Hoàn lưu bão số 3 (Yagi) đã gây mưa lớn ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Tại các địa phương như: Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Cao Bằng..., mưa lớn, lũ quét gây ngập lụt trên diện rộng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người dân. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, ngành Y tế các tỉnh trên đã khẩn trương triển khai công tác hỗ trợ, ứng cứu, cố gắng bảo đảm an toàn cho người dân. Đồng thời, tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm cứu chữa người bị thương; khẩn trương khắc phục hậu quả tại các cơ sở y tế, không để gián đoạn trong công tác cấp cứu, điều trị cho người dân, không để người dân không được KCB…
Ghi nhận tại tỉnh Yên Bái, nhiều trạm y tế bị cô lập, ngập sâu trong nước. Trong điều kiện khó khăn ấy, các nhân viên y tế vừa phải oằn mình chống lũ, vừa khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra; đồng thời túc trực 24/24h tại cơ sở để sẵn sàng cấp cứu lưu động. Theo BS.Nguyễn Thị Thu Hường- Trưởng Trạm Y tế Nam Cường, vì là vùng trũng, nên ngay sau khi nhận được chỉ đạo của cấp trên, Trạm đã chủ động triển khai các giải pháp phòng chống mưa lũ. Đặc biệt, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cấp cứu những người dân bị tai nạn do sạt núi, vùi lấp; thậm chí sẵn sàng ứng phó với tình huống thương vong hàng loạt.
Tại tỉnh Cao Bằng, nhằm đảm bảo công tác KCB cho người dân vùng lũ, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã tổ chức trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24h, trực phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại đơn vị. Theo đó, sẵn sàng thu dung, cấp cứu cho nạn nhân; chủ động triển khai các phương án đảm bảo nguồn nhân lực, thuốc, hóa chất, vật tư thiết bị y tế, phương tiện vận chuyển theo phương châm “4 tại chỗ”…
Sau bão, nguy cơ dịch bệnh bùng phát là nỗi lo của người dân các địa phương. Tại tỉnh Bắc Kạn, Sở Y tế Bắc Kạn đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong ngành chủ động rà soát, đánh giá nguy cơ về dịch bệnh tại các vùng có thể bị mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng và chủ động triển khai các phương án phòng chống dịch bệnh khi có tình huống xảy ra. Tổ chức giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm như: Tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết, nhất là cần đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa (tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn...).
Còn tại tỉnh Lào Cai, nhằm xử lý vệ sinh môi trường sau khi nước rút, trước đó, Sở Y tế Lào Cai đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và TTYT các huyện, thành phố tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuẩn bị vật dụng chứa nước sạch; cũng như thu gom, quản lý chất thải y tế, đảm bảo vệ sinh cá nhân theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời, chủ động giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm tại khu vực chịu ảnh hưởng của bão lụt.
Song hành cùng những nỗ lực của ngành Y tế, BHXH các tỉnh miền núi phía Bắc đã không ngừng cố gắng đảm bảo việc KCB BHYT cho người dân được thực hiện kịp thời, đầy đủ. Dù đối mặt với nhiều khó khăn do bão lũ, BHXH các tỉnh vẫn nỗ lực vượt qua, để phối hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế nhanh chóng giải quyết quyền lợi cho người tham gia BHYT, đảm bảo người dân được tiếp cận dịch vụ y tế.
Đặc biệt, hỗ trợ tối đa cho người dân trong những lúc cấp bách, từ việc gia hạn thẻ BHYT, linh hoạt các phương thức đóng, cho đến tạo điều kiện thuận lợi trong việc KCB, hỗ trợ về TTHC trong chuyển tuyến KCB… Qua đó, đã góp phần đảm bảo công tác KCB BHYT được thông suốt, giúp bảo vệ quyền lợi và xoa dịu những khó khăn cho người dân vùng mưa lũ.
Là địa phương chịu thiệt hại nặng nề do bão Yagi, hiện nay, BHXH tỉnh Cao Bằng đang tích cực phối hợp với ngành Y tế và các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đảm bảo công tác điều trị cho người bệnh; giúp người dân, người bệnh được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT với thủ tục nhanh nhất, đơn giản nhất.
Theo ông Ngô Văn Chiến- Giám đốc BHXH tỉnh Cao Bằng, với mục tiêu đảm bảo người dân không bị gián đoạn, ảnh hưởng quyền lợi do lũ lụt, BHXH tỉnh đã và đang phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các cơ sở KCB BHYT đảm bảo thuận lợi nhất cho người dân trong KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT. Đồng thời, áp dụng các biện pháp linh hoạt để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, phù hợp với điều kiện thực tế.
Cũng là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của bão Yagi, hiện BHXH tỉnh Lào Cai đang cùng các lực lượng chức năng và người dân tập trung mọi nguồn lực, khẩn trương khắc phục thiệt hại sau bão. Hiện, BHXH tỉnh đã tạm ứng đầy đủ nguồn kinh phí cho các cơ sở KCB BHYT. Cùng với đó, phân công cán bộ thường trực tại các cơ sở KCB, kịp thời giải quyết ngay các vướng mắc về thủ tục KCB của người bệnh như thẻ BHYT, giấy chuyển viện... để đảm bảo tất cả người bệnh được KCB ngay và kịp thời.
Những ngày cơn bão số 3 đi qua, không chỉ riêng các tỉnh Cao Bằng, Lào Cai, mà các tỉnh khác thuộc khu vực miền núi phía Bắc cũng phải căng mình chạy đua với thời gian để đảm bảo quyền lợi KCB BHYT cho người dân giữa cảnh bão lũ hoành hành. Trong những ngày mưa lũ dâng cao, từng cán bộ BHXH không quản ngại khó khăn, phối hợp sát sao với ngành Y tế và các cơ sở y tế giải quyết quyền lợi cho người tham gia BHYT một cách nhanh chóng và chính xác nhất…
Đáng chú ý, tại những khu vực bị cô lập, thiếu điện, thiếu internet, các cán bộ BHXH vẫn linh hoạt cập nhật dữ liệu trực tiếp, không để người dân phải chờ đợi. Các trạm y tế tại những nơi ngập sâu trong nước cũng không ngừng cố gắng, vừa sơ tán trang thiết bị lên cao, vừa tiếp nhận và điều trị kịp thời cho người bệnh. Sự quyết liệt, sáng tạo trong cách giải quyết của cơ quan BHXH đã giúp đảm bảo quyền lợi KCB cho người dân vùng lũ, góp phần không nhỏ vào nỗ lực chung chống lại thiên tai, bảo vệ sức khỏe và cuộc sống của người dân.
Thực hiện và trình bày: Hà Hùng
Hải Phòng là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước sớm đạt tỷ lệ 100% HSSV tham gia BHYT. Thành tích này liên tục được duy trì và phát triển bền vững trong những năm qua...
Những năm qua, tại tỉnh Vĩnh Phúc, chính sách BHYT HSSV đã được triển khai hiệu quả, góp phần chăm sóc sức khỏe của HSSV.
Đắk Nông là tỉnh miền núi, biên giới, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, những năm qua, các cấp chính quyền nơi đây đang quyết tâm thực hiện tốt chính sách BHYT, nhất là không để học sinh, sinh viên (HSSV) nào chịu thiệt thòi quyền lợi bằng cách đẩy nhanh hoàn thành mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT. PV Tạp chí BHXH đã trao đổi với ông Hồ Hữu Tuấn- Giám đốc BHXH tỉnh Đắk Nông về vấn đề này.
Chính sách “thông tuyến” KCB BHYT được thực hiện từ năm 2016. Đây là điểm “đột phá” của Luật BHYT 2014, mang lại thuận lợi cho người dân, trong đó có HSSV trong tiếp cận dịch vụ y tế. Tuy nhiên, tác động của chính sách này đến hiệu suất hệ thống y tế và hiệu quả chi phí KCB cũng là những vấn đề cần được xem xét…