Trong lĩnh vực thu BHXH, BHYT cũng vậy. Tình trạng chậm đóng, trốn đóng cũng phức tạp, chịu ảnh hưởng một phần khá lớn từ diễn biến tăng trưởng của nền kinh tế và “sức khỏe” của các DN ở từng thời điểm khác nhau. Dù vậy, ngành BHXH Việt Nam luôn chú trọng triển khai các giải pháp để giảm số chậm đóng, trốn đóng, nhất là cố gắng đảm bảo quyền lợi BHXH, BHYT cho NLĐ.
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, trong năm 2022, tổng số thu BHXH, BHYT là 435.168 tỷ đồng, tăng 38.531 tỷ đồng (9,71%) so với năm 2021, đạt 102,68% kế hoạch năm và vượt 11.354 tỷ đồng so với chỉ tiêu Chính phủ giao. Đặc biệt, số chậm đóng BHXH, BHYT đã được giảm xuống mức thấp nhất trong giai đoạn vừa qua. Cụ thể, số chậm đóng là 12.988 tỷ đồng, chiếm 2,91% số phải thu- đây là tỷ lệ chậm đóng/số phải thu được ghi nhận ở mức thấp nhất từ năm 2016 trở lại đây (năm 2016, tỷ lệ chậm đóng ở mức 6% tổng số phải thu).
Cần phải nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh “hậu Covid-19”, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế quốc gia gặp không ít khó khăn. Tình hình “sức khỏe” của DN không thực sự tốt, ảnh hưởng tiêu cực đến dòng tiền, đóng nộp BHXH, BHYT; dẫn đến phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, thị trường lao động bị biến động cục bộ ở một vài thời điểm nhất định. Công tác thu BHXH, BHYT phải đối mặt với vô vàn áp lực. Do đó, việc đạt và vượt số thu, đặc biệt là đã duy trì tỷ lệ chậm đóng ở mức thấp như đã nêu là một nỗ lực rất đáng ghi nhận.
Theo đó, nhiều giải pháp đã được ngành BHXH Việt Nam triển khai quyết liệt. Đặc biệt, Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam đã ban hành riêng một nghị quyết (Nghị quyết số 317-NQ/BCSĐ), trong đó đặt ra chỉ tiêu thu và giảm tỷ lệ chậm đóng; qua đó thể hiện sự quyết tâm chỉ đạo quyết liệt trong toàn Ngành. Liên tục hằng tháng, BHXH Việt Nam tổ chức giao ban toàn Ngành về công tác thu, phát triển người tham gia. Trong đó, đánh giá chi tiết tiến độ thu, chỉ tiêu giảm chậm đóng với từng địa phương; trên cơ sở đó kịp thời đưa các chỉ đạo phù hợp với tình hình cả nước cũng như đặc thù ở từng tỉnh, thành phố.
Đặc biệt, ở thời điểm tháng 8/2022, BHXH Việt Nam đã tổ chức 8 đoàn công tác, trực tiếp do Tổng Giám đốc và các Phó Tổng Giám đốc làm Trưởng đoàn đến nắm bắt tình hình và chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các giải pháp thu, giảm chậm đóng tại 8 cụm tỉnh, thành phố. Công tác thanh tra, kiểm tra cũng được lãnh đạo Ngành chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ. Năm 2022, toàn Ngành chủ trì và phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 36.383 đơn vị (bằng 217% so với cùng kỳ năm 2021), thu được kết quả rất đáng ghi nhận.
Cụ thể, số tiền chậm đóng trước khi có quyết định thanh tra, kiểm tra là 4.306,6 tỷ đồng; số đã khắc phục, nộp tiền chậm đóng là 3.825 tỷ đồng (bằng 88,8%). Qua thanh tra, kiểm tra đã yêu cầu truy thu đối với 88.017 trường hợp đóng không đúng quy định (về đối tượng, mức đóng) với số tiền truy thu 227,4 tỷ đồng (bằng 178,3% so với năm 2021). Yêu cầu thu hồi về quỹ BHXH, BHYT 102 tỷ đồng (bằng 181,5% so với năm 2021)...
Để nâng cao hiệu quả, BHXH Việt Nam đã tập trung triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo phương thức điện tử: Khai thác dữ liệu lớn, phân tích các tiêu chí rủi ro để đôn đốc thanh tra, kiểm tra; tăng cường thanh tra chuyên ngành đóng đối với các đơn vị có dấu hiệu vi phạm, đơn vị chậm đóng. Kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính các hành vi vi phạm pháp luật đóng BHXH, BHYT; lập hồ sơ khởi tố đối với trường hợp cố tình vi phạm...
Trong các tháng đầu năm 2023, những khó khăn của nền kinh tế vẫn còn không ít. Tình trạng DN thiếu đơn hàng mới dẫn đến phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động... khiến công tác thu, giảm chậm đóng vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Dù vậy, sự nỗ lực, cố gắng của cơ quan BHXH vẫn đang tiếp tục. Tổng số thu BHXH, BHYT trong 4 tháng đầu năm là 141.222 tỷ đồng, đạt 29,5% kế hoạch tạm giao, tăng 14.725 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Các giải pháp khắc phục, hạn chế chậm đóng/trốn đóng BHXH, BHYT vẫn đã và đang được ngành BHXH Việt Nam triển khai quyết liệt. Theo đó, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các địa phương phải thường xuyên nắm bắt thông tin, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị SDLĐ để có giải pháp phù hợp, tương ứng với từng đơn vị cụ thể. Chú trọng theo dõi, xây dựng CSDL những đơn vị có nhiều lao động, số tiền thu lớn nhằm hạn chế tình trạng chậm đóng kéo dài, hoặc chậm đóng với số tiền lớn.
Yêu cầu cử cán bộ trực tiếp đến đơn vị để đôn đốc thu kịp thời khi đơn vị có dấu hiệu chậm đóng, lập biên bản yêu cầu đơn vị đóng BHXH, BHYT đúng quy định. Hằng tháng thông báo cho đơn vị kết quả đóng BHXH, BHYT tháng trước và số tiền dự kiến phải đóng trong tháng để đơn vị biết được tổng số tiền phải đóng.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng tiếp tục chỉ đạo tăng cường thực hiện kiểm tra, thanh tra theo kế hoạch, thanh tra đột xuất, phát hiện kịp thời tình trạng trốn đóng, cương quyết xử phạt hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH theo quy định của Luật BHXH 2014. Ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về BHXH, BH thất nghiệp đối với các đơn vị SDLĐ có hành vi vi phạm về chậm đóng BHXH, BHYT. Ngoài ra, cơ quan BHXH các cấp cũng đang chủ động thực hiện điều tra, khảo sát; phối hợp chặt chẽ với ngành liên quan ở địa phương để thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu các đơn vị SDLĐ đóng BHXH cho NLĐ.
Cơ quan BHXH cũng đã chủ động chia sẻ thông tin về chậm đóng BHXH, BHYT của DN với cơ quan Thuế theo quy chế phối hợp và đề nghị cơ quan Thuế, cơ quan Thanh tra ở địa phương phối hợp thực hiện các cuộc thanh tra liên ngành. Đồng thời, chuyển hồ sơ những đơn vị không thực hiện quyết định, kết luận thanh tra đến cơ quan Công an và kiến nghị điều tra, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015. Cùng với đó, thường xuyên công khai danh sách các DN chậm đóng BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương.
Như đã phân tích ở trên, với mọi nền kinh tế phát sinh các quan hệ giao dịch thu-nộp các loại thuế, phí..., việc tồn tại tình trạng chậm nộp, dẫn đến phát sinh các loại “nợ” là một thực tế mang tính khách quan. Cũng bởi thực tế này nên trong một số chuyên ngành có quy định, tiêu chuẩn để phân loại nợ, theo phương pháp định lượng/định tính, có căn cứ để xác định và xử lý các loại nợ xấu/nợ khó đòi... Với công tác thu BHXH, BHYT, việc xuất hiện, tồn tại các loại nợ cũng đang là một thực tế.
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, ở thời điểm 31/12/2022, tổng số tiền chậm đóng là 12.988 tỷ đồng. Trong số đó có 3.176 tỷ đồng của các đơn vị đã phá sản, đang làm thủ tục giải thể, ngừng hoạt động, không còn người đại diện pháp luật (chủ bỏ trốn). Chi tiết hơn, trong số 3.176 tỷ đồng này số tiền chậm đóng thực tế (thường gọi là nợ gốc) là 2.262 tỷ đồng; còn lại 914 tỷ đồng là số tiền lãi chậm đóng.
Như vậy, trừ đi số chậm đóng của các đơn vị khó đòi (3.176 tỷ đồng), số chậm đóng có tính chất “gối đầu” luân chuyển của những DN đang hoạt động chỉ là 9.812 tỷ đồng. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị này vẫn đang tiếp diễn, trong trường hợp cần chi trả chế độ cho những NLĐ, cơ bản các DN đều thực hiện nghĩa vụ đóng theo quy định và được ưu tiên giải quyết kịp thời.
Với các đơn vị đã phá sản, đang làm thủ tục giải thể, ngừng hoạt động, không còn người đại diện pháp luật (chủ bỏ trốn), cơ quan BHXH cũng đã cố gắng, linh hoạt phối hợp, tham mưu đề xuất các giải pháp để cố gắng đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.
Cụ thể, theo BHXH Việt Nam, tổng số NLĐ tại các đơn vị đã phá sản, đang làm thủ tục giải thể, ngừng hoạt động, không còn người đại diện pháp luật (chủ bỏ trốn) là 206.468 người. Cơ quan BHXH đã giải quyết các chế độ (hưu trí, tử tuất, BHXH một lần...) cho khoảng 96.468 người. Như vậy còn khoảng 110.000 NLĐ chưa được giải quyết chế độ.
Những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết quyền lợi cho NLĐ đang từng bước được tháo gỡ. Theo đó, BHXH Việt Nam đã đề xuất giải pháp theo Công văn số 386/CSXH-BHXH gửi Bộ LĐ-TB&XH. Bộ LĐ-TB&XH cũng đã có Công văn số 1025/LĐTBXH-BHXH ngày 23/3/2023 xem xét giải quyết các chế hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản đối với NLĐ thuộc các trường hợp nêu trên. Theo đó, xác định giải quyết chế độ theo nguyên tắc: Căn cứ thời gian thực đóng BHXH đã được xác nhận; khi khoản tiền BHXH chưa đóng được đóng bù bởi đơn vị hoặc nguồn tài chính khác, sẽ thực hiện giải quyết bổ sung sau.
Cần nhấn mạnh rằng, khác với các ngành khác, đặc thù của chính sách BHXH, BHYT là thu để chi trả/giải quyết quyền lợi BHXH, BHYT cho NLĐ. Với nguyên tắc "có đóng, có hưởng", thời gian đóng, tiền đóng, mức đóng BHXH, BHYT của đơn vị SDLĐ là cơ sở quan trọng để giải quyết các chế độ hưởng ngắn hạn (BHYT, BH thất nghiệp, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động...) và dài hạn (hưu trí, tử tuất). Vì vậy, tình trạng DN chậm đóng, trốn đóng sẽ gây ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ.
Do đó, ngành BHXH Việt Nam đã chủ động triển khai nhiều giải pháp. Cụ thể: Trong giai đoạn 2016-2022, tỷ lệ tiền chậm đóng so với số phải thu đều giảm hằng năm. Dù vậy, với tính chất, vai trò của chính sách BHXH, BHYT tác động đến an sinh xã hội của đông đảo NLĐ và phần lớn dân số, rất cần sự chung tay của các cấp chính quyền để ngăn ngừa chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT.
Thực tế, vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương đã và đang được phát huy mạnh mẽ, theo dõi sát sao và thường xuyên có những chỉ đạo kịp thời. Đơn cử, UBND TP.Hà Nội đã ban hành riêng một kế hoạch chỉ đạo thực hiện các giải pháp, biện pháp thu hồi tiền chậm đóng BHXH, BHYT giai đoạn 2021-2025 (Kế hoạch số 194/KH-UBND ngày 26/8/2021). Bên cạnh đó là Quy chế phối hợp liên ngành gồm 7 cơ quan sở, ngành của Hà Nội (Công an, LĐLĐ, Sở LĐ-TB&XH, Sở Y tế, Thanh tra, Cục Thuế, BHXH Thành phố) về thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến BHXH, BHYT. Trong đó, các giải pháp thanh tra, kiểm tra, ngăn ngừa chậm đóng, trốn đóng đang được triển khai rất tích cực.
Hay như tại Bắc Giang, UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng Quy chế phối hợp trong việc bảo vệ quyền lợi về chính sách tiền lương, BHXH, BH thất nghiệp cho NLĐ. Theo đó, để ngăn ngừa tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Giang, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với BHXH tỉnh, Công an tỉnh, BQL các KCN, LĐLĐ, UBND các huyện/thành phố và các đơn vị liên quan xây dựng và ký kết Quy chế phối hợp trong việc cảnh báo sớm DN có dấu hiệu nợ lương, chậm đóng BHXH, BHYT.
Hơn bao giờ hết, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của cấp ủy, chính quyền với các giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn ở từng địa phương để ngăn ngừa chậm đóng, trốn đóng. Bên cạnh đó, cũng cần các giải pháp mạnh hơn về cơ chế, chế tài xử phạt hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT. Theo đó, BHXH Việt Nam đã đề xuất sửa đổi các nội dụng cụ thể trong Luật BHXH 2024; kiến nghị áp dụng một số biện pháp giảm tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH. Cụ thể, đề nghị ngân hàng, tổ chức tín dụng khác không thực hiện nghiệp vụ cho vay ưu đãi đối với trường hợp đơn vị, DN đang chậm đóng BHXH từ 3 tháng trở lên; xây dựng quy định về việc các đơn vị SDLĐ chậm đóng BHXH, BHYT không được tham gia đấu thầu, nhận thầu, hoặc thực hiện các công trình, dịch vụ của Nhà nước, hoặc công trình, dịch vụ công cộng khác.
Ngoài ra, các DN chậm đóng phải bị thanh tra, kiểm tra đột xuất, xử phạt vi phạm hành chính; bị cơ quan có thẩm quyền phong tỏa tài khoản, bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về chậm đóng BHXH từ 3 tháng trở lên. Đồng thời, đề nghị cấm xuất cảnh ra nước ngoài đối với trường hợp chậm đóng từ 3 tháng trở lên; cơ quan Thuế ngừng cấp hóa đơn; thu hồi giấy phép kinh doanh đối với các trường hợp chậm đóng BHXH từ 9 tháng trở lên...
Bài: Minh Đức
Đồ hoạ: Thanh An
Các kinh nghiệm quốc tế về xây dựng danh mục thuốc BHYT, đấu thầu, đàm phán giá và quản lý giá thuốc, thanh toán BHYT... là những gợi ý để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật triển khai chính sách BHYT.
Để phát triển BHYT toàn dân bền vững, nhiều nước đã phải trải qua nhiều giai đoạn cải cách, đổi mới cả về hệ thống BHYT và hệ thống cung ứng dịch vụ y tế. Bài viết chia sẻ kinh nghiệm phát triển BHYT bền vững ở một số quốc gia và đề xuất cho Việt Nam.
Thời gian qua, tại một số địa phương, hành vi cấp khống Giấy chứng nhận (GCN) nghỉ việc hưởng BHXH đã được cơ quan Công an mở chuyên án điều tra. Thậm chí, có nơi, Tòa án đã đưa vụ việc ra xét xử và tuyên mức án nghiêm khắc.
Không chỉ trục lợi từ việc bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH, một số PK và các đối tượng còn trục lợi bằng việc bán giấy khám sức khỏe, sổ BHXH; lập chứng từ, hồ sơ KCB BHYT khống để trục lợi quỹ BHYT. Đáng nói, có các đường dây bán giấy khống liên tỉnh, nên NLĐ từ địa phương này nhưng có GCN của PK từ địa phương khác.