Tạp chí Bảo Hiểm Xã Hội Phát triển BHXH, BHYT tại Bắc Giang: Sẽ chú trọng nhân rộng các mô hình hay
ASXHPortalViewLongForm
Longform

Phát triển BHXH, BHYT tại Bắc Giang: Sẽ chú trọng nhân rộng các mô hình hay

Shared facebook

* PV: Nhắc đến Bắc Giang, người ta sẽ nhớ ngay đến quê hương của vải thiều. Nhưng hiện nay, Bắc Giang đã và đang được biết đến nhiều hơn với vai trò là một địa phương phát triển công nghiệp mạnh mẽ. Ông có thể chia sẻ gì về điều này?

- Ông Mai Sơn:

Đúng là Bắc Giang có lợi thế phát triển nông nghiệp, đặc biệt nổi tiếng với vùng trồng và xuất khẩu vải thiều lớn nhất của cả nước. Đến nay, lợi thế này vẫn tiếp tục được Bắc Giang phát huy mạnh mẽ. Đơn cử, vụ vừa qua, tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ toàn tỉnh đạt trên 199.500 tấn, trong đó vải chín sớm tiêu thụ đạt trên 61.000 tấn, vải chính vụ tiêu thụ đạt trên 138.500 tấn. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, áp lực trong xuất khẩu, giá vải thiều đầu và cuối vụ ở mức cao, giữa vụ được duy trì ổn định. Tổng doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ ước đạt 6.785 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ vải thiều đạt 4.411 tỷ đồng, doanh thu từ các hoạt động dịch vụ phụ trợ đạt 2.374 tỷ đồng. Thu nhập từ vải thiều nói riêng cũng như nông nghiệp nói chung vẫn đóng một vai trò quan trọng trong thu nhập hằng năm của bà con cũng như của nền kinh tế tỉnh.

Cùng với phát triển nông nghiệp, Bắc Giang cũng xác định rõ hướng phát triển mới để có tính đột phá hơn về kinh tế-xã hội, trong đó cần phải phát triển mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp để tận dụng được lợi thế của địa phương. Có thể nói, Bắc Giang đang là một trong những địa phương xây dựng và phát triển kinh tế với “độ mở” rất lớn. Với giá trị tăng 23,98%, Bắc Giang trở thành tỉnh đứng đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trong 9 tháng đầu năm 2022, trong đó: Ngành công nghiệp-xây dựng tăng 34,72%; dịch vụ tăng 7,32%; nông- lâm- thủy sản tăng 1,57%; thuế sản phẩm tăng 6,71%. Thu ngân sách nội địa đạt trên 12.160 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ.

Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, lũy kế 10 tháng đầu năm, tỉnh thu hút được 1,1 tỷ USD, gấp 1,27 lần so với cùng kỳ, trong đó gồm: Cấp mới 21 dự án DDI với số vốn đăng ký 4.906 tỷ đồng, gấp 3,2 lần; 23 dự án FDI với số vốn đăng ký 289,15 triệu USD, bằng 44,68%. Bên cạnh đó, tỉnh điều chỉnh 8 dự án trong nước, vốn đăng ký bổ sung 246 tỷ đồng, tăng gấp 2,7 lần; 35 dự án FDI với tổng vốn tăng thêm 592,88 triệu USD, tăng gấp 3,2 lần. Trong tháng 10, toàn tỉnh có 44 DN thành lập mới, tăng 17% so với cùng kỳ; lũy kế 10 tháng, tỉnh có 1.279 DN thành lập, tăng 25%; vốn đăng ký trên 24.770 tỷ đồng, tăng 23%.

* Thực sự đây là những con số rất ấn tượng về phát triển kinh tế, công nghiệp ở vùng đất vốn được biết đến với thế mạnh nông nghiệp. Từ sự phát triển mạnh mẽ này, thu nhập, đời sống và an sinh xã hội của người dân được đảm bảo như thế nào, thưa ông?

- Bắc Giang đã và đang phát triển mạnh công nghiệp, số lượng KCN, CCN, DN đầu tư sản xuất trên địa bàn ngày càng nhiều. Lợi ích thấy rõ nhất là số lượng việc làm tăng lên; thu nhập và đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Bên cạnh đó, từ phát triển kinh tế mạnh mẽ, Bắc Giang cũng có được nguồn lực rất lớn để chăm lo an sinh xã hội cho người dân, nhất là thực hiện hiệu quả hơn công tác xóa đói, giảm nghèo.

Với vai trò là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, chính sách BHXH, BHYT cũng luôn được UBND tỉnh Bắc Giang chú trọng chỉ đạo thực hiện. Điều này thể hiện rõ qua cơ chế trích ngân sách tỉnh hỗ trợ hộ cận nghèo (20%), hộ nông- lâm- ngư- diêm nghiệp (10%) tham gia BHYT; hỗ trợ thêm 10% với các nhóm đối tượng khác tham gia BHXH tự nguyện (người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo…).

Phát triển mạnh kinh tế cũng là điều kiện tiên quyết để tỉnh mở rộng hơn số người tham gia BHXH, BHYT. Cụ thể, toàn tỉnh Bắc Giang hiện có 5 KCN, 31 CCN đang hoạt động, tạo công ăn việc làm và tham gia BHXH, BHYT cho trên 300.000 NLĐ ở địa phương cũng như một số tỉnh, thành phố lân cận.

Với nền tảng trên, chính sách BHXH, BHYT đã và đang được thực hiện hiệu quả tại tỉnh Bắc Giang. Theo số liệu của BHXH tỉnh, tính đến hết tháng 9/2022, toàn tỉnh có 340.650 người tham gia BHXH bắt buộc; 37.790 người tham gia BHXH tự nguyện; 1,73 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 99% dân số của tỉnh. Trên cơ sở đó, công tác giải quyết chế độ BHXH, chi trả lương hưu, KCB BHYT đã và đang được thực hiện nền nếp, hiệu quả, góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn.

Có thể khẳng định, với điều kiện kinh tế-xã hội của Bắc Giang như hiện nay, việc đạt được các chỉ số phát triển BHXH, BHYT tương đối tích cực như trên thực sự rất đáng ghi nhận, cho thấy sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh.

* Ông có thể nói rõ hơn về vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh?

- Như đã chia sẻ ở trên, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền tỉnh Bắc Giang được thể hiện rất rõ qua cơ chế trích ngân sách tỉnh hỗ trợ các nhóm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT. Đặc biệt, một số địa bàn huyện cũng cố gắng xây dựng cơ chế hỗ trợ tham gia từ ngân sách của huyện, tiêu biểu như huyện Hiệp Hòa, huyện Lạng Giang…

Chúng tôi cũng có các mô hình, cách làm rất hiệu quả, tiêu biểu cho vai trò của cấp ủy, chính quyền trong việc phát triển BHXH, BHYT. Cụ thể như: Về việc thực hiện mô hình Tháng cao điểm, đã lấy tháng 11 hằng năm là dịp toàn tỉnh ra quân vận động nhân dân tham gia BHYT theo Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 1/9/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016-2020. Mô hình này được thực hiện bền bỉ từ năm 2016 cho đến nay, huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền các huyện, đoàn thể ở địa phương, qua đó lan tỏa và đạt kết quả vô cùng cao về phát triển BHYT. Đặc biệt, tỷ lệ bao phủ BHYT tăng lên qua từng năm và hiện đạt khoảng 99% dân số.

Từ thành công của mô hình trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang tiếp tục ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 2/7/2021 về việc đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025. Mô hình Tháng cao điểm vốn đã thành công với BHYT, giờ lại tiếp tục được áp dụng với BHXH tự nguyện và được tổ chức vào tháng 5/2022.

Kết quả, trong Tháng cao điểm, đã vận động tăng mới được 4.839 người tham gia BHXH tự nguyện, trong đó có 913 người đã từng có thời gian tham gia BHXH bắt buộc, nghỉ việc và được vận động thành công để tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện. Một số huyện đạt kết quả cao trong Tháng cao điểm như: Lục Ngạn vận động được 681 người, Việt Yên vận động được 725 người, Lục Nam vận động được 578 người…

Đầu tháng 8 vừa qua, UBND tỉnh Bắc Giang tiếp tục có công văn chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tăng cường vận động phát triển BHXH tự nguyện. Theo công văn này, UBND tỉnh yêu cầu trong tháng 10, các huyện, thành phố phải sớm hoàn thành chỉ tiêu được giao năm 2022 về BHXH tự nguyện. Đến nay, đã có huyện Lục Ngạn và huyện Lục Nam đạt yêu cầu nói trên, sớm về “đích” BHXH tự nguyện năm 2022.

* Với nhiều con số ấn tượng như vậy, có thể nói, Bắc Giang đang có được nền tảng bảo đảm an sinh xã hội rất tốt cho người dân? Vậy, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục có định hướng chỉ đạo công tác này như thế nào, thưa ông?

- Mặc dù đạt được nhiều kết quả, nhưng chúng tôi vẫn không chủ quan, mà luôn nhìn nhận và đánh giá thường xuyên các hạn chế, vướng mắc để có chỉ đạo khắc phục. Chẳng hạn: Tỷ lệ tham gia BHXH trên địa bàn chưa thực sự đạt yêu cầu như mong muốn. Số tham gia BHXH bắt buộc dễ có biến động giảm nếu tình hình sản xuất kinh doanh của các DN thay đổi theo chiều hướng khó khăn. Số tham gia BHXH tự nguyện đã đạt kết quả cao, nhưng chưa bền vững và cũng chưa thực sự “phủ sóng” đến đông đảo nhóm đối tượng tiềm năng…

Những hạn chế nói trên sẽ được UBND tỉnh chú trọng chỉ đạo để sớm khắc phục, đặc biệt nêu cao hơn nữa vai trò tham mưu và chủ động thực hiện của BHXH tỉnh cũng như sự phối hợp của các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố. Do vậy, trước mắt, như thường lệ, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo thực hiện hiệu quả Tháng cao điểm vận động người dân tham gia BHYT và tiếp tục vận động, gia tăng số tham gia BHXH tự nguyện trong tháng 11. Đồng thời, các cách làm hay, sáng tạo trong tuyên truyền, vận động tại các huyện, thành phố sẽ tiếp tục được lan tỏa, nhân rộng.

UBND tỉnh cũng chỉ đạo BHXH tỉnh phối hợp chặt chẽ với Bưu điện tỉnh nhanh chóng kiện toàn, nâng cao hiệu quả hơn nữa hoạt động của các tổ chức dịch vụ thu, nhất là các điểm thu, nhân viên thu ở các địa phương. Cùng với đó, chủ động tham mưu cơ chế nêu cao vai trò tham gia vận động BHXH, BHYT của các tổ chức, đoàn thể ở cơ sở- bởi đây là đội ngũ sâu sát, trực tiếp nhất với người dân, hiểu người dân nhất, nên tham gia vận động BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình hiệu quả nhất.

Vấn đề thực hiện BHXH, BHYT tại các DN trên địa bàn cũng cần được quan tâm chỉ đạo, nhất là với việc ngăn chặn chậm đóng, nợ đóng BHXH, BHYT của các đơn vị. Với khoảng 300.000 công nhân trên địa bàn tỉnh, nếu để xảy ra tình trạng nợ đóng, trốn đóng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi BHXH, BHYT của nhóm đối tượng này, dễ gây nên những bất ổn, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, an sinh xã hội. Vì vậy, UBND tỉnh chỉ đạo BHXH tỉnh cùng các đơn vị chức năng theo sát tình hình hoạt động của các đơn vị SDLĐ để yêu cầu thực hiện nghiêm Luật BHXH, Luật BHYT, quyết tâm giảm nợ đọng, ngăn chặn phát sinh nợ mới, bảo đảm quyền lợi BHXH, BHYT trước mắt cũng như dài hạn cho NLĐ.

* Trân trọng cảm ơn ông!

Minh Đức (Thực hiện)

Đồ hoạ: Hiểu Thanh


Viết bình luận
Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Thời gian qua, tại một số địa phương, hành vi cấp khống Giấy chứng nhận (GCN) nghỉ việc hưởng BHXH đã được cơ quan Công an mở chuyên án điều tra. Thậm chí, có nơi, Tòa án đã đưa vụ việc ra xét xử và tuyên mức án nghiêm khắc.

Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Không chỉ trục lợi từ việc bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH, một số PK và các đối tượng còn trục lợi bằng việc bán giấy khám sức khỏe, sổ BHXH; lập chứng từ, hồ sơ KCB BHYT khống để trục lợi quỹ BHYT. Đáng nói, có các đường dây bán giấy khống liên tỉnh, nên NLĐ từ địa phương này nhưng có GCN của PK từ địa phương khác.

Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Thời gian qua, tình trạng mua bán Giấy chứng nhận (GCN) nghỉ việc hưởng BHXH tại các địa phương khu vực Đông Nam Bộ (Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM…) hầu như ngang nhiên tồn tại, đặc biệt nở rộ từ thời điểm xảy ra dịch bệnh COVID-19 đến nay. Đã đến lúc gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh và mạnh tay xử lý dứt điểm tình trạng này.

Ngăn ngừa chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT: Nhiều giải pháp hiệu quả

Ngăn ngừa chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT: Nhiều giải pháp hiệu quả

Trong lĩnh vực thu BHXH, BHYT, tình trạng chậm đóng, trốn đóng chịu ảnh hưởng một phần khá lớn từ diễn biến tăng trưởng của nền kinh tế và “sức khỏe” của các DN ở từng thời điểm khác nhau.