Cần đảm bảo tính khả thi của Dự thảo Luật BHYT sửa đổi, bổ sung
Thứ Sáu, ngày 13/09/2024 19:01
ASXHPortalView

Cần đảm bảo tính khả thi của Dự thảo Luật BHYT sửa đổi, bổ sung

Shared facebook
Thứ Năm, ngày 12/09/2024 23:45

Cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT cần rà soát các khó khăn, vướng mắc của hoạt động BHYT trong thực tế để sửa đổi Luật BHYT một cách bài bản; và đảm bảo tính khả thi của Luật, cũng như phù hợp với các văn bản Luật liên quan...

Đây là đánh giá của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng tại buổi thẩm định Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT được tổ chức tại Bộ Tư pháp mới đây. Dự án Luật BHYT (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua gồm có 4 nhóm chính sách bao gồm: Điều chỉnh đối tượng tham gia BHYT đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan; Điều chỉnh phạm vi quyền lợi BHYT phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ BHYT và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn; Điều chỉnh các quy định BHYT có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh BHYT; Phân bổ sử dụng quỹ BHYT hiệu quả.

Khẳng định sự cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung Luật BHYT, Bộ Y tế cho biết mục tiêu của việc sửa đổi nhằm: Bảo đảm người dân được tham gia BHYT theo nhóm đối tượng phù hợp; bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe, yêu cầu chuyên môn và khả năng chi trả của quỹ BHYT. Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung sẽ tạo thuận lợi cho việc cung ứng, sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT; nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở và hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ BHYT...

Đây là mục tiêu lý tưởng mà việc xây dựng Luật BHYT luôn bám sát từ Luật BHYT đầu tiên được ban hanh và các lần sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, như ý kiến của Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa: Các nội dung được đề xuất sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật BHYT lần này khá rộng, vì vậy cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế cũng như đánh giá tác động tài chính một cách đầy đủ, thận trọng để đảm bảo tính khả thi của dự thảo Luật cũng như điều chỉnh phạm vi quyền lợi cho phù hợp với mức đóng, khả năng cân đối quỹ BHYT.

Một trong những nội dung sửa đổi rất được BHXH Việt Nam quan tâm và kiến nghị nhiều lần là cấp bách phải thay đổi khái niệm, nội hàm “Giám định BHYT”. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa cho biết: Theo quy định của Luật BHYT hiện hành, Khoản 6 Điều 2 Luật BHYT: “Giám định BHYT là hoạt động chuyên môn do tổ chức BHYT tiến hành nhằm đánh giá sự hợp lý của việc cung cấp dịch vụ y tế cho người tham gia BHYT, làm cơ sở để thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT”. Điểm b khoản 1 Điều 29 Luật BHYT quy định: “Nội dung giám định BHYT bao gồm:... Kiểm tra, đánh giá việc chỉ định điều trị, sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế cho người bệnh...".

Xuất phát từ yêu cầu “đánh giá sự hợp lý của việc cung cấp dịch vụ y tế” theo quy định của Luật BHYT nêu trên, thực tế thực hiện công tác giám định BHYT đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập. Nhiều cơ sở KCB BHYT không thống nhất với kết quả giám định của cơ quan BHXH, không thống nhất về chuyên môn của công tác giám định, cũng như cho rằng ảnh hưởng đến công tác chuyên môn của nhân viên y tế và quyền lợi của người bệnh. Đây cũng là một trong các nguyên nhân gây vướng mắc kéo dài trong thanh toán, chậm thanh toán, quyết toán chi phí KCB BHYT trong thời gian qua...

Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, việc Luật BHYT giao cơ quan BHXH thực hiện đánh giá chỉ định, điều trị... như nêu trên là không phù hợp. Những năm qua, hoạt động giám định BHYT của cơ quan BHXH là thực hiện kiểm tra, rà soát, đối chiếu các yêu cầu thanh toán chi phí KCB BHYT của cơ sở KCB BHYT, của người tham gia BHYT với các quy định của pháp luật về BHYT, về KCB, các quy trình chuyên môn, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, danh mục dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế của Bộ Y tế; và các quy định pháp luật liên quan để xác định chi phí KCB được thanh toán theo chế độ BHYT. Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu sửa đổi toàn diện, thay đổi nội hàm công tác giám định BHYT theo thực tế hoạt động giám định BHYT đúng với chức năng, nhiệm vụ của ngành BHXH Việt Nam...

Chủ trì Hội đồng thẩm định Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cho biết, Bộ Tư pháp sẽ tiếp thu và thể hiện đầy đủ các ý kiến trong Báo cáo thẩm định. Theo Thứ trưởng, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT là một Luật khó, có tác động nhiều đến người dân, đặc biệt là các đối tượng khó khăn, yếu thế. Do đó, một trong yêu cầu đặt ra cho cơ quan chủ trì soạn thảo là rà soát các khó khăn, vướng mắc của hoạt động BHYT trong thực tế để sửa đổi Luật BHYT một cách bài bản và đảm bảo phù hợp với Luật KCB. Xây dựng cơ chế thống nhất quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về y tế và BHYT trong công tác giám định BHYT; quy định về quyết toán chi phí KCB BHYT...

Mộc Miên


Viết bình luận


ASXHPortalBoxRight
ASXHPortalBoxRight
ASXHPortalBoxRight
ASXHPortalFooter
Phần mềm CMS liên hệ 0903234444