc biệt hơn, trong tiến trình phát triển BHYT, huyện Thuỷ Nguyên được ghi danh là một trong địa phương đầu tiên trên cả nước thí điểm BHYT. Ông Nguyễn Xuân Phiến- với cương vị Phó Chủ tịch huyện Thuỷ Nguyên phụ trách văn xã lúc đó (1989), cũng chính là người trực tiếp chỉ đạo triển khai thí điểm đến từng địa bàn xã, góp phần rất lớn để nhân rộng mô hình bảo hiểm sức khoẻ- bản chất là BHYT, thực hiện trên toàn thành phố cảng sau đó.
Quỹ Bảo hiểm sức khỏe Thủy Nguyên được UBND huyện quyết định thành lập ngày 28/12/1989, chỉ 3 tháng sau Trung tâm Bảo hiểm sức khỏe Hải Phòng ra đời. Mọi thứ để hoạt động khi đó gần như bằng 0; phải mượn một phòng nhỏ của Bệnh viện huyện để làm trụ sở tạm thời. Cùng với đó là nhiều bỡ ngỡ về phương pháp chỉ đạo, quản lý và phát hành thẻ bảo hiểm.
Giữa bối cảnh “vạn sự khởi đầu nan” ấy, UBND huyện Thuỷ Nguyên đã quyết định hỗ trợ 3 triệu đồng tiền mặt cùng với Bảo hiểm sức khỏe thành phố cấp cho 2 vạn thẻ đã in nội dung sẵn và một chiếc xe máy babetta. Nhờ đó, những cán bộ BHYT của huyện Thuỷ Nguyên mới có kinh phí hoạt động và nhất là phương tiện để xuống các xã vận động người dân mua thẻ bảo hiểm sức khỏe. Năm đó, xã Đông Sơn được chọn là địa bàn đầu tiên.
“Hồi đó tôi được giao làm Trưởng ban chỉ đạo vận động BHYT. Trước khi triển khai phải xuống quán triệt đến toàn bộ cấp uỷ, lãnh đạo chủ chốt của xã Đông Sơn. Nhấn mạnh đây là chính sách khơi nên truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc, yêu cầu toàn bộ đảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện. Xã Đông Sơn bấy giờ có 9 đội sản xuất, tương ứng là 9 chi uỷ, tất cả đều được yêu cầu thực hiện BHYT. Trước hết là giao chỉ tiêu, cứ 2 đảng viên phải vận động được 3 quần chúng tham gia. Cố gắng làm sao được 10% dân số xã có BHYT; toàn cán bộ của cấp uỷ, chính quyền địa phương đều phải cố gắng tham gia”, ông Phiến kể lại.
BS.Vũ Quang Điềm, nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế Thủy Nguyên cũng đã có lần kể lại đây là việc làm khó khăn nhất, vất vả nhất, đôi lúc khổ nhục bởi những lời mỉa mai: “có tiền tôi mời thầy thuốc về nhà chữa bệnh hoặc đi bệnh viện tự trả viện phí, cần gì mảnh giấy của mọi người...”, thậm chí họ không tiếp. Đội quân vận động là cả ban giám đốc, cán bộ các khoa phòng của bệnh viện chia ra các mũi vào từng đội sản xuất, từng nhà để vận động mua thẻ bảo hiểm sức khỏe. Trời mưa to, gió lớn là lúc người dân ở nhà, nhưng đây là lúc mà đoàn cán bộ vận động phải che mưa đi chân đất vào từng nhà, có người bị ngã bẩn hết quần áo, có người bị chó cắn phải tiêm phòng dại.
Qua một tháng vất vả đội nắng, dầm mưa mới phát hành được 30% số dân trong xã mua bảo hiểm sức khỏe. Khi có thẻ bảo hiểm sức khỏe mọi người đua nhau đi KCB tại trạm y tế xã, và bệnh viện. Bệnh nhân vào nằm điều trị thì đòi hỏi thuốc nhiều, thuốc ngoại theo ý thích không theo phác đồ điều trị… Thầy thuốc, y tá chỉ còn biết chịu đựng.
Kết thúc 1 tháng thí điểm, UBND huyện đã tổ chức sơ kết và mời đại diện 36 xã gồm Bí thư, Chủ tịch UBND, Trưởng trạm Y tế xã, Chủ nhiệm Hợp tác xã, các ban, ngành của huyện nghe báo cáo kết quả đã làm ở xã Đông Sơn, UBND huyện quyết định phát hành thẻ bảo hiểm sức khỏe trên cả 36 xã và các cơ quan xí nghiệp đóng trên địa bàn huyện.
“Lúc đầu khó khăn lắm. Tôi phải cùng lãnh đạo bệnh viện huyện và cán bộ BHYT trực tiếp xuống địa bàn từng xã để quán triệt, chỉ đạo và vận động quần chúng nhân dân. Liên tục từng tháng họp giao ban với các bên để nắm sát tình hình và tháo gỡ những vướng mắc mới phát sinh, cả trong khám, chữa bệnh cũng như trong việc vận động phát hành và chi từ quỹ BHYT. Mục tiêu là càng đông người dân tham gia thì càng tốt. Khó khăn nhiều lắm. Nếu mà buông, không quyết tâm thì khó mà thành công”, ông Phiến chia sẻ.
Từ kết quả ban đầu của Quỹ Bảo hiểm sức khỏe Thủy Nguyên, ngày 18/5/1990, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng Đào An ký Chỉ thị số 30/CT-VX của UBND thành phố về việc phát triển Bảo hiểm sức khỏe ra toàn thành phố. Sau Chỉ thị của UBND thành phố lần lượt các quận nội thành, thị xã Kiến An, Đồ Sơn và các huyện An Lão, An Hải, Tiên Lãng và hàng trăm cơ quan, xí nghiệp, trường học tham gia.
Ngày 9-10/11/1990, đồng chí Nguyễn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã về kiểm tra tình hình thực hiện công tác Bảo hiểm sức khỏe của TP.Hải Phòng.
Tiến trình phát triển BHYT sau đó là cả một chặng đường dài. Dù vậy, có thể khẳng định rằng, sự khởi đầu từ Thuỷ Nguyên là một trong những dấu mốc khó quên. Đó là sự khởi đầu với vô vàn thách thức, mang nhiều giá trị thực tiễn và nhiều bài học kinh nghiệm quan trọng. Một trong số đó là bài học về sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền sẽ quyết định đến sự thành công của chính sách BHYT- một chính sách có phạm vi bao phủ tác động đến gần như mọi người dân. Ngay cả bây giờ, khi nhắc lại câu chuyện năm xưa, nguyên Phó Chủ tịch huyện vẫn dành những tình cảm khá đặc biệt với đội ngũ cán bộ làm BHYT hồi đó.
Khi được hỏi về chiếc xe babetta và cả số tiền hỗ trợ kinh phí hoạt động những ngày đầu, ông Phiến nói: “Đội ngũ cán bộ làm BHYT những ngày đầu khó khăn, vất vả lắm. Cán bộ làm bên y tế thì còn có lương chứ cán bộ BHYT thì gần như không có gì. Thế nhưng anh em ai cũng nhiệt tình, lăn xả vào việc, hy sinh nhiều về thời gian, công sức. Vậy nên UBND huyện cũng cố gắng bố trí nguồn kinh phí để hỗ trợ, động viên thêm cho anh em yên tâm làm việc”.
“Đứa con trai đầu nhà tôi, năm rồi bị đột quỵ, phải điều trị hết nhiều tiền lắm. Vừa chữa trị, thuốc thang rồi làm vật lý trị liệu… BHYT cũng chi trả nhiều”- nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Thuỷ Nguyên, Trưởng Ban vận động BHYT năm xưa chia sẻ câu chuyện của nhà mình như để minh chứng cho hiệu quả thiết thực của BHYT.
Với gần 94 triệu người tham gia trên cả nước, tương ứng khoảng 94% dân số, những câu chuyện về BHYT như trên đã và đang hiện hữu ngày càng phổ biến trong nhiều gia đình. Nhưng với vai trò là lãnh đạo chính quyền trực tiếp chỉ đạo thực hiện thí điểm năm xưa, ông Phiến luôn nhắc đến BHYT với một niềm trân trọng đặc biệt.
“Bây giờ BHYT đã bao phủ đến toàn dân. Thế là quá tốt rồi”, ông Phiến chia sẻ sự tâm đắc với chính sách an sinh lớn của Đảng, Nhà nước. Đây cũng là chính sách mà ông và những cán bộ lãnh đạo cùng thế hệ đã dày công “vun đắp” từ Thuỷ Nguyên.
Bài: Minh Đức
Đồ hoạ: Thanh An